Tác phẩm đoạt giải

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nói là làm!

Bài 1: Nổi thêm “lò lửa”, trên dưới đồng lòng

Đảng ta đã thể hiện quyết tâm cao nổi thêm những “lò lửa” mới, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần đã được đồng chí Tổng bí thư khẳng định - "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".

Đề án Thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực cấp tỉnh, do Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng, đã được đưa ra xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII, bế mạc ngày 10/5. Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với thực tế hiện nay. Quyết sách tại Hội nghị giống như một tiếng trống lệnh, quyết liệt nổi thêm những “lò lửa” mới nhằm loại bỏ những “cành củi sâu mọt, mục ruỗng” một cách đồng bộ và liền mạch từ địa phương đến trung ương.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).


Ngay từ thời kỳ đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định tham ô, tham nhũng là một thứ “giặc nội xâm”, và chống “giặc nội xâm” luôn là công tác được Đảng ta đặt lên hàng đầu. Từ năm 2006, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Tiếp đó, năm 2007, các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh được thành lập. Tuy nhiên, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong giai đoạn này còn gặp một số hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) đã quyết định chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo PCTN trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, thành phố. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.

Sau đúng 10 năm thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt xử lý rất nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh với khí thế cao ngút, khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta là "không có vùng cấm”, không có ngoại lệ trong đấu tranh với sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần ấy, “lò lửa” chống tham nhũng đã được bỏ vào rất nhiều “thanh củi mục ruỗng” dù lớn hay nhỏ, lấy lại niềm tin của nhân dân vào công cuộc chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng một cách thực chất, nghiêm minh.

Rõ ràng bộ máy chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp Trung ương đã vận hành hiệu quả, sắc bén. “Lò lửa” chống tham nhũng ở Trung ương luôn rực lửa. Tuy nhiên, ở cấp địa phương thì công tác PCTN, tiêu cực vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét, thậm chí ở nhiều nơi vẫn còn khá “nguội lạnh”. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, dẫn đến nhiều vụ việc nổi cộm gây bức xúc nhưng tiến độ giải quyết còn chậm; số vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn do địa phương phát hiện còn rất ít…

Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ việc tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cấp địa phương chưa có một “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp và đẩy mạnh mũi nhọn chống tham nhũng.

Chính vì thế, đây là thời điểm chín muồi để Đảng ta triển khai thành lập các Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động giống như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương nhằm đẩy mạnh hoạt động PCTN, tiêu cực tới từng địa phương. Hệ thống PCTN từ đây sẽ có sự lãnh đạo thông suốt, đồng bộ, có hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh. Trung ương sẽ không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu. Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giải quyết tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên làm thay dưới lâu nay.

“Chúng ta không làm thay cấp tỉnh, tỉnh nào không làm được thì chúng tôi xử lý tỉnh”, đó là lời cảnh báo nghiêm khắc, giống như một mệnh lệnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc sàng lọc, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, xây dựng Đảng ta và toàn bộ hệ thống chính trị trở nên trong sạch, vững mạnh.

Qua góp ý xây dựng Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương này. Kết quả đó cho thấy sự nhất trí và quyết tâm cao từ trung ương tới địa phương nhằm nổi lên những “lò lửa” mới, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần đã được đồng chí Tổng bí thư khẳng định - "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".

Chủ trương đã quyết, lúc này điều được dư luận quan tâm là phải xây dựng được đội ngũ Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh gồm những cán bộ tuyệt đối trong sạch, liêm chính và bản lĩnh. Những người tay đã “nhúng chàm” thì không thể chống tham nhũng. Đó phải là những cán bộ thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”, không nể nang, nương tay với các sai phạm ngay trong cơ quan, địa phương mình. Tham gia Ban chỉ đạo cấp tỉnh, người đứng đầu các địa phương sẽ phải thể hiện trách nhiệm, năng lực ở mức cao nhất trước Đảng, trước Trung ương trong việc chủ động phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện năng lực giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận địa phương, qua đó gây dựng lại niềm tin nơi nhân dân.

“Giặc nội xâm” tham nhũng luôn ẩn hình, biến hình, ngày càng tinh vi, phức tạp và liều lĩnh hơn. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì thế cần phải được tiến hành thống nhất, đồng bộ, thường xuyên và lâu dài để liên tục làm sạch “cơ thể” Đảng và chính quyền các cấp khỏi thứ “giặc” ẩn hình và độc hại này. Quyết sách của Đảng ta về thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đang khơi dậy niềm hy vọng và mong chờ của nhân dân về những “lò lửa” luôn rực cháy, vừa có tác dụng cảnh tỉnh, ngăn ngừa, vừa thực sự diệt trừ nạn tham ô, tham nhũng, làm hại đất nước, làm hại nhân dân.

 

Bài 2: Đảng viên 'thà ít mà tốt'

“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, đúc kết đó của các bậc tiền nhân cho thấy chất lượng luôn được xem trọng hơn số lượng trong hầu hết mọi công việc. Đối với công tác xây dựng Đảng, kinh nghiệm này càng có ý nghĩa sâu sắc, nhất là khi hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay vẫn có những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.

Có lẽ chưa bao giờ số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng bị phát hiện vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực và bị xử lý kỷ luật lại nhiều như trong giai đoạn vừa qua. Không còn là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” có dấu hiệu suy thoái, biến chất như cách đánh giá thiên về định tính trước kia nữa, mà bây giờ tất cả đều đã được “chỉ mặt đặt tên” cụ thể, với những con số đáng phải suy ngẫm.

Khép lại nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý)…

Còn từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước cũng đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Nhất là đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao... Trong đó đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 thứ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh, 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

“Lò lửa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang cháy rực - như cách nói của dân gian, điều đó cho thấy quyết tâm và nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng mặt khác cũng làm bộc lộ những hạn chế có thể được xem là “nan đề” trong công tác này. Tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, chạm đến cả những lĩnh vực ít ai ngờ như giáo dục, y tế, ngoại giao. Và vi phạm, sai phạm cũng đang ngày càng trắng trợn hơn, liều lĩnh hơn, mang tính chất “lợi ích nhóm” rõ ràng hơn…

Trong khi đó, ngay vào những thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” cần sự nêu gương, cần sự tận tâm, tận lực của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, thì một số người lại không vượt qua được sự cám dỗ, dẫn đến sa ngã, tranh thủ trục lợi cho bản thân mình. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà thiếu bản lĩnh như vậy thì còn đâu vai trò? Tương tự, không ít tổ chức cơ sở đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu tính chiến đấu, thậm chí bị “vô hiệu hóa” hoạt động, nên cũng tự triệt tiêu vai trò “tập thể lãnh đạo” của mình. Chính những điều này đã làm tổn thương trực tiếp tới tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên và nguy hại hơn là làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, gây nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ.

Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vẫn còn nguyên tính thời sự. Việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xem xét Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào thời điểm này thể hiện quyết tâm đổi mới căn bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung vào những yếu tố cốt lõi là tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng theo tinh thần tư tưởng của Lê-nin “Thà ít mà tốt”; “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!”.

Hiện nay, toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với trên 5,2 triệu đảng viên. Số lượng đảng viên đang tăng nhanh và đây là đội ngũ trực tiếp xây dựng, cụ thể hóa và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, không vì cứ mải chạy theo số lượng cho “đủ chỉ tiêu” một cách máy móc mà lơ là vấn đề chất lượng. “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần lưu ý về công tác cán bộ, đảng viên như vậy. Cốt yếu là làm sao lựa chọn, bố trí đúng người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân.

Đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng thì đương nhiên càng phải kiên quyết loại bỏ. Trong “xây” có “chống”, không nhân nhượng với sai phạm và cần thượng tôn pháp luật để bảo vệ kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đối với những đảng viên “hữu danh vô thực” cũng vậy, chính sự thờ ơ, nể nang, né tránh, thái độ đoàn kết xuôi chiều, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh của họ làm suy yếu tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo cơ hội cho những mầm mống tiêu cực, suy thoái, tham nhũng sinh sôi, nảy nở.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân được Đảng ta nhấn mạnh là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng viên chính là khâu then chốt để xây dựng một tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần có những quy định mới phù hợp với thực tiễn, cụ thể, dễ thực hiện, gắn với sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng thì mới tạo ra “luồng sinh khí mới” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.


 
 

Bài 3: “Ngọn đèn pha’ và ‘thanh bảo kiếm’

Đi trước, phát hiện sớm, mổ xẻ, xử lý kịp thời những sai phạm, ung nhọt…, có thể nói, công tác kiểm tra của Đảng là liệu pháp quan trọng để chữa trị những 'vết thương', bảo vệ sự lành mạnh của toàn bộ cơ thể.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10/1947, Hồ Chủ tịch từng đánh giá công tác kiểm tra của Đảng như “ngọn đèn pha”. Bác khẳng định: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có “ngọn đèn pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ… Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”.

Lịch sử 92 năm thành lập và lớn mạnh của Đảng ta đã chứng minh tầm quan trọng của công tác kiểm tra Đảng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác kiểm tra của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Chỉ riêng trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra trên 260.000 tổ chức đảng và trên 1 triệu đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 2.727 tổ chức đảng và 6.179 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên. Công tác kiểm tra Đảng đã phát huy sức mạnh trong tăng cường kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nhằm làm trong sạch đội ngũ, đồng thời có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Công tác kiểm tra Đảng cũng góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Ngọn lửa trong “lò” chống tham nhũng rừng rực cháy, thể hiện rõ sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc củng cố, làm trong sạch đội ngũ.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm được cơ quan chức năng khởi tố sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thể hiện sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và triển khai công tác kiểm tra Đảng. Phương thức triển khai thể hiện sự chủ động và đổi mới rõ nét, việc kiểm tra đi trước một bước tạo tiền đề cho các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm minh. Tiêu biểu là vụ việc liên quan Công ty Việt Á. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, thành kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan. Ngày 4/3/2022, tại kỳ họp thứ 12, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận hai sĩ quan của học viện Quân y sai phạm liên quan việc nghiên cứu, bàn giao đề tài "Chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" và trong mua sắm một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á. Sau đó, ngày 8/3/2022, hai sĩ quan này đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ việc đến nay vẫn tiếp tục được điểu tra, mở rộng.

Tương tự, là vụ việc xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển. Tại Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương XIII, từ ngày 28 đến ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật một số tướng, tá Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có những hành vi suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đến tháng 4/2022, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chính thức thông báo khởi tố, bắt tạm giam các vị tướng, tá này của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Theo thống kê, năm 2021, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm 12 tổ chức Đảng và 20 Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, mở đường cho các cơ quan thanh tra, điều tra tiếp tục xử lý vụ việc theo pháp luật.

Trong những vụ việc này, Uỷ ban Kiểm tra đã đi trước, chứ không chờ khi vụ án được điều tra xong mới tiến hành kiểm tra. Sự vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động của Uỷ ban Kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng, làm rõ các hành vi sai phạm, các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên cấp cao, đã góp phần chứng minh hiệu quả của việc đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Phiên họp

Sáng 27-4-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.



Suy ngẫm lại đánh giá của Bác Hồ về công tác kiểm tra Đảng “như ngọn đèn pha”, càng thấy sự sâu sắc của hình ảnh so sánh. Ngọn đèn không chỉ toả ra ánh sáng minh bạch, mà còn luôn phải đi trước, soi đường. Trong tình hình mới, công tác kiểm tra của Đảng cần tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Theo đó, nội dung “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực…” đã được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội Đảng XIII. Giải pháp hàng đầu là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát trên tinh thần coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm, từ đó mà chủ động có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả. Như vậy, việc “đi trước” một cách chủ động của công tác kiểm tra Đảng có tác dụng ngăn chặn kịp thời, không để các sai phạm ăn sâu, lan rộng, gây nên hệ lụy lớn đối với đất nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, mục đích cuối cùng của công tác kiểm tra, giám sát chính là "trị bệnh cứu người", giữ được cán bộ.

Trong bài phát biểu mới đây tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã nêu rõ: Từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy công tác kiểm tra, giám sát đã đi trước như ngọn đèn; đồng thời, như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là một "thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương". Và để công tác kiểm tra, giám sát phát huy được hiệu quả, điều quan trọng nhất chính là yếu tố con người, trong đó các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu, phải thường trực tinh thần phê và tự phê, bám sát thực tiễn cơ sở, từ đó nắm chắc thông tin, thường xuyên thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, có các biện pháp phanh phui mỗi khi những biểu hiện sai sót manh nha xuất hiện.

Có như vậy, “ngọn đèn pha” mới luôn rực sáng, soi tỏ mọi ngóc ngách, dẫn đường; và “thanh bảo kiếm” mới kịp thời can thiệp, ngăn chặn sự lan rộng của những ung nhọt, giúp chữa lành những vết thương, bảo vệ đội ngũ cán bộ, bảo vệ sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.

 

Bài 4: “Xây” lập trường, “chống” xuyên tạc

Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta không chỉ phải đối phó với “thù trong”, mà còn phải hành động quyết liệt chống “giặc ngoài”.

“Giặc ngoài” ở đây chính là những thế lực phản động, thù địch luôn rêu rao luận điệu xuyên tạc, suy diễn, bóp méo, bôi xấu các đường lối, quyết sách của Đảng ta, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gần đây.

Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ, các thế lực phản động cả trong và ngoài nước liên tục tìm mọi cơ hội, lợi dụng mọi vụ việc dù lớn dù bé để bài xích, kích động tâm lý bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin vào Đảng.

Các trang web, tài khoản Facebook, blog… giả mạo cơ quan, cá nhân có uy tín; các trang thông tin đậm đặc nội dung chống phá mọc lên như nấm, kiểu như “Dân luận”, “Việt Nam thời báo”, “Dân làm báo”… Các trang này thường cài cắm cả thông tin thật lẫn giả nhằm tung hỏa mù, gây nhầm lẫn cho độc giả, từ đó hướng người đọc vào những luận điệu lệch lạc, chống phá Đảng.

Bài bản hơn, các thế lực còn thành lập các kênh truyền hình, đài phát thanh trên mạng để tuyên truyền nội dung chống phá công tác xây dựng Đảng. Những cái tên quen thuộc có thể kể tới như “Việt Tân”, “Radio Chân trời mới”… Thậm chí, các thế lực còn vung tiền mua quảng cáo, tài trợ nhằm núp bóng để dẫn dắt truyền thông theo ý đồ của mình.

Nhận diện được những động thái, thủ đoạn chống phá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như trên, Đảng ta cũng đẩy mạnh công tác chống các luận điệu xuyên tạc này, coi đây là nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với trọng tâm là chỉnh đốn Đảng.

Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTCTW thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022. Trong số 5 nội dung tuyên truyền trọng điểm, có một nội dung tập trung vào vấn đề tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Trong kế hoạch nói trên, báo chí cách mạng đóng một vai trò quan trọng, là vũ khí sắc bén để bảo vệ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ cần tìm kiếm nhanh trên Google với các từ khóa như “chống xuyên tạc”, “phản bác luận điệu sai trái”… là có thể tiếp cận hàng trăm, hàng nghìn bài viết sắc sảo trong cuộc “bút chiến” với các thế lực thù địch. Trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hai nội dung mà thế lực phản động và báo chí cách mạng “bút chiến” nhiều nhất trong thời gian gần đây là chiến dịch “đốt lò” tham nhũng và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Những điều đảng viên không được làm”. Nhờ có những bài viết đầy sức nặng mà báo chí cách mạng đã kịp thời đập tan những luận điệu phá rối, bịa đặt.

Mặc dù lực lượng báo chí luôn hành động nhanh nhẹn, sắc bén trong bảo vệ công tác xây dựng Đảng, nhưng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn, là đi sau để phản bác, “chống” lại các luận điệu xuyên tạc. Điều gốc rễ và phải thực hiện song song chính là “xây”: xây lập trường, xây tư tưởng, xây bản lĩnh, xây niềm tin cho cả quần chúng và Đảng viên. Vì lập trường, tư tưởng, bản lĩnh, niềm tin chính là thứ vũ khí mạnh nhất, thứ vaccine hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và Đảng trước các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Để thực hiện công tác “xây” vô cùng quan trọng này, Đảng ta đã có nhiều hành động thiết thực, cả về thực tiễn lẫn lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.

Thấm nhuần điều đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây đã thông qua Nghị quyết về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài phát biểu khai mạc: “…năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu… Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thậm chí một số nơi còn xem nhẹ”.

Do đó, ban hành Nghị quyết nói trên là hành động cần thiết để xây dựng Đảng, góp phần tăng cường nền tảng tư tưởng đối phó với các luận điệu thù địch. Sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Nghị quyết này chắc chắn sẽ sớm được triển khai, đi vào cuộc sống, từ đó tạo ra thay đổi, biến chuyển trong từng Đảng viên, từng chi bộ.

Có thể nói, Nghị quyết này của Đảng ta sẽ trang bị cho các Đảng viên cả tấm khiên bảo vệ, cả cây kiếm sắc bén để có thể tự tin trong môi trường có nhiều cạm bẫy mà thế lực thù địch giăng ra, đặc biệt là trên không gian mạng. Với những vũ khí đó, Đảng viên có thể dễ dàng nhận diện các quan điểm sai trái, trở nên tỉnh táo, thận trọng mỗi khi bình luận, đánh giá vấn đề trên mạng xã hội, không để mình rơi vào những cái bẫy ngôn từ của thế lực chống phá.

Vẫn biết giọng điệu xuyên tạc chỉ là “ném đá ao bèo”, nhưng trong quá trình xây dựng Đảng, nếu không “xây” lập trường sao cho vững, thì những hòn đá dù nhỏ cũng có thể khiến những Đảng viên sẵn tâm lý bất mãn bị dao động.

 

Bài 5: Bài học luôn mới

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày.

Cũng bởi thế, đến Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII vừa diễn ra, bên cạnh những vấn đề quan trọng khác, Ban Chấp hành Trung ương lại tiếp tục bàn về công tác xây dựng Đảng. Trung ương đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Một trong những giải pháp cụ thể là thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; cần hết sức coi trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Như trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giống như chúng ta nổi thêm những “lò lửa” mới để quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có một điểm nhấn mạnh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại khi nói về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là “trên dưới đồng lòng”, là sự quyết tâm cao và thống nhất cao. Bởi lẽ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Trong đó, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cũng luôn được đề cao khi tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận xét về sự chuyển biến nhận thức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Đảng Trung ương cho biết, đó là việc cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, trước tiên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trước.

Chúng ta có thể thấy, cùng với việc thảo luận, quyết định những vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì Hội nghị Trung ương 5 cũng xem xét Báo cáo kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021 được rút ra, đó là: Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, đã phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một lần nữa, bài học về sự đoàn kết để thành công lại được rút ra, cho dù đó là việc khó, việc xử lý cán bộ của mình, nhưng điều đó mới lại càng chứng tỏ “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất