Loạt bài: "“Tầm nhìn chiến lược, giải pháp đột phá đưa đất nước bước vào
giai đoạn phát triển mới” của nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh - Ngô Việt Anh - Nguyễn Xuân Bách - Trịnh Quốc Dũng - Bùi Thị Bông - Phạm Duy Khánh - Bùi Thị Lan - Vũ Duy Linh - Đồng Nguyên Anh - Bùi Văn Hoà, Báo Nhân Dân, đoạt giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn tới tươnglai rạng rỡ
Những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong gần 35 năm đổi mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra thách thức, thời cơ mới để Việt Nam “đi tắt đón đầu”, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, thể hiện khát vọng và ý chí vươn tới tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc.
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng” khẳng định, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã và đang được chuẩn bị một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, thể hiện khát vọng và ý chí vươn tới tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc với các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, Đại hội XIII tiến hành vào đầu năm 2021, rất gần những mốc son lịch sử vĩ đại của dân tộc: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một thế kỷ là thời gian đủ để nhân dân suy ngẫm, đánh giá, khẳng định những giá trị lịch sử vĩ đại của một dân tộc, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc và tin tưởng, tự hào, tiếp bước trên những chặng đường mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Qua những bước thăng trầm của những năm đầu xây dựng CNXH, mô hình ở một số nước đã sụp đổ, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội VI. Sau 35 năm, những chủ trương, đường lối của Đảng có những bước đột phá. Đại hội Đảng lần này không chỉ tổng kết nhiệm kỳ mà còn nhìn lại, đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020), 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
“Đây là thời điểm thích hợp, thời gian đủ để đánh giá những giá trị lý luận của đường lối đổi mới, khẳng định con đường đúng đắn của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Qua đó mới thấy hết giá trị của đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được, khơi dậy lòng tự hào dân tộc”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những năm tới, Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do đó sẽ gặp phải nhiều thách thức. Vì vậy, đường lối của Đảng phải vươn tới “tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI”, không chỉ là năm năm, 10 năm.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật, tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện, vững mạnh, từ đó tạo được sự ổn định về chính trị, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010-2019

Thu nhập bình quân đầu người
Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế. Năm 2020, tổng GDP của Việt Nam ước đạt 300 tỷ USD trên 100 triệu dân, thu nhập bình quân trên đầu người đạt khoảng 3.000 USD/người/năm. Như vậy, thu nhập bình quân sau 35 năm đổi mới đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ bắt đầu đổi mới, và số dân tăng gấp hai lần. Động lực thúc đẩy đổi mới về kinh tế thắng lợi trong giai đoạn qua chính là từ đường lối đổi mới đúng đắn từ Đại hội VI của Đảng, tiếp tục được bổ sung tại các kỳ đại hội tiếp theo. Lực lượng sản xuất được giải phóng trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển trong suốt gần 35 năm.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, bên cạnh thành tựu về kinh tế, những vấn đề về xã hội, văn hoá cũng được giải quyết rất căn bản. Hệ thống các chính sách xã hội hướng tới nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, trong đó phải kể đến một số các chương trình lớn về xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội... Uy tín quốc tế và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế thừa nhận.
“Những thành tựu này có thể gói gọn lại trong câu nói của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy đất nước ta phát triển nhanh hơn trong thời gian tới”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, các văn kiện của Đảng cần làm rõ những tiêu chí: nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và trong những tiêu chí ấy phải có tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người.
