Tác phẩm đoạt giải

Gieo "hạt giống đỏ" dưới chân dãy Trường Sơn

Nép mình dưới những tán rừng già của dãy Trường Sơn hùng vĩ là những bản làng của người Đan Lai, Thái, Mông, Pa Kô, Chứt, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều… Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bản làng nơi đây đã có những nét đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện, tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Thực tế đó cần có những con người tiên phong làm “cầu nối”, đưa ánh sáng của Đảng về với bản làng. Tìm nguồn và gieo “hạt giống đỏ” trên vùng đất này đã, đang là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

 

Bài 1: Khan hiếm nguồn “hạt giống đỏ”?

Những năm qua, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đặc biệt chú trọng và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, ở những vùng đặc biệt khó khăn - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, công tác này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi mà đường vào bản vẫn chủ yếu là đi bộ; khi mà cái ăn chủ yếu vẫn đợi rừng; khi mà tìm một người thạo tiếng phổ thông còn khó… thì việc tìm nguồn “hạt giống đỏ” chẳng khác gì việc tìm hạt nắng dưới những tán rừng già.

“Cái bụng chưa no mần răng lo đến việc khác”

Bản Thạch Sơn thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An nằm gọn dưới chân núi, bao quanh là những tán rừng trùng điệp. Đây là nơi sinh sống của 55 hộ đồng bào dân tộc Đan Lai. Vốn là bản tái định cư, diện tích đất sản xuất ít, độ dốc lớn nên người dân khó canh tác hoa màu, sản xuất lương thực, thực phẩm để phục vụ cuộc sống; công việc làm không có nên tất cả các hộ dân trong bản vẫn bị đói nghèo đeo bám. Đảng ủy xã Thạch Ngàn từ lâu xác định: “Phát triển mạnh tổ chức Đảng là cứu cánh để giúp Thạch Sơn phát triển. Đảng viên sẽ là điểm tựa để định hướng, dìu dắt Nhân dân làm ăn lương thiện, phát triển kinh tế”. Vậy nhưng hiện tại, Chi bộ bản Thạch Sơn đang có nguy cơ bị xóa sổ!

Bí thư Chi bộ bản Thạch Sơn Vi Văn Hòa chia sẻ: Chi bộ bản Thạch Sơn được thành lập từ năm 2007 với 5 đảng viên đều là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Từ năm 2008 đến nay, Chi bộ kết nạp được thêm 3 đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kết nạp đảng viên ở Thạch Sơn “khan hiếm”, do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thanh niên lớn lên là phải đi làm ăn xa để nuôi sống bản thân và gia đình, số còn lại thì đa số vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện quần chúng La Văn Nhất (sinh năm 1998) đã tham gia học lớp cảm tình Đảng nhưng đến nay vẫn chưa thể đứng trong hàng ngũ của Đảng, Bí thư Vi Văn Hòa cho biết: Nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình Nhất quá khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo, bám lấy mảnh rừng keo kiếm sống, rau cháo nuôi 2 con. Cũng bởi nghèo nên Nhất chỉ được học hết lớp 9 đã phải rời ghế nhà trường đi làm ăn xa phụ giúp gia đình.

Quần chúng La Văn Nhất không phải là trường hợp duy nhất ở bản Thạch Sơn “mến Đảng mà không thể vào Đảng”. Trong cuộc trò chuyện với một số bạn trẻ nơi đây, khi được hỏi về nguyên nhân vì sao không “mặn mà” với việc vào Đảng? Chúng tôi nhận được câu trả lời chung rằng: “Cái bụng chưa no mần răng (làm sao) lo đến việc khác”!.

Hay như với bản Cóc - bản đặc biệt khó khăn của xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đa số con em đồng bào Thái nơi đây phải nghỉ học sớm, hoặc tốt nghiệp THPT xong sẽ “gắn bó” với các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, hay sẽ tìm đường đi xuất khẩu lao động. Những người trung niên, cao niên còn lại bám víu vào những cánh rừng luồng, nứa, vầu và mảnh ruộng sỏi đá để kiếm cơm qua ngày. Cũng bởi vậy, Chi bộ bản Cóc nhiều năm qua không kết nạp thêm được đảng viên mới.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

 

Bí thư Chi bộ bản Cóc Ngân Văn Miệu cho biết: Vừa qua, Chi bộ đã vận động được một quần chúng đi học lớp cảm tình Đảng, tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa nên khi học xong, quần chúng này lại đi làm ăn xa… Hiện, quần chúng này lại có giấy triệu tập nghĩa vụ quân sự. Do đó, chắc là chúng tôi sẽ phải chuyển hồ sơ vào đơn vị quân đội để quần chúng tiếp tục phấn đấu. “Trong năm 2022, Chi bộ đặt mục tiêu phấn đấu kết nạp 2 đảng viên. Song, khả năng chỉ tiêu này tiếp tục lại không đạt được”, ông Miệu chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi: “Ở Chi bộ mình có đảng viên làm kinh tế giỏi để quần chúng nhìn vào đó mà noi gương không ạ?”. Ông Miệu cười to: “Ai cũng khó khăn, nhà báo ạ! Gia đình tôi cũng thế, vợ thì ốm đau liên miên, con thì đi nghĩa vụ quân sự. Còn tôi làm Bí thư Chi bộ, suốt ngày công việc đoàn thể, xã hội, chẳng có thời gian lao động nên kinh tế không khá lên được”.

Nụ cười của ông Miệu như muốn che giấu nỗi ưu tư, lo lắng của một người mang trong mình trọng trách của một Đảng viên đi đầu. Hơn ai hết, ông hiểu: Muốn dân tin vào mình, muốn dân tin vào Chi bộ Đảng, muốn vận động được quần chúng thì phải làm cho đời sống của người dân ấm no. Mình phải làm mạnh, rồi mới đến nói mạnh dân mới hiểu, mới theo mình.

Trong suốt hành trình đến với các bản làng xa xôi ở các tỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ, chúng tôi cảm nhận rất rõ đời sống Nhân dân nói chung, đảng viên nói riêng còn gặp không ít khó khăn. Vẫn còn những bản làng xa xôi, hẻo lánh, phải vượt đường rừng mới tới được; các hộ gia đình sinh sống rải rác, không tập trung; nguồn thu nhập thấp và chưa ổn định; mô hình phát triển kinh kế chưa rõ nét, các sản phẩm tạo ra chỉ tự cung, tự cấp chưa thành sản phẩm hàng hóa; trình độ dân trí không đồng đều, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán còn lạc hậu; nạn tảo hôn, tập quán di cư, truyền đạo trái phép, buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy và tham gia các tệ nạn xã hội… vẫn đang là những vấn đề phức tạp, tiềm ẩn khó lường.

Mặc dù, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các tỉnh trong khu vực đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm vực dậy kinh tế - xã hội ở những bản làng đồng bào DTTS, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Do đó, lớp người trẻ luôn mong muốn thoát khỏi những rừng vầu, rừng nứa, rừng keo… để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Một số ít thanh niên ở lại địa phương nhưng chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình mà không có tư tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng... Họ dường như không còn mối quan tâm nào khác ngoài “cái ăn, cái mặc”.

Quần chúng ưu tú “muộn”

Không chỉ mất lực lượng lớn quần chúng ưu tú chọn “li hương” để phát triển kinh tế, các Chi bộ Đảng vùng đồng bào DTTS của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ cũng buộc lòng phải bỏ qua nhiều quần chúng ưu tú vì vướng lý lịch. Nhiều người tảo hôn, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình do phong tục tập quán địa phương; nhiều người lý lịch có “vết” tích người thân trong gia đình đã từng vi phạm pháp luật; một số người không thể vào Đảng do trình độ học vấn quá thấp hoặc tuổi đời đã cao; lý lịch có kết hôn với người nước ngoài… Nhiều Bí thư Chi bộ vùng đồng bào DTTS ở các tỉnh Bắc Trung Bộ bất ngờ có một cái tên gọi trùng dành cho những quần chúng này, đó là: Quần chúng ưu tú “muộn”!

Đời sống của đồng bào các DTTS ở Khu vực Bắc Trung Bộ còn nhiều khó khăn.
Đời sống của đồng bào các DTTS ở Khu vực Bắc Trung Bộ còn nhiều khó khăn.

 

Giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm, bên dòng Đakrông uốn lượn, các Chi bộ Đảng vùng đồng bào dân tộc Pa Kô, Bru - Vân Kiều, Tà Ôi của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nhiều năm qua cũng đang “đỏ mắt tìm nguồn đảng viên”. Trong đó, Chi bộ bản Tân Đi 1 (xã A Vao) là một điển hình.

Bí thư Chi bộ bản Tân Đi 1 Hồ Văn Lẹt cho biết: Nhiều năm qua, Chi bộ không kết nạp thêm được đảng viên nào. Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Lẹt tỏ rõ sự tiếc nuối khi nhắc đến trường hợp quần chúng Hồ Văn Bơm (sinh năm 1996) - Công an viên kiêm Bí thư Chi đoàn của bản. “Trong bản có những vụ gây rối công cộng, mâu thuẫn thanh niên, bạo lực gia đình hay hàng xóm mâu thuẫn với nhau… đều có sự góp mặt hóa giải vấn đề của Bơm. Bên cạnh đó, chàng thanh niên trẻ tuổi này còn luôn tích cực cập nhật thông tin, kiến thức để tuyên truyền, phổ biến cho bà con nắm bắt”, anh Lẹt cho biết.

Dù là một quần chúng ưu tú có nhiều đóng góp cho địa phương, có nguyện vọng vào Đảng nhưng Bơm vẫn chưa thể đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Văn Bơm bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong tâm lý: “Ở Tân Đi 1 còn nhiều hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. Đảng viên là những người phải làm việc tốt để làm gương cho người khác. Bản thân em, trước đây do thiếu hiểu biết đã vi phạm quy định về tảo hôn nên khó có thể nói để bà con hiểu. Biết là khó khăn, nhưng em vẫn hi vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng”. 

Cũng ở xã A Vao, quần chúng Hồ Văn Tơn (bản Pa Ró) - cán bộ Thủy lợi của xã A Vao cũng mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Theo lời kể của Bí thư Đảng ủy xã A Vao Hồ Thị Thanh Tâm, anh Tơn là người dân tộc Pa Kô, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng năm 2014 sau đó về công tác tại Phòng Thủy lợi của UBND xã A Vao. Năm 2015, anh Tơn được đi học cảm tình Đảng nhưng sau đó do vợ anh là công dân Lào, chưa nhập quốc tịch Việt Nam nên không được kết nạp vào Đảng… Không nhụt chí, anh Tơn tiếp tục nỗ lực và phấn đấu. Đến năm 2021, sau khi đã nhập được quốc tịch Việt Nam cho vợ, anh Tơn tiếp tục được đi học cảm tình Đảng. Tuy nhiên, việc xác minh lý lịch của vợ đang gặp nhiều khó khăn… “Bố của Tơn trước đây là Bí thư Đảng ủy xã, 2 em trai đều là đảng viên nên Tơn rất tha thiết muốn vào Đảng để phấn đấu, tiếp nối truyền thống gia đình. Tuy nhiên, trường hợp này chúng tôi đang chờ huyện xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để có quyết định cụ thể”, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ cho thấy, tổng số đảng viên là người DTTS đã có sự tăng lên về số lượng, nâng cao chất lượng trong từng năm, song tỷ lệ vẫn còn thấp. Điển hình như: Đảng bộ tỉnh Quảng Bình hiện có 1.292 đảng viên người DTTS; Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 4.562 đảng viên người DTTS; Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 3.550 đảng viên người DTTS; Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 34.588 đảng viên người DTTS; Đảng bộ tỉnh Nghệ An có 25.231 đảng viên người DTTS; Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh có 76 đảng viên người DTTS…

 

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có hơn 2 triệu đồng bào là người DTTS đang sinh sống. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở một số địa phương, nhiều Chi bộ Đảng vùng đồng bào DTTS không kết nạp được một Đảng viên nào…

Với những câu chuyện chúng tôi được nghe, được thấy trong suốt chuyến hành trình của mình mở ra cho chúng tôi một nghi vấn mới: Những bản làng dưới chân dãy Trường Sơn thuộc các tỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ có thực sự khan hiếm những “hạt giống đỏ” hay chính những giải pháp thiếu đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội; sự cứng nhắc trong công tác phát triển Đảng;… ở đây, khiến “hạt giống đỏ” không thể nảy mầm?

 

Bài 2: “Cầu nối” giữa Đảng với bản làng

Khi thực hiện tuyến bài này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ rất nhiều Bí thư Chi bộ, các đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu của các địa phương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Dù khác nhau về dân tộc, giới tính, độ tuổi, công việc… nhưng họ đều cùng có một điểm chung - luôn là những “hạt nhân” làm “cầu nối” giữa Đảng với bản làng, với đồng bào mình; giúp bà con “sáng cái đầu, ấm cái bụng”… Họ tự hào vì họ là Đảng viên, còn chúng tôi tự hào khi Đảng và bản làng có họ!

Chi bộ không mạnh nếu luẩn quẩn trong đói nghèo

Có mặt ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát - “thủ phủ” đồng bào Khơ Mú “cực Tây” tỉnh Thanh Hóa vào một buổi sáng se lạnh của những ngày cuối Thu. Nhìn cuộc sống của bà con nơi đây, ít ai nghĩ rằng đã có một thời Đoàn Kết chìm trong “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không đất trồng lúa nước… Theo chân Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết Cút Văn Dân (sinh năm 1993), chúng tôi đến nhà già làng Lương Xuân Ban - Bí thư chi bộ đầu tiên của bản Đoàn Kết ngày ấy!

Những năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, thăm hỏi và động viên bà con vùng đồng bào DTTS các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. 

Biết chúng tôi tới, già Ban đã chuẩn bị sẵn ấm trà nóng hổi để thiết đãi khách. Ở cái tuổi 79 với hơn 50 năm tuổi Ðảng, già Ban vẫn đau đáu với công tác tạo nguồn, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho Đảng, xây dựng chi bộ trở thành chi bộ tốt nơi biên giới xứ Thanh… Trong câu chuyện với chúng tôi, già Ban nhớ lại: Chi bộ Đoàn Kết ra đời trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của xã Tén Tằn nói chung và đời sống đồng bào Khơ Mú ở đỉnh Pha Lát nói riêng gần như tách biệt với bên ngoài. Với vị trí “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, việc phát triển kinh tế - xã hội quả thực là bài toán khó. Và lời giải được Chi bộ Đoàn Kết đưa ra lúc này là: “Việc gì càng khó càng phải vận động đảng viên làm trước, làm tốt mới tuyên truyền cho dân làm theo. Đảng viên làm tốt thì đồng bào nhìn thấy sẽ yên tâm làm theo”.

Phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo, già Ban cùng với các đảng viên giàu tâm huyết trong chi bộ như cụ Lò Văn Phồm, Lò Văn Xiết, Lò Văn May, Pít Văn Xinh… đã “cầm tay chỉ việc” giúp dân bản khai hoang đất ven suối và thung lũng Tén Ăng để trồng lúa nước; vận động bà con đắp những con đập nhỏ ngăn suối, bắt con nước chảy ngược vào ruộng lúa. Từ việc “đi cùng, làm cùng” với bà con mà diện tích lúa nước của bản cứ thế được mở rộng thêm sau mỗi mùa vụ… Bên cạnh đó, chi bộ cũng tập trung nỗ lực mở đường vào bản, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nếp sống mới. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng, chi bộ Đoàn kết đã giải được bài toán “xóa đói” cho người dân. “Chi bộ sẽ không thể mạnh nếu cuộc sống người dân vẫn mãi luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo”, già Ban quả quyết.

Khi được hỏi kinh nghiệm để cho chi bộ của các bản đặc biệt khó khăn mạnh lên, già Ban đăm chiêu: Để chi bộ mạnh, cần đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên người DTTS, nhất là những người hội tụ đủ “tài - đức” để dẫn dắt, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Do đó, để tăng xung lực cho chi bộ và xây dựng đội ngũ đảng viên kế cận tại chỗ, tránh nguy cơ “tái trắng”, Chi bộ Đoàn Kết đã trực tiếp xuống từng hộ dân, động viên người dân cho con em đến lớp học chữ; đồng thời, rà soát nguồn phát triển Đảng lựa chọn những nhân tố tích cực tham gia các hoạt động xã hội để dìu dắt, bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng… “Nhờ chủ trương “phủ xanh” những “cánh rừng trọc đảng viên” của Đảng, từ chỗ chỉ có 7 đảng viên khi mới thành lập nay Chi bộ phố Đoàn Kết có 28 đảng viên. Các đảng viên đều gương mẫu tuyên truyền đường lối, giúp bà con dần thay đổi nhận thức và có ý thức xây dựng quê hương”, ông Lương Xuân Ban chia sẻ.

Để có thêm tư liệu cho tuyến bài viết, chúng tôi tiếp tục hành trình về với xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Sau 5 năm thực hiện Đề án 01-ĐA/TU về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ xã Môn Sơn đã phát hiện, bồi dưỡng 60 quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng, trong đó, có 11 người là con em tộc người Đan Lai... Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Thân chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Cây Đa - Cồn Chùa - nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là các chi bộ ở cơ sở, cuộc sống của bà con nơi đây đang từng ngày đổi mới.

Điều này được minh chứng khi chúng tôi đến Khe Ló - một bản nhỏ thuộc xã Môn Sơn vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 12.2020). Bên bếp lửa bập bùng trong buổi chiều sương mù dày đặc, Bí thư kiêm Trưởng bản Lương Thị Tâm chia sẻ: Để đưa Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, Chi bộ Khe Ló đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc, tìm phương án chỉ đạo sát đúng, hiệu quả nhất. Các đảng viên trong chi bộ đã đóng góp, hiến cây, hiến đất, ngày công xây dựng đường giao thông; đồng thời, các đảng viên cũng xung phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Khi triển khai, nhiều bà con còn e ngại, nhưng khi thấy cây bí lên xanh đồng thì ai cũng an tâm hưởng ứng... “Muốn dân tin vào mình, tin vào Chi bộ Đảng thì phải làm cho đời sống của người dân ấm no hơn. Lúc đó bà con mới hiểu, mới theo mình”, chị Tâm bày tỏ.

Khe Ló là ví dụ sinh động cho việc muốn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì Đảng phải lãnh đạo toàn diện. Trong đó đảng viên phải tiên phong đi trước, nhất là phát triển kinh tế. Chỉ khi thấy người thật việc thật, hiệu quả thì bà con sẽ nghe theo… “Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên chắc rằng bản không có ngày hôm nay”, lãnh đạo xã Môn Sơn chia sẻ.

Hay như ở Chi bộ thôn 2/9 ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, để đưa thôn hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới vào năm 2018, hiện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, là nhờ chi bộ có những nghị quyết chỉ đạo sát đúng. Theo Bí thư Chi bộ thôn 2/9, mỗi việc triển khai xuống dân đều phải gắn với một nghị quyết của chi bộ. Quan trọng là trước khi ra nghị quyết, chi bộ chọn cách làm và thăm dò ý kiến Nhân dân rồi mới họp bàn, thống nhất nội dung triển khai để bảo đảm hiệu quả cao và phù hợp với lòng dân. “Cách nhanh nhất để đưa nghị quyết của chi bộ vào cuộc sống là “Cán bộ, đảng viên cứ thực hiện đúng “nói đi đôi với làm” thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo”, Bí thư Chi bộ thôn 2/9 cho biết.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao giấy chứng nhận cho các mô hình dân vận khéo tiêu biểu.
Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao giấy chứng nhận cho các mô hình dân vận khéo tiêu biểu.

 

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy huyện Con Cuông, Nghệ An Nguyễn Đình Hùng cho biết: Còn nhiều khó khăn tạo “sức nặng” lên mỗi Đảng viên vùng biên khi cuộc sống phải dành nhiều lo toan “cơm áo, gạo tiền”, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy cơ sở, vai trò của các chi bộ Đảng ở các bản làng đang từng bước được củng cố… “Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất là từ khi có chi bộ cắm bản, tinh thần đoàn kết toàn dân được nâng lên; tình hình chính trị được giữ vững; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được đến thẳng người dân một cách nhanh chóng hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, Đảng bộ huyện Con Cuông thời gian qua đã chỉ đạo phải đa dạng nguồn kết nạp; hướng vào việc tuyên truyền, vận động, giác ngộ lý tưởng cho các quần chúng tích cực ở từng cụm dân cư, nhất là quần chúng đang hoạt động ở các hội, đoàn thể, và những người lao động sản xuất giỏi, đóng góp tích cực cho cộng đồng… Nhờ đó, năm 2021, toàn huyện đã kết nạp được 134 đảng viên (vượt so với kế hoạch); 10 tháng đầu năm 2022, kết nạp được 132 đảng viên, vượt chỉ tiêu cả nắm đặt ra.

í thư Huyện ủy Đakrông, tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Tuân chia sẻ: Để xây dựng chi bộ mạnh, bên cạnh tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thì còn cần tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò “hạt nhân” của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành… “Một chi bộ mạnh còn phải biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, để người dân thấy được, hiểu được và làm theo một cách thiết thực nhất”, ông Tuân nhấn mạnh.

Cứ "người thật, việc thật" thì dân bản tin thôi!

Theo ghi nhận ở các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ, đa số các đảng viên người DTTS được kết nạp vào Đảng là người tại chỗ, trưởng thành từ các phong trào ở cơ sở nên sâu sát thực tế, gần gũi, gắn bó, hiểu rõ tâm tư của bà con… Bên cạnh nêu gương trong thực thi công vụ, đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức kỷ luật, các cán bộ, đảng viên tại các địa phương còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành điển hình tiêu biểu cho bà con học tập, làm theo…

Đón chúng tôi trở lại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An với nụ cười rạng rỡ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hải không giấu được niềm vui khi mảnh đất đầy khó nhọc ngày nào giờ đây đã có nhiều đổi khác. Những vườn chanh leo, đồi chè, ruộng lúa bạt ngàn xanh là tiền đề vững chắc giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thổi làn gió mới trong sự khởi sắc ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đầy bản lĩnh, sáng tạo và tâm huyết. Họ được ví như những cánh chim đầu đàn của nơi rẻo cao Tương Dương.

Tuyến đường vào bản người Mông duy nhất ở xã Lưu Kiền đẹp hơn nhờ những vạt hoa xuyến chi bung nở bên đường. Chỉ tay về phía một phụ nữ trẻ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mạc Văn Nguyên giới thiệu: Kia là đồng chí Vừ Y Dở - nữ đảng viên người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương giữ cương vị Bí thư Chi bộ bản. “Đồng chí Vừ Y Dở là tấm gương phụ nữ vùng biên vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và cộng đồng, góp sức xây dựng bản làng no ấm, yên vui”, ông Nguyên nhận xét.

Với phương châm “Nói dân hiểu, dân tin, dân nghe thì việc gì cũng dễ và thành công”, Bí thư Vừ Y Dở là người tiên phong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, điển hình là mô hình chăn nuôi dê đã thu hút nhiều hộ dân ở Lưu Thông tham gia và đem lại thu nhập cao. Chị còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm y tá của bản đã cùng chị em tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân - gia đình, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, các quy định về bảo đảm an ninh biên giới… cho dân bản. Khi được hỏi bí quyết để bà con tin theo chủ trương, đường lối của chi bộ, Bí thư Vừ Y Dở cười tươi: “Cứ “người thật, việc thật, hiệu quả thật’’ thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”.

Tạm xa dòng suy nghĩ về nữ “thủ lĩnh” Vừ Y Dở: “Cái lưng của người phụ nữ Mông sẽ không chỉ gùi ngô, gùi lúa mà bây giờ còn “gùi” cả chủ trương, chính sách của Đảng về với bản làng…”, chúng tôi về với Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở vùng đất cát trắng, gió Lào này, bà con thường nhắc đến Nguyễn Thị Nương (sinh năm 1990) như một tấm gương đáng quý về nỗ lực học tập và khát vọng vươn lên, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, yên bình cho bản làng.

Là Bí thư Chi bộ bản, chị Nương luôn trăn trở nghĩ cách tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân và chủ động phát huy phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, bắt tay tiên phong thử nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Sau vài vụ thành công, nữ Bí thư chi bộ bản đã tuyên truyền và hướng dẫn bà con đưa những giống mới này vào nuôi, trồng. Bằng những việc làm thiết thực mà những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con được thuận lợi hơn… Nhờ đó, đời sống bà con trong bản ngày càng khởi sắc.

Bản Lưu Thông - điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Bản Lưu Thông - điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

 

Theo lời chị Nương, khi mới nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ bản, bản thân gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động bởi một số bà con trình độ văn hóa, hiểu biết còn hạn chế. Nhiều người còn cho rằng, phụ nữ sẽ không lãnh đạo được… “Tôi không nản lòng mà quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đến nay, bản thân đã tạo được sự tin tưởng cho mọi người, đạt những thành quả mong muốn”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Nương chia sẻ. 

Chia sẻ về vai trò của các Bí thư Chi bộ bản trong công cuộc đồng hành cùng bà con gây dựng cuộc sống mới, lãnh đạo huyện Bố Trạch cho biết: Huyện Bố Trạch có 21 chi bộ thuộc vùng đồng bào DTTS, trong đó 18 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Thượng Trạch… Là “cánh tay nối dài” của Đảng, các Bí thư Chi bộ luôn bảo đảm duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ đều đặn, đúng quy định; chú trọng nắm bắt tư tưởng của đảng viên và bà con; quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tích cực lồng ghép nội dung sinh hoạt chi bộ với phổ biến kỹ thuật canh tác, vận động bà con trong bản thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Chia tay bà con bản Cà Roòng 1 khi bình minh hửng sáng. Trên cung đường đồi núi quanh co với những khúc cua tay áo, thôn Ra Ty thuộc xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện ra trước mắt chúng tôi một vẻ đẹp dung dị đặc trưng của bản làng người Pa Kô, Vân Kiều. Trong câu chuyện vui về sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này, bà con nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về Bí thư Chi bộ Hồ Văn Lô.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, anh Hồ Văn Lô đã phân công đảng viên giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn phát triển trồng trọt, chăn nuôi bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; hiến đất, đóng góp công sức xây dựng đường nội thôn; vận động thanh, thiếu niên không sa vào các tệ nạn xã hội… “Để phát triển kinh tế, gia đình tôi đã chuyển đổi từ trồng lúa rẫy, ngô cho năng suất thấp sang trồng sắn KM94 và chuối. Đồng thời, vay thêm vốn đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò và trồng hơn 5ha tràm. Bình quân mỗi năm gia đình thu về hơn 200 triệu đồng từ sắn, chuối và chăn nuôi”, anh Lô chia sẻ.

Trên cơ sở tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, anh Hồ Văn Lô và các đảng viên trong chi bộ đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, những năm gần đây, người dân Ra Ty không còn thiếu lương thực, dần có cuộc sống no ấm bằng cách vượt qua tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tận dụng đất đai, kỹ thuật vào sản xuất. Riêng năm 2021, toàn thôn có 15 hộ thoát nghèo…

Vừ Y Dở, Nguyễn Thị Nương hay Hồ Văn Lô… chỉ là số nhỏ đại diện cho những Bí thư Chi bộ, đảng viên người DTTS ở các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ mà chúng tôi đã gặp, tuy mỗi người có phương pháp hoạt động riêng nhưng có điểm chung là đều “lấy dân làm gốc”. Họ không chỉ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền mà luôn tiên phong trong mọi hoạt động; tích cực vận động bà con bài trừ lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở các bản làng…

Rời các bản làng biên cương lúc mặt trời gác núi. Trên con đường trở lại phố thị, chúng tôi không khỏi xúc động khi câu nói của Người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa vang lên từ chính nơi có các bản làng ẩn mình trong những ngọn núi cao sừng sững và bên các cánh rừng già: “Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng…”

 

Bài cuối: Quán triệt phương châm: “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”

Trao đổi về chủ đề “Công tác phát triển đảng viên là người đồng bào DTTS”, lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đều chung nhận định: Một trong những yếu tố then chốt, quyết định là cần tập trung bồi dưỡng, phát triển theo phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên"… Bởi, có một thực tế, câu chuyện "giữ chân" người trẻ ở lại quê hương để tạo nguồn phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận luôn là việc khó làm, khó thực hiện ở các chi bộ miền núi, vùng đồng bào DTTS. Điều đó, có thể sẽ biến thành quả của mọi nỗ lực về con số không và nguy cơ “tái trắng” luôn hiện hữu...

Đ/c Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh HOÀNG TRUNG DŨNG:

Tăng số lượng nhưng phải bảo đảm chất lượng

Thời gian qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ thôn, bản… Tuy nhiên công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận quần chúng, trong đó có thanh niên ở các thôn, bản còn hạn chế về nhận thức, chưa tích cực tham gia các hoạt động hội, đoàn thể...

Tư tưởng quán xuyến trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí minh về phát triển Đảng là "coi trọng chất lượng". Người luôn nhắc nhở: "Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên". Đây cũng chính là điều mà tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm để bảo đảm sự phát triển hài hòa số lượng đi đôi với chất lượng… Để làm tốt công tác phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS thì cùng với chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người DTTS ở cơ sở trong thời kỳ mới.

Đồng thời, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí cho quần chúng đồng bào DTTS, nhằm giúp quần chúng thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là vinh dự, là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội để hoàn thiện bản thân, cống hiến tốt hơn cho thôn, bản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp; đảng viên phải "đi trước, làm trước" để quần chúng nhân dân tin, làm theo.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách đối với đảng viên, nhất là việc xét, trao tặng huy hiệu đảng đối với đảng viên có nhiều năm tuổi đảng; hỗ trợ đảng viên không hưởng lương mua sổ chi chép sinh hoạt chi bộ, bút viết, tài liệu; tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề nhận thức về đảng cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng chi đoàn, chi hội chưa là đảng viên... Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phát triển đảng viên vùng dân tộc; ban hành quy định chấm điểm chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ, bí thư cấp uỷ vùng đồng bào dân tộc;…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐĂNG QUANG:

Mạnh dạn phân công, giao việc cho quần chúng ưu tú giữ trọng trách tại các thôn, bản

Những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Trị luôn coi công tác phát triển đảng viên, đặc biệt phát triển đảng viên người DTTS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, nhằm tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự lãnh đạo và sự kế thừa, phát triển của Đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng; một số cấp ủy chi bộ, bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên nên thiếu tính chủ động trong công tác giáo dục, vận động, rèn luyện quần chúng...

Để nâng cao chất lượng công tác phát triển viên trong vùng đồng bào DTTS, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn hiện nay, theo tinh thần "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên"; coi công tác kết nạp đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên... Cùng với đó, phát động phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, lao động sản xuất, giảm nghèo, để từ đó thu hút quần chúng Nhân dân tích cực tham gia, lấy kết quả thực hiện phong trào làm cơ sở đánh giá, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.

Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các đối tượng quần chúng là bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; học sinh đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, cán bộ thanh niên, phụ nữ, nông dân, y tế thôn bản... để giới thiệu kết nạp. Mạnh dạn phân công, giao việc cho quần chúng ưu tú là thanh niên, những người trẻ giữ trọng trách tại các xã, thôn, bản… Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân "nòng cốt" già làng, trưởng bản, người có uy tín, đảng viên trẻ vùng đồng bào DTTS gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động.

Có một thực tế, lâu nay, việc luân chuyển cán bộ, giáo viên, cán bộ biên phòng về sinh hoạt chi bộ bản là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính số học. Theo tôi, yếu tố căn cơ, quyết định là cần phải đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS - đây mới thực sự là lực lượng nòng cốt tại cơ sở… Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất..., thông qua đó, kịp thời phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa LẠI THẾ NGUYÊN:

Thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS

Những năm qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn do nguồn bị hạn chế. Phần lớn thanh niên sau khi học hết THPT sẽ đi nghĩa vụ quân sự, hoặc về các thành phố lớn, khu công nghiệp tìm việc làm mưu sinh; một bộ phận nhỏ lại chú trọng phát triển kinh tế, không nhiệt tình phấn đấu đứng trong hàng ngũ của đảng. Cùng với đó là những định kiến, phong tục tập quán lạc hậu; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều bất cập…

Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên vùng DTTS, giải pháp tiên quyết là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho bà con. Thực tế, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thói quen, phong tục lạc hậu vốn "sâu rễ bền gốc" trong các bản làng vùng đồng bào DTTS không đơn giản, bởi nếu chỉ "nói miệng", mà phải "trăm nghe không bằng một thấy" và thấy ai cũng không bằng thấy những tấm gương là chính người ở bản làng của họ… Do đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, như: Đào tạo nghề, phát triển các nghề dịch vụ, tạo việc làm cho lao động; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, văn hoá; đầu tư và định hướng khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên; nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào; có chế độ đãi ngộ, ưu tiên cho cán bộ, đảng viên vùng đồng bào DTTS để người dân tin tưởng và phấn đấu vào Đảng;…

Ở góc độ địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên vùng DTTS và miền núi. Cụ thể, sẽ giao trách nhiệm cho Đảng bộ các xã, chi bộ thôn, bản tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để thanh niên nhận thức đúng đắn và có mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của đảng; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn, qua đó phấn đấu, rèn luyện và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp; đồng thời, quan tâm phát triển đảng viên là học sinh các trường DTNT có ý chí phấn đấu, vượt khó vươn lên... Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác các chương trình tín dụng ưu đãi hiện có; thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, để lao động trẻ có thể làm việc, cống hiến cho quê hương, không phải đi làm ăn xa mà bỏ quên các công tác xã hội…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình TRẦN HẢI CHÂU:

Tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng viên là người DTTS. Tuy nhiên, số lượng đảng viên người đồng bào DTTS được kết nạp chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra; một số nơi đang tiềm ẩn nguy cơ "tái trắng" tổ chức đảng… Trước những khó khăn đó, tỉnh Quảng Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng trẻ tuổi để kết nạp. Trong đó, đặc biệt quan tâm các đối tượng, như: Học sinh tốt nghiệp các trường THPT, DTNT, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, bộ đội xuất ngũ và thanh niên lao động tại địa phương…

Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên khu vực miền núi, vùng DTTS, theo tôi, cần quan tâm tạo điều kiện để thanh niên người DTTS được học tập, nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng nhằm tạo nhận thức và động cơ đúng đắn trong việc phấn đấu trở thành đảng viên. Tích cực triển khai các phong trào thi đua với các nội dung thiết thực, để thông qua đó phát hiện ra những quần chúng ưu tú, gương mẫu giới thiệu cho đảng… Cùng với đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ ở địa phương; đồng thời chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để người dân phấn khởi, tin tưởng, mong muốn được cống hiến, từ đó tạo nguồn phát triển đảng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ưu tiên tạo nguồn ở những thôn, bản có ít đảng viên. Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn ở vùng có đồng bào DTTS. Đưa các chỉ tiêu về kết quả tập hợp đoàn viên, hội viên, bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng các tổ chức chính trị - xã hội hằng năm… Đồng thời, nêu cao sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tại các vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ, đồng thời là giải pháp then chốt quyết định các vấn đề khác… Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh về làm phó bí thư đảng ủy xã, sinh hoạt Đảng tại một số chi bộ bản các xã biên giới phía Tây của tỉnh"; quan tâm công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ nhằm khuyến khích, động viên quần chúng là đồng bào DTTS có động lực phấn đấu vào đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh ở vùng biên. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế PHAN NGỌC THỌ:

Xây dựng niềm tin, giác ngộ lý tưởng truyền thống vẻ vang của Đảng

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ "Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng... đặc biệt đẩy mạnh việc phát triển Đảng vào các vùng xung yếu, các cơ sở còn ít đảng viên", nhiều năm qua công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên người DTTS nói riêng được các cấp ủy đảng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng dân tộc… Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong khu vực, công tác phát triển đảng viên đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn còn gặp không ít những khó khăn, đó là: Tỷ lệ đảng viên còn thấp; động cơ phấn đấu vào đảng của một số quần chúng chưa cao…

Chúng ta biết, trong công tác xây dựng đảng, sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và của đảng viên là một trong những yếu tố hàng đầu để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đối với đồng bào DTTS, việc phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ rất quan trọng để bổ sung lực lượng cho đảng. Bởi, đây chính là những hạt nhân quan trọng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở… Thực tiễn đó, tôi cho rằng: Muốn công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào DTTS đạt kết quả tốt thì yếu tố then chốt, quyết định là cần tập trung bồi dưỡng, phát triển nguồn.

Cụ thể, cấp ủy đảng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng niềm tin, giác ngộ lý tưởng về truyền thống vẻ vang của Đảng để ngày càng có nhiều quần chúng ưu tú DTTS mong muốn được đứng vào hàng ngũ của đảng; đồng thời, đổi mới công tác giảng dạy các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng ở các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện… Các chi bộ, tổ chức đoàn thể cần sâu sát cơ sở, lồng ghép các phong trào với những hoạt động thiết thực; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đảng viên theo dõi kèm cặp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc để giúp đỡ, qua đó phát hiện nhân tố tích cực đưa vào quy hoạch, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Một vấn đề quan trọng là cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt chi bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu của chi bộ; xây dựng chi bộ thực sự trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn thôn, bản… Đồng thời, nâng cao chất lượng đảng viên, rà soát sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng.

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Đình Lý.
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Đình Lý.

 

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An LÊ ĐÌNH LÝ:

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội

Những năm qua, công tác phát triển đảng viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung khá thuận lợi nhờ sự quan tâm đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận quần chúng ở các thôn, bản còn hạn chế về văn hóa, nhận thức và hiểu biết; một số thanh niên còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương; lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa ngày càng nhiều…

Ðể khắc phục những hạn chế trên, các cấp ủy, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, vùng đồng bào dân tộc còn ít đảng viên; chỉ đạo các cấp ủy cơ sở rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, trường học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên. Lấy kết quả công tác phát triển công tác phát triển đảng viên ở các tổ chức đảng có nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng… Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới; nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa việc bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới và hết sức linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt chi bộ nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho quần chúng, đảng viên.

Theo tôi, yếu tố cốt lõi để tăng sức hút phát triển đảng chính là uy tín, năng lực của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, từ đó mới xây dựng niềm tin trong nhân dân và tác động tích cực đến các quần chúng ưu tú để họ nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện phấn đấu vào Đảng… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ…; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên DTTS tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 10.8.2016 về "Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020" và Kết luận số 95-KL/TU, ngày 5.7.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;…

Khép lại chuỗi ngày dài "tác nghiệp" khắp bản làng đồng bào DTTS các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, trên chuyến xe trở ra thủ đô Hà Nội, trong chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Vui vì đã đạt được mục tiêu đặt ra là đi đến tận cùng những bản làng xa xôi nhất của cả nước mà không phải người làm báo nào cũng có cơ duyên đặt chân đến - nơi mà cấp ủy, chính quyền đang ươm mầm những "hạt giống đỏ" để làm điểm tựa cho đồng bào DTTS dưới chân dãy Trường Sơn tiếp tục vượt lên khó khăn, xây dựng các bản làng ấm no, hạnh phúc.

Sau chuyến đi này, chúng tôi càng thấm thía hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người đảng viên - cây cầu nối giữa "ý Đảng - lòng dân"… ở vùng "thâm sơn cùng cốc" này. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để Đảng thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân…" sẽ còn vang vọng mãi...!

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất