Bảo đảm tốt quyền lợi, động lực chính thúc đẩy học sinh, sinh viên
BS. Trần Duy Thao khám cho người dân.

Nằm trong hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân, BHYT học sinh, sinh viên có đầy đủ các quy định về quyền lợi và trách nhiệm như các đối tượng khác, nhưng với vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước, HSSV tham gia BHYT còn được hưởng thêm quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua y tế trường học, là quyền lợi mà các nhóm đối tượng khác không có được. thông qua chăm sóc sức khỏe từ y tế học đương, HSSV không chỉ được chăm sóc sơ cứu ban đầu khi không may xảy ra các tai nạn tại trường học, mà thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu năm học, chương trình tầm soát các bệnh học đường, sẽ góp phần phát hiện sớm các bệnh lý ở các em, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngữa những biến chứng của bệnh tật, giúp các em có đủ sức khỏe học tập và phát triển toàn diện các trí lực và thể lực. Vì vậy, có thể nói BHYT học sinh, sinh viên là một giải pháp cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho những chủ nhân tương lai của đất nước.Do có sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT học sinh, sinh viên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thời gian qua, với sự vào cuộc rất tích cực của Ngành Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, ban hành Quyết định về việc điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ BHYT, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT có sự gia tăng đáng kể qua từng năm. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có thêm hơn 01 triệu HSSV tham gia BHYT và đến cuối năm 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt mức 92,5% với khoảng 15,9 triệu em tham gia, cao hơn 10% so với tỷ lệ tham gia BHYT bình quân chung của toàn quốc trên tất cả các nhóm đối tượng.

  Với tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ngày càng tăng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các em mà còn có sự chia sẻ với các nhóm đối tượng khác thông qua sự điều tiết của Quỹ BHYT. Theo quy định, học sinh, sinh viên có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi đi khám chữa bệnh như các đối tượng BHYT khác. Trên thực tế nhiều năm qua, nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị các bệnh nặng lên đến hàng trăm triệu đồng. Sự hỗ trợ từ Quỹ BHYT đối với các trường hợp này là rất quan trọng đối với người tham gia BHYT nói chung và HSSV nói riêng.  

Có thể thấy, mức chi khám, chữa bệnh cho HSSV đã tăng rất nhiều qua từng năm: Nếu ở năm 2010, số chi khám, chữa bệnh của HSSV mới chỉ là trên 849 tỷ đồng, thì đến năm 2014, con số này là trên 1.232 tỷ đồng, trong khi số lượt khám, chữa bệnh tăng không đáng kể, tương ứng với số chi cho 01 lượt điều trị gia tăng đáng kể. Điều đó khẳng định rằng, quyền lợi KCB của học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn. 

Công tác y tế trường học cũng từng bước được khôi phục và phát triển nhờ một phần rất lớn vào kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích để lại. Nếu như năm 2010, quỹ đóng BHYT mới trích được 215 tỷ đồng thì năm 2013 số tiền dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đã tăng hơn gấp đôi, đạt 509 tỷ. Đến năm 2016, con số này là 569 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Nguồn kinh phí này đã trở thành yếu tố quan trọng và quyết định đối với việc khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới y tế học đường và đang góp phần tích cực trong CSSKBĐ cho học sinh tại trường học, giúp cho học sinh đủ sức khỏe để học tập tốt.Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đến nay, gần 80% kinh phí hoạt động của y tế học đường đã được bảo đảm bởi nguồn kinh phí trích lại từ BHYT. Một số trường đại học lớn học đã tổ chức Phòng khám đa khoa để học sinh, sinh viên được KCB ngoại trú một cách thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác BHYT học sinh, sinh viên cũng còn có những tồn tại, hạn chế, vẫn còn 7,5% HSSV chưa tham gia BHYT dù đây là quy định bắt buộc của pháp luật; tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều ở các cấp học (tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia cao hơn sinh viên đại học, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT giảm dần khi lên các năm trên), các vùng miền, khu vực; hoạt động y tế trường học tại một số nơi chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân nói chung và HSSV nói riêng; công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT tuy đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn tình trạng người bệnh phải chờ đợi ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến trên; tình trạng quá tải tại các bệnh viện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng giảm sút...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT học sinh chưa thực sự sát sao, sự phối hợp giữa ngành BHXH và ngành GD-ĐT chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nên nhận thức của một bộ phận giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa sâu về chính sách, pháp luật BHYT; hầu hết các địa phương chưa tìm được nguồn để hỗ trợ thêm phần kinh phí đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% của ngân sách nhà nước. Điều này cũng tạo nên những khó khăn nhất định cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT. Theo quy định tại Thông tư số 41/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT, để được nhận 7% kinh phí CSSKBĐ, y tế trường học phải có ít nhất một người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, trình độ tối thiểu là trung cấp y. Quy định này đã làm cho nhiều trường không thể nhận phần kinh phí này vì không đủ điều kiện theo quy định vì không được tuyển nhân viên hợp đồng hoặc biên chế riêng chuyên trách công tác y tế học đường; chưa có các chế tài mang tính “bắt buộc” HSSV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của y tế một số trường học còn thấp, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cha mẹ học sinh khi muốn tham gia BHYT cho con em. Đồng thời, việc một số trường không được nhận kinh phí CSSKBĐ do không đủ điều kiện cũng ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe HSSV, tạo tâm lý không tốt cho phụ huynh và giáo viên khi tham gia và vận động tham gia BHYT. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của y tế học đường chưa thường xuyên; các đoàn kiểm tra chưa có sự tham gia của cơ quan BHXH. Việc sử dụng kinh phí CSSKBĐ tại một số trường chưa đúng quy định, hiệu quả chưa cao (phần chi lương và phụ cấp lương cho cán bộ y tế chiếm tỷ trọng chính).Công tác đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT cũng còn có một số hạn chế do chất lượng KCB của một số cơ sở KCB, nhất là tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh; việc tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT nói chung và HSSV nói riêng chưa thực sự thuận lợi để khuyến khích tham gia BHYT.

Từ 01/6/2017, việc tính đúng, tính đủ viện phí đối với người không có thẻ BHYT được triển khai trong phạm vi cả nước, để bảo đảm tốt hơn quyền lợi được chăm sóc sức khỏe cho HSSV, hơn lúc nào hết, cần nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này, cần chú trọng đến một số vấn đề sau:

Cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành giáo dục, trong công tác phối hợp chỉ đạo, quán triệt, giao chỉ tiêu và hướng dẫn thực hiện đến các trường học. Thực tiễn cho thấy, ở những địa bàn có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao, cơ quan BHXH quan tâm sâu sát với đội ngũ những cán bộ của ngành giáo dục trực tiếp làm BHYT học sinh, sinh viên; nhất là với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm – người đóng vai trò tuyên truyền trực tiếp đến phụ huynh các em học sinh; cần có biện pháp khuyến khích, động viên khen thưởng để lan tỏa các gương điển hình trong công tác này.

Tiếp tục chú trọng quan tâm đến hiệu quả tổ chức y tế học đường, đây là đặc thù rõ nét nhất, quyền lợi thiết thực nhất với học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT. Phải làm tốt công tác này để phụ huynh cũng như các em học sinh, sinh viên thường xuyên thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT. Muốn vậy cần có sự cố gắng từ phía các trường học, đứng đầu là hiệu trưởng trong việc bố trí nhân lực chuyên trách, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế học đường, phòng tránh bệnh học đường và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Liên quan đến công tác này, cơ quan BHXH phải phát huy tích cực vai trò kiểm tra, giám sát, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trích lại cho y tế học đường.

Một vấn đề nữa là, thông thường sinh viên đóng BHYT chỉ đến hết năm học cuối cùng (kết thúc ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm), nên thời gian sau tốt nghiệp, chưa đi làm lại không tiếp tục tham gia BHYT nên đã xảy ra tình trạng nhiều trường hợp bị ốm đau giai đoạn này không được hưởng BHYT. Chính vì vậy, rất cần cung cấp thông tin để sinh viên được tham gia BHYT theo hộ gia đình thời gian này. 

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên. Xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp cho việc triển khai công tác BHYT trong trường học. Đề xuất với các Bộ, Ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương để khuyến khích hơn nữa học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học.

Bộ Giáo dục – Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để khối sinh viên, học sinh các Trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề và Trung cấp chuyên nghiệp nhận thức sâu sắc về trách nhiệm công dân trong thực hiện pháp luật BHYT, thực hiện nghiêm túc các quy chế về xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật BHYT của sinh viên theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BGD&ĐT./.

ThS-BS. Lê Văn Phúc   

Phó trưởng Ban Phụ trách, Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất