Loạt bài “Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở” của tác giả Hoàng Tuyết đăng trên Báo Tin tức (TTXVN) đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong cuộc chiến với giặc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các chiến sỹ áo trắng căng mình ở tuyến đầu chống dịch, còn có nhiều cán bộ cơ sở thầm lặng cống hiến, làm việc bất kể ngày đêm, chấp nhận rủi ro, vừa trực tiếp tham gia chống dịch vừa chăm lo đời sống cho người dân.
Nhóm cơ động của ông Trần Văn Minh chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.
Bài 1: Tấm gương người bảo vệ dân phố
Anh Đinh Chánh Định (48 tuổi), Bảo vệ dân phố Phường 22, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) vừa được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.
Xả thân vì cuộc chiến chống dịch
Gặp chúng tôi khi vừa mới trao di ảnh của đồng đội Đinh Chánh Định cho gia đình, ông Trần Văn Minh, Phó ban bảo vệ dân phố Phường 22, quận Bình Thạnh, vẫn không giấu được xúc động. Ông Trần Văn Minh cho biết, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, anh Đinh Chánh Định liên tục có mặt tại các chốt kiểm soát cùng bảo vệ dân phố, công an phường làm nhiệm vụ chống dịch tại địa bàn. Ngày 10/8, anh Đinh Chính Định đã mất tại Bệnh viện quận Bình Thạnh vì mắc COVID-19.
Ông Trần Văn Minh (bìa trái) đã trao di ảnh cho gia đình anh Đinh Chánh Định sau khi anh qua đời vì mắc COVID-19.
Anh Đinh Chánh Định là một trong 7 thành viên của tổ cơ động, thuộc Ban bảo vệ dân phố Phường 22, quận Bình Thạnh. Đội cơ động khi chưa có dịch bệnh COVID-19 làm nhiệm vụ tham gia tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự cùng với các chiến sỹ công an khu vực trên địa bàn. Vì vậy, bất kể ngày hay đêm, khi được lệnh điều động là anh Định và đồng đội cùng lên đường làm nhiệm vụ. Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, anh Định và đồng đội đã tham gia trực chốt mỗi ngày; đồng thời hỗ trợ người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, tích cực chăm lo an sinh, đời sống cho người dân tại phường và các khu phố…
"Tôi còn nhớ, ngày đó là gần cuối tháng 7, khi một số anh em trong tổ cơ động đang trực chốt tại một con hẻm trên đường Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh thì nhận được tin báo có một F0 vừa trốn khỏi khu cách ly và đi lang thang trên đường. Nhận được tin báo, tôi đã gọi các đồng đội chi viện. Khi nghe đi hỗ trợ đưa F0 về lại khu cách ly, anh Định không chút chần chừ mà xin được đi ngay. Khi nhóm chi viện tới nơi, dù được khuyên can, nhưng đối tượng F0 vẫn chống cự quyết liệt buộc anh em trong đội phải tìm mọi cách để khống chế.
Sau khi đưa được F0 về khu cách ly để tiếp tục chữa trị COVID-19 thì tất cả anh em trong đội cơ động cũng về y tế phường test nhanh COVID-19. Kết quả test nhanh trong 7 người thì có 3 người bị nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù Định là người to khỏe nhất nhưng lại bị nặng hơn và đã không qua khỏi. Định ra đi, ai cũng thấy xót xa và đau lòng”, ông Trần Văn Minh gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, nói.
Ông Trần Văn Minh luôn cảm thấy đau lòng và tiếc thương mỗi khi nhắc về anh Đinh Chánh Định.
Một đồng đội của anh Đinh Chánh Định cho biết, dù phải ngày đêm canh chốt, chăm lo cho người dân trong các khu vực cách ly, phong tỏa, nhưng anh Định không bao giờ than nửa lời. Thông thường, công việc canh chốt diễn ra trong khoảng 8 - 10 giờ/người, nhưng khi dịch bùng phát, có ngày cao điểm, cả đội phải canh chốt 24/24giờ/người, mục tiêu là để người dân yên tâm không ra khỏi nhà, từ đó đảm bảo an toàn công tác chống dịch tại địa bàn. Dù thời gian canh chốt có tăng lên, nhưng Định vẫn xung phong nhận thêm nhiệm vụ để các anh em khác có thêm thời gian về với người thân trong gia đình.
“Khi được hỏi, công việc chống dịch rất vất vả và phải đi làm ngày đêm khi có lệnh điều động, em có lo lắng gì không, Định còn trấn an tôi và bảo: Anh yên tâm. Trước khi tham gia công tác chống dịch, em đã chuẩn bị sẵn tinh thần là công việc sẽ rất vất vả nhưng đó là niềm vui của em. Nếu chẳng may em bị nhiễm thì em cũng không trách ai cả vì em đã xác định từ đầu”, ông Trần Văn Minh tiếp lời.
Vẫn chưa chu toàn cho gia đình
Ông Trần Văn Minh kể, trước khi làm bảo vệ dân phố, anh Định làm công nhân cầu đường, chuyên đi cùng các xe đổ nhựa đường, giờ rảnh thì chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cách đây 7 năm, công việc không ổn định, ông Minh đã vận động anh Định vào làm bảo vệ dân phố. Từ đó, anh Định đã gắn bó với đội bảo vệ dân phố của phường, tham gia bảo vệ an ninh xã hội tại địa phương và bảo vệ người dân trước dịch bệnh COVID-19.
Sau khi anh Định ra đi, chứng kiến hoàn cảnh gia đình của Định khiến ông Trần Văn Minh và đồng đội không khỏi đau lòng. Các đồng đội đã hỗ trợ những gì có thể để lo cho đứa con và mẹ già của anh Định. Ông Trần Văn Minh kể: “Căn nhà nhỏ của gia đình Định ở Phường 22 là nơi ở chung của ba thế hệ. Thật đau lòng, khi Định mất vài ngày thì người cha ruột của Định cũng qua đời. Vợ chồng anh Định ly dị từ 10 năm trước, đứa con chung được bà nội chăm sóc từ nhỏ. Cháu hiện đã 22 tuổi nhưng nặng chưa tới 40kg, chân rất yếu và chủ yếu ở nhà với ông bà. Nhận thức của cháu ngây ngô như đứa trẻ lên 5 - 6 tuổi".
Những đồng đội mắc COVID-19 cùng đợt với anh Đinh Chánh Định hiện nay đã khỏi bệnh và vẫn đang tiếp tục công việc đảm bảo an ninh trật tự cho khu phố trong trạng thái bình thường mới.
Điều khiến ông Trần Văn Minh trăn trở nhất về đồng đội của mình vừa mất là đứa con trai của anh Định. Vì vậy, ông Minh hy vọng sẽ có một đơn vị, doanh nghiệp nào đó hỗ trợ cho con anh Định để con anh có chỗ dựa mà sống tiếp. “Bởi khi vừa biết mình mắc COVID-19, Định có nói: Em mất cũng không có gì tiếc nuối vì em đã làm được việc ý nghĩa là đã chung sức cùng các anh và người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, điều em băn khoăn là chưa lo được cho con mình chu toàn và để lại cho bố mẹ em thêm gánh nặng khi ông bà đã già yếu”, ông Trần Văn Minh kể.
Theo ông Minh, sau khi anh Định mất, Quận ủy quận Bình Thạnh và đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình anh. Quận ủy và Công an Phường 22 cũng đã trao số tiền 22 triệu đồng, 50 kg gạo cùng một số nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình anh Định đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội.
Anh Đinh Chánh Định (thứ tư từ trái sang) và đồng đội nhận bằng khen của quận Bình Thạnh vì có thành tích tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
“Anh Đinh Chánh Định là một tấm gương sáng của đội bảo vệ dân phố tại địa bàn nói riêng và của quận nói chung khi tham gia công tác chống dịch tại cơ sở. Đối với người thân của anh Định, địa phương đang tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, đoàn thể, doanh nghiệp… cùng ủng hộ, chung sức để lo cho mẹ già và con trai của anh Định. Đây là việc cần làm để tri ân người bảo vệ dân phố đã mất khi tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương”, đại diện Quận ủy quận Bình Thạnh cho biết.
“Cách đây 5 năm, khi đi tuần tra vào lúc 12 giờ đêm, phát hiện một đối tượng có dấu hiệu bất thường, anh Định và anh em trong đội đã giữ đối tượng nhưng đối tượng dùng dao chống trả quyết liệt. Sau khi bắt giữ đối tượng, công an quận thông báo đây là đối tượng đang bị truy nã về tội giết người. Sau vụ này, toàn đội được quận trao bằng khen và thành lập tổ cơ động của quận”, ông Minh kể lại.
Bài 2: Người bí thư Đoàn đầy tâm huyết
Là Bí thư chi Đoàn Khu phố 1, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Hoàng Anh (sinh năm 1996) đã không ngại gian khổ khi ban ngày tham gia trực chốt, “đi chợ hộ” cho người dân, hỗ trợ các điểm tiêm vaccine, đêm đến lại đi từng ngõ hẻm, phòng trọ để trao quà từ thiện, phát cơm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hoàng Anh giao hàng "đi chợ hộ" cho một người dân Tổ 7, phường Phước Long B, thành Phố Thủ Đức. Ảnh: GDCC
Nếu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…”
Đầu tháng 5, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh bước vào cao điểm, khi đó hơn 200 hộ dân trong Tổ 7, Khu phố 1, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức bắt đầu bị phong tỏa do có ca nghi nhiễm trong cộng đồng. Cũng từ đó, người dân trong Tổ 7 cũng bắt đầu quen với hình ảnh một cô gái trẻ hàng ngày mang thực phẩm đến cho bà con.
Theo người dân nơi đây, thời gian đầu bị phong tỏa, bà con trong Tổ 7 rất khó khăn khi đi mua thực phẩm. Tuy nhiên nhờ có Hoàng Anh “đi chợ hộ” mỗi ngày, các hộ dân không còn lo lắng thiếu lương thực và yên tâm ở nhà.
“Đều đặn mỗi ngày, Hoàng Anh đến nhận các đơn hàng của bà con trong tổ, sau đó đến các khu chợ, siêu thị lựa từng cọng rau, vỉ trứng… rồi chia thành từng bịch theo từng hộ để giao cho bà con. Khối lượng hàng hóa nhiều nhưng Hoàng Anh không kêu ca nửa lời, mà luôn hoàn thành các đơn hàng "đi chợ hộ" trong thời gian sớm nhất”, cô Nguyễn Thị Thủy sống tại Tổ 7 chia sẻ.
Là người gắn bó với Hoàng Anh hơn 2 năm tại Khu phố 1 (phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức), ông Lê Công Phương, Bí thư Chi bộ Khu phố 1 cũng cho biết: “Hoàng Anh là người nắm bắt công việc khá tốt và làm việc có trách nhiệm. Khi khu phố giao bất kỳ nhiệm vụ nào, Hoàng Anh đều hoàn thành xuất sắc. Ngày đầu về nhận nhiệm vụ, tôi giao cho Hoàng Anh nhiệm vụ thống kê và lập danh sách các hộ dân của khu phố lên phần mềm máy tính và chỉ trong 1 tháng, Hoàng Anh đã hoàn thành. Khi khu phố cần dữ liệu về số lượng người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong độ tuổi bầu cử, thanh niên dưới 18 tuổi, trẻ em… tôi chỉ cần vài các nhấp chuột là sẽ có đầy đủ thông tin các đối tượng cần tìm, nhờ vậy mà công tác an sinh của địa phương không bị sót hoặc trùng lắp”.
Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh COVID-19, Hoàng Anh hàng ngày "đi chợ hộ" cho hàng ngàn hộ dân trong khu cách ly phong tỏa. Ảnh: GĐCC
“Hoàng Anh được bà con Tổ 7 vô cùng yêu quý. Ngày Hoàng Anh mất, tất cả bà con Tổ 7 đã gom góp được hơn 20 triệu đồng để gửi tặng gia đình Hoàng Anh. Tuy nhiên, gia đình đã không nhận mà xin gửi lại tiền để ủng hộ cho công tác chống dịch tại địa phương”, ông Lê Công Phương nghẹn ngào.
Nói đến đây, ông Phương dừng lại để lau những giọt nước mắt liên tục lăn dài trên má. Bởi, mỗi khi nhắc đến Hoàng Anh, ông Phương và mọi người ai cũng cảm thấy lòng chùn lại. “Có ngày lượng đơn hàng nhiều, Hoàng Anh phải đi chợ từ sáng sớm đến chiều. Dù đã khuya nhưng Hoàng Anh vẫn tranh thủ trả hàng đúng hẹn cho bà con. Sau khi trả hàng, cháu còn “chạy đôn chạy đáo” đi xin cơm từ thiện về phát cho những trẻ em, người lao động trong các xóm trọ nghèo của phường đang bị phong tỏa, cách ly”, ông Phương chia sẻ thêm.
Theo ông Phương, khi thấy Hoàng Anh thường xuyên phát cơm từ thiện tới 1- 2 giờ sáng, ông đã khuyên Hoàng Anh dừng việc phát cơm vì công việc quá trễ sẽ không an toàn, nhất là đối với con gái. Tuy nhiên, Hoàng Anh lại thuyết phục ông Phương rằng: “Bác cứ cho cháu làm, khi cháu phát cơm và thấy các em nhỏ trên tay cầm hộp cơm ăn rất ngon, tự nhiên cháu thấy vui và hạnh phúc. Đó cũng là động lực để cháu tiếp tục cống hiến sức mình cho công tác chống dịch của khu phố nói riêng và của thành phố nói chung”.
“Vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ kết nạp Đảng cho Hoàng Anh và chi bộ đang chờ hết dịch sẽ tổ chức lễ kết nạp. Nhưng thật xót xa, cháu đã ra đi quá sớm khi chưa kịp đứng trong hàng ngũ của Đảng”, ông Phương tâm sự.
Bỏ lại ước mơ
Theo em Nguyễn Hoàng Anh Thư, em gái của Hoàng Anh, Hoàng Anh nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn thanh niên Khu phố 1 từ năm 2019. Tháng 5, Hoàng Anh cũng vừa hoàn thành chương trình học tại Trường đại học HUFLIT và đang chờ hết dịch sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của cô gái trẻ đã bị bỏ lại. “Chị Hoàng Anh từ nhỏ đã có tính giúp đỡ mọi người. Chị dìu dắt và hướng em vào Đoàn thanh niên để có thêm nhiều cơ hội giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn”, Anh Thư cho biết.
Hoàng Anh cảm thấy vui vì giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: GĐCC
“Còn nhớ mỗi khi chị đi làm từ thiện, thấy các em học sinh bỏ dở việc học chị đã dẫn các em về nhà dạy phụ đạo cho các em. Chị nói, chị muốn dạy các em tới khi có cơ hội trở lại trường học, các em sẽ không bị hẫng kiến thức. Chị Hoàng Anh còn vận động các thành viên trong gia đình cùng tham gia chống dịch. Theo đó, mẹ em có nhiệm vụ nấu cơm để chị đi phát từ thiện, em thì theo chị đi phát cơm, đi trực chốt, trao quà an sinh, bố em thì chạy xe đi lấy hàng từ thiện và đi phát cho người dân…”, Anh Thư tâm sự.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, bố của Hoàng Anh nghẹn ngào cho biết, mặc dù con gái đã mất được hơn 20 ngày, nhưng ông vẫn luôn nghĩ con mình vẫn còn sống. “Trước kia, dù biết công việc ở khu phố vất vả, đặc biệt là trong mùa dịch, nhưng tôi không cấm cản mà chỉ động viên con giữ gìn sức khỏe. Hoàng Anh chỉ dạ vâng để tôi yên tâm. Hàng ngày nó vẫn lao vào làm việc cho tới khi qua đời”, ông Hoàng nói trong nước mắt.
Theo ông Hoàng, “khi Hoàng Anh nghe tin ở đâu có gạo, trứng, các loại rau củ quả… là nó bất chấp tất cả khó khăn để đến lấy về cho bà con dù rằng có ngày nó đang nhịn đói hay lúc đó là đêm khuya, thậm chí khi đang mưa lớn. Trong công việc, nó luôn đặt nhiệm vụ chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn lên trên hết, sau đó mới tính đến chuyện chăm lo sức khỏe của mình”.
Hoàng Anh tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại địa phương. Ảnh: GĐCC
Nhớ lại ngày con gái ra đi, ông Hoàng vẫn đang tự trách mình, ông Hoàng nói: “Phải chi hôm đó chúng tôi chở nó đi bệnh viện sớm thì con bé đã được cứu chữa kịp thời. Buổi sáng nó còn nhờ tôi bóp vai, lưng mà không có dấu hiệu mệt mỏi dù mấy hôm trước nó có các triệu chứng của bệnh cảm cúm do đi phát cơm về khuya và bị dính mưa. Tuy nhiên, một lúc sau mẹ nó đút cháo, nó chỉ ăn vài miếng rồi ngất đi. Cả nhà tôi hốt hoảng gọi xe cấp cứu nhưng đến nơi bác sĩ thông báo con bé đã mất trước khi đến bệnh viện vì bị đột quỵ”.
“Hoàng Anh là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Với tinh thần xung kích của một Bí thư chi đoàn khu phố, Hoàng Anh đã tích cực tham gia công tác chống dịch tại địa phương ngay từ đầu mùa dịch. Em đã luôn tích cực theo chân các đội xét nghiệm, truy vết F0 tại cộng đồng, hỗ trợ công nghệ cho các điểm tiêm vaccine, tham gia công tác “đi chợ hộ” bất kể ngày hay đêm. Em còn tham gia phát quà từ thiện, phát cơm cho các khu lao động nghèo…", đại diện UBND phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết.
Theo đó, UBND phường cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất khen thưởng gửi lên UBND thành phố Thủ Đức và UBND TP Hồ Chí Minh và Chính phủ. Mới đây, em Hoàng Anh đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bài cuối: Đồng lòng giữ vững trận địa chống dịch
Khi trở lại nơi tuyến đầu chống dịch tại cơ sở, các cán bộ tuyến đầu vẫn đang vượt lên những mất mát, gian khổ để cùng chính quyền, đoàn thể tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.
Chị Vũ Thị Nguyệt vẫn hàng ngày tham gia công tác chăm lo an sinh cho người dân khó khăn trên địa bàn.
Chưa thể rời “pháo đài”
Mặc dù từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn bình thường mới, tuy nhiên những công việc của các cán bộ cơ sở vẫn diễn ra ngày đêm. Chính vì thế, dù không còn phải thực hiện “ba tại chỗ”, nhưng do khối lượng công việc chưa giảm nên các cán bộ cơ sở vẫn dành trọn thời gian ở cơ quan, đơn vị và chưa thể về với người thân.
Chị Vũ Thị Nguyệt, Ủy viên Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình cho biết, hiện nay các lực lượng tình nguyện, quân đội đang dần rút sau thời gian tham gia hỗ trợ địa phương chống dịch. Các lực lượng hỗ trợ rút quân nhưng công việc chăm lo, an sinh cho người dân vẫn tiếp tục bởi nhiều người dân vẫn còn rất khó khăn.
Lực lượng quân đội vẫn đang cùng tham gia hỗ trợ công tác an sinh tại TP Hồ Chí Minh.
“Trước kia, khi có lực lượng hỗ trợ thì cán bộ cơ sở có thêm thời gian nghỉ ngơi, nhưng hiện nay, lực lượng này đã rút thì khối lượng công việc của cán bộ cơ sở lại phải tăng thêm. Trong khi đó, công việc chuyên môn vẫn phải thực hiện và kiêm thêm công tác chăm lo an sinh cho người dân”, chị Nguyệt cho biết.
Hiện nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai các chương trình an sinh để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các cán bộ đi từng nhà, gọi từng tên để trao gói hỗ trợ đợt 3, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà an sinh và vận động chăm lo cho các trẻ có cha mẹ tử vong do COVID-19; tiếp tục vận động doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân chung tay cùng địa phương chăm lo cho người dân trên địa bàn…
Theo chị Vũ Thị Nguyệt, đối với cán bộ cơ sở, hoạt động chăm lo an sinh vẫn còn nhiều khó khăn từ khâu thống kê, rà soát các đối tượng cho kịp thời gian, tiến độ và phải làm suốt ngày đêm. Nhưng khi nhận được lời cảm ơn của người dân khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để tiếp tục công việc chăm lo cho người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Để kịp thời trao hỗ trợ đợt 3 cho người dân, cán bộ tại các phường của quận Tân Bình vẫn phải thức thâu đêm, nhiều cán bộ đã hết thời gian “ba tại chỗ” nhưng vẫn xin ở lại cơ quan để kịp hoàn thành công việc. “Tính đến nay, quận Tân Bình đã trao được 97.931/274.698 người theo gói hỗ trợ đợt 3 và chăm lo được cho gần 80 em học sinh có cha mẹ mất vì COVID-19; đồng thời tiếp tục trao 6.000 phần quà an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn... Suốt 4 tháng qua, công việc của cán bộ cơ sở tuy vất vả, nhưng với chúng tôi, chứng kiến cảnh người dân khó khăn nhận được sự giúp đỡ và nhận được những lời cảm ơn của người dân", chị Vũ Thị Nguyệt nói.
Một bức ảnh hiếm hoi chụp hai chị em Nguyễn Thị Hoàng Anh và Nguyễn Hoàng Anh Thư (bìa phải). Ảnh: GĐCC
Trong khi đó, sau khi nữ Bí thư Đoàn Nguyễn Thị Hoàng Anh qua đời, em gái của Hoàng Anh là em Nguyễn Hoàng Anh Thư lại tiếp tục công việc đang còn dang dở của người chị: đi vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho người dân, phát cơm từ thiện cho các gia đình trong các khu nhà trọ, tham gia hỗ trợ các điểm tiêm phòng COVID-19… Anh Thư phân bổ thời gian và sức khỏe một cách hợp lý để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa có thể chăm lo cho sức khỏe của mình.
“Công việc chăm lo an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn là niềm vui của chị Hoàng Anh, vì vậy em muốn thực hiện công việc này thật tốt để chị yên lòng. Mặt khác, với sức trẻ của mình, em không quản ngại những công việc vất vả hướng về cộng đồng. Em mong người dân tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch để cùng chính quyền sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19”, Nguyễn Hoàng Anh Thư cho biết.
Sự “hy sinh thầm lặng” được ghi nhận
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố ghi nhận và cảm ơn sâu sắc đến những hy sinh của các lực lượng tuyến đầu đã “đồng cam cộng khổ” cùng chính quyền chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ cơ sở đã giúp TP Hồ Chí Minh tiến đến mục tiêu đưa người dân trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các lực lượng khi cùng chính quyền tham gia công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần này, thành phố có trên 132.000 người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch ở các cấp. Thành phố cũng đón nhận gần 30.000 người từ các tỉnh, thành trên cả nước đến hỗ trợ, đưa tổng số người ở tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố lên trên 160.000 người. Đặc biệt, Thành phố còn có hàng chục ngàn cán bộ ở cơ sở, ngày đêm lăn lộn với các hoạt động phòng, chống dịch. Trong số đó, không ít cán bộ cơ sở đã bị phơi nhiễm, trở thành F0, thậm chí có người đã tử vong vì dịch bệnh. Đây là tổn thất rất lớn đối với TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19.
“Chúng tôi rất trân trọng sự tham gia, đóng góp của lực lượng tuyến đầu TP Hồ Chí Minh cũng như lực lượng tăng cường; đặc biệt, trân trọng sự hy sinh của các cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Nhờ có các lực lượng này, người dân thành phố được chăm lo an sinh và được chăm sóc sức khỏe để yên tâm cách ly tại nhà an toàn… Tất cả những nỗ lực và sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng chính quyền thành phố, tôi tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn và mọi người sẽ được trở về nhà sum họp cùng gia đình sớm nhất”, ông Phan Văn Mãi nói.
TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương các lực lượng tham gia chống dịch tại địa bàn trong thời gian qua.
Ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, TP Hồ Chí Minh đã có những chính sách cụ thể dành cho lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia phòng, chống dịch với các khoản hỗ trợ một lần; đồng thời tăng thêm trợ cấp, chế độ đãi ngộ khác để cán bộ tuyến đầu yên tâm công tác… “Tính đến nay, các đơn vị, quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu với tổng kinh phí khoảng 463 tỷ đồng. Ngoài việc chi hỗ trợ trong đợt dịch này, lãnh đạo thành phố cũng sẽ tổ chức tổng kết, tri ân kịp thời với sự đóng góp, hi sinh của các cán bộ cơ sở, lực lượng tuyến đầu, doanh nghiệp, người dân thành phố… trong công tác chống dịch vừa qua”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định.
Tương tự, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh một lần nữa bước vào cuộc “chạy đua sinh tử” với dịch bệnh khi số ca nhiễm tăng hàng ngày. Trong “cuộc chiến” ấy, luôn có những câu chuyện “cổ tích đời thường” với nhiều gương cán bộ cơ sở vượt khó giúp dân. Không ít những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, chiến sĩ công an, cán bộ khu phố, đảng viên, đoàn viên, cán bộ cơ sở... đã đương đầu với dịch bệnh không kể ngày đêm và chấp nhận hy sinh để bảo vệ sự bình an cho nhân dân.
Trong “cuộc chiến” ấy, tinh thần sẵn sàng tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi của cán bộ cơ sở với người dân đã khiến mọi người gắn kết nhau hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Hoàng Tuyết - Báo Tin tức (TTXVN)