Loạt bài: "Tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc" của nhóm tác giả: Phương Thúy - Viết Thắng đăng trên Báo Tây Ninh đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021. Ban Tổ chức Giải trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong những ngày giãn cách xã hội
Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn nêu cao trách nhiệm công dân, tin tưởng và chấp hành các khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Ðại dịch Covid-19 gây tổn hại lớn đến tính mạng, sức khoẻ của con người và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động tôn giáo. Nhận thức rõ điều này, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn nêu cao trách nhiệm công dân, tin tưởng và chấp hành các khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh tặng hoa chúc mừng Hội thánh Cao Ðài Toà thánh Tây Ninh nhân dịp Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm 2021 (Ảnh: Ðại Dương)
Tạm dừng sinh hoạt tôn giáo tập trung
Tây Ninh có 5 tôn giáo chính, gồm Cao Ðài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam với hơn 800.000 tín đồ, chiếm gần 70% dân số của tỉnh và có 361 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Ngoài ra, có hơn 200 tín đồ thuộc tôn giáo Baha’I, Phật giáo Hoà Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội.
Dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tôn giáo. Trước đây, tín đồ, phật tử thường xuyên đến các nhà thờ, nhà chùa, thánh thất hay điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, việc tập trung đông người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là mối nguy lây lan dịch trong cộng đồng. Ðơn cử, sự bùng phát ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm cuối tháng 5 vừa qua là hệ quả đáng tiếc của việc không tuân thủ quy định phòng, chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân và tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Minh Nay- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam lần thứ 4, biến chủng Delta lây lan nhanh, gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khoẻ và đời sống nhân dân, phát triển KT-XH các địa phương.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, ngăn chặn sự lây lan và hạn chế tối đa các ca tử vong.
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh có văn bản chỉ đạo đến các sở, ngành, địa phương và các tôn giáo, tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Nội vụ kiểm tra tại các cơ sở thờ tự, địa điểm sinh hoạt tôn giáo để giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tôn giáo tập trung trong thời gian giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
“Ðiều đáng mừng là các chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh đều tin tưởng các biện pháp chống dịch của Nhà nước, của tỉnh, có sự phối hợp tốt với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Các lễ trọng trong tôn giáo đều tạm ngưng, như Ðại lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Ðại lễ Vu lan của Phật giáo, tháng chay Ramadha và lễ Hiến tế của Hồi giáo. Các hoạt động tôn giáo từng bước chuyển sang hình thức trực tuyến, không tập trung đông người.
Các cơ sở tôn giáo, các tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành đều thực hiện nghiêm túc quy định giãn cách xã hội, “ai ở đâu thì ở đó” theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh và đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19”- Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Minh Nay cho biết thêm.
Nội ô Toà thánh Tây Ninh bình yên trong những ngày giãn cách xã hội.
Tin tưởng các chỉ dẫn đúng
Tỉnh Tây Ninh có trung tâm tổ đình đạo Cao Ðài - Toà thánh Tây Ninh (diện tích khoảng 100 ha tại thị xã Hoà Thành), có phạm vi hoạt động tại 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số cơ sở tại nước ngoài.
Dịp tháng 8 âm lịch hằng năm, khu vực nội ô Toà thánh Tây Ninh sẽ được trang hoàng đèn, hoa rực rỡ chuẩn bị cho Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung tổ chức đúng vào đêm Trung thu. Ðối với đồng bào đạo Cao Ðài, cuộc lễ này cùng với Ðại lễ vía Ðức Chí Tôn nhằm mùng 9 tháng Giêng hằng năm là lễ hội trọng thể nhất, là ngày mà các họ đạo trong cả nước, kể cả ở nước ngoài đều tề tựu về Toà thánh Tây Ninh thành tâm dâng lễ lên các đấng thiêng liêng.
Suốt chiều dài con đường hoằng khai đại đạo Tam kỳ Phổ độ gần một thế kỷ qua, rằm tháng 8 âm lịch năm nay là lần đầu tiên Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh không tổ chức Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung với quy mô trọng thể như thông lệ.
Quyết định này nhằm góp phần phòng ngừa đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có nước ta, mà Tây Ninh là một trong số các tỉnh, thành miền Nam đang nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Ðầu sư Thượng Tám Thanh- Chưởng quản Hội thánh Cao Ðài Toà thánh Tây Ninh cho biết, Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm Tân Sửu- 2021 chỉ tổ chức lễ cúng tại chánh điện Báo Ân Từ nội ô Toà thánh với 12 người tham dự.
Thời gian qua, các chức sắc, chức việc, tín đồ Cao Ðài thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước, của tỉnh Tây Ninh, thực hiện sống tốt đời đẹp đạo, làm tròn bổn phận công dân và có nhiều hoạt động chung tay, góp sức cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh nhưng khu vực nội ô Toà thánh Tây Ninh vẫn giữ được sự an toàn, bình yên. Ðó là một tín hiệu vui mừng, toàn đạo ai cũng mong dịch bệnh sớm kết thúc để tất cả mọi người dân trong nước và toàn thế giới được trở lại cuộc sống bình thường, phát triển, hạnh phúc.
Cùng với đạo Cao Ðài, các tôn giáo khác trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan trong các cơ sở tôn giáo. Ðại đức Thích Thiện Thức- Phó Ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết: “Các chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh cũng như của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về công tác phòng, chống dịch.
Ðồng thời không để xảy ra sai phạm, không lây lan dịch bệnh trong các chùa và tuyên truyền phật tử trong tỉnh thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, tuân thủ quy định “5K” của Bộ Y tế.
Các buổi giảng pháp ở chùa và những lễ hội lớn của Phật giáo như Ðại lễ Vu Lan, Phật đản năm nay đều không tổ chức như những năm trước, các tăng, ni, phật tử tiếp tục cấm túc, ai ở đâu thì ở đó, không tổ chức lễ tập trung đông người”.
Với sự tin tưởng, chấp hành và đồng hành của các tôn giáo, tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh, công tác phòng, chống dịch của Tây Ninh có nhiều chuyển biến tích cực. “Vùng xanh” càng mở rộng, từng bước thu hẹp và tiến tới xoá các “vùng đỏ” trên bản đồ phòng, chống dịch Covid-19. Ðịa bàn tỉnh không có ổ dịch nào liên quan đến các cơ sở tôn giáo; gần 1.000 vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Kỳ 2: Tình nghĩa đồng bào
Có thể nhận thấy một khi con người đã có lòng bác ái, họ sẽ không còn phân biệt người sang kẻ hèn, người dại kẻ khôn, người uy quyền kẻ yếu thế, thân hay sơ… Mọi ranh giới ấy đã bị xoá mờ, chỉ còn đọng lại tình nghĩa đồng bào.
Ðội Cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh chở người hoàn thành cách ly về nhà.
Hỗ trợ mai táng những người mắc Covid-19 tử vong, chở người nhiễm Covid-19 đi chữa bệnh, các trường hợp F1 đi cách ly và từ khu cách ly về nhà… đó là công việc mà các thành viên Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh- những tín đồ Cao Ðài, thuộc CLB Thiện nguyện doanh nhân Tây Ninh đã và đang âm thầm thực hiện.
Từ những việc đó, có thể nhận thấy một khi con người đã có lòng bác ái, họ sẽ không còn phân biệt người sang kẻ hèn, người dại kẻ khôn, người uy quyền kẻ yếu thế, thân hay sơ… Mọi ranh giới ấy đã bị xoá mờ, chỉ còn đọng lại tình nghĩa đồng bào.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định tại Ðiều 18 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong, thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.
Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với dịch bệnh nguy hiểm. Người trực tiếp khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng; tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong, đặc biệt hạn chế người vào viếng.
Những quy định của luật và của Bộ Y tế phần nào cho thấy sự khủng khiếp của dịch bệnh. Từ lúc bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 không chỉ làm đảo lộn đời sống, chia cách tình thân, hạn chế mọi sự giao tiếp, tiếp xúc thường nhật mà còn làm những người tử vong liên quan đến Covid đơn độc đến tận cùng.
“Ca tử vong vì nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn Tây Ninh là một phụ nữ ở Campuchia về, mất tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu. Khi Sở Y tế báo cho biết về trường hợp này, ngay trong đêm, anh em Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh tức tốc thu xếp đến Bến Cầu để làm các thủ tục khâm liệm, sau đó đưa đi hoả thiêu.
Ðây là ca nhiễm Covid-19 tử vong đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nên quá trình khâm liệm, chúng tôi được Sở Y tế hướng dẫn kỹ lưỡng, mọi việc diễn ra nhanh chóng, bảo đảm tuyệt đối quy định phòng, chống dịch”- anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện doanh nhân trẻ, Ðội trưởng Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh cho biết.
Anh Hải cho biết thêm: “Lúc ấy người ta vì sợ virus nên không có bất cứ cơ sở dịch vụ mai táng nào dám nhận những ca tử vong vì nhiễm Covid-19. Bước đầu, gia đình chúng tôi không ai ủng hộ vì sợ lây nhiễm, nhưng những việc chúng tôi làm đã chứng minh công việc này thực sự ý nghĩa.
Nếu ai cũng sợ hãi, xa lánh thì ai sẽ là người làm những việc này? Dù biết nguy hiểm, khó khăn, nhưng cả Ðội vẫn quyết tâm, làm hết khả năng để chia sẻ nỗi đau với thân nhân người qua đời. Các thành viên của Ðội đều được Sở Y tế tập huấn, tiêm vaccine phòng Covid-19, test nhanh, xét nghiệm PCR 3 ngày/lần để bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ”.
Tính đến nay, Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh đã hỗ trợ tẩm liệm, mai táng cho gần 70 ca tử vong vì Covid-19, hỗ trợ hơn 100 áo quan cho những gia đình khó khăn có người mất trong và ngoài địa bàn tỉnh. Ðội còn hỗ trợ hàng ngàn chuyến xe chở F0, F1 đến nơi điều trị, cách ly y tế tập trung và chở người hoàn thành cách ly về nhà. Khi tỉnh tổ chức đón người dân lưu trú ở TP. Hồ Chí Minh về, Ðội tham gia chở người dân về tận nhà chu đáo, tận tình.
Giúp người, giúp đời
Anh Phan Nhật Trường (26 tuổi) tham gia Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng từ 2 năm trước. Lúc đó, Trường đang chăm sóc người bệnh ở một vườn thuốc từ thiện trên núi Bà Ðen. Khi các thành viên Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng chở những người nghèo đến vườn thuốc để được chữa bệnh miễn phí, họ thấy Trường hiền lành, chăm chỉ, biết lái xe ô tô nên đã mời anh gia nhập Ðội. Nhật Trường cho biết: “Công việc của em ở Ðội là lo khâu quản lý đồ đạc.
Hằng ngày em rửa xe, khử khuẩn, bơm oxy, dọn dẹp, chuẩn bị bao tay, khẩu trang, đồ bảo hộ chuẩn bị sáng sớm mấy ảnh có xe chạy. Còn lúc nào thiếu tài xế thì em chạy phụ. Theo công việc thiện nguyện và giúp người trong lúc khó khăn, hoạn nạn em cảm thấy rất hạnh phúc”.
Hiện tại, Trường và các thành viên Ðội thường trực 24/24 giờ, kịp thời hỗ trợ vận chuyển các trường hợp F0, F1, các trường hợp cấp cứu, tẩm liệm, mai táng người mắc Covid-19 tử vong. Các thành viên của Ðội đều là những tín đồ Ðạo Cao Ðài, trong đó nhiều người là đạo tỳ của các nơi, đã làm công việc mai táng nhiều nên có kinh nghiệm.
Ðội trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Anh em trong đội làm xuất phát từ tâm, từ giáo lý của Ðạo. Thầy dạy “đói thì cho ăn, đau cho thuốc, mất thì cho hòm”. Những việc làm này đã được chúng tôi thực hiện từ chục năm nay rồi, chỉ khác là trước đây không có xe cứu thương.
Sau khi thành lập CLB Thiện nguyện doanh nhân, Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng có chiếc xe cứu thương đầu tiên do anh Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh tặng. Hiện tại, Ðội đã có 10 xe cứu thương và 5 xe tải, mỗi chiếc xe có một nhiệm vụ riêng.
Trong mùa dịch, đội xe hoạt động hết công suất, công việc hầu như liên tục và 24/24 giờ, chi phí xăng dầu lên 120-150 triệu đồng/tháng, gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Anh em của Ðội phải xa gia đình, vợ con để làm công việc có ích cho xã hội”.
“Nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo lắm, khi có người thân mất vì bạo bệnh, vì Covid-19, họ không biết đường xoay xở và nhờ đến mình. Cũng có trường hợp trại hòm ra giá nhưng gia đình khó khăn, không đủ tiền, trại hòm giới thiệu những gia đình đó để chúng tôi giúp. Tiêu chí của Ðội làm là không gây hấn với ai, chỗ nào người dân cần là chúng tôi hỗ trợ hết sức trong khả năng và vô điều kiện”- anh Hải cho biết thêm.
Các thành viên của Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh lên đường làm nhiệm vụ.
Chúng tôi hãnh diện về đội tình nguyện của mình
Ðó là chia sẻ của ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh về Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng. Ông Quốc cho biết: “Làm thiện nguyện cần có tính hệ thống, có tổ chức, đặc biệt phải minh bạch về tài chính, con người, minh bạch cả tấm lòng và tư tưởng.
Khi thành lập CLB Thiện nguyện doanh nhân, chúng tôi mời Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các sở, ngành liên quan dự. Hội Doanh nhân trẻ vận động mỗi doanh nghiệp mua một xe và trong suốt 2 năm qua, nhờ sự chia sẻ, tạo điều kiện của sở, ngành. Những xe cũ sau khi mua về được cải tiến, thay đổi đặc trưng phù hợp với chức năng xe cấp cứu. Ðồng thời, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ lái xe có tay nghề vững vàng. Ðến giờ phút này, mấy chục anh em của Ðội làm khá tốt, anh em luôn làm việc bằng cả tấm lòng”.
Từ khi tỉnh hỗ trợ 18 triệu đồng/ca tử vong vì Covid-19, một số cơ sở dịch vụ mai táng bắt đầu nhận làm, Ðội tập trung cho nhiệm vụ chuyển người nhanh nhất có thể, tranh thủ cứu người trong “giờ vàng”. Ðối với những gia đình nghèo có người mất vì Covid-19 cần giúp thì Ðội sẵn sàng.
Sau trừ chi phí 10 bộ đồ bảo hộ cấp 4, chi phí hoả táng trong tổng số 18 triệu đồng tỉnh hỗ trợ, Ðội trao phần tiền còn lại, chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát của gia đình. Trong mùa dịch, các xe tải của Ðội còn chuyên chở nông sản đến những nơi cần, nhờ đó vừa giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản cho bà con nông dân, vừa hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm cho những vùng khó khăn.
“Chúng tôi rất yêu quý anh em. Chúng tôi là những người bỏ tài lực ra một cách xứng đáng và hãnh diện về đội tình nguyện của mình đang làm công việc thiện nguyện một cách trong sạch, minh bạch. Anh em của Ðội nói riêng, người Tây Ninh nói chung khi làm từ thiện là làm bằng trái tim, họ nghĩ việc mình đang làm là “bồi công lập đức”, làm một công chuyện phước báo nên họ không nghĩ gì nhiều, bỏ ngoài tai những sân si"- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh Ngô Trần Ngọc Quốc nói.
Kỳ 3: Lan toả tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”
BTN - Các tôn giáo tích cực tham gia vào công tác từ thiện, dẫn đầu trong việc hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn. Ðược sự vận động của Mặt trận, tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo, neo đơn, khuyết tật.
Ban Ðại diện Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh cùng Ban cai quản các họ đạo thăm, tặng quà các lực lượng phòng, chống dịch trên biên giới (Ảnh: Cao Ðài TV)
Thời gian qua, nhất là từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975), đồng bào các tôn giáo trong tỉnh Tây Ninh luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các tổ chức tôn giáo được các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động thường xuyên, nhất là lễ trọng. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tin vào Ðảng, Nhà nước, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân, với tôn chỉ “Nước vinh - Ðạo sáng”, đồng hành cùng dân tộc.
Không ồn ào, nhưng hiệu quả
Không chỉ chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, nhiều vị chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo còn tích cực tham gia chống dịch cùng với chính quyền địa phương. Hưởng ứng lời kêu gọi, vận động của Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực đồng hành cùng các cấp chính quyền và Mặt trận trong việc ủng hộ phòng chống dịch. Ðồng bào theo đạo thầm lặng đóng góp nhiều của cải, tài lực, vật lực; việc thiện không ồn ào nhưng hiệu quả.
Ðến thời điểm này, tổng số tiền đồng bào có đạo đóng góp cho việc phòng, chống dịch lên đến nhiều tỷ đồng. Nhiều họ đạo (theo khu vực) vận chuyển hàng tấn rau xanh, phần ăn hằng ngày cho những vùng đang giãn cách xã hội.
Các tổ chức tôn giáo, tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã và đang phát huy giá trị tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng nhân dân, chính đóng góp các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch với nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân các vùng phong toả, vùng bị cách ly và các chốt phòng chống dịch, các đồn biên phòng.
Theo thông tin của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), tính riêng quý III, số tiền các tôn giáo ủng hộ phòng, chống dịch là gần 2,8 tỷ đồng và đóng góp 160 triệu đồng vào Quỹ vaccine Covid-19, 13 người là nhà tu hành, tín đồ tham gia công tác phòng, chống dịch.
“Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữa người có đạo với người không có đạo, giữa những người có đạo với nhau, giữa chính quyền với các tôn giáo, được nhìn nhận là một thành công lớn ở Tây Ninh.
Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng từng đến Tây Ninh tham khảo, học tập kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ này”- đại diện Ban Dân chủ - Pháp luật, Dân tộc và Tôn giáo thuộc Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết.
Ðơn cử, trong tháng 8 âm lịch, nhân dịp đạo Cao Ðài kính mừng Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đều đến chúc mừng, tặng quà. Hội yến Diêu Trì cung là một lễ hội lớn của tôn giáo Cao Ðài, trong điều kiện bình thường, lễ hội này thu hút hàng vạn đồng bào có đạo, du khách tề tựu về Tây Ninh. Năm nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid- 19, lễ hội này không diễn ra như thông lệ.
Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh có sự đoàn kết chặt chẽ. Các phong trào thể thao, ngày hội lớn của đất nước, các tổ chức tôn giáo đều tham gia, hoà mình vào đời sống chung của xã hội. Ðặc biệt, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp các ngành thực hiện.
Qua công tác tuyên truyền, đồng bào các tôn giáo nhận thức rõ hơn về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo quan tâm hơn đến chính trị, kinh tế của đất nước và tìm hiểu về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động góp phần phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia xã hội hoá hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo ở cơ sở.
Phát huy vai trò của các vị chức sắc, nhà tu hành, người tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội. Ðồng bào các tôn giáo trên địa bàn huyện ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong khoảng 5 năm qua, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã đóng góp hỗ trợ cho Mặt trận địa phương xây 84 căn nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 3,54 tỷ đồng, 8 căn nhà tình thương trị giá 325,8 triệu đồng, hàng chục căn nhà khác của người nghèo được các tổ chức tôn giáo sửa chữa, nâng cấp.
Các tổ chức tôn giáo cơ sở đồng hành cùng địa phương trong nhiều mặt công tác, đã hỗ trợ tiền, nhân lực để lắp đặt bóng đèn chiếu sáng, camera an ninh trên 31 tuyến đường, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo vận động tín đồ cùng với địa phương thực hiện 7 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài 550m, gồm nhiều loại hoa kiểng làm đẹp cảnh quan, môi trường. Nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia làm đường, nâng cấp, tu bổ sửa chữa 130km đường giao thông nông thôn.
Hơn 6.000 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia các đợt ra quân làm công tác dân vận, tham gia dọn dẹp hơn 220 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 330km...
Những nghĩa cử cao đẹp của tín đồ tôn giáo theo giáo lý của mình, biết hy sinh và phụng sự cho xã hội. Hưởng ứng vận động của Mặt trận các cấp, có 63 cá nhân, tổ chức tôn giáo hiến đất làm đường giao thông, tổng diện tích 22.330m2 trị giá khoảng 2,94 tỷ đồng, một tín đồ Cao Ðài hiến 504m2 làm nhà văn hoá ấp và 1.800m2 đất làm đường vào nghĩa trang, tổng trị giá gần 300 triệu đồng.
Các tôn giáo tích cực tham gia vào công tác từ thiện, dẫn đầu trong việc hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn. Ðược sự vận động của Mặt trận, tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo, neo đơn, khuyết tật.
Ðồng bào theo đạo Công giáo ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) chia sẻ khó khăn với người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Bảo vệ môi trường, hỗ trợ người nghèo
Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường là một nét vừa độc đáo vừa thú vị lại vừa mang tính thời sự ở Tây Ninh. Ðến nay, toàn tỉnh có sáu mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” thuộc các tổ chức tôn giáo đang hoạt động.
Từng tôn giáo, tuỳ vào đặc điểm giáo lý, giáo luật của tôn giáo mà có những hoạt động phù hợp, cụ thể và thiết thực để tham gia thực hiện. Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh phối hợp Mặt trận và các ngành chức năng xây dựng được mô hình thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở cộng đồng.
Nhằm phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong đồng bào tôn giáo tại khu vực Thánh đường Hồi giáo Islam ở phường 1, TP. Tây Ninh; phát huy vai trò của MTTQ xã vận động chức sắc, chức việc, tín đồ trong tôn giáo Cao Ðài đăng ký thu gom rác thải với HTX thu gom rác; thực hiện tuyến đường xanh, sạch, đẹp, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện mô hình môi trường xanh, sạch, đẹp...
Không chỉ môi trường, các tổ chức tôn giáo ở Tây Ninh còn tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Có thể đơn cử một số mô hình tiêu biểu, như: “Họ đạo Cao Ðài tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự”, “Vận động đồng bào các tôn giáo không tham gia mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý”...
Hoạt động các tôn giáo luôn gắn liền với công tác an sinh xã hội. Ðược sự vận động của các cấp Mặt trận và chính quyền địa phương, các tổ chức tôn giáo thực hiện mô hình giúp khó trợ nghèo, góp phần cùng địa phương trong công tác giảm nghèo và chăm lo cho các đối tượng yếu thế, như mô hình “Vận động đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững”, “Ngày chia sẻ thiện tâm” hoặc các mô hình cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng người già neo đơn và trợ cấp hằng tháng...
Những mô hình trên đã huy động được các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào theo đạo nói riêng thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu và nội dung mà cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát động, góp phần đem lại cuộc sống bình yên, tốt đời đẹp đạo, no ấm cho mọi người, mọi nhà.
Kỳ cuối: Tôn giáo là văn hoá, là nguồn lực
BTN - Là tỉnh có gần 70% người dân là người có tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào được tôn trọng, bảo đảm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam thăm Toà thánh Tây Ninh năm 2019.
Tấm lòng vàng
Khi nói về những đóng góp của đồng bào có đạo ở Tây Ninh đối với xã hội, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một người nông dân ở xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành- ông Ðặng Hữu Nghĩa. Những năm 2010-2012, tên tuổi của ông xuất hiện khá nhiều trên báo chí địa phương và trung ương bởi những đóng góp lớn lao của gia đình ông.
Năm 2010, ông Ðặng Hữu Nghĩa gửi tặng 30 triệu đồng để bộ đội Trường Sa đón Tết Tân Mão. Trước đó, năm 2009, ông cũng đã tặng cán bộ chiến sĩ Trường Sa 50 triệu đồng. Hàng chục trẻ em nghèo bị bệnh tim, bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống nhờ sự giúp đỡ của ông Nghĩa. Nhưng sự kiện đặc biệt nhất phải kể đến là việc ông chi ra một khoản tiền lớn dành cho giáo dục.
Năm 2012, được sự đồng ý của gia đình, ông Nghĩa tài trợ 8 tỷ đồng để xây mới hoàn toàn Trường mầm non Hiệp Ðịnh tại địa điểm cũ Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành- nay là thị xã Hoà Thành.
Vào thời điểm đó, mạnh thường quân này cho biết, việc bỏ ra 8 tỷ đồng để xây dựng một ngôi trường cho hơn 300 học sinh có chỗ học khang trang là niềm vui lớn nhất của đời ông. Ngoài ra, ông còn tặng hàng trăm triệu đồng để nâng cấp lưới điện cho một trường phổ thông.
Chỉ là một người nông dân bình thường nhưng ông Ðặng Hữu Nghĩa lại rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Ông cho rằng Việt Nam muốn hùng cường thì phải có một nền giáo dục có chất lượng như Ðài Loan hay Nhật Bản.
Theo ông, thế hệ trẻ có thể học Bác Hồ nhiều thứ, trong đó có tấm gương tự học của Bác. Trong cả nước, vài chục năm qua, nói về sự đóng góp vô cùng to lớn cho xã hội, cho đất nước của một cá nhân, một tín đồ tôn giáo không thể không nhắc tới ông Ðặng Hữu Nghĩa. Năm 2012, ông Nghĩa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Là tỉnh có gần 70% người dân là người có tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào được tôn trọng, bảo đảm.
Trong hành đạo, các tôn giáo, tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh có sự gắn kết chặt chẽ, tôn trọng nhau và thực hiện tốt hướng dẫn của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Văn kiện đại hội lần thứ XI Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định “Thực hiện tốt chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo, quan tâm hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn.
Ðảng, chính quyền luôn tạo điều kiện cho các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, tích cực đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tín ngưỡng tôn giáo vi phạm pháp luật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ðịnh kỳ hằng năm, tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, gặp mặt giữa các tôn giáo, tạo sự đoàn kết, gắn bó. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại, gặp gỡ với già làng, chức sắc tôn giáo, góp phần tạo niềm tin, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để xảy ra “điểm nóng” liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Ðây là điểm sáng về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương”.
Phát huy giá trị văn hoá, đạo đức tôn giáo
Mỗi một tôn giáo trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển đều mang trong mình những giá trị tích cực nhất định. Ðó có thể là những giá trị về đạo đức giúp cho con người hướng thiện hoặc là những giá trị văn hoá giúp cho đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân trở nên phong phú hơn.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta không chỉ khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðặc biệt, đến Ðại hội XIII của Ðảng, vấn đề “phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong văn kiện Ðại hội. Ðiều này thể hiện tầm tư duy mới của Ðảng được đúc rút, kiểm nghiệm hết sức thận trọng, khách quan, khoa học.
Nguồn lực tôn giáo thể hiện ở hai phương diện cơ bản là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần chính là giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp được thể hiện trong hệ thống triết lý, giới luật, lễ nghi có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của tín đồ.
Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn hướng con người đến một thế giới “chân, thiện, mỹ”. Nguồn lực vật chất của tôn giáo được kết hợp bởi hai yếu tố nguồn nhân lực và nguồn vốn của giáo hội, tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH đất nước.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng cũng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.
Gia đình ông Ðặng Hữu Nghĩa cùng chính quyền huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) khởi công xây trường học (ảnh chụp năm 2012).
Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt thông qua nhiều kỳ đại hội. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VIII và IX, Ðảng xác định: “Ðồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”.
Sau 2 kỳ Ðại hội, quan điểm này có sự thay đổi cơ bản khi Ðảng chỉ đạo cần “động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo”. Ðại hội XI, Ðảng tái khẳng định quan điểm trên, đồng thời bổ sung thêm chủ thể cần vận động là “các tổ chức tôn giáo”.
Ðại hội XII quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định. Ðáng chú ý, văn kiện Ðại hội XIII, cụm từ “vận động” được sử dụng thay cho “động viên” thể hiện rõ hơn sự ý thức trách nhiệm của các chủ thể làm công tác tôn giáo, không chỉ là tuyên truyền mà phải bằng các chính sách, việc làm cụ thể để vận động quần chúng tín đồ.
Cụm từ “đoàn kết”, “tập hợp” mới bổ sung đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Ðảng, không còn chỉ dừng lại ở “vận động” mà phải hướng đến mục tiêu đoàn kết được tổ chức, chức sắc, tín đồ trong cùng một tôn giáo và giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, để trước hết sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Kế tiếp, là tập hợp, quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng. Như vậy, có thể hiểu “vận động” vừa là yêu cầu, vừa là nội dung trọng tâm được Ðảng ta xác định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng” để đạt được mục tiêu “đoàn kết, tập hợp” các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nội dung quan điểm này cũng là sự cụ thể hoá quan điểm xuyên suốt của Ðảng thể hiện trong toàn bộ Văn kiện Ðại hội XIII, đó là chỉ khi nào vận động, đoàn kết, tập hợp được quần chúng, trong đó có chức sắc, tín đồ tôn giáo thì khi đó mới có thể “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, các tôn giáo phát triển toàn diện về mọi mặt. Nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế như Ðại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (VESAK), Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI, Lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo, lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X…
Những kết quả đó thể hiện tính đúng đắn của việc đề ra và triển khai thực hiện đường lối, chính sách về tôn giáo của Ðảng. Ðó cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tôn giáo.
Phương Thúy - Viết Thắng
Báo Tây Ninh