Tác phẩm đoạt giải

Ổn định để phát triển - phát triển để ổn định

 Ổn định và phát triển là hai mặt của mối quan hệ đầu tiên trong 10 mối quan hệ tất yếu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Muốn phát triển phải giữ vững ổn định. Để ổn định lâu dài, phải phát triển bền vững. Nói cách khác, phát triển chính là đẳng cấp mới của ổn định.

Thực tiễn phát triển tại Bình Phước cho thấy, ổn định là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự phát triển. Ổn định về chính trị, xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng. Phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững là cơ sở vững chắc cho sự ổn định về chính trị, xã hội. Mối quan hệ này được tỉnh Bình Phước xử lý một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

Bài 1: ỔN ĐỊNH ĐỂ PHÁT TRIỂN - YÊU CẦU TỪ THỰC TIỄN

Nói đến phát triển trước tiên phải nói đến sự ổn định, phát triển phải dựa trên nền tảng của sự ổn định, hay nói cách khác có ổn định thì mới có phát triển và chỉ khi phát triển mới đem lại sự ổn định. Và những thành quả đạt được sau gần 25 năm tái lập tỉnh là bắt đầu từ việc xác định và chủ động vận hành: ổn định để phát triển và phát triển là cơ sở làm nên sự ổn định.  

Ổn định trên nền tảng kinh tế phát triển

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Và chính Người đã dành cả cuộc đời để hiện thực hóa ham muốn cao đẹp đó. Theo Người, chỉ có hòa bình, tự do, không chiến tranh, áp bức bóc lột mới là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, kinh tế - chính trị - văn hóa luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, làm nên sự phát triển và ổn định của quốc gia, dân tộc. V.I.Lê nin từng khẳng định: Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Chính trị ra đời từ kinh tế, do kinh tế quyết định. Chính trị phải được xây dựng trên cơ sở kinh tế. Khi cơ sở kinh tế biến đổi, chính trị cũng phải biến đổi theo để phản ánh đúng cơ sở kinh tế, phù hợp với kinh tế và tạo được môi trường tốt nhất cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chính trị có sự tác động trở lại rất tích cực đối với kinh tế. Nếu chính trị sai lầm, trì trệ, không khoa học, không phù hợp thì sẽ kiềm hãm sự phát triển của kinh tế, thậm chí đẩy kinh tế vào khủng hoảng, và hậu quả đi kèm tất yếu là sự mất ổn định về chính trị - xã hội. Đảm bảo đời sống dân sinh, ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo nền tảng, cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển nền kinh tế.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi gặp gỡ, hỏi thăm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số xã Thanh An, huyện Hớn Quản năm 2020

Từ tính khoa học sâu sắc đó, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào việc thành lập Chính phủ lâm thời, kiện toàn công tác nhân sự, đảm bảo ổn định về chính trị. Ngay trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã thảo luận và phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, đồng thời mở đợt quyên góp gạo để giúp đỡ người nghèo và thực hiện chiến dịch chống mù chữ... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, giữa kinh tế - chính trị - văn hóa có tác động qua lại lẫn nhau. Tăng cường xây dựng văn hóa chính là để thực hiện nhiệm vụ cơ bản là phát triển kinh tế. Ngược lại, xây dựng kinh tế phát triển đất nước trông chờ rất lớn vào việc xây dựng văn hóa nhằm tạo ra động lực tinh thần lớn mạnh trong nhân dân. Với quan niệm xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải là một xã hội có văn hóa cao, Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những “con người xã hội chủ nghĩa”. “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ổn định là đẳng cấp mới của sự phát triển

Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngay sau những ngày đầu tái lập tỉnh năm 1997, Hội nghị Tỉnh ủy Bình Phước lâm thời lần thứ nhất đã phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ và các Tỉnh ủy viên. Với bộn bề khó khăn của một tỉnh được tái lập từ 5 huyện khó khăn nhất của tỉnh Sông Bé cũ, Bình Phước đã nhanh chóng ổn định trụ sở làm việc của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là tập trung mọi lực lượng, cố gắng nhanh chóng ổn định tư tưởng, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để các cơ quan, đơn vị sớm đi vào hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới thiêng liêng của Tổ quốc...

Sau khi tách tỉnh, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; GDP bình quân đầu người chỉ gần 180 USD; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; nguồn thu ngân sách không đủ chi. Cán bộ các ngành ở tỉnh thiếu về số lượng và chưa ngang tầm nhiệm vụ. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ; di dân tự do ngày càng đông và tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Ổn định không có nghĩa là phải co lại, không dám làm, không dám đột phá. Đồng thời, cũng không phải chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trước tình thế đó, cùng với việc ổn định cơ cấu bộ máy, tổ chức hoạt động, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu ngân sách và xây dựng cơ bản, xóa đói giảm nghèo. Nhờ chính sách trợ cấp hằng tháng, cấp đất và hỗ trợ nhà ở nên số đông cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh ổn định tư tưởng, an tâm công tác. Đời sống cán bộ, công nhân viên và các tầng lớp nhân dân dần ổn định, một bộ phận có cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh biên giới, nội và ngoại biên ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Rõ ràng, sự ổn định về mặt chính trị là nền tảng, cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, trên cơ sở bộ máy hành chính dần đi vào ổn định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI - Đại hội Đảng bộ đầu tiên của tỉnh khi mới tái lập đã nhanh chóng xác định mục tiêu chuyển dịch một bước về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trên cơ sở phát huy thế mạnh của tỉnh, xây dựng Nhà máy xi măng Tà Thiết… Xây dựng, phân loại và sắp xếp lại các lâm trường để cùng với các nông trường vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xóa được đói, từng bước giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giao đất giao rừng được thực hiện khẩn trương, người dân phấn khởi mạnh dạn nhận đất, nhận rừng để trồng và bảo vệ rừng. Chỉ trong 4 năm (1997-2000) giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng bình quân 74,38%/năm. Toàn tỉnh có 1.891 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất đạt 497,3 tỷ đồng (so với năm 1997 tăng 385 cơ sở sản xuất và tăng 374,8 tỷ đồng), thu hút 9.576 lao động về làm việc. Chỉ trong 3 năm (1998-2000), Bình Phước đã giảm được 8.622 hộ nghèo đói (giảm bình quân 2,54%/năm), không còn hộ đói kinh niên. Đời sống người dân các vùng trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.

Chính sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh đã tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho Bình Phước sớm hoạch định các chiến lược, bước đi phù hợp, góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Từ một tỉnh nghèo, đến nay Bình Phước đã trở thành hiện tượng trong thu hút đầu tư và phát triển trong khu vực.

Bài 2: TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN VÀ BÀI HỌC TỪ CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Những quyết sách mang tính đột phá trong đường lối lãnh đạo về phát triển kinh tế đã mang về cho Bình Phước nhiều “trái ngọt” sau gần 25 năm tái lập. Từ một tỉnh nghèo, được coi là “vùng trũng” về nhiều lĩnh vực của cả nước, Bình Phước đã vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt, với chủ trương xây dựng nền kinh tế “mở”, kinh tế số, Bình Phước sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư với những dự án mang tính chất động lực, trở thành tỉnh công nghiệp, có quy mô kinh tế khá trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Sự chuyển mình toàn diện và mạnh mẽ 

Gần 25 năm sau ngày tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội, với những giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, Bình Phước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện. Năm 1997, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh chiếm 70%, công nghiệp - xây dựng chiếm 6,9%, dịch vụ 22,5% thì đến năm 2020, nông - lâm - thủy sản chỉ còn 21%, công nghiệp - xây dựng chiếm 40,5%, dịch vụ chiếm 37,6%. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển vượt bậc, nhất là đường giao thông, thông tin liên lạc và lưới điện quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường, với chiều dài hơn 8.000km; trong đó, quốc lộ 13, 14 được nâng cấp, nhựa hóa đạt 100%, đường tỉnh quản lý nhựa hóa đạt gần 100%. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Hộ sử dụng điện đạt 99%.

Quyết liệt phòng, chống dịch, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần tạo nền tảng, cơ sở cho phát triển kinh tế. Trong ảnh: Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến huyện Đồng Phú - Ảnh: Trương Hiện

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,51%, thuộc nhóm cao cả nước. Thu ngân sách 11.608 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đấu thầu qua mạng đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 67,3 triệu đồng, gấp gần 26 lần so với năm đầu tái lập (năm 1997 chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người).

Đặc biệt, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Qua đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững đà tăng trưởng. 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức khá, ước đạt 6,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài 58 dự án với số vốn đăng ký 105.050 tỷ đồng, tăng 8 lần về vốn so cùng kỳ năm 2020; thu hút đầu tư trong nước 90 dự án với số vốn 9.300 tỷ đồng, tăng 2,44 lần về số vốn đăng ký. Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 8.817 tỷ đồng, tăng 38,1% so cùng kỳ năm 2020.

Bám sát đúng định hướng phát triển công nghiệp, hiện 8 khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194 ha. Tỉnh đã và đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng các KCN như: Minh Hưng III 577 ha, Bắc Đồng Phú 317 ha, Nam Đồng Phú 480 ha, Minh Hưng - Sikico 1.000 ha; bổ sung thêm quy hoạch mới KCN và dân cư Đồng Phú 6.317 ha và 3 KCN ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300 ha. Ngoài ra, Bình Phước còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tiếp giáp Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối sang Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Quyết liệt với những giải pháp đột phá

Khát vọng và kỳ vọng đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là mong muốn chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh. Ngày 15-9-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. 

Sau gần 25 năm tái lập, Tỉnh ủy Bình Phước đã nhiều lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bình Phước xây dựng nghị quyết chuyên đề về chiến lược phát triển. Điểm đột phá trong nghị quyết này là tầm nhìn chiến lược mang tính khái quát cao, quyết tâm lớn; đồng thời thể hiện rõ khát vọng bứt phá trong mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước. 

“Nghị quyết đã phác họa chặng đường dài hơi, những công việc phải làm từ giao thông đến giáo dục, đào tạo cán bộ, thu hút đầu tư, nhân lực... Đây sẽ là cơ sở, nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo triển khai thực hiện các công việc một cách bài bản, công phu, nghiêm túc và không có tư duy nhiệm kỳ. Đặc biệt, trong các giai đoạn ấy có phân kỳ nhất định để thực hiện tiếp nối những công việc cần phải làm”.

Thạc sĩ NGUYỄN THANH THUYÊN, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Xác định 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm với nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, để  thực hiện khát vọng đưa Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” trong khu vực, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điều chỉnh, thích ứng với tình hình thực tế và mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao. Đó là phương châm hành động “2 nhanh, 3 tốt”. Trong đó “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; “3 tốt” là chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt… 

Trên tinh thần trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh thu hút được 146 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 1,44 tỷ USD, tăng 1,2 lần về số dự án và tăng 2,2 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước phấn đấu thành lập 6.000 doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tỉnh vẫn duy trì việc gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo định kỳ và đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng hình thức trực tuyến. 

Giữ vững ổn định để chủ động phát triển 

Sau hơn 1 năm vững vàng trước đại dịch, ngày 30-6, Bình Phước ghi nhận ca dương tính đầu tiên. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-8-2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19. Nghị quyết là “kết tinh trí tuệ”, mang tính kịp thời và tinh thần chủ động của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: “Cuộc chiến chống Covid-19 không còn là một trận đánh, nó đã trở thành một cuộc chiến và có thể kéo dài. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất rất cao và ban hành Nghị quyết số 05 nhằm đề ra các phương hướng lớn để chống dịch. Với việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 05, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có sự chuẩn bị cho cuộc chiến chống Covid-19 về lâu dài”. 

Nghị quyết số 05-NQ/TU xác định, phải bảo đảm sẵn sàng cả về tinh thần và vật chất để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến. Huy động rộng rãi các lực lượng: y tế, vũ trang, xung kích tình nguyện và quần chúng nhân dân để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài, toàn dân chống dịch. Đồng thời triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều “mặt trận”, từ kiểm soát lây nhiễm bên ngoài, bên trong cộng đồng, đến điều trị bệnh nhân Covid-19, tiêm vắc xin và tranh thủ phát triển sản xuất tại những nơi, những vùng đã kiểm soát tốt về dịch bệnh…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Bình Phước đã kiểm soát dịch một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng các chốt kiểm soát vào tỉnh; hạn chế tối đa người, phương tiện từ vùng dịch, nơi đang thực hiện giãn cách xã hội về Bình Phước và phát huy tốt vai trò tổ covid cộng đồng. Công tác tiêm vắc xin phòng dịch được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Công tác kiểm soát biên giới và nội địa được thực hiện đồng bộ, kịp thời với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mang lại hiệu quả cao.

Có những lúc người dân, cán bộ, đảng viên cảm thấy ngột ngạt, cho rằng thận trọng quá mức, nhưng phải chấp nhận. Bởi Bình Phước biết mình là ai, năng lực và tiềm lực thế nào: kinh tế, ngân sách còn rất khó khăn, năng lực, nhân lực y tế còn yếu, Bình Phước lại rất gần Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đang là tâm dịch. Và quan trọng hơn cả, Bình Phước biết mình cần ổn định để phát triển và dành mọi chi tiêu cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sự an toàn cho tỉnh và mỗi người dân. Bình Phước kiên quyết không đánh đổi sự phát triển bằng sự an toàn, bởi có an toàn, mạnh khỏe mới có phát triển và chỉ “mở cửa trở lại” khi tự tin, đủ điều kiện. Bình Phước đã không cho phép bất cứ một sự lơ là, chủ quan nào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bởi kiểm soát tốt dịch Covid-19 để ổn định sẽ là động lực, là điều kiện để Bình Phước phát triển. 

Không chờ “hậu covid” mới phát triển, mọi hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước vẫn diễn ra trong điều kiện dịch bệnh. Công nghệ số, chuyển đổi số có cơ hội phát triển. Bình Phước tranh thủ việc xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh, hoàn thành và triển khai nghị quyết về tầm nhìn chiến lược phát triển, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Bài 3: PHÁT TRIỂN ĐỂ GIỮ VỮNG ỔN ĐỊNH HƠN - TRIẾT LÝ NHÂN VĂN, GIẢI PHÁP ĐỘC LẬP VÀ SÁNG TẠO

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Quan điểm của Người đã được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Từ chủ trương, chính sách chung, các cấp ủy, chính quyền ở Bình Phước đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn góp phần xây dựng Bình Phước ngày một phát triển, bảo đảm đời sống dân sinh.

Dồn tâm sức, tài lực để chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân

Với 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống, Bình Phước được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Sự đa dạng về thành phần dân tộc cùng những khó khăn ban đầu sau ngày tái lập, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền trong tỉnh phải có những quyết sách sớm nhằm ổn định dân cư, bảo đảm sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Cùng với kiện toàn công tác nhân sự và ổn định nơi làm việc, tỉnh bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các Chương trình 134, 135, Chương trình định canh định cư, trợ giá, trợ cước và dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hơn 10 năm sau, toàn tỉnh đã có 25/43 xã thoát khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 23,6% (năm 2005) xuống còn 16,5% (năm 2010). Riêng năm 2020, toàn tỉnh giảm được 3.123 hộ nghèo, đạt 122% chỉ tiêu giao.

Trong đó đáng chú ý là chủ trương trồng cao su tạo quỹ an sinh xã hội và cấp đất sản xuất theo chương trình an sinh xã hội cho hộ nghèo đã đem lại những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân.

Cùng với các nguồn vốn xã hội hóa và chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, chỉ trong giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đã thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo vùng DTTS với kinh phí 522.878 triệu đồng. Riêng 2 năm (2019-2020), tỉnh đã tập trung gần 137 tỷ đồng ngân sách để thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo DTTS.

 

Đoàn chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á khảo sát thực tế quy hoạch tuyến giao thông phía Đông Nam quốc lộ 14 tại khu vực ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú

Năm 2021, dù đại dịch diễn biến phức tạp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Phước vẫn dành nguồn lực đáng kể cho công tác giảm nghèo. Những nguồn lực này và kết quả giảm 2,54% hộ nghèo mỗi năm không dễ thực hiện, nếu không có sự đoàn kết, đồng tâm hợp sức của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, các tỉnh, thành bạn và tự chính hộ nghèo, cận nghèo, DTTS.

Cùng với công tác giảm nghèo, làm thế nào để Bình Phước xứng đáng tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là câu hỏi đặt ra với các cấp lãnh đạo tỉnh nhiều nhiệm kỳ qua. Bài toán đặt ra phải có lời giải. Và để thu hút đầu tư, trước tiên tỉnh phải dùng chính nội lực để đầu tư hạ tầng cơ sở thật vững chắc. Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy quyết tâm trong năm 2019 phải thực hiện được 2 quyết sách bản lề cho những năm tiếp theo, đó là xóa 1.000 hộ nghèo DTTS và làm 1.000km đường giao thông nông thôn. Chủ trương nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Tùy từng địa phương đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp, đem lại hiệu quả tích cực.

Với gần 2.500 đảng viên, Hớn Quản xác định trước khi trông chờ nguồn trợ lực bên ngoài, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ huyện phải có vai trò, trách nhiệm cao trong công tác này. Và Kế hoạch số 131-KH/HU ngày 23-8-2019 của Huyện ủy Hớn Quản về việc triển khai làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù và giảm nghèo ra đời từ đó. Kế hoạch phân công mỗi huyện ủy viên giúp ít nhất 1 hộ thoát nghèo và làm được 1km đường bê tông xi măng. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, phong trào đã tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo, đời sống người dân ở các vùng nông thôn trong huyện.

Về cơ sở, tận tay giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo và chung tay làm đường giao thông góp phần tăng cường sự gắn kết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đây cũng là cơ hội để cán bộ, đảng viên cơ quan cấp trên cơ sở trải nghiệm thực tế, từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm góp phần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu trong việc ban hành cũng như thực thi các chủ trương, chính sách đảm bảo sát thực, toàn diện và mang tính khả thi cao.

Ông VŨ XUÂN TRƯỜNG, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản

Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội - môi trường để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Xác định phát triển hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không đơn giản, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng khi khung giá đất ban hành ngày càng ngang bằng với thị trường. Linh động trong thực hiện, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu.

Năm 2020, huyện Đồng Phú triển khai 5 tuyến giao thông kết nối từ ĐT741 đến Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Đồng Phú, với tổng chiều dài trên 25km. Các tuyến đường đi qua 618 thửa đất, với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng 109,27 ha. “Đây là chủ trương lớn của tỉnh nhằm hoàn thiện trước một bước hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, tỉnh chỉ bố trí 150 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 5 dự án đường kết nối vào Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Trong khi đó, khái toán chi phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và dự toán thi công của 5 tuyến là hơn 300 tỷ đồng. Vì vậy, UBND huyện đã xin chủ trương thực hiện 5 dự án theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú chia sẻ.

Mục tiêu đặt ra là rất cao, đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng trong từng biện pháp nghiệp vụ của người đứng đầu để có được sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh và huyện Đồng Phú đã lan tỏa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là từng cán bộ, đảng viên. Mỗi người ở các vị trí công tác khác nhau đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, từ việc đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân đến tuyên truyền, vận động thuyết phục… Chỉ trong thời gian ngắn, huyện Đồng Phú đã nhanh chóng vận động người dân hiến được 252/381 thửa đất, tương ứng 68,23 ha với số tiền trên 200 tỷ đồng. Khi dự án được triển khai, lợi ích được hiện thực hóa, người dân càng đặt niềm tin, ủng hộ cấp ủy, chính quyền. Công tác dân vận, tuyên giáo, xây dựng Đảng theo đó càng có điều kiện triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19  được ví như một phép thử đối với hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Sự nguy hiểm, phức tạp, khó lường của dịch bệnh đặt trọng trách nặng nề lên vai từng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu với những quyết sách đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả vì an nguy tính mạng người dân và “sức khỏe” của nền kinh tế. Thành công trong cuộc chiến thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, sự tiên phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành và mỗi gia đình, người dân chống “thù trong, giặc ngoài”… Đến nay, Bình Phước đã cơ bản khống chế được dịch. Một trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập. Đây sẽ là tiền đề, cơ hội để Bình Phước bứt phá, sớm trở thành địa phương phát triển giữ vai trò động lực cho cả khu vực.

Thực tiễn luôn đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng phải hiện diện rõ nét nhất, hiệu quả nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phải kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn và lý luận là “kim chỉ nam” cho hành động, soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Vì thế, đây chính là môi trường để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, trưởng thành hơn trong công việc. Bởi hiệu quả công việc là thước đo năng lực, sự nêu gương và tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.

Bài 4: NẮM CHẮC NHÂN TỐ ĐẶC THÙ, SÁNG TẠO PHÁT HUY LỢI THẾ

Bình Phước có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 258,939km; có gần 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, biên giới; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều. Để phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định địa bàn, Bình Phước đặc biệt quan tâm những yếu tố đặc thù này và đã ban hành nhiều quyết sách đảm bảo an sinh xã hội, vừa củng cố quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng cho sự phát triển để giữ vững ổn định.

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định

Với đặc thù tuyến biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu thông thương với các nước trong khu vực để giữ vững ổn định, Đảng ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bình Phước thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP về công tác quản lý, bảo vệ biên giới; thực hiện tốt các hiệp định, hiệp nghị biên giới Việt Nam - Campuchia; tăng cường tuần tra song phương…

Tận dụng địa bàn huyện Lộc Ninh đất rộng, địa phương có số giờ nắng cao, nhiều dự án điện năng lượng mặt trời đang được đầu tư góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đóng góp cho thu ngân sách địa phương (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) - Ảnh: Bùi Liêm

5 năm qua, BĐBP Bình Phước đã phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tuần tra biên giới 12.741 lần, thường xuyên tổ chức lực lượng quản lý chặt việc cư trú, đi lại trên tuyến biên giới. Hai bên định kỳ tổ chức hội đàm cấp bộ chỉ huy và cấp đồn biên phòng; thường xuyên trao đổi tình hình, phối hợp tuần tra cùng thời điểm khi có tình huống đột xuất xảy ra... Công tác hội đàm, gặp gỡ, thăm hỏi xã giao giữa các lực lượng và chính quyền các tỉnh, huyện biên giới tiếp giáp được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là các hoạt động thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động được thực hiện đơn giản, ngắn gọn ngay trên tuyến biên giới để đảm bảo phòng, chống dịch. BĐBP Bình Phước cũng đã chỉ đạo các đồn tham mưu địa phương tổ chức ký kết, giao lưu 9 cụm dân cư 2 bên biên giới. Qua đó góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đưa Bình Phước trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc chính trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 2012.

Củng cố thế trận lòng dân làm “chúng chí thành thành” nơi phên dậu

Ăn lương quân đội nhưng làm việc xã, chương trình tăng cường cán bộ cho các xã biên giới khó khăn đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết tình quân dân. Đặc biệt, tiếp nối thành công của chương trình, năm 2020, BĐBP Bình Phước tiếp tục phân công 316 cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.461 gia đình ở khu vực biên giới, cử 7 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 90 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 124 chi bộ thôn, ấp, đảm bảo 100% chi bộ thôn, ấp giáp biên có đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt. BĐBP Bình Phước cũng đang duy trì 65 tổ chốt cố định và 11 tổ tuần tra cơ động trên tuyến biên giới nhằm kiểm soát, không để dịch Covid-19 lây lan vào nội địa.

Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc chính trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 2012. Trong ảnh, lực lượng biên giới các tỉnh giáp biên Việt Nam - Campuchia cùng kiểm tra lần cuối công tác xây dựng cặp mốc 73 (1,2) trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước 

Ông Điểu Khuya, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho hay: Lộc Hòa có Phó bí thư Thường trực Đảng ủy là cán bộ biên phòng tăng cường về xã và nhiều đảng viên biên phòng đang tham gia sinh hoạt đảng tại chi bộ các thôn, ấp. Không chỉ tham gia sinh hoạt đảng, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, củng cố quốc phòng, an ninh cơ sở, cán bộ, đảng viên biên phòng còn là những tuyên truyền viên tích cực, người trực tiếp tham gia giúp các hộ dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng địa bàn biên giới ổn định và phát triển.

Với đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối tắt, trong khi dịch Covid-19 tại Campuchia chưa được kiểm soát ở mức an toàn thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vào tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, với “lá chắn xanh” như những vành đai thép vững chắc trên tuyến biên giới, đến nay, phòng tuyến này vẫn vững vàng, chưa để lây lan dịch từ biên giới vào nội địa.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, chủ trương tăng cường BĐBP về cơ sở rất thiết thực và phù hợp với đặc thù các xã biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ gắn kết tình quân dân mà trong điều kiện trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ các xã biên giới còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn thì đây là giải pháp rất hữu ích nhất.

Ông ĐIỂU KHUYA, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Chuyển khó khăn, thách thức thành lợi thế và ưu thế phát triển

Các huyện biên giới của Bình Phước có đặc thù xa trung tâm tỉnh, đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Điển hình là huyện biên giới Lộc Ninh, nhiều vùng đất “thẳng cánh cò bay” nhưng chỉ thích hợp cho cây tràm phát triển. Đất đai khô cằn, nắng gắt, rất khó để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong khi việc thu hút doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp về đây là không dễ…  

Với mục tiêu biến khó khăn, thách thức thành lợi thế phát triển, tranh thủ mặt bằng rộng, địa phương có số giờ nắng cao, Bình Phước đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có dự án điện mặt trời ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh quy mô 800MW do Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư; dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ, công suất 50MW được xây dựng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Các dự án điện mặt trời không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm cho người dân địa phương mà khi đưa vào vận hành còn đóng góp không nhỏ cho thu ngân sách địa phương.

Thực hiện Quyết định số 811/QĐ-BTLQK7 của Bộ tư lệnh Quân khu 7 về Đề án xây dựng “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn quân khu giai đoạn 2019-2025”, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Bình Phước đã mở rộng được 9 điểm dân cư liền kề, xây 80 căn nhà, đưa 80 hộ dân lên sinh sống. Ngoài hỗ trợ nhà, các hộ dân còn được hỗ trợ đất để phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2025, sau khi hoàn thành đề án, các điểm dân cư liền kề sẽ phát triển thành những cụm dân cư, không chỉ góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên mà còn là thành trì bảo vệ vững chắc tuyến biên giới.

Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là một chủ trương lớn của Quân khu 7 nhằm đưa nhân dân ra vùng biên giới để phát triển kinh tế. Đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng BĐBP, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh giảm nghèo khu vực vùng biên và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới, phát huy vai trò mỗi người dân là “cột mốc sống” canh giữ biên cương.

Đại tá NGUYỄN THÀNH RUÂN, Phó chính ủy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Đặc biệt sáng 20-6-2021, tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Cụm công trình X16). Cụm công trình có tổng trị giá đầu tư gần 300 tỷ đồng, gồm 4 cụm thành phần, kết nối bằng các tuyến đường X16 và quốc lộ 13B được đầu tư khang trang, rộng lớn, với tổng chiều dài hơn 23km. Công trình không chỉ có ý nghĩa chính trị, ngoại giao, quốc phòng to lớn mà còn mang giá trị kinh tế đối với vùng biên giới này khi có các tuyến giao thông huyết mạch kết nối, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, bởi thực chất biên giới có ổn thì nội địa mới phát.

Sau gần 25 năm tái lập, nhờ nắm chắc nhân tố đặc thù, sáng tạo phát huy lợi thế, Bình Phước đã và đang có sự chuyển mình đúng hướng, bắt nhịp với xu thế và yêu cầu hội nhập. Đây chính là nền tảng, cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển của Bình Phước trong tương lai.

Bài 5: ĐỔI MỚI TƯ DUY, MỞ TẦM NHÌN XA ĐỂ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỪNG

Ổn định để phát triển và chỉ có thể phát triển trên nền tảng của sự ổn định. Thành quả sau gần 25 năm hội nhập, phát triển của Bình Phước đã chứng minh điều đó.

Với tư duy đổi mới và tầm nhìn xa cho sự ổn định và phát triển, đến nay Bình Phước đã hội đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Cùng với sự chủ động bứt phá, biến tiềm năng thành cơ hội, biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển và chuyển hóa cơ hội thành các chủ trương, chính sách có tính khả thi đã đưa Bình Phước sang một giai đoạn mới, phát triển lên một tầm cao mới.

Bứt phá bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược

Thực tế cho thấy, để hiện thực hóa “khát vọng” vươn lên, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo địa phương phải trở thành chỗ dựa tin cậy và tạo động lực cho những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì sự phát triển chung của tỉnh.

Với mục tiêu đưa Bình Phước bứt phá vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh có nền kinh tế khá trong khu vực và là “điểm đến hấp dẫn” của cả nước, Bình Phước phải có lộ trình dài hơi với những bước đi phù hợp, cụ thể theo từng giai đoạn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, định hướng của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Bình Phước đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Nghị quyết xác định phát triển kinh tế - xã hội Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; được đặt trong bối cảnh phát triển của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Và để thực hiện mục tiêu này, tỉnh phải chủ động chuyển từ trạng thái “dự trữ” tiềm năng thành “động lực” tăng trưởng và phát triển cho cả vùng; nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tham gia hình thành các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng…

Bình Phước được đánh giá đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Trong bài viết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển phải thực sự vì con người. Sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo...

Tất cả điều này đã được thể hiện rất rõ trong tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh, được xây dựng với những bước đi vững chắc dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Bình Phước xác định thứ tự ưu tiên phát triển đến năm 2030 là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Giai đoạn tiếp theo là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Tỉnh cũng sẽ quy hoạch, dự trữ quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao khi đủ các điều kiện; hướng đến phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bình Phước cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm chất lượng cao thuộc nhóm 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Luôn là tỉnh có môi trường kinh doanh tốt; môi trường làm việc thuận lợi cho lực lượng trí thức phát huy trí tuệ sáng tạo, phát triển… Đặc biệt, Tỉnh ủy cũng xác định các trung tâm phát triển và định hướng quy hoạch không gian của tỉnh gồm: 3 vùng đô thị có sức lan tỏa mạnh, 3 trung tâm động lực, 3 hành lang phát triển và giai đoạn 2020-2030 là xây dựng nền tảng ban đầu, giai đoạn 2030-2050 trở thành địa phương phát triển. Đó là sự định hướng quan trọng, động lực để Bình Phước “cất cánh” trong những năm tiếp theo.

Quyết sách sáng tạo dẫn dắt sự ổn định và  phát triển tương lai

Với truyền thống của một tỉnh anh hùng, từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới và nay là đại dịch Covid-19, Bình Phước luôn anh dũng, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng. Tỉnh đã phát huy lợi thế, tiềm năng, con người, với tinh thần đoàn kết, tư duy phát triển tự lực, tự cường, tranh thủ, tận dụng thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội, xây dựng hình ảnh, thương hiệu Bình Phước trong hội nhập quốc tế.

Gần 25 năm sau ngày tái lập, đến nay Bình Phước đã có bước tiến ngoạn mục. Nhiều chỉ tiêu kinh tế, phát triển xã hội hằng năm đạt và vượt so với nghị quyết đề ra, là điểm sáng của cả nước ở một số lĩnh vực. Trong đó, điểm nhấn thành công là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) đã có bước tiến đáng kể đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Bình Phước đã và đang bắt tay triển khai một số dự án giao thông trọng điểm tạo liên kết vùng, mở đường cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Và trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, trên tinh thần biết người, biết ta, chủ động ứng biến linh hoạt với những quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp đã đưa Bình Phước trở thành tỉnh giữ vai trò “vùng xanh” cho cả khu vực khi là tỉnh có số ca dương tính không nhiều và một trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập.

 Rõ ràng trên hành trình theo đuổi mục tiêu, việc xác định tầm nhìn có vai trò rất quan trọng, là cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, hoạch định các chính sách và xác định sứ mệnh của từng nhiệm kỳ. Tuy nhiên, không phải bây giờ, mà trong nhiều nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đều có những quyết sách, chủ trương xác định tầm nhìn phát triển cho 5 năm, 10 năm... với lộ trình, những giải pháp, bước đi rất cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu để kiên trì mục tiêu phát triển kinh tế. Ổn định vừa là tiền đề, vừa là kết quả của những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Ổn định là môi trường cho kinh tế phát triển. Khi kinh tế phát triển, đảm bảo đời sống dân sinh sẽ tạo niềm tin, xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng. Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước luôn có niềm tin vững chắc rằng, trên nền tảng đã có, cộng với sự ổn định về an ninh chính trị, an toàn về môi trường xã hội và ý chí, khát vọng vươn lên, Bình Phước sẽ tiếp tục tiến nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.

Trong một nghiên cứu về Bình Phước, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, Bình Phước có nhiều lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn bị bó trong “cái áo cơ chế” chung của cả nước. Chính vì vậy, Bình Phước cần chủ động hơn nữa, tiếp tục nắm lấy thời cơ với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa cho sự ổn định và phát triển, tiếp tục tạo ra sự thay đổi theo hướng tích cực, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, góp phần làm nền tảng, động lực xứng đáng cho sự phát triển của vùng Đông và Tây Nam bộ nói riêng và cả nước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất