Loạt bài 4 kỳ "Chặt" vòi bạch tuộc biến của công thành của tư của tác giả Ngô Nguyên, Báo Đầu tư đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020. Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Quan chức câu kết với doanh nghiệp bất chính xẻ thịt đất công, chia chác tiền ngân sách xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, kéo dài nhiều năm. Quyền lực càng cao, tác hại gây cho xã hội càng lớn. Không chỉ hàng chục ngàn tỷ đồng bốc hơi, mà hậu họa là xói mòn niềm tin của người dân.
Dự án tại địa chỉ 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) khiến hàng loạt quan chức Bộ Công thương vướng lao lý. Ảnh: Lê Toàn
Người đương quyền… ngã ngựa
Ở Hà Nội, dư luận rúng động khi mới đây, ngày 20/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn.
Trước đó, Thanh tra Hà Nội công bố, việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho triển khai nhân rộng tại 87/125 hồ ở khu vực nội thành.
Ông Hùng còn bị điều tra trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Liên quan vụ án này, trước đó, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung trong thời gian 90 ngày để điều tra.
Ông Chung còn bị đình chỉ để điều tra làm rõ ở 2 vụ án khác, gồm vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan; vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố đối với 3 bị can khác là thư ký, lái xe của ông Chung và nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).
Tại TP.HCM, người dân vẫn chưa hết xôn xao, bởi trưa ngày 11/7/2020, khi Kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP.HCM khóa IX vừa bước qua 2,5 ngày làm việc (tức chỉ còn nửa ngày nữa là Kỳ họp kết thúc), thì các báo đồng loạt đưa tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Trong khi, buổi sáng cùng ngày, ông Tuyến còn trả lời chất vấn đại biểu HĐND.
Ông Tuyến bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự (năm 2015), vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH - MTV (SAGRI).
Ông Tuyến được cho là sai phạm liên quan việc cho phép SAGRI chuyển nhượng Dự án Nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng, thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cùng với ông Tuyến ở vụ án trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 3, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM và một số bị can khác. Trước đó, tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (SAGRI).
Chức càng cao, sai phạm càng khủng
Cũng trong tháng 7/2020, Bộ Công an khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao Bộ Công thương gồm: cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ liên quan sai phạm tại dự án ở khu đất có diện tích khoảng 6.000 m2 tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, buộc Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 6.000 m2 đất 4 mặt tiền tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng là “đất vàng” công sản được UBND TP.HCM giao Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương) làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng với vốn đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.
Dù biết khu đất đã được giao Sabeco quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng dự án và không được thành lập pháp nhân mới, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) trái với quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg để đầu tư Dự án.
Căn cứ chỉ đạo này, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco đã ký công văn kèm theo các văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư Dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.
Kết cục, sổ đỏ khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, vốn là của công, đã thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã gây hậu quả thiệt hại, thất thoát và lãng phí cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn.
Không chỉ cấp bộ, ở cấp thấp hơn, khi người đứng đầu, giữ vị trí chủ chốt, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai mà sai phạm cũng gây thiệt hại ghê gớm cả về vật chất lẫn con người.
Điển hình, ở Đà Nẵng, khi đương chức, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014 đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai khi đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản.
Tất cả việc làm trên để giúp Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 thâu tóm nhiều nhà, đất ở vị trí vàng, mua rẻ hơn nhiều so với giá trị thực, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, đất đai, mà đau xót hơn, những sai phạm đó còn kéo thêm 14 cán bộ của TP. Đà Nẵng rơi vào vòng lao lý.
Tháng 5/2020, tại phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng Xét xử sau khi tuyên phạt ông Chiến 10 năm tù, ông Minh 17 năm tù, đã tuyên bắt tạm giam luôn hai cựu chủ tịch ngay tại tòa.
Càng khui càng ra tội
Thực tế ở những vụ đại án liên quan tới quan chức cho thấy, khởi tố chỉ mới là bước mở màn cho việc phanh phui hàng loạt vấn đề sau đó. Minh chứng là ông Đinh La Thăng, dù đang chịu án 30 năm tù, vẫn vừa bị khởi tố tiếp.
Cụ thể, tháng 12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và mất trắng số tiền này.
Thời điểm đó, ông Thăng đương chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trước đó, ông Thăng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Năm 2018, ông Đinh La Thăng bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù trong vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ocean Bank. Cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt mà ông Thăng phải chịu là 30 năm tù cùng hơn 600 tỷ đồng bồi thường thiệt hại.
Đang thụ án 30 năm tù, mới đây, ngày 14/8/2020, ông Thăng lại bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố cùng với nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường và một số cá nhân khác để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đề cập những đại án đã và đang gây chấn động dư luận, luật sư Bùi Phúc Thạch (Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt - TP.HCM) nhận diện, các vụ liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước thường do những người có quyền chức và “ê kíp” thực hiện; người có quyền chức càng cao, thì hậu quả về vật chất càng lớn.
Tại Phiên họp thứ 18, ngày 25/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 143 vụ án/399 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự trong cả nước đã thu hồi trên 37.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng và nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.
Bài 2: “Độc chiêu” thao túng công quyền
Hối lộ đã là phương pháp quá… phổ thông. Các vụ đại án cho thấy, doanh nghiệp có rất nhiều “độc chiêu”, bất chấp tất cả để trục lợi nếu “đánh hơi” thấy đất công.
Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) khiến cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài “ngã ngựa”.
Đa phần các vụ việc có cán bộ tham nhũng luôn đi kèm sự hiện diện đặc biệt của doanh nghiệp, hình thành quan hệ win - win (cùng có lợi). Hối lộ đã là phương pháp quá… phổ thông. Các vụ đại án cho thấy, doanh nghiệp có rất nhiều “độc chiêu”, bất chấp tất cả để trục lợi nếu “đánh hơi” thấy đất công.
Đổi tình lấy… tài sản nhà nước
Chiêu này đã tăng thêm sức nóng trên nhiều diễn đàn, bởi người vì tình mà “ngã ngựa” là ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 2008 - 2011). Dự kiến, từ ngày 16 đến 21/9 tới, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Tài và 4 đồng phạm vì gây thất thoát hơn 1.927 tỷ đồng.
Sự vụ bắt đầu từ khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) - tài sản thuộc sở hữu nhà nước được giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (Công ty Quản lý nhà TP.HCM) quản lý và cho thuê.
Tháng 11/2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn cùng một phần trung tâm thương mại và đã duyệt lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue để đầu tư khai thác Dự án. Theo chủ trương này, Công ty Quản lý nhà TP.HCM góp 50% cổ phần, số còn lại do 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương góp.
Vốn có mối quan hệ tình cảm với ông Tài, bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm làm tờ trình xin được tham gia Dự án, tự giới thiệu Công ty có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm mới được thành lập, chưa thực hiện dự án bất động sản nào.
Bởi “chữ tình”, ông Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty Quản lý nhà TP.HCM, đang bị truy nã), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cùng thực hiện các hành vi chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn tại Dự án. Công ty Hoa Tháng Năm trở thành cổ đông quan trọng và người tình của ông Tài leo lên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue.
Sau đó, 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương bán đứt 50% cổ phần cho doanh nghiệp cho vay vốn (vì vốn góp là vốn vay). Kết cục, phần vốn nhà nước trong Dự án chỉ còn 20%; 80% rơi vào tay tư nhân.
Tiếp theo, ông Tài cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue thanh lý nhà số 8 - 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại.
Theo xác định ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, hành vi của ông Tài cùng các bị can gây hậu quả, thiệt hại và thất thoát lãng phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Bức bình phong… phục vụ an ninh
Núp bóng quan chức hay cơ quan dân sự cũng là chiêu thức… quá cũ. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) mượn danh nghĩa tình báo công an và bình phong là 2 công ty của ngành công an để trục lợi cá nhân cho thấy lỗ hổng rất lớn ở khâu tuyển dụng, kiểm soát trong ngành này.
Vốn là “đại gia” bất động sản tại Đà Nẵng, tháng 10/2009, Vũ “nhôm” được tuyển dụng vào ngành công an, rồi từng bước được thăng lên tới hàm thượng tá.
Lọc lõi trong nghề bất động sản, lại có được bình phong, tại nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, TP.HCM, Vũ “nhôm” chỉ dùng “chiêu” quen thuộc là xin thuê, chuyển quyền sử dụng đất phục vụ… ngành, dưới sự trợ lực của một số cá nhân công tác tại Bộ Công an. Sau khi được giao đất, Vũ lập tức sang tên sổ đỏ từ công ty bình phong sang cá nhân mình hoặc công ty con rồi bán, cho thuê trục lợi.
Năm 2009, Vũ lấy danh nghĩa tổ chức bình phong Công ty CP Bắc Nam 79 để xin chính quyền Đà Nẵng cho mua gần 200 m2 nhà đất tại số 319 - Lê Duẩn “phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. UBND TP. Đà Nẵng duyệt bán diện tích này cho Vũ với giá 6,2 tỷ đồng. Khi công ty bình phong được cấp sổ đỏ nhà đất trên, Vũ sang tên cá nhân và cho thuê. Cơ sở nhà đất này sau đó được thẩm định lại, giá trị thị trường lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, Vũ cũng sử dụng công ty bình phong đề nghị chính quyền Thành phố cho thuê, giao đất để… phục vụ an ninh. Tất nhiên, Vũ không thể “quên” quan hệ với lãnh đạo chính quyền TP.HCM.
Kết quả, 3 lô đất vàng công sản với diện tích hơn 5.800 m2 ở TP.HCM (số 15 - Thi Sách; số 8 - đường Nguyễn Trung Trực và số 129 - Pasteur) rơi vào tay Vũ với giá “bèo bọt”.
Tổng cộng, Vũ “nhôm” đã thâu tóm khoảng 36 địa chỉ nhà, đất công sản với tổng diện tích khoảng 63 ha tại TP.HCM và Đà Nẵng, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách.
Với những vụ thâu tóm đất công, Vũ “nhôm” đã khiến hàng loạt quan chức cao cấp từ trung ương tới địa phương rơi vào vòng lao lý, gồm Bùi Văn Thành, cựu trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Việt Tân, cựu thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM và 3 quan chức cấp sở, phòng của TP.HCM; 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến) cùng 12 quan chức sở, ngành.
Tăng vốn điều lệ để thâu tóm đất quốc phòng
Doanh nghiệp nhà nước thường dùng “vốn sẵn có” là quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh. Những khu đất công này được định giá thấp hơn thị trường, trở thành miếng mồi béo bở cho doanh nghiệp “biến” thành đất tư bằng chiêu thức liên doanh, thay đổi vốn điều lệ để nắm quyền chi phối.
Điển hình là vụ hơn 7.300 m2 đất quốc phòng tại số 2, số 7 - 9 và số 9 - 11 đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), khiến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến phải lĩnh án tù 4 năm.
Cụ thể, tháng 3/2006, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên. Tháng 12/2007, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị khu đất số 2 - đường Tôn Đức Thắng là 187 tỷ đồng để Công ty Hải Thành “làm vốn” ký kết với Công ty Cảnh Hưng thành lập liên doanh Công ty Cảnh Hưng Hải Thành thực hiện dự án.
Dù đã được chỉ đạo không được cho góp vốn bằng sổ đỏ vì sẽ mất đất, nhưng ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân) đã ký nhiều văn bản chấp thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Chưa hết, từ tham mưu của cấp dưới, ông Hiến ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM lấy lý do “việc nộp số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước là rất khó khăn đối với kinh phí của Bộ Tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành”, rồi xin được ghi thu, ghi chi tiền sử dụng khu đất vào thẳng tài khoản của Quân chủng Hải quân, sau đó Quân chủng Hải quân sẽ chi cho Công ty Hải Thành để tạo một phần vốn đầu tư dự án. Khi dự án đi vào hoạt động, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ chỉ đạo Công ty Hải Thành chuyển toàn bộ tiền thu được về đơn vị này sử dụng theo đúng quy định.
Sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp sổ đỏ, tháng 5/2008, các bên ký hợp đồng góp vốn, xác định giá trị góp vốn của Công ty Hải Thành là 187 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất số 2 - đường Tôn Đức Thắng với thời hạn 49 năm. Sau khi xây dựng tòa nhà hàng chục tầng và cho thuê làm văn phòng, Công ty Cảnh Hưng đã bán hết cổ phần (chiếm 90% vốn góp) cho một số đối tác, khiến tài sản thuộc phán quyết của tư nhân.
Chiêu này cũng được áp dụng với khu đất số 9 - 11 Tôn Đức Thắng. Công ty Hải Thành ký hợp đồng với Công ty Mai Anh thành lập liên doanh Công ty TNHH Mai Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD (Hải Thành góp 10%, Mai Anh góp 90%) thực hiện Dự án Xây dựng cao ốc đa chức năng. Giá trị quyền sử dụng khu đất này do UBND TP.HCM phê duyệt là 248 tỷ đồng, được “ghi nhớ” và sẽ được chuyển cho Quân chủng Hải quân sử dụng.
Ngay khi được chuyển mục đích sang đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, được cấp sổ đỏ thời hạn 50 năm, Công ty Hải Thành và Công ty Mai Anh lập tức ký phụ lục sửa đổi hợp đồng liên doanh, nâng vốn điều lệ của liên doanh lên 510 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Hải Thành vẫn giữ nguyên vốn góp 248 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất, chỉ còn giữ tỷ lệ 48,64%, còn giá trị vốn góp của Công ty Mai Anh tăng lên 51,36%.
Tiếp đó, khi sổ đỏ được mang tên liên doanh Công ty TNHH Mai Thành, tháng 12/2009, các bên lại sửa đổi, xác định vốn điều lệ của công ty liên doanh lên 1.050 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Hải Thành giữ nguyên số vốn góp, Công ty Mai Anh chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty TCO Việt Nam và cán cân kiểm soát tài sản công lúc này rơi vào tay Công ty TCO, khi chiếm 50% vốn điều lệ.
Hành vi đổi tình lấy của công, dùng quyền lực tẩu tán tài sản nhà nước để kiếm chác hàng triệu USD và đặc biệt là biến đất quốc phòng thành tài sản tư nhân cho thấy, các doanh nghiệp “mafia” bất chấp mọi chiêu thức để trục lợi.
Hối lộ, “lại quả” như… cơm bữa
Trong hàng loạt đại án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, hiện tượng hối lộ xuất hiện như… “cơm bữa”, điển hình là vụ MobiFone mua cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).
Hồ sơ vụ án thể hiện, với sự trợ giúp đắc lực của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng cấp dưới, MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho cá nhân cùng các cổ đông AVG tới 6.500 tỷ đồng, còn Nhà nước thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng.
Đổi lại, lãnh đạo AVG đã “lại quả” tới 3 triệu USD cho ông Nguyễn Bắc Son, chưa kể các cá nhân khác. Tại phiên xử phúc thẩm hồi tháng 4/2020, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định, việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ số tiền lên đến 3 triệu USD là “xưa nay chưa từng có”.
Bài 3: Giải mã tham nhũng đất công
Những mảnh đất vàng, đất kim cương giữa lòng đô thị lớn là tâm điểm cho tâm địa không giới hạn của nhóm doanh nghiệp bất chính và quan chức tha hóa.
Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Dự án Khu nhà ở Phước Long B (quận 9, TP.HCM) đã được chuyển nhượng với giá rẻ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Ảnh: Lê Toàn
Những mảnh đất vàng, đất kim cương giữa lòng đô thị lớn là tâm điểm cho tâm địa không giới hạn của nhóm doanh nghiệp bất chính và quan chức tha hóa. Sòng phẳng mổ xẻ tận gốc đối tượng, thủ đoạn, chỉ ra những kẽ hở luật pháp là điều rất cần thiết cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
Nhân dân không tham nhũng
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng.
Những vụ việc sai phạm được phanh phui vừa qua cho thấy một thực tế không thể phủ nhận, đó là tham nhũng chỉ xảy ra với những đảng viên, cán bộ được Đảng phân công làm việc trong các cơ quan công quyền có dính líu đến tài sản, tiền bạc và trách nhiệm trong việc quản lý điều hành, bổ nhiệm các vị trí trọng yếu trong các cơ quan của Đảng và chính quyền. Nhân dân không tham nhũng!
Và hậu quả không chỉ là sự thất thoát tài sản của xã hội, mà còn là sự “thất thoát của Đảng” về cán bộ và lòng tin của nhân dân. Đó mới là thất thoát lớn nhất, đau nhất.
Là một công dân yêu Đảng, tin Đảng, theo Đảng bao năm nay, tôi rất buồn và xấu hổ khi nói về các vụ việc này, vì trong số những người vi phạm đó, có những người tôi quen biết và là bạn của tôi nhiều năm, cùng lăn lộn trong công việc, nhưng rồi… Mỗi cá nhân không kiểm soát được bản thân, nhiều cá nhân như thế kết bè với nhau vì lợi ích kinh tế và quyền lực, thì dứt khoát phải “chén” thôi, phải “giành ghế” thôi!
Nếu không có ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và trên hết là những thể chế, chính sách, những quy định pháp luật đủ mạnh để răn đe và xử lý tội trạng, thì khó ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng chức quyền, lợi ích kinh tế.
Vậy tham nhũng có xóa bỏ được không? Không thể xóa bỏ được tham nhũng, vì nó nảy sinh bởi sự ham muốn từ quyền lực và lợi ích vật chất mà trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng đều có. Tham nhũng là một “quy luật xã hội có điều kiện” và thay đổi muôn hình vạn trạng. Khi có điều kiện, thì sẽ nảy sinh tham nhũng.
Nhưng nước ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng bằng cơ chế, chính sách và các quy định do Đảng, Nhà nước kiểm soát.
Luật quá nhiều, nhưng áp dụng kiểu gì cũng được
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Đa phần đại án là sai phạm trong lĩnh vực đất công. Pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam hiện nay hiểu kiểu này cũng được, mà kiểu kia cũng đúng.
Mặt khác, chúng ta có quá nhiều luật điều chỉnh phức tạp. Những vấn đề về đất đai được quy định ở Luật Đất đai. Khi xây nhà trên miếng đất đó, phải thực hiện theo Luật Nhà ở. Nếu đất đó là đất công, thì phải tuân theo Luật Đầu tư công. Còn nếu đất đó được mua - bán, lại liên quan Luật Kinh doanh bất động sản… Quá nhiều quy định pháp luật chồng chéo, phức tạp, nhưng lại thiếu đồng bộ, không rõ ràng và hiểu sao cũng được, khiến giới luật sư cũng phải… tranh cãi.
Chính điều đó tạo ra kẽ hở, cơ hội cho những người có chức vụ, quyền lực lợi dụng, nhũng nhiễu. Người dân hay doanh nghiệp muốn được việc, thì phải bôi trơn. Đó chính là tiêu cực, tham nhũng.
Và khe hở đó cũng giúp quan chức áp dụng “linh hoạt” để phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích, thể hiện rất rõ trong các vụ đại án thời gian qua.
Mặt khác, theo quy luật, khi có quyền lực, thì tất yếu nảy sinh chủ quan, duy ý chí và dẫn tới lạm quyền. Ở nước ta có cơ chế dân chủ, công khai thảo luận tập thể…, nhưng thực tế các vụ đại án liên quan người lãnh đạo cho thấy, những bộ phận kiểm soát này lại phụ thuộc, dưới quyền. Từ đó dẫn tới quan chức lộng hành, buộc cấp dưới hoặc phải vào “phe cánh”, hoặc bị loại khỏi “đội”.
Tức là, cơ chế kiểm soát quyền lực ngay từ đầu chưa ổn, dẫn tới quan chức càng ở vị trí cao, càng gây hại lớn. Nếu có người đồng chức, nhưng khác trách nhiệm trong cùng một đơn vị để kiểm soát ngay từ đầu, quyết định được vấn đề ngay từ đầu, thì khó mà dẫn tới hậu quả khủng khiếp về sau.
Ba điểm mấu chốt để biến của công thành của… ông
Luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt (TP.HCM)
Luật sư Bùi Phúc Thạch.
Qua theo dõi các đại án, có thể nêu ra một vài điểm mấu chốt trong các sai phạm để biến đất công thành đất… ông.
Thứ nhất, là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp góp vốn nhà nước bằng hình thức giao “đất vàng”, nhưng giá trị đất được định giá rất thấp và thường không do đơn vị khách quan thẩm định. Sau khi góp vốn, quyền sử dụng đất nhanh chóng được chuyển cho đơn vị thứ ba để hợp thức hóa tài sản.
Thứ hai, là các vi phạm nghiêm trọng thường xảy ra trong quy chế đấu thầu liên quan việc triển khai dự án có vốn nhà nước. Nhiều quy định hiện hành không chặt chẽ, tạo khe hở cho việc lách luật, tình trạng “sân sau”, “chân gỗ” hoặc dàn dựng “chỉ định thầu”.
Thứ ba, là thất thoát trong các dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Nhiều nhà đầu tư được ưu ái chỉ định, “đất vàng” được định giá trị rất thấp để đổi lấy công trình hạ tầng, nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định, gây thất thoát tài sản công (chủ yếu là tài sản đất đai, trụ sở làm việc), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp không có nhu cầu móc ngoặc, nhưng…
Ông Lê Hoàng Châu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận một cách sòng phẳng, các doanh nghiệp không muốn dính líu, bắt tay hay có nhu cầu móc ngoặc với quan chức. Cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước mong muốn được hoạt động trong môi trường kinh doanh mà tính “minh bạch” là yêu cầu hàng đầu. Có “minh bạch” thì mới có công bằng, bình đẳng để tạo nên cạnh tranh theo luật pháp một cách lành mạnh, bền vững.
Nhưng trên thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp được chỉ định đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích rất lớn; được giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng rất nhanh; được phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số rất thuận lợi; được xác định tiền sử dụng đất rất mau lẹ.
Nhìn sâu vào các vụ đại án, có thể thấy, những lợi ích trên thường rơi vào nhóm “sân sau”, tận dụng được những khe hở pháp lý để thao túng.
Điển hình là việc đấu giá đất. Nếu Nhà nước có quỹ đất và tổ chức đấu giá công khai quỹ đất, hoặc đấu thầu minh bạch dự án có sử dụng đất công để lựa chọn nhà đầu tư, thì dứt khoát sẽ bán được với giá thị trường cao hơn rất nhiều so với giá bồi thường. Đó là khoản chênh lệch địa tô từ việc chuyển công năng và mục đích sử dụng đất sau khi đấu giá, đấu thầu. Khoản chênh lệch này nếu thuộc về ngân sách nhà nước và đem phục vụ lợi ích công cộng, sẽ hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện của người dân.
Nhưng các vụ đại án cho thấy, vẫn chưa có cơ chế để phát huy đầy đủ tính công khai, minh bạch trong đấu giá đất, dẫn tới những cuộc thu hồi bồi thường hay đấu giá thiếu minh bạch, thông thầu, chỉ định thầu… để tạo nên chênh lệch địa tô rất lớn.
Khoản chênh lệch địa tô đó lại rơi vào một nhóm người là doanh nghiệp “sân sau” cùng một số quan chức và tất yếu sẽ xảy ra khiếu kiện, thậm chí quyết liệt, chưa nói các vấn đề khác.
Rõ ràng, nhóm doanh nghiệp sân sau, thân hữu tuy là thiểu số, thậm chí rất ít, nhưng đều “có nanh, có vuốt” đã không chỉ gây bức xúc xã hội, khiến cộng đồng doanh nghiệp phải cạnh tranh không sòng phẳng, mà còn lũng đoạn khiến môi trường kinh doanh không minh bạch, nguy hiểm hơn là gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân.
Bốn nhóm thủ đoạn của tội phạm tham nhũng
Nguyên Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương khi còn sống đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề tham nhũng. Theo ông, tội phạm tham nhũng thường tập trung vào 4 nhóm thủ đoạn.
Một là, tham nhũng thông qua các công trình, dự án kinh tế với các hành vi lập khống giá trị hay sự ưu ái, chỉ định cho các doanh nghiệp, đơn vị có mối thân quen để trục lợi.
Hai là, tham nhũng thông qua mua chuộc quyền lực, thương mại hóa quyền lực để hưởng lợi từ việc được ưu ái mua rẻ đất công. Bất động sản có giá trị rất lớn, nhất là những khu “đất vàng” ở đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Những vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” và các cựu lãnh đạo Đà Nẵng đang được làm rõ chính là điển hình của thủ đoạn này.
Ba là, tham nhũng thông qua chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, thăng chức dựa trên các mối quan hệ thân hữu, nâng đỡ không trong sáng, không tuân thủ các quy định, quy trình hoặc hợp thức hóa các quy định, quy trình để đạt mục đích.
Bốn là, tham nhũng thông qua chạy tội. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, bởi nó nhắm thẳng vào các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và thực thi pháp luật, như công an, thanh tra, kiểm sát…
Bài 4: Chặt đứt, chặn đứng tham nhũng
Qua các vụ đại án, nhất là liên quan đến đất công, có thể thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Qua các vụ đại án, nhất là liên quan đến đất công, có thể thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Hiện nay, cả nước đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, vì thế, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng.
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ra tòa phiên xét xử tháng 12/2019 vì giao không đấu giá 5.000 m2 tại số 15 Thi Sách, quận 1 cho Vũ "nhôm”. Ảnh: Lê Toàn
Tham nhũng được hiểu là dùng quyền lực công để mưu lợi ích tư. Mục tiêu của cuộc chiến phòng chống tham nhũng chính là loại trừ những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ có thể thực hiện hành vi tham nhũng.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, căn nguyên quan chức sai phạm, “sân trước, sân sau”, “nhóm lợi ích” còn bởi “ta chưa kiểm soát hết được quyền lực của người lãnh đạo đang nắm giữ các cương vị chủ chốt. Các vị này, nhất là cái “bóng” của họ xòe ra cho con cháu “ngọ nguậy” trong các cơ quan công quyền, các tổ chức kinh tế với các dự án to nhỏ khắp nơi. Với các vị ấy, họ biết hết, hiểu hết, ở cương vị càng cao càng biết nhiều, hiểu nhiều.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt (TP.HCM) đề nghị phải mạnh dạn gạt bỏ tư tưởng công trạng và tình trạng “ăn mày quá khứ cha ông”; bố trí, tuyển chọn, đề bạt cán bộ phải trên nền tảng của sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng về năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức.
Đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua, GS-TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, kết quả đó thể hiện quyết tâm không thể thỏa hiệp với “quốc nạn” tham nhũng, nhưng cần xử lý triệt để cơ chế “đẻ” ra tham nhũng. Khi vẫn còn duy trì cơ chế xin - cho, đất cũng xin, vốn cũng xin, cái gì cũng xin, thì đương nhiên khó tránh được tham nhũng.
“Muốn xóa tham nhũng tận gốc, thì phải xóa cơ chế xin - cho và phải kiểm soát được quyền lực”, GS-TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, muốn tham nhũng thì phải có quyền lực. Đảng đã quyết tâm “nhốt quyền lực trong lồng luật pháp”, vì thế, việc chấn chỉnh nội bộ trong Đảng là cực kỳ quan trọng, biến Đảng thật sự thành đảng cầm quyền gương mẫu, quay lưng với tham nhũng, để làm sao cán bộ “không thể, không dám và không muốn” tham nhũng. Chắc chắn trong cuộc đấu tranh đó, người dân luôn luôn ủng hộ.
Nguồn: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2019 (PAPI 2019). Đồ họa: Thanh Huyền
Kiểm tra từ đầu tài sản của người đứng đầu
Thực tế không thể phủ nhận, lương cán bộ hiện nay thấp, nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều quan chức có khối lượng tài sản lớn, được che giấu dưới nhiều hình thức.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Đảng đã có sự giám sát bằng kê khai tài sản hàng năm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cán bộ, công chức thuộc diện kê khai bị phát hiện gian dối chiếm tỷ lệ rất thấp. Mặt khác, việc kiểm soát ngay từ đầu lại không có, chỉ khi xảy ra sự vụ mới truy cứu, tức chỉ giải quyết phần ngọn.
Chính vì vậy, đã xuất hiện hiện tượng cán bộ, công chức lách, hợp thức hóa tài sản bất minh bằng việc kê khai ngay từ đầu số tài sản lớn hơn mình có để hợp thức hóa khi hết nhiệm kỳ, mà không hoặc khó ai kiểm tra cặn kẽ nguồn gốc.
“Tôi cho rằng, nên tập trung kê khai tài sản và kiểm tra ngay khi kê khai với đối tượng là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi khi “đầu tàu” bị kiểm soát nghiêm ngặt, bị giám sát, thì buộc phải điều chỉnh hành vi, dẫn tới “các toa tàu” sẽ không dám đi trật đường ray”, luật sư Hậu phân tích.
Tăng lương “dưỡng liêm” gắn với tinh giản nhân sự
Ông bà ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Ai cũng biết, với đồng lương “ba cọc ba đồng”, thì công chức khó có thể yên tâm công tác, chưa nói đến việc “nói không” với tham nhũng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tâm sự, ông từng công tác ở cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nên “thấm” sự bất cập của đồng lương thấp. Ông Châu phân tích, có “sân sau” là do cả hai chiều tạo ra. Thứ nhất, là từ quan chức có tham vọng để chạy chức, hoặc muốn sống xa hoa, nên cần tiền và móc nối với doanh nghiệp. Ở chiều thứ hai, doanh nghiệp chủ động móc nối với quan chức, đôi khi chỉ rất bình thường như hồ sơ lâu quá không được giải quyết, thì gặp để “cảm ơn” và như vậy là hình thành tiêu cực. Cho nên, đấu tranh phải từ hai phía.
Với doanh nghiệp, cần chặt chẽ trong cơ chế đấu thầu, đấu giá và nghiêm khắc ở các quy phạm pháp luật liên quan việc cán bộ, công chức hay người thân lập doanh nghiệp, thì sẽ giải quyết được vấn nạn “sân sau”.
Với cán bộ, công chức, theo ông Châu, cần giải quyết hai vấn đề mấu chốt là danh dự và đồng lương. “Công chức, quan chức tức có danh dự rồi. Vấn đề còn lại là đồng lương. Thực tế, ngay cả đến lực lượng cực kỳ quan trọng là các cơ quan tư pháp, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật mà đồng lương của họ thấp, thì rất khó đảm bảo tính liêm chính”, ông Châu nói.
Nhìn thẳng vào thực tế, với chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức như hiện nay, thì rất khó để giữ cho họ đừng sa ngã vào những hành vi được gọi là phi pháp, vì thế, giải bài toán lợi ích là cực kỳ quan trọng. Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chống tham nhũng là cần thiết, cấp thiết, nhưng nếu quên bài toán lợi ích là siêu hình”.
Theo các chuyên gia, nâng lương, nhưng phải tinh giản nhân sự hưởng lương từ ngân sách. Bởi với số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bình quân ở nước ta, 9 người phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách, thì không ngân sách nào chịu nổi.
Loại bỏ ngay cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm
Một thực trạng đáng buồn là sau khi hàng loạt quan chức bị khởi tố, không ít cán bộ, công chức đã không dám giải quyết việc công.
Như tại TP.HCM, nơi có 3 phó chủ tịch UBND (Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến) bị khởi tố, hồi tháng 4/2019, tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ bức xúc: “Không biết vì sao thời gian gần đây, nhiều cơ quan, nhiều cán bộ lại làm việc trì trệ, không dám ký hồ sơ?”.
Tương tự, sau vụ án động trời liên quan tới Phan Văn Anh Vũ và hàng loạt quan chức ở Đà Nẵng, hồi tháng 12/2019, trong kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng thừa nhận, 2 năm qua, có không ít cán bộ, lãnh đạo địa phương co cụm lại không làm vì sợ sai.
Hiện tượng này, theo ông Lê Hoàng Châu, là do một số quy phạm pháp luật xung đột, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, nên tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho người thi hành công vụ, dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ góc nhìn chuyên môn, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, hiện tượng trên có một phần nguyên nhân bởi cán bộ, công chức yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ. “Rất nhiều vụ đại án liên quan tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vừa qua là do cấp dưới tham mưu. Ở nước ta, các cấp sở/ngành, quận/huyện đều có đội ngũ tham mưu, nhưng tại sao vẫn sai? Bởi cái gốc là do cán bộ chuyên môn không giỏi, không sâu và không tách bạch, mà phụ thuộc vào người cao nhất”, ông Hậu phân tích.
Đáng nói, những người yếu kém lại khó thay thế ngay tức khắc, do quy trình xử lý cán bộ phức tạp. Đơn cử, giám đốc sở không thể cách chức trưởng phòng, mà phải thực hiện theo quy trình, phải trình nhiều cấp xem xét.
Niềm tin của nhân dân là sức mạnh vô song
Tham nhũng “đẻ” ra một lớp cán bộ quay lưng lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của Đảng. Trong những ngày cuối tháng 8/2020, cơ quan công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã có hành vi chiếm đoạt tài liệu điều tra trong vụ án Nhật Cường - đại án về kinh tế, tham nhũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo là bài học đau xót và cảnh tỉnh về công tác cán bộ. Quả thực, nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, tới đây, khi tiến hành Đại hội Đảng, những thành phần như ông Chung lọt vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao thì hậu họa không biết lớn đến chừng nào.
Vụ việc của ông Chung và nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã củng cố lòng tin của nhân dân vào sự quyết tâm của Đảng trong trận chiến “không tiếng súng” chống tham nhũng. Có lòng tin là có tất cả. Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh một chân lý, chỉ khi nào những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân, thì những đường lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Tại Phiên họp thứ 18, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt, làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt, mục đích của chúng ta là như thế, nhân văn là thế.
Ngô Nguyên