Loạt 5 bài "Điểm cuối “cánh tay nối dài” của Đảng ở những dân tộc thiểu số miền biên viễn Kon Tum" của nhóm tác giả Bách Hợp - Thanh Mai, Báo Đại biểu Nhân dân đã đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dung Đảng. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Chuyện cổ tích dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray
“Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy…”. Nhắc lại câu nói này của Bác Hồ, những đảng viên của các dân tộc thiểu số ít người nhất cả nước ở miền biên viễn Kon Tum khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Với họ, chính ánh sáng của Đảng đã thay đổi số phận của đất và người nơi đây; tưới lên mảnh vùng đất biên cương nhọc nhằn những hạt mầm tốt tươi và đất khó đã nở hoa…
Cách đây chưa đến một thập kỷ, người Rơ Măm của Làng Le chúng tôi chỉ sống ở lưng chừng đỉnh núi cao chót vót. Thức ăn còn chưa biết nấu chín; người chết chôn chung mộ; ốm đau tại Yàng; mẹ chết con đi theo… "Tất cả những hủ tục đó như đã đẩy dân tộc Rơ Măm chúng tôi đứng trước bờ vực diệt vong nếu không có ánh sáng của Đảng dẫn đường. Với chúng tôi, cuộc sống hôm nay chính là một câu chuyện cổ tích có hậu dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray hùng vĩ”.
Hệ lụy do hôn nhân cận huyết đã khiến cho những đứa trẻ không thể phát triển bình thường. Ảnh: Thanh Mai.
Đó là chia sẻ của những đảng viên làng Le, nơi sinh sống của cộng đồng người Rơ Măm - một trong năm dân tộc ít người bậc nhất của Việt Nam hiện nay ở vùng biên viễn Mô Rai,huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Bước qua “lời nguyền”, “hạ sơn lập làng”
Chúng tôi đến được với làng Le đúng lúc mặt trời nhô cao tựa như một quả cầu lửa khổng lồ giữa đại ngàn Chư Mom Ray hùng vĩ. Từ xa, tiếng hát trầm bổng đã ngân vang bên trong ngôi nhà Rông ở giữa làng. Trong lời bài hát ấy kể về thời ngày xửa ngày xưa, người Rơ Măm có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các dân tộc khác, nhưng vì một trận đại dịch bệnh đã xóa sạch các làng, chỉ để lại một làng duy nhất là làng Le hôm nay…
Bất giác, tiếng hát trầm hùng ấy dừng lại, vì mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, đảng viên cao tuổi A Dói lại trầm ngâm. Theo lời ông kể, xưa kia người Rơ Măm luôn có quan niệm, ngọn núi phía trên là của trời, là nơi linh thiêng con người không với tới được; phía dưới thuộc về cõi âm, người dân không sống được và người Rơ Măm chỉ sống ở lưng chừng núi cao… Đó là sự phân định, một lời nguyền!
Thời đó, người Rơ Măm còn chưa biết nấu chín thức ăn, săn bắt hái lượm là chủ yếu. Đáng sợ hơn, hễ trong làng có người chết, gia đình đó sẽ bật nắp “quan tài” của dòng họ mình lên để đưa cái xác người mới chết đè lên những cái xác cũ. Chính vì thói quen “chôn chung mộ” cùng với việc ăn uống không hợp vệ sinh đã tạo nên một đại dịch khủng khiếp khiến người Rơ Măm đứng trên bờ vực “xóa sổ”…
Để tránh nạn “diệt vong”, năm 1976, được sự động viên khuyến khích của chính quyền và các chiến sĩ bộ đội biên phòng, ông đã cùng 3 đảng viên khác rời khỏi ngọn núi Yang Sít để “hạ sơn” lập nên làng mới. Ngày ông thông báo ý định đưa bà con xuống núi, nhiều người sợ hãi bảo ông điên, sẽ bị Yàng trừng phạt vì dám động đến lời nguyền của tổ tiên. Phải mất một thời gian khá lâu, bà con mới chấp nhận “xuống núi lập làng”, tạo nên làng Le dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray như ngày hôm nay.
Sau khi người dân xuống núi, ông đã cùng với các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng Mo Rai dạy cho người dân cách trồng lúa nước; trồng cây củ mì; nấu chín thức ăn và từ bỏ tập tục “chôn chung mộ” để tránh phát tán dịch bệnh. Đặc biệt, giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi về “lời nguyền” không được nuôi bò vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay.
Khi chúng tôi hỏi những lớp đảng viên đời đầu của làng Le sức mạnh nào đã giúp các ông dám đi ngược lại “lời nguyền” của tổ tiên để đưa ra những quyết định táo bạo như vậy, họ chỉ cười và hướng lên bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong ngôi nhà Rông: Vì sự tồn vong của dân tộc Rơ Măm, vì lời dạy của Cụ Hồ “Đảng viên phải tiên phong đi trước, gương mẫu nói điều hay, làm việc tốt” nên chúng tôi thực hiện thôi!
Trận chiến xóa bỏ những hủ tục
“Hạ sơn lập làng” và thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi thực sự là bước tiến chưa từng có trong tiền lệ của người Rơ Măm. Tuy nhiên, để người Rơ Măm thực sự bước qua bóng tối của u mê và hòa nhập cộng đồng, một cuộc cách mạng khác mà những đảng viên tiên phong của làng Le tiếp tục thực hiện đó chính là loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Đây được xem là cuộc chiến “sống còn” quyết định đến sự tồn vong dân tộc Rơ Măm.
Hướng về phía những ngọn núi cao, già làng A Blong bồi hồi nhớ lại: Những năm 1990 về trước, làng Le gần như là một “ốc đảo” biệt lập với thế giới bên ngoài. Cả làng gần như mù chữ, sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến nhiều câu chuyện bi thương. Thời đó, bà con luôn quan niệm ốm đau tại Yàng; ở đâu có người ốm là ở đó có ma. Phụ nữ đến ngày sinh nở là phải vào rừng “vượt cạn” một mình. Rùng mình nhất là tập tục “mẹ chết, con phải chôn theo”.
Chỉ tay về phía một thanh niên cường tráng, rắn rỏi, giọng ông vang ngân như tiếng gió đại ngàn: Nó là A Lương, ngày nó được sinh ra cùng là ngày mẹ nó qua đời. Theo phong tục, A Lương sẽ phải chôn theo mẹ. Một cuộc đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết kịch tính theo đúng nghĩa. Chỉ đến khi các chiến sĩ biên phòng đưa A Lương về Đồn làm con nuôi thì “lưỡi hái tử thần” mới buông tha cho A Lương. Thấm thoát đã 22 năm trôi qua, A Lương giờ đã trưởng thành và là một công nhân cạo mủ cao su. Em luôn biết ơn những người đã tái sinh ra em lần thứ 2. Chỉ đôi mắt em vẫn ánh lên nỗi buồn, em chưa bao giờ được biết đến hơi ấm của vòng tay mẹ.
Đó vẫn chưa phải là cơn ác mộng của làng Le những năm về trước, mà theo già làng A BLong, nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết mới là vấn nạn nhức nhối của làng Le. Minh chứng cho điều này, ông đã chỉ cho chúng tôi đến nhà của vợ chồng nhà A Then và Y Day.
Trong căn nhà cũ kỹ, không có gì đáng giá, người phụ nữ có tên là Y Day có dáng người khắc khổ, khuôn mặt sạm đen có phần già hơn rất nhiều so với năm sinh 1990 đang quát cậu bé A Thân đừng nghịch ngợm, phá phách lung tung. Gọi là “cậu bé” nhưng A Thân năm nay cũng đã ngót nghét 16 tuổi, do hệ lụy của hôn nhân cận huyết, hình hài và nhận thức của A Thân không hơn đứa trẻ lên ba. A Thân là đứa con đầu lòng của cuộc hôn nhân cận huyết giữa chị và chồng là A Then, họ vốn là anh em con chú bác ruột. Trong số 4 đứa con của vợ chồng chị, cả ba đứa lớn đều phát triển không bình thường.
Những cặp vợ chồng như A Then và Y Day không hiếm ở làng Le những năm về trước. Tình trạng hôn nhân cận huyết đã khiến người Rơ Mă đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi rất cao. Rất may, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và những đảng viên gương mẫu, đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt, những người trẻ hôm nay đã dựng vợ gả chồng với các dân tộc khác và sinh con đẻ cái thông minh, khỏe mạnh.
Chuyện về làng Le cứ trôi đi trong ánh chiều tà! Trong ánh lửa bập bùng bên bếp nhà Rông, những cây cổ thụ của cộng đồng người Rơ Măm như già làng A Blong, ông A Dói, A Ren, A Rói vẫn tiếp tục kể cho con cháu về sử thi người Rơ Măm. Trong câu chuyện đó, họ không quên căn dặn con cháu tuyệt đối phải từ bỏ những hủ tục; giữ gìn và phát huy những truyền thống độc đáo của dân tộc mình như "Thổi tai", "Ma chay", "Bỏ mả", "Lễ phát rẫy", "Trỉa lúa", "Mở kho lúa" và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi…
Còn đối với người Rơ Măm, những đổi thay của làng Le hôm nay giống như một câu chuyện cổ tích có hậu giữa vùng biên. Họ biết ơn Đảng, biết ơn những “bóng cây kơ nia” cổ thụ của làng như già làng A Blong, A Dói, A Rói… Họ đặt kỳ vọng về lớp đảng viên trẻ kế cận. Trong ánh lửa bập bùng nơi miền biên viễn, văng vẳng trong bốn bề không gian núi rừng là tiếng hát trong trẻo của một nàng sơn nữ: “Em hỏi cây kơ nia, gió mày thổi về đâu?/ Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây kơ nia, rễ mày uống nước đâu?/ Uống nước nguồn miền Bắc”…
Bài 2: Nền móng vững chắc vươn mình nơi đại ngàn Trường Sơn
Trang mới lịch sử của làng Le đã mở ra! Gạn đục khơi trong, không thể phủ nhận: mặc dù rất ít người nhưng những phong tục tập quán riêng biệt “có một không hai” của người dân tộc Rơ Măm (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đã góp phần bồi đắp, làm giàu có hơn kho tàng văn hóa của dân tộc. Người Rơ Măm của làng Le hôm nay vẫn quan niệm “vạn vật hữu linh”; vẫn có đấng tối cao là Yàng Plút - “thần Ngà Voi”. Đồng thời, họ gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào Đảng; vào “cánh tay” nối dài của Đảng - những đảng viên trẻ tiên phong, gương mẫu đi đầu. Niềm tin đó sẽ là động lực, “nền móng” vững chắc để cộng đồng người Rơ Măm vươn mình mạnh mẽ nơi đại ngàn Trường Sơn.
Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt
Sinh năm 1992, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le A Thái là bí thư, trưởng thôn trẻ tuổi nhất từ trước đến nay. Trên cương vị người đứng đầu Chi bộ, A Thái luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Do đó, anh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm phát huy tinh thần đoàn kết; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các đảng viên. Đồng thời, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề đi vào chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Mỗi công việc được đặt ra, các đảng viên luôn được phân công nhiệm vụ cụ thể, Chi bộ thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả công việc của đảng viên để kịp thời tìm hướng giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử, cách đây không lâu, trên địa bàn dân cư có hiện tượng một số người dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế săn bắn trái phép. Chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề bàn các giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã có chuyển biến rõ rệt. A Giỗi là một trường hợp điển hình đã tự nguyện giao nộp cho Đồn Biên phòng Mo Rai khẩu súng kíp do mình chế tạo. “Trước đây, do không hiểu biết nên đã chế tạo súng để đi săn và làm vật phòng thân nhưng sau khi được tuyên truyền về những nguy hiểm khi sử dụng súng tự chế, tôi đã tự nguyện nộp lại súng” - A Giỗi chia sẻ.
Nhằm thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Rơ Măm đến năm 2025, với tổng kinh phí 90,883 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của dân tộc Rơ Măm; tập trung giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại làng Le - nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Rơ Măm; góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Tương tự, mới đây nhất khi xuất hiện hiện tượng một số học sinh bỏ học, ngay lập tức Chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề bàn các giải pháp đưa con em quay trở lại trường học. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời, các em đã quay trở lại trường học với con chữ ước mơ.
Khác với những vùng đất biên giới “thâm sơn cùng cốc” chúng tôi đã từng đi qua, mặc dù cả làng chỉ có 202 hộ với 817 nhân khẩu (trong đó, người Rơ Măm có 176 hộ với 550 nhân khẩu), song công tác bồi dưỡng, tìm nguồn phát triển đảng viên ở đây rất thuận lợi. Những thế hệ trẻ luôn có ý thức phấn đấu rèn luyện để được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện, làng Le là chi bộ có đông đảng viên nhất trong 7 thôn trên địa bàn xã biên giới Mo Rai. Tháng 11 tới, Chi bộ sẽ kết nạp thêm 6 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 32 người.
Đại úy Hoàng Phúc Nam - đảng viên Đồn Biên phòng Mô Rai phụ trách làng Le nhận định: Chi bộ làng Le hoạt động rất hiệu quả. Các phong trào tại thôn diễn ra khá sôi nổi như phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào bảo vệ các tuyến đường biên giới. Công tác phối hợp cùng với bộ đội biên phòng trong “3 bám 4 cùng” và cuộc vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm được thực hiện rất hiệu quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang thăm hỏi và động viên bà con dân tộc Rơ Măm vươn lên thoát nghèo.
Chuyển mình mạnh mẽ từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
Những ngày mưa bão đã qua đi, cái nắng, cái gió đặc trưng của miền đất đỏ bazan lại ùa về bỏng rát. Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le A Thái vui vẻ khoe: đồng bào Rơ Măm không đơn độc! Làng Le thực sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, của Đảng bộ tỉnh, huyện, xã… Bà con đã thực sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm để hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống. Bước sang nhiệm kỳ mới, Chi bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, đưa một số cây, con có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung mọi nguồn lực giúp người dân giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển Đảng - Bí thư kiêm Trưởng thôn A Thái nhấn mạnh.
Không còn cảnh sống du canh du, du cư; phá rừng làm nương rẫy như trước, bà con đã biết dùng phân bón chăm sóc cây trồng; biết áp dụng máy móc, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 90%. Hiện, diện tích lúa rẫy của làng đạt 50ha, lúa nước 2 vụ 25ha, cây điều 200ha, cây mỳ (sắn) 90ha, cao su 60ha. Số hộ làm kinh tế giỏi ngày càng tăng. Một phong trào phát triển kinh tế đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Vỗ vỗ vào những con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, ông A Ren phấn khởi cho biết: cuộc sống bây giờ đã khác xưa, không phải phụ thuộc vào việc đi săn bắt con thú trên rừng. Giờ đây, nhờ có các “cây, con” mới của Nhà nước như bò, dê, cao su, gia đình chúng tôi đã có thu nhập ổn định, xây được nhà cửa kiên cố, mưa gió như những ngày qua không còn phải lo sợ nữa.
Còn chị Y Tranh chia sẻ: giờ làm một mà hiệu quả gấp trăm lần ngày xưa. Từ khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã có vốn để trồng gần 5ha cao su, lúa nước, mỳ (sắn) cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn ưu đãi, gia đình nuôi thêm 4 con bò; vợ chồng con cái đồng tâm hợp lực bảo nhau làm, nhờ vậy, gia đình chị đã có của ăn, của để, cho con cái ăn học, nuôi ước mơ đổi đời.
Nhìn về phía những cánh rừng cao su bước vào mùa thu hoạch, Bí thư trẻ A Thái hồ hởi: hiện tại, cả làng chỉ còn 32 hộ nghèo/202 hộ, chiếm chưa đến 15%. Điện, đường, trường, trạm đã phủ khắp làng. Trẻ em được đi học, được phát thẻ bảo hiểm y tế… Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng ấm no là động lực để bà con ý thức được việc giữ gìn, duy trì một số phong tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Chia tay bà con dân tộc Rơ Măm, chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất trong những ngày ở làng Le, đó chính là dù trải qua bao biến cố thăng trầm, điều cốt lõi vẫn luôn được họ thắp sáng đó chính là niềm tin! Niềm tin về đấng thần linh, niềm tin về Đảng, niềm tin về người đứng đầu trong việc dẫn dắt cộng đồng người Rơ Măm đi qua những biến cố… Bài học về niềm tin đã được khắc ghi từ vùng đất từng “khổ tận cam lai” đặc biệt này!
Nắng đã trên đỉnh đầu. Ia H'Drai - huyện biên giới trẻ nhất của tỉnh Kon Tum đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Một hành trình mới với những câu chuyện thú vị lại bắt đầu!
Bài 3: Hướng về phía mặt trời!
Đến vùng biên giới Ia H'Đrai - huyện trẻ nhất của tỉnh Kon Tum, chúng tôi phải đi qua những con dốc cao thăm thẳm, đường mòn hun hút trong rừng, đi cả ngày đường mới gặp một bóng người. Gọi là thôn, là làng, nhưng từ nhà này cách nhà kia đến vài cây số, từ đầu thôn đến cuối thôn cách nhau đến mấy chục cây số, từ thôn lên huyện hàng trăm cây số... đã khiến những người lạc quan nhất cũng phải chùn chân khi đến với huyện biên giới này. Phải làm gì để “giữ chân” người dân ở lại? Trải qua 7 năm kể từ khi huyện Ia H’Đrai được thành lập, lời giải cho bài toán đó đã có: Người dựa vào người; dựa vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua những “cánh tay nối dài" của Đảng để vượt qua khó khăn. Ở nơi đó, người dân luôn tự nhủ: Hãy hướng về phía mặt trời, về Đảng, bóng tối sẽ bỏ lại phía sau.
Để đất lạ hóa quê hương
Sau hơn 40 phút băng qua cung đường còn “ngai ngái” mùi nhựa đường, bao quanh bởi những rừng cao su bạt ngàn, đều tăm tắp, chúng tôi đã đến được với thôn 3 thuộc xã biên Ia Đal, huyện Ia H’Đrai, vùng đất có đường biên giới dài 47,5km giáp với Vương quốc Cam-pu-chia.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh thăm, tặng quà một số điểm dân cư, đơn vị thuộc Chi nhánh 716. Ảnh: Thanh Mai.
Khi đến với vùng đất hoang vu hẻo lánh này, nhiều người mang theo giấc mơ sẽ đổi đời. Song vì điều kiện sống khắc nghiệt và vì nhiều lý do khác, họ cứ lần lượt đến rồi đi. Điều này đã thay đổi từ khi Chi bộ thôn 3 được thành lập vào năm 2016. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ thôn 3 nhanh chóng bắt tay thực hiện “sứ mệnh” của mình. Từ một thôn chỉ có 50 hộ cách đây 8 năm về trước, đến nay thôn 3 đã có trên 300 hộ đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Trong căn nhà sàn khang trang, ông Lê Văn Hào, Bí thư kiêm Trưởng thôn kể cho chúng tôi nghe về hành trình của ông đến với vùng đất Ia Đal này. “Ngày tôi vào vùng đất này, bốn bề xung quanh chỉ là một vùng đất hoang vu, trống huơ, trống hoác, dân cư vô cùng thưa thớt. 7 năm là khoảng thời gian tôi đã nỗ lực hết sức lực của mình để xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mới. Ngoài nhà cửa khang trang, kinh tế đã ổn định, điều vui mừng lớn nhất của tôi hiện nay là gia đình đã đoàn viên sau nhiều năm xa cách; diện mạo thôn 3 đã được vẽ lên bằng những nét tươi mới sống động. Sau những vất vả, đất mới đã cho chúng tôi những trái ngọt đầu tiên”, ông Hào bồi hồi chia sẻ.
Với đặc điểm dân cư đa vùng miền, đa dân tộc, đa màu sắc văn hóa… nên yếu tố đầu tiên Chi bộ đặt ra đó chính là đoàn kết. Chính yếu tố đoàn kết đã giúp cho Chi bộ thôn 3 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Trên mặt trận kinh tế, ngoài thu nhập chính là cây cao su, thôn 3 cũng đã đưa vào nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên 29 triệu đồng/năm; văn hóa giáo dục, y tế được quan tâm. An ninh chính trị được giữ vững. Công tác phát triển Đảng có nhiều điểm sáng. Hiện, Chi bộ có 7 đảng viên, trình độ đảng viên từ lớp 12 trở lên…
Từ điểm tựa vững chắc là các Chi bộ, ngày càng nhiều người đã biến nơi họ đến thành quê hương thứ hai. Câu chuyện về đảng viên, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Cương (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) - Trưởng thôn 6 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Đrai) là một điển hình.
Ở trong thôn, không ít những cặp vợ chồng vào vùng đất này làm công nhân cao su, hành trang của họ chẳng có gì ngoài cái nghèo, cùng những đứa con nheo nhóc, không ít người nung nấu ý định kiếm tiền rồi trở về quê sinh sống. Để động viên người dân, anh Cương xem họ như người thân trong nhà và vận động các gia đình nhập hộ khẩu, ra xây dựng nhà ở riêng để được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước và hỗ trợ từ Chi nhánh 716 rồi từ từ ổn định, phát triển kinh tế.
Sau nhiều lần vận động, đôi vợ chồng trẻ đầu tiên cũng xin nhập hộ khẩu và chuyển ra ở riêng. Cũng từ đó, nhiều căn nhà mới mọc lên. Nhiều anh em, họ hàng ở quê của các hộ dân cũng vào đây sinh sống theo. Giờ đây, thôn 6 có 84 hộ với hơn 342 khẩu. Các hộ đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương mới, không còn có tư tưởng trở về quê sinh sống.
Đó cũng là câu chuyện của gia đình anh A Gih (26 tuổi, làng Ia Dơr, xã Ia Tơi). Năm 2019, cả gia đình đã quyết định di chuyển từ xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đến điểm dân cư 64 để sinh sống. Tại đây, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng và cấp 400m2 đất ở, 600m2 đất sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty Duy Tân đã nhận anh làm công nhân và đào tạo nghề cạo mủ cao su, giao khoán 1,5ha cao su để anh chăm sóc. Anh A Gih vui mừng cho biết, từ một hộ gia đình còn nghèo khó, anh đã có đất ở và công việc ổn định khi đến nơi ở mới. Kết hợp với việc trồng lúa nước, chăm sóc cây cao su, anh có thu nhập bình quân hàng tháng được hơn 5 triệu đồng. Giờ đây, anh A Gih đã có “của ăn, của để”, con cái được đến trường học tập đầy đủ nên anh dự định sẽ bám trụ lâu dài tại mảnh đất mới này…
Nắng vẫn bỏng rát trên gương mặt! Cái khắc nghiệt về thiên thiên hôm nay có lẽ cũng chẳng thể làm khó hơn được họ. Từ những vùng đất hoang vu nơi biên giới đã hiện hữu với những làng quê mới dựng của người Gia Rai, Mường, Tày, Nùng, Thái.
Phấn đấu là huyện kiểu mẫu vùng biên
Chia sẻ về những gian nan mà huyện trẻ nhất của cả nước Ia H'Đrai đã trải qua, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh bồi hồi nhớ lại: Ngày 11-3-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H'Đrai. Gần 3.000 ngày gian khó nhất của một chặng đường đã lùi lại phía sau, nhưng chắc chắn sẽ không một ai quên được xuất phát điểm của huyện Ia H'Đrai lúc đó, là địa bàn biên giới, dân cư thưa thớt, ở xa trung tâm xã, có nơi 40 - 50km (như thôn 9, xã Ia Tơi; thôn 8, xã Ia Đal; làng thanh niên lập nghiệp, xã Ia Dom…). Hạ tầng cơ sở nghèo nàn, gần như là con số không. Điện lưới chỉ đến được một số điểm dân cư, còn lại hầu hết là không có điện. Về giáo dục, y tế gần như là "vùng trắng"… Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất thiếu, phải thực hiện kiêm nhiệm, kiêm chức giữa các cơ quan Đảng và chính quyền...
7 năm trôi qua, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì sự khởi sắc của huyện non trẻ nhất nước này. Mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa; điện - đường - trường - trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu; thương mại, dịch vụ từng bước hình thành và phát triển, như nhà hàng, quán xá... Khu trung tâm huyện được đầu tư khang trang. Nhiều khu vực dân cư mới được hình thành với nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống mới của vùng biên…
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng rất ấn tượng. 9 tháng năm 2022, nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng nhanh, cơ cấu các ngành hợp lý, tổng giá trị sản xuất gần 7,5 nghìn tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới được huyện chỉ đạo khẩn trương triển khai; các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới được củng cố, nâng cao; phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành 15 thôn đạt chuẩn nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ia Dom duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Ia Đal đạt chuẩn 14 tiêu chí, xã Ia Tơi đạt chuẩn 13 tiêu chí...
Vùng đất biên cương H'Đrai vẫn còn đó những gian nan, nhưng với những kết quả đã đạt được, chúng ta có niềm tin rằng: Bằng sức trẻ của mình, Ia H'Đrai sẽ sớm "đi tắt đón đầu", sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành huyện kiểu mẫu ở vùng biên. Chia tay vùng đất giàu sức trẻ này, một bài học kinh nghiệm sâu sắc đã được khắc ghi: Khi người dân đồng lòng, đoàn kết hướng về phía mặt trời, về Đảng, bóng tối sẽ bỏ lại phía sau.
Bài 4: “Cứ làm đi, hiệu quả dân sẽ tin"!
Rời huyện trẻ nhất của cả nước là la H’Đrai, chúng tôi tìm về làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi - nơi có đồng bào Brâu, một trong năm tộc người có dân số ít nhất cả nước. Bên cạnh những nét văn hóa đẹp, nơi đây cũng ẩn chứa nhiều hủ tục. Đặc biệt, nằm trong trong khu vực “ngã ba biên” nên đây là khu vực “nóng” của các loại hình tội phạm, nhất là về ma túy. Chi bộ thôn Đăk Mế đã tiên phong trong trận chiến với “cái xấu và cái ác” để giành lại bình yên cho dân làng. “Cứ Làm đi - hiệu quả dân sẽ tin”! - nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động của Chi bộ.
Khắc khoải những nỗi đau
Nằm ngay ngã ba biên giới với nước Lào và Cam-pu-chia, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lại được bao bọc khu vực biên giới là địa hình đồi núi nối tiếp nhau trải dài theo hướng Bắc - Nam nên xã Pờ Y trở thành mảnh đất “béo bở”, “sào huyệt” của các loại hình tội phạm ma túy xuyên biên giới. Các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, đời sống còn gặp nhiều khăn, lại thông thuộc các con đường rừng của bà con dân tộc Brâu để lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia “mắt xích” đường dây tội phạm, để lại những nỗi đau kéo dài.
Theo chân Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Mế Đinh Thị Khiêm, chúng tôi đến trước một căn nhà đơn sơ, cỏ gần như phủ kín. Cuối tháng 3-2021, khi đang trên rẫy, đôi vợ chồng trẻ A Ba và Y Ràng đã nghe lời một đối tượng dụ dỗ, nhờ vận chuyển ma túy từ thôn Iệc đến cổng chào thôn Đăk Mế cho 1 đối tượng khác với số tiền công 31 triệu đồng. Khi cả 2 đang vận chuyển thuê gần 1kg ma túy thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Ngày tòa kết án, A Ba chung thân và Y Ràng 20 năm tù giam vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Cả phiên tòa đều xót xa và đặc biệt ám ảnh bởi tiếng khóc của con bé Y Mai Trâm lúc đó mới 7 tuổi.. “Đau xót lắm! chỉ cách đây chưa đến một năm, trong căn nhà này luôn rộn ràng tiếng cười nói của đôi vợ chồng trẻ. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà chúng nó đóng lại cánh cửa cuộc đời tự do của mình. Phía sau bản án, phía sau song sắt là người thân và đứa con mới lên 7 tuổi khóc cạn nước mắt…” Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn xót xa.
Còn trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, cũ nát, chị Y Khok nắm lấy bàn tay của chị Khiêm rồi nức nở: 2 con bò cũng bị xiết nợ rồi! Tất cả bi kịch đó cũng bắt nguồn từ ma túy. Chồng chị cũng vì nghe kẻ xấu mà nhận bản án chung thân về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. 4 năm qua, mình chị phải vừa cha, làm mẹ, lo cho 3 con nhỏ…. Còn rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến “bóng ma” ma túy ở làng Đắc Mế. Những ngôi nhà thiếu bóng chồng, bóng cha, bóng mẹ không hiếm. Đó còn chưa kể đến những câu chuyện những đứa trẻ mới lớn ở Đắc Mế đã vướng vào con đường nghiện ngập…
Trên con đường từ nhà chị Y Khok về đến nhà Rông của làng, Bí thư Chi bộ kiêm thôn Trưởng thôn Đinh Thị Khiêm buồn rầu nói: trong thôn hiện có 287 hộ/ 980 nhân khẩu, trong đó có 173 hộ đồng bào Brâu. Thời gian qua, bà con dân tộc Brâu bị kẻ xấu lợi dụng vận chuyển ma túy, để lại nhiều hậu nặng nề quá; toàn là những án nặng, thậm chí đã có mấy người bị tử hình…
Các đảng viên đến từng nhà người dân để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, vận động người dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh Thanh Mai.
Chi bộ vào cuộc gấp
Không thể để bóng ma “chất trắng” trở thành cơn bão càn quét và mặc sức hoành hành trong cộng đồng người Brâu, thông qua các cuộc họp đột xuất và các buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ làng Đăk Mế đã đưa ra nhiệm vụ cấp bách: hạ nhiệt điểm “nóng” Đắc Mế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, không bị kẻ xấu lợi dụng vận chuyển, mua bán, tràng trữ ma túy, sử dụng ma túy, gây ra những hậu quả khôn lường… Sau khi nghị quyết được ban hành, các đảng viên nhanh chóng phân công nhau đến từng hộ gia đình, cùng lên tận rẫy để tuyên truyền, vận động người dân. Trong tuyên truyền, lấy những bản án nghiêm khắc, những hệ lụy từ thực tế làm những bài học cảnh tỉnh đắt giá để vận động người dân tránh xa ma túy…
Cùng với lực lượng công an, bộ đội biên phòng theo dõi sát sao, bám sát từng đường mòn, lối mở, nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn tin từ nhiều phía để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra, các đảng viên trở thành những “camera đặc biệt” trên vùng “ba biên”. Dưới sự “tư vấn của lực lượng công an, nhiều nhóm đối tượng được đưa vào danh sách “chăm sóc đặc biệt”.
Từ những việc làm thiết thực cùng với điểm tựa là các già làng, người có uy tín trong thôn và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, điểm nóng” về ma túy Đắk Mế đang dần “hạ nhiệt”, các vụ án về ma túy và các đối tượng nghiện hút giảm dần. Nỗi ám ảnh về bóng ma “chất trắng” đã bớt khắc khoải…
Thay đổi căn cơ nếp nghĩ, cách làm
Để cuộc chiến chiến đẩy lùi “nỗi đau” “chất trắng” ở đường biên thực sự hiệu quả, điều cốt yếu nhất phải làm cho người dân hiểu: không có cách làm giàu nào bền vững ngoài con đường lao động chân chính và chỉ cần chăm chỉ cần cù lao động, dưới sự hỗ trợ đắc lực của các chủ trương, chính sách kịp thời và nhân văn của Đảng và Nhà nước, chắc chắn “rừng sẽ trả trái ngọt”… Tuy nhiên, điều này không thể nói suông.
Hiểu được điều đó, chính bản thân Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Đinh Thị Khiêm đã thực hiện theo phương châm nói đi đôi với làm - mình phải giỏi, phải tốt thì mới chứng minh được lời nói của mình là đúng, dân mới tin. Nhiều năm qua, chị Khiêm không ngừng chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình. Hiện, gia đình chị có 2,5ha cà phê, 2ha cao su, 1ha mì, 1 sào lúa và hơn 400 cây ăn trái, mỗi năm thu về được hơn 200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế của gia đình, chị Khiêm đã tạo điều kiện cho người trong thôn có thêm thu nhập bằng cách thuê họ làm.
Từ thành công của chị đã truyền năng lượng tích cực đến các đảng viên khác và những hộ dân trong thôn. Nàng Thái là một điển hình trong làm kinh tế giỏi của thôn. Vừa tất bật xếp lại những bao lúa ST25, Nàng Thái vừa chia sẻ: được sự giúp đỡ của các đảng viên, trong đó có chị Khiêm, chị đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời lựa chọn giống lúa mang lại năng suất cao. Nàng Thái còn chủ động chuyển đổi cây mì sang trồng cà phê, cao su. Từ một hộ khó khăn, giờ đây Nàng Thái đã có nhà cửa khang trang, có của ăn của để, là tấm gương sáng làm kinh tế nơi vùng biên.
Ông Thao Lợi, Trưởng Ban mặt trận của thôn chia sẻ: dưới sự dẫn dắt của Chi bộ, diện mạo thôn Đắc Mế đang thay đổi từng ngày. Cùng với phát triển kinh tế, người Brâu ở Đăk Mế cũng đang dần loại bỏ những hủ tục ra khỏi cộng đồng như tảo hôn hay kết hôn cận huyết. Đặc biệt là tập tục kiêng cữ cái chết xấu; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh; nợ miệng; tưởng nhớ và cho người chết ăn; để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma… Brâu của những ngày xưa cũ với cái đói quay quắt và hủ tục đã đi qua.
Bóng chiều đã ngả! Cái nắng đã nhường chỗ cho những cơn gió mát mẻ nơi miền sơn cước. Già làng Y An năm nay đã 98 tuổi, cũng là đảng viên cao tuổi nhất của Chi bộ kể cho chúng tôi lịch sử của người Brâu. Trong mỗi câu chuyện, từng cử chỉ, lời nói và ánh mắt của bà đều ánh lên niềm tự hào. “Tôi mong trong Chi bộ Đăk Mế hôn nay càng có nhiều đảng viên như cô Khiêm, anh Lợi… Tôi cùng mong cũng sẽ có lớp đảng viên trẻ ngày một giỏi giang, có tri thức như cô giáo Nàng Xô Vi - đại diện đầu tiên của người Brâu trúng cử Đại biểu quốc hội”. Già làng Y An nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như để nhắn nhủ các đảng viên: "Đừng nói một đường làm một nẻo, nói trống rỗng, không thấm vào tim, vào gan vào ruột mình biến thành hành động thì không phải là học Bác"; “Cứ làm đi, hiệu quả dân sẽ tin!”
Bài cuối: Khắc ghi lời thề sắt son
Vùng đất biên giới nơi đại ngàn Tây Nguyên những ngày cuối thu vẫn xanh ngắt một màu. Nổi bật giữa bốn bề không gian hùng vĩ nơi “ngã ba Đông Dương” của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới và âm vang hào hùng của lời bài hát Quốc ca. Chia tay vùng đất Kon Tum, khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi là một lời thề sắt son theo Đảng, quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu dành cho đồng bào dân tộc nơi đây: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Để những người “1 vai 2 gánh” yên tâm công tác
Tạm biệt vùng đất “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” của Ngọc Hồi, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến miền quê cách mạng Đăk Glei - vùng đất biên giới nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng “Rừng Xà Nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành…
Nỗ lực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Ảnh: Huy Đằng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các TCCSĐ, huyện Đăk Glei đã và đang nỗ lực thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng khu dân cư. Thực tế đã minh chứng, việc nhất thể hóa đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương đến tổ chức thực hiện.
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng ngôi làng nhỏ bình yên dưới chân núi, Bí thư kiêm Trưởng thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, ông A Leo chia sẻ: Tôi làm Bí thư Chi bộ từ năm 2015, đến năm 2021 được tín nhiệm bầu giữ chức danh Trưởng thôn. Việc phối hợp triển khai công tác Đảng và công tác chính quyền nhanh và hiệu quả hơn; nắm bắt đời sống của người dân trong thôn cũng sâu sát hơn. Từ đó, những vấn đề quan trọng, nổi cộm như: triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… ở thôn được giải quyết nhanh hơn, tránh được sự chồng chéo và không bỏ sót nhiệm vụ.
Cũng như ông A Leo, A Thiên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk, xã Đăk Môn cho biết: một người vừa là bí thư, vừa là trưởng thôn nên nắm toàn diện tình hình chung, triển khai thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tốt năng lực người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Công việc của Đảng cũng trôi chảy mà công việc của chính quyền cũng tốt lên.
Ở những vùng biên giới đặc biệt khó khăn như huyện Đăk Glei, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của bí thư kiêm trưởng thôn đã giúp uy tín và sức mạnh của chi bộ tăng lên rất nhiều. Từ tạo được niềm tin, sự đồng thuận của bà con nhân dân, các phong trào trong thôn đi lên, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đời sống người dân ấm no hơn, những hủ tục dần được loại bỏ. Từ hiệu quả thiết thực này, huyện Đăk Glei đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, sẽ có từ 30 - 40% số thôn làng có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay không chỉ ở huyện Đăk Glei ngoài vấn đề phụ cấp thấp, việc triển khai thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự. Bởi, không dễ tìm người gánh vác được cả “2 vai” vừa có năng lực, có tâm, có tầm, có uy tín để đảm nhiệm trọng trách. Rất nhiều chi bộ, trưởng thôn nhiệt tình, năng nổ nhưng lại lớn tuổi, không đủ khả năng đảm nhiệm 2 việc cùng lúc. Ngược lại, những đảng viên trẻ lại chưa đủ kinh nghiệm, năng lực để đảm trách… Do đó, các cấp, ngành chức năng cần sớm giải quyết thấu đáo bài toán này, để những người đứng đầu các chi bộ yên tâm cống hiến và gánh vác trách nhiệm nặng nề nhưng thiêng liêng của mình.
Thực sự là chỗ dựa vững chắc của đồng bào
Kon Tum là tỉnh có đường biên giới dài 292,913km (tiếp giáp với Lào 154,222km và Cam-pu-chia 138,691km). Có 13 xã biên giới thuộc 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Đrai với 99 thôn (làng). Gồm 25 dân tộc, trong đó, DTTS chiếm 77,5%; 2 dân tộc thuộc nhóm dân tộc ít người nhất nằm trong đề án bảo tồn; gần 20% dân cư biên giới có tôn giáo… những con số cho thấy “sứ mệnh” nặng nề, thiêng liêng các chi bộ vùng biên phải đảm trách. Với những hạt nhân tích cực là những “cánh tay” nối dài của Đảng, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế ở các vùng chúng tôi đi qua đều là khu vực đặc thù nhất, trọng yếu nhất và còn nhiều khó khăn nhất, là “lõi nghèo của cả nước”. Đói nghèo, thiếu việc làm, tệ nạn xã hội, hủ tục… vẫn đang là những thách thức lớn. Một bộ phận đồng bào DTTS đang cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Một số chính sách dân tộc đã ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, chưa đạt được mục tiêu đề ra… Đó là những trăn trở, day dứt nhưng nằm ngoài khả năng của các chi bộ vùng biên. Giải được bài toán này chính là một phần nâng cao sức mạnh cho các chi bộ vùng đặc thù.
Từ những câu chuyện chúng tôi ghi nhận ở các chi bộ vùng DTTS ít người nhất miền biên viễn Kon Tum, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: các chi bộ vùng biên đã và đang làm tốt sứ mệnh tăng cường mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với quần chúng Nhân dân. Để các chi bộ, nhất là ở những vùng DTTS ít người nhất miền biên viễn Kon Tum thực sự là hạt nhân vững mạnh của Đảng, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ, nhất là Chi bộ thôn (làng). Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng. Nỗ lực làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Đặc biệt, chi bộ phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
“Các chi bộ vùng biên, nhất là ở những vùng DTTS ít người nhất miền biên viễn Kon Tum phải thực sự là chỗ dựa vững chắc của đồng bào. Phấn đấu xây dựng chi bộ ở từng thôn bản, buôn làng vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện ở cơ sở” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Chia tay vùng đất Kon Tum, khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi là một lời thề sắt son theo Đảng; quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu của đồng bào dân tộc nơi đây: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”
Bách Hợp - Thanh Mai