Tác phẩm đoạt giải

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Ðừng thấy đỏ tưởng là chín

Đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đ/c Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Hội nghị Trung ương 12 thảo luận, cho ý kiến là xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Trung ương (T.Ư) khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Thực tiễn cũng cho thấy, ở đâu, cấp nào, nếu lựa chọn cán bộ đúng sẽ thúc đẩy phát triển, đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân, ngược lại, nếu chọn sai sẽ để lại những hệ quả hết sức nặng nề.

Bài 1: Học Bác chọn cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn và đồng chí Võ Nguyên Giáp

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng, trong công tác cán bộ vừa qua nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”, vì người ta lợi dụng tiền tệ, thân quen, chạy chọt. Do đó, hơn lúc nào hết, những người làm công tác nhân sự cho Ðại hội XIII của Ðảng cần phải nhìn lại những bài học sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lựa chọn được những cán bộ thực sự xứng đáng cho nhiệm kỳ tới đây.

Chọn cán bộ  cho công việc, chứ không cốt “đủ ghế”

Theo ông Hà, sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam giữa muôn trùng khó khăn. Để giữ vững thành quả cách mạng và xây dựng đất nước, Bác Hồ rất quan tâm mở rộng tìm kiếm, trọng dụng người tài trong xã hội. Khi đó, không có một cơ quan nào làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị những người tài ra giúp dân, giúp nước.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn cán bộ khi đó là không phân biệt các tầng lớp, hễ là người có tinh thần dân tộc, có tài năng, có lòng yêu nước là kêu gọi ra giúp nước. Với quan điểm đó, Bác tập hợp được nhiều người vừa có đức, vừa có tài tham gia bộ máy như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh…

“Cụ Huỳnh Thúc Kháng, lần đầu tiên nhận được lá thư của Bác mời ra tham gia Chính phủ giúp dân, giúp nước đã từ chối. Với quyết tâm trọng dụng được nhân tài, Bác lại viết thư mời cụ ra Hà Nội. Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ra Hà Nội với dự định lúc đầu là “gặp mặt nói một lời từ chối cho xong. Nhưng khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trò chuyện, cụ cảm nhận được nên đã nhận lời và làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều đó cho thấy, Bác hết sức tinh tế trong việc trọng dụng người tài. Chính phủ cách mạng thời đó là một chính phủ tập hợp được những người tài, có tinh thần độc lập dân tộc, yêu nước”, ông Hà nhận xét.

Không chỉ trọng dụng người tài, theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bác Hồ còn để lại nhiều bài học có giá trị về bố trí đúng người, đúng việc như chọn bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám.

Sau đó, đến năm 1954, ông được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội cho đến năm 1977. “Mặc dù ông Trần Duy Hưng là bác sỹ, song Bác nhìn thấy ở ông có tư duy và khả năng quản lý đô thị ngay sau khi giải phóng Thủ đô. Cái đấy cho chúng ta bài học về chọn cán bộ theo vị trí công việc, chứ không phải chọn cán bộ cốt sao cho đủ ghế”, ông Tiến bình luận.

Có thanh liêm thì dân mới tin

Theo ông Hà, Đại hội XIII của Đảng đang cận kề, trong đó công tác chuẩn bị và lựa chọn nhân sự là hết sức quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn được cán bộ có đức và có tài. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với cán bộ, thiếu một trong hai cái đó thì đều không đủ điều kiện, không đủ khả năng lãnh đạo.

Theo ông Hà, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nói một ý rất sâu sắc trong việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ là "đừng nhìn gà hóa cuốc”. Điều này nghĩa là hình thức phải đi với nội dung, “chứ không chỉ hô cách mạng trên đầu lưỡi, còn làm thì ngược lại; hay khi hô hào thì rất giỏi, song toàn làm ngược lại”.

Đề cập việc trước đây không có quy trình, song Bác Hồ lại chọn lựa được nhiều người có đức, có tài, còn hiện nay quy trình nhiều, song vẫn để lọt cán bộ không xứng đáng, ông Hà cho rằng, quy trình lựa chọn cán bộ là rất cần thiết, tạo môi trường công khai, minh bạch. Tuy nhiên, lâu nay cũng có tình trạng “đúng quy trình song không đúng người”, vì người ta lợi dụng tiền tệ, thân quen để chạy chọt. Quy trình là cần thiết, nhằm ngăn chặn tình trạng lựa chọn cán bộ theo kiểu yêu, ghét, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, đúng quy trình nhưng phải đúng người như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.

“Việc chống chạy chức, chạy quyền là rất khó, song tôi nghĩ những người làm công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng cần phải đọc và học lại những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài, giúp dân, giúp nước”, ông Hà nói. Ông cho rằng, khi giới thiệu và lựa chọn cán bộ vào Trung ương phải công tâm, khách quan, bởi những người được chọn sẽ là những người lãnh đạo đất nước trong cả một nhiệm kỳ. Nếu chọn đúng thì giúp cho đất nước mạnh lên, kinh tế, xã hội phát triển, còn chọn sai người thì sẽ kéo lùi sự phát triển và để lại nhiều hậu quả khác.

“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Ðảng, đặt sự nghiệp chung của Ðảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...”, Trích bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 của Tổng Bí thư,Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Ông Hà lưu ý, khi chọn được người tài rồi thì phải đặt đúng vị trí phù hợp, chứ chọn rồi nhưng lại bắt làm trái với sở trường thì cán bộ khó phát huy năng lực. Dẫn ví dụ về việc Bác mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp dân, giúp nước, ông Tiến cho rằng, đây cũng bài học rất lớn của Bác về bố trí cán bộ. Cụ Bùi Bằng Đoàn trước đó nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Do đó, trong giai đoạn đầu, Bác đã cử cụ làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt.

“Làm quan thanh tra thì việc quan trọng đầu tiên là phải sạch, không sạch thì nói ai nghe, không sạch thì làm sao mà phát hiện được sai phạm; làm sao mà bảo đảm được sự công tâm, khách quan trong các cuộc thanh tra”, ông Tiến nói. Ông Tiến cho rằng, tới đây khi lựa chọn nhân sự dự kiến vào các chức danh có nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, cần chú trọng đến sự thanh liêm, trong sạch của nhân sự, có thế mới “tiếp lửa” được những kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng của Đại hội XII.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 12

Thảo luận phương hướng bầu cử ÐBQH

Sáng 12/5, ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Ban Chấp hành làm việc tại hội trường, thảo luận về tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; về tổng kết việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII và xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và dự kiến phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình hội nghị. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận về Ðề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bài 2: Tiến cử, nâng đỡ cán bộ xấu, ai chịu trách nhiệm?

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó một số cán bộ bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố công tâm, khách quan, còn đòi hỏi khâu giới thiệu và lựa chọn cán bộ phải có “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Ông Nguyễn Bắc Son

Hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm Bộ trưởng?

Sau Đại hội XII của Đảng, với tinh thần: “Lò nóng lên rồi, củi khô, củi tươi vào cũng cháy”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện quyết liệt. Qua đó, hàng loạt các vụ việc bổ nhiệm người nhà, người thân, ưu ái, nâng đỡ một cách trắng trợn được các cơ quan chức năng làm rõ.

Điển hình như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, dù để lại di sản thua lỗ nặng nề ở Tổng Cty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam song vẫn được ông Vũ Huy Hoàng nâng đỡ, ưu ái giới thiệu và chỉ đạo Vụ Tổ chức - Cán bộ thực hiện quy trình tiếp nhận về Bộ Công Thương. Nghiêm trọng hơn, ông Vũ Huy Hoàng còn tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh. Tiếp đó, bằng những “mối quan hệ đặc biệt”, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Đích thân ông Huỳnh Minh Chắc, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang xin trực tiếp Trịnh Xuân Thanh.

Điều đáng nói là ở thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Với những vi phạm, khuyết điểm trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan ở Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương và Tỉnh ủy Hậu Giang, trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, Huỳnh Minh Chắc.

Hay như trường hợp tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, con trai của Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh làm Giám đốc Sở KH&ĐT. Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo tỉnh này đã liên tiếp đưa “quy trình” ra để hợp thức hóa cho những sai phạm của vị cán bộ trẻ có sở thích chơi chim này. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì cái quy trình đó hóa ra chỉ là “tấm bình phong” cho sự vun vén, bổ nhiệm người nhà, người thân của ông Lê Phước Thanh. Lê Phước Hoài Bảo sau đó bị xóa tên trong danh sách đảng viên, mất chức giám đốc Sở, còn ông Lê Phước Thanh bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010- 2015).

“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu; không được vì thích ai, ghét ai mà giới thiệu không chuẩn. Lần này phải nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu, người đề xuất. Tỏ thái độ chính kiến của mình xem giới thiệu ai, qua đó cũng hiểu được người giới thiệu. Tôi giới thiệu ông A, giới thiệu ông B là người ta nhìn xem anh thế nào. Ngay từ khâu giới thiệu ban đầu có thực sự công tâm, khách quan không? Cái này trong cuộc sống không phải không có, chưa nói đến cánh hẩu, mới chỉ là yêu hay ghét, thích hay không thích thôi. Vì thế, khâu giới thiệu ban đầu rất quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọngphát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 23/4 vừa qua.

Không chỉ ở cấp bộ, ngành, địa phương mà qua các vụ việc được các cơ quan của Đảng phát hiện thời gian qua như vụ việc của ông Trương Minh Tuấn cũng hé lộ những góc khuất của công tác cán bộ. Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong quá trình điều tra, ông Trương Minh Tuấn từng khai thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT) đặt bút ký quyết định MobiFone mua AVG là vì được ông Son hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT&TT. Mặc dù, khi ra tòa, ông Tuấn phủ nhận nội dung trên, song sự việc cho thấy lập luận của Viện Kiểm sát không phải là không có cơ sở.

Người tiến cử có vô can?

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong công tác cán bộ sự công tâm, khách quan trong việc tiến cử, lựa chọn cán bộ vào những vị trí chủ chốt là điều rất quan trọng. Việc nhiều cán bộ bị phát hiện vi phạm và xử lý trong thời gian qua rõ ràng có trách nhiệm của chính những người đề bạt, giới thiệu, tiến cử.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa tại phiên tranh tụng chiều 26/1/2018

Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc xử lý trách nhiệm người tiến cử nhân sự xấu là rất khó, vì chúng ta chưa có quy định cụ thể, nên người ta cứ đổ thừa cho tập thể. Do vậy, người ta có đề bạt, tiến cử người nhà, người thân, hay đồ đệ, phe cánh cũng dễ xảy ra và khó có thể xử lý được trách nhiệm. Chẳng hạn, Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu nhân sự lại đưa ra Ban Thường vụ, rồi tập thể Ban Thường vụ “nhất trí” hết. Đến khi người được đề cử đó sai phạm, ông Bí thư giới thiệu lại đổ lỗi cho tập thể, rằng đây là ý kiến tập thể quyết định, còn ông ấy chỉ là người giới thiệu. Vậy là hòa cả làng.

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, điều quan trọng phải làm sao tách được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể. Đặc biệt trách nhiệm ở đây là phải xử lý, trừng trị nghiêm khắc, chứ không phải chỉ “xin chịu trách nhiệm” rồi xong. Như vậy, từ nhiệm kỳ tới đây phải đưa ra quy định cụ thể về người tiến cử, đề cử làm cơ sở xử lý. “Người được tiến cử làm tốt, anh được khen. Họ vi phạm kỷ luật, anh phải chịu trách nhiệm liên đới. Như vậy người ta mới không muốn, không ham và không dám tiến cử vây cánh, thân hữu để “lót ổ” khi rời vị trí. Có thế mới lựa chọn được người cán bộ có đủ tâm, đủ tầm nhất vào bộ máy”, ông Hòa nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, phải siết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giới thiệu nhân sự. Việc giới thiệu phải công tâm, khách quan, minh bạch đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết.

Trách nhiệm cá nhân người đề xuất, khởi xướng

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc phải gắn với trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Trên thực tế, khi giới thiệu cán bộ, không phải cả một tập thể đồng loạt giơ tay giới thiệu một người, mà phải có một người đề xuất, khởi xướng. Người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử và phải gắn bó với người được đề cử, tiến cử. Họ phải hiểu rõ hơn hết tài năng, đức độ của người được đề cử, tiến cử, chứ không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, trong lần lựa chọn nhân sự tới đây cần phải gắn trách nhiệm cụ thể đối với người giới thiệu, tiến cử. "Người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong quãng đời của người được giới thiệu. Nếu trong quá trình công tác, như người đó xảy ra chuyện, vi phạm gì thì người giới thiệu trước đây phải chịu trách nhiệm chứ không thể hòa cả làng”, ông Kim nhấn mạnh. Có rất nhiều khía cạnh để “soi rọi” cán bộ, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, khi lựa chọn cán bộ thì phải dựa vào thực chứng, chứ không phải những tiêu chí, hình thức chung chung, bị “cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” như điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh.

Trước đó, Ban Bí thư vừa ban hành Hướng dẫn số 03 một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đó, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Trung ương thảo luận báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Trong ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 13/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình Hội nghị. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019.

 

Bài 3: Cuộc chuyển giao thế hệ và bài học “chín ép”

Đại hội 13 lần này là thời điểm chuyển giao thế hệ từ những người sinh ra, rèn luyện trong những năm kháng chiến, sang lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình, được hưởng những thành quả to lớn của quá trình đổi mới và sự sôi động của kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi nhân sự được lựa chọn không chỉ tiếp nối được quá trình đổi mới mà còn tránh được những cám dỗ về lợi ích cá nhân, “tham vọng quyền lực”, để toàn tâm toàn ý đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.

Trao chìa khóa cho người có đủ tài, đức

Nói về thời điểm chuyển giao thế hệ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, tre già thì măng mọc, “con hơn cha là nhà có phúc”. Đó là quy luật muôn thủa và cũng là thành công của Đảng ta. “Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, có đủ sức lực, trí tuệ và có thời gian tích lũy, đó là ưu thế của lớp trẻ. Đào tạo, rèn luyện để thế hệ trẻ tiếp nối, tham gia vào bộ máy, điều hành đất nước đi lên là việc làm cần thiết và cũng là mong muốn của mọi người”, ông Kim chia sẻ.

Với trải nghiệm thực tế của người có nhiều năm làm trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác cán bộ là “then chốt” của mọi “then chốt” nên luôn có sự kế thừa. Cái khác trước, lần này đội ngũ cán bộ đa phần trưởng thành trong hòa bình, được hưởng thành quả từ quá trình đổi mới của đất nước. Đội ngũ này có kiến thức, bằng cấp nhiều hơn so với thế hệ trước. Cái thiếu, có chăng là trải nghiệm “trường đời” chưa nhiều, song điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Vì thế, theo ông Thưởng cần mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm nhiều hơn cho đội ngũ cán bộ trẻ, để họ phát huy năng lực, trí tuệ, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. 

Nhìn lại những “hạt giống chín ép” vừa qua, điển hình như trường hợp Nguyễn Xuân Anh, theo ông Vũ Trọng Kim, điều ngày xuất phát từ ý thức tu dưỡng, rèn luyện sau khi được đề bạt, bổ nhiệm. “Có những cán bộ đã đạt độ chín, nhưng lại lơi lỏng trong tu dưỡng, rèn luyện. Tại thời điểm được lựa chọn, có thể anh là cán bộ tốt, nhưng khi đã được đề bạt, bổ nhiệm rồi, anh lại không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Có quyền lực trong tay, anh bị cám dỗ, rồi lợi dụng quyền lực, dẫn đến tự đánh mất mình”, ông Kim nhìn nhận.

Cũng khẳng định, cần mạnh dạn đặt niềm tin vào những người trẻ, song ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đừng vì những khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua mà lo ngại người trẻ bị “chín ép”. Điều quan trọng là khâu lựa chọn phải kỹ càng, bảo đảm nhân sự có đủ tài, đủ đức, trong đó đức là gốc. “Lựa chọn người trẻ phải là những người tiêu biểu, công tâm, khách quan, chứ không phải chọn theo “quan hệ”, “hậu duệ”, “tiền tệ”. Bên cạnh đó, khi lựa chọn được rồi thì phải quan tâm, đào tạo, giáo dục, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, vi phạm”, ông Hùng nói.

Vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh để lại nhiều bài học trong lựa chọn cán bộ.

 Không tham vọng quyền lực và tiền bạc

Từ bài học kinh nghiệm khóa XII, theo ông Vũ Trọng Kim, nên cân nhắc, lựa chọn những người trải qua thực tiễn, vấp váp trưởng thành trong gian khó, luôn trăn trở với nỗi đau của những người nghèo khổ, đừng lựa chọn những người đi lên trong nhung lụa. Bởi khi đã quá thuận lợi rồi, anh chỉ nghĩ làm cán bộ sẽ được hưởng cái này, hưởng cái kia mà không biết xả thân vì công việc, vì nhân dân.

Viện dẫn câu nói “không ai đánh đổ được mình, chỉ tự mình đánh đổ mình”, ông Kim nhấn mạnh, đó là một bài học sâu sắc cho mỗi cán bộ, đảng viên. Được bổ nhiệm rồi mà không tu dưỡng, rèn luyện “từng giờ, từng ngày” khó tránh khỏi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Bởi cả quá trình tốt, nhưng chỉ một phút ngả nghiêng, bị mua chuộc thì dễ “tự đánh đổ mình”. “Phía trước là Tổ quốc, còn phía sau là gia đình, người thân. Nhưng tiếng gọi phía sau thường hấp dẫn hơn tiếng gọi phía trước”, ông Kim bày tỏ.

“Tôi muốn nhắn nhủ tới lớp cán bộ trẻ ngày nay, mỗi đêm phải đặt tay lên trán hỏi ngày qua mình đã làm gì, làm như thế nào, điểm nào tốt, điểm nào chưa để bổ sung cho công việc ngày mai. Tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt không mảy may tham vọng quyền lực, tiền của, danh lợi. Đã là cán bộ thì phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, thận trọng cân nhắc từng việc một. Mỗi lần đưa ra quyết định gì đó phải hết sức cân nhắc xem việc đó tốt không. Nếu có bóng dáng chủ nghĩa cá nhân trong đó thì phải cương quyết gạt ra. Đừng chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ nhoi trước mắt mà làm mất đi cái to lớn lâu dài”, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

Từ bối cảnh thực tế kinh tế, xã hội ngày nay, ông Thưởng cho rằng, đội ngũ cán bộ mới phải là những người biết phát huy sức mạnh tập thể. Theo ông, trước đây, trong công cuộc giành độc lập sức mạnh cá nhân có vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt tập thể và xã hội. Song giờ đây, muốn lớn mạnh, phát hiện thì phải biết phát huy sức mạnh của tập thể, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, ông Thưởng cũng lưu ý, những cám dỗ vật chất hiện nay rất lớn. Vì thế, phải chú ý xây dựng cơ chế, giám sát để phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, vụ lợi trong đội ngũ cán bộ.

Bài 4: Bài học từ đầu tàu kinh tế

Là đầu tàu kinh tế cả nước, trong nhiệm kỳ qua, TPHCM địa phương duy nhất cả Bí thư lẫn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mất chức, nhiều lãnh đạo bị xử lý hình sự. Thành phố phải vật lộn giải quyết hậu quả các vụ vi phạm, tiêu cực do cán bộ gây ra, khiến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Dự Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) có nhiều sai phạm khiến hàng loạt cựu lãnh đạo TPHCM bị kỷ luật, trong đó cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bị cách chức

… Cán bộ sai phạm, lòng dân bất an

Thiệt đơn, thiệt kép…

Sáng 14/5, trở lại bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), chúng tôi ghi nhận nhiều hộ dân bị giải tỏa tại dự án Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm đã rời khu tạm cư tạm bợ, nhếch nhác chuyển đến ở tạm trong các căn hộ chung cư tái định cư rộng rãi, tiện nghi hơn. Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Quận 2 cho biết TPHCM vừa ban hành chính sách bồi thường, hoán đổi đất cho các hộ dân khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch, sắp tới UBND Quận 2 sẽ hiệp thương với người dân để giao đất. Bà con chờ đợi đã lâu nên quận sẽ cố gắng hoàn thiện kế hoạch, giao đất trong thời gian sớm nhất.

Sai phạm tại dự án KĐT Thủ Thiêm khiến cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bị cách chức. Cựu Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và hai cấp phó bị kỷ luật. Nói về vụ Thủ Thiêm, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Cương nói, sai phạm của cán bộ bắt đầu từ việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là khu tái định cư 160 ha.

Ông Cương nhấn mạnh: “Sửa cái đó là sai. Chủ trương lúc đó là người dân bị thu hồi đất phải được tái định cư sát với trung tâm để được hưởng lợi từ KĐT Thủ Thiêm. Thành phố tự ý điều chỉnh quy hoạch, đẩy người dân đi xa”.

Ngoài vụ Thủ Thiêm, nhiều lãnh đạo khác của UBND TPHCM như cựu Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, nhiều lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM, sở ban ngành bị xử lý hình sự vì liên quan đến các đường dây thâu tóm “đất vàng”. Theo ông Võ Văn Cương, từ trước đến nay, TPHCM chưa bao giờ sai “dữ dội” và ở cấp cao như vậy. Sai phạm xuất phát từ công tác kiểm tra giám sát chưa tốt trong quá trình quản lý và tổ chức thực hiện.

“Cán bộ cũng là con người. Hôm qua anh tốt nhưng hôm nay có thể mắc sai lầm. Phát hiện sai phạm và xử lý ngay thì đâu đến nỗi, đằng này để tích tụ, cái sai này dẫn đến cái sai khác. Tinh thần dân chủ, ý kiến tập thể khi xem xét những vấn đề lớn bị hạn chế. Những sai phạm trên bắt nguồn từ việc những vấn đề lớn không được đưa ra tập thể bàn, để một người tự quyết. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” bị xem nhẹ. Tình trạng nể nang nhau, thấy sai không nói, không can gián nên dẫn đến sai phạm”, ông Cương nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, sai phạm tại dự án KĐT Thủ Thiêm làm hầu hết các dự án đang triển khai bị “đóng băng” gần 3 năm qua vì TPHCM phải tập trung sửa sai và xử lý các vấn đề sau thanh tra… Làm việc với lãnh đạo TPHCM hôm 8/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra tiềm năng về đất đai của TPHCM rất lớn, đặc biệt KĐT Thủ Thiêm có thể tạo nguồn lực hàng chục nghìn tỷ đồng. TPHCM cần xử lý không để khiếu kiện kéo dài, sớm ổn định lòng dân để tập trung phát triển.

Lựa chọn người đủ đức, đủ tài…

Đánh giá cao nhiệm kỳ này đã trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, được đào tạo chuyên môn bài bản, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Trần Văn Đông nhấn mạnh công tác cán bộ quyết định đến sự thành bại của nhiệm vụ. Ông Đông nhớ lại: “Hồi tôi còn làm, một chức danh luôn có ít nhất 2 người, sẵn sàng nhiệm vụ. Người này nghỉ, chuyển đi lập tức có người khác thay thế. Bây giờ có những trường hợp ngồi chưa nóng ghế đã điều chuyển đi, cứ thay đổi liên tục. Ở Ban Tổ chức Thành ủy cũng vậy. Có trường hợp bố trí bên Ban Tổ chức, sau đó qua ủy ban rồi tiếp tục chuyển về Ban Tổ chức. Điều chuyển liên tục làm sao tích lũy được kinh nghiệm. Có những chức danh để trống mãi không có cán bộ. Rõ ràng công tác quy hoạch vừa qua làm chưa tốt. Người tốt, người giỏi ở TPHCM không thiếu, quan trọng là quy hoạch và đánh giá như thế nào”.

Theo ông Trần Văn Đông, để có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, TPHCM cần thực hiện quy hoạch mở; lựa chọn cán bộ trẻ có triển vọng, phẩm chất đạo đức tốt đưa xuống cơ sở để rèn luyện, thử thách. Đánh giá cán bộ cần có tiêu chí cụ thể, chí công vô tư, thông qua hiệu quả công việc, từ đó mới xem xét tiếp tục bố trí hay đề bạt; tuyệt đối không để tình cảm cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm, tác động. Và, TPHCM có thể tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ các Học viện, trường đại học…

Ông Đông nhớ lại: “Hồi mới về làm Trưởng ban Tổ chức cán bộ Thành ủy TPHCM, có một đồng chí lãnh đạo Đảng dặn tôi: Cậu làm công tác tổ chức thì cái cổ phải cứng, cái lưng phải thẳng, cái đầu phải sáng và cái tâm phải trong. Người làm công tác tổ chức nếu không ngay ngắn, đàng hoàng rất dễ dẫn đến phe cánh, lợi ích nhóm. Nói hơi đụng chạm, vừa qua có vài trường hợp ở nơi khác làm không được hoặc có chuyện này chuyện kia là được đưa về bố trí ở Ban Tổ chức. Làm chuyên viên còn chấp nhận, đằng này bố trí làm lãnh đạo”.

Các sai phạm để lại nhiều bài học quý cho TPHCM. Đó là phải làm đúng quy chế của cấp ủy các cấp. Thành ủy TPHCM có quy chế quy định việc gì bàn trong Thường trực, việc gì phải đưa ra Thường vụ, Ban chấp hành. Trong quy chế quy định những dự án di dời khoảng 1.000 người trở lên thì thường vụ phải xem xét trước, sau đó Ủy ban mới làm dự án di dời và trình HĐND thông qua.

“Trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn chồng chéo thì phải thảo luận. Giám đốc sở, chủ tịch quận - huyện còn băn khoăn, thì tập thể lãnh đạo cùng bàn bạc xem vận dụng như thế nào. Nếu ban giám đốc, lãnh đạo quận/huyện vẫn chưa yên tâm thì báo lên, Thành phố sẽ giúp để định hướng. Với những việc cấp bách, vận dụng không quá khó nhưng vẫn còn băn khoăn thì Thường vụ Thành ủy sẽ định hướng cụ thể nên làm bây giờ hay để lại, làm thì làm theo hướng nào, hoặc báo cáo Chính phủ nếu cần thiết để xin ý kiến hoặc xin làm thí điểm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND quận chưa là… công chức

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 7 năm qua TPHCM có hơn 1.000 quyết định về cán bộ có sai sót, trong đó có 139 hồ sơ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Có 49 trường hợp có sai sót không thể khắc phục được phải thu hồi quyết định. Thanh tra Bộ Nội vụ còn phát hiện TPHCM tiếp nhận một số trường hợp vào bộ máy hành chính không qua thi tuyển công chức, trong đó có trường hợp chưa được tiếp nhận công chức nhưng đã làm đến Phó Chủ tịch UBND quận.


Bài 5: Sóng gió ở thành phố đáng sống

Từ một địa phương đi đầu, dẫn đầu về những đột phá phát triển trong khu vực, Đà Nẵng bộc lộ những bất cập trong quy hoạch, phát triển và đặc biệt là về công tác cán bộ. Nhiệm kỳ mới, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Võ Văn Thương: Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn. Phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế- xã hội.

Một góc thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn;  Ảnh: Nguyễn Trình

Nhiệm kỳ sóng gió

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có những đổi thay, phát triển ngoạn mục. Kỳ tích của Đà Nẵng được cả nước, thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Đà Nẵng được biết đến với hàng loạt thương hiệu như “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố đáng sống”… Thành tựu lớn nhất của Đà Nẵng sau đổi mới, đặc biệt là từ khi thành phố trực thuộc trung ương là tạo nên những cây cầu bắc qua sông Hàn. Nó như kỳ tích, biểu tượng về sự phát triển, cách làm và tư duy mới.

Tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Mới 40 tuổi, lúc bấy giờ ông Xuân Anh được biết đến là Bí thư trẻ nhất nước và được kỳ vọng sẽ giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển, đột phá. Ngày nhậm chức Bí thư, ông Xuân Anh đã phát biểu rất hùng hồn và liên tiếp thời gian sau ông được truyền thông liên tục đưa tin với những phát biểu ấn tượng. Thế nhưng, những lời nói của ông Nguyễn Xuân Anh không biến thành hành động mà ngược lại chỉ sau hơn 1 năm cả tập thể Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh bị Trung ương kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư, nhân sự và tổ chức của TP Đà Nẵng có nhiều xáo trộn. Điển hình và nhiều tai tiếng nhất có lẽ là việc điều chuyển ông Đặng Việt Dũng. Đang đường đường là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng phụ trách khối Văn hoá xã hội được đánh giá cao về năng lực trong chỉ đạo và điều hành, bỗng tháng 2/2017, ông Nguyễn Xuân Anh ký quyết định điều động ông Dũng sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo. Việc điều chuyển này đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP Đà Nẵng trong thời gian dài.

“Đà Nẵng sửa sai trong nhận thức và điều chỉnh phát triển kinh tế xã hội. Đà Nẵng vẫn có niềm tin cán bộ hiện nay đặc biệt là cán bộ chủ chốt cùng với thành phố sẽ nhận lấy trọng trách cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố hơn nữa” -Ông Thương khẳng định

Theo Kết luận 292 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc điều chuyển ông Đặng Việt Dũng đã “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy định số 42/QĐ -TW của Ban Bí thư, thực hiện không đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy”. Tháng 7/2018 ông Đặng Việt Dũng được đưa lại về làm Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu.

Những xáo trộn về nhân sự, cùng với những vi phạm, khuyết điểm của tập thể, cá nhân các lãnh đạo, hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố bị kỷ luật, khởi tố bắt giam khiến hình ảnh của Đà Nẵng dần mất đi, niềm tin của người dân cũng vơi dần. Hàng loạt dự án lớn trên địa bàn như Khu đô thị quốc tế Đa Phước, các dự án ở bán đảo Sơn Trà, các dự án ven biển,… phải “đứng bánh” vì liên quan đến quá trình điều tra, thanh tra. Đà Nẵng từ thành phố dẫn đầu khu vực đứng trước nguy cơ đánh mất ngôi vị.Công tác điều hành, chỉ đạo, xử lý công việc của cán bộ thành phố cũng rơi vào tình trạng trì trệ chưa từng có.

Ông Huỳnh Đức Thơ, đương kim Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã phải than phiền, rằng: Cùng với kết quả thanh tra, kiểm tra khắc phục hậu quả của những năm trước, hàng loạt vụ việc đang tiếp tục điều tra, khởi tố, xét xử. Điều này khiến tinh thần làm việc, sự cẩn trọng của cán bộ công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ. Trước đây, thành phố làm gì cũng giải quyết nhanh, “vượt rào”, bỏ qua nhiều quy định dẫn đến những sai phạm.Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai.Đặc biệt là việc giải quyết khối lượng tồn đọng của hàng ngàn dự án, các quy hoạch cũ. Đây chính là lý do khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng tụt hạng trong vài năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Xuân Anh và sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng là bài học xương máu cho thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ mới;  Ảnh: Nguyễn Thành

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng cuối năm 2017, lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu ra cảnh báo về việc Đà Nẵng đang dần mất vị trí “đầu tàu” kinh tế khu vực. Nếu Đà Nẵng không quyết liệt vị trí đó sẽ thuộc về Khánh Hòa, Quảng Nam hay Thừa Thiên Huế vì quy mô của các ngành kinh tế tại những tỉnh này cũng tương đương, có nơi vượt cả Đà Nẵng.

Nhân sự tốt sẽ đưa Ðà Nẵng tiến lên

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về công tác nhân sự  thành phố cho nhiệm kỳ mới, ông Võ Văn Thương - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Công tác nhân sự chủ chốt của thành phố Đà Nẵng cho nhiệm kỳ tới đang được Trung ương đặc biệt quan tâm sau một nhiệm kỳ Đà Nẵng nhiều thăng trầm, biến cố. Đà Nẵng đang nỗ lực để tìm lại chính mình. Sau những sai phạm, khuyết điểm Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn tổng kết, đánh giá và chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót dẫn đến những sai phạm, kỷ luật, xáo trộn trong thời gian qua. Đồng thời cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm và đưa ra những phương hướng nhiệm vụ mới cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trên cơ sở đó, Thành ủy Đà Nẵng đã xây dựng phương hướng nhân sự 2020-2025, trong đó có cơ cấu Ban chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt của thành phố. Đối với nhân sự tái cử của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đến thời điểm này có 35 người. Riêng nhân sự giới thiệu lần đầu đang chờ thực hiện theo quy trình nhân sự theo quy định.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ chủ chốt trong nhiệm kỳ mới được Bộ Chính trị, Trung ương đặt ra cho Đà Nẵng là rất cao. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn.Phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-
xã hội.

Về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, để tránh việc bị động thậm chí không theo định hướng, không tuân thủ quy định, Ban Tổ chức Thành ủy đã tính đến các phương án dự kiến bố trí trước và sau đại hội, phương án dự kiến nhân sự điều chuyển…

“Việc lựa chọn cán bộ được Đà Nẵng đặt ra là phải tìm được người có bản lĩnh, trí tuệ, có tinh thần cầu thị, biết phát huy dân chủ, biết lắng nghe và quan trọng nhất phải quyết đoán để giúp thành phố tiếp tục phát triển”, ông Thương nói.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đây là nền tảng để giúp thành phố Đà Nẵng xây dựng và phát triển trong nhiệm kỳ mới, vượt qua những khó khăn trì trệ thời gian qua.

“Nền tảng có rồi, quan trọng bây giờ thành phố phải lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực triển khai. Để làm được việc này quan trọng nhất là nhân sự lãnh đạo đứng đầu. Hiện nay, về cơ bản nhân sự của thành phố Đà Nẵng tôi nghĩ sẽ đảm đương được nhiệm vụ theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Bởi những cán bộ của Đà Nẵng hiện nay là những người đã triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và là những người tham mưu giúp Trung ương ban hành Nghị quyết 43. Đây là những người được lãnh hội, tiếp thu và triển khai công việc trong thời gian dài”, ông Thương nói. 

Nói về câu chuyện “lợi ích nhóm”, ông Võ Văn Thương cho rằng: Đây là một cảnh báo để Ban Tổ chức, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra tăng cường giám sát. “Kết luận 292  dù không chỉ rõ lợi ích nhóm trong các sai phạm, nhưng dư luận bên ngoài đánh giá có vấn đề này. Để khắc phục việc này công tác cán bộ hết sức quan trọng.Muốn không xảy ra lợi ích nhóm, công tác cán bộ phải công tâm, khách quan lựa chọn đúng người có năng lực nhưng phải có bản lĩnh chính trị
hàng đầu”.

Về câu chuyện cán bộ trẻ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Võ Văn Thương nhấn mạnh: Lựa chọn cán bộ phải xuất phát từ tiêu chuẩn. Phải có niềm tin vào cán bộ trẻ. Không vì thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm của một vài cán bộ trẻ mà chúng ta mất niềm tin. Nếu không có niềm tin vào cán bộ trẻ sẽ không có cán bộ trong tương lai.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất