Tác phẩm đoạt giải

Mạn đàm về tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị

LTS: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới tình trạng “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã nêu rõ: “Kết nạp đảng viên một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; động cơ vào Đảng của một số cá nhân chưa đúng đắn”. Tồn tại điều này bởi đâu đó đã xuất hiện trở lại tình trạng như đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc ở trên. Tạp chí Xây dựng Đảng xin gửi tới bạn đọc loạt bài “Mạn đàm về tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” của tác giả Ma Văn Kháng, mong muốn gửi tới độc giả cả nước những suy nghĩ, trăn trở của một lớp người, một thế hệ đảng viên trưởng thành trong kháng chiến, nghĩ suy về đất nước, con người hôm nay.

 

Kỳ 1: Nhân chuyện nhà thơ Chế Lan Viên vào Đảng

1 Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sinh năm 1920 và mất năm 1989, quê làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Hơn 70 năm qua, bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên chắc chắn vẫn được ghi nhận là một trong những bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài thơ, ông viết:

“Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ

Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ

Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu

Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn nhau”.

Chuyện Chế Lan Viên vào Đảng là sự kiện được mọi người hồi đó truyền tụng. Chuyện như sau: Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, có lần được cán bộ của Đảng gợi ý việc vào Đảng, Chế Lan Viên thoái thác. Đến năm 1949, tại Quảng Trị, quê hương nhà thơ, đang trong những ngày chiến tranh ác liệt, ông lại chủ động tình nguyện xin gia nhập Đảng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gặp Chế Lan Viên nhắc lại chuyện trước kia và hỏi tại sao, Chế Lan Viên đáp: “Vì hồi ấy tôi thấy mình chưa xứng đáng”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi tiếp: “Thế còn bây giờ?”. Chế Lan Viên ngần ngừ, xúc động. Rồi bất chợt, vì hiểu ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ôm choàng lấy nhà thơ... Thì ra, những ngày vừa qua, nhà thơ đi cùng bộ đội đánh đồn Tà Cơn. Đêm trước ngày xuất trận, Chi bộ đại đội chủ công họp. Vấn đề được đặt ra: Cần hai đồng chí ôm bộc phá mở đột phá khẩu, ai lãnh nhiệm vụ này coi như hy sinh. Chế Lan Viên chứng kiến cảnh cả chi bộ đều giơ tay. Cuối cùng, hai chiến sĩ được chọn và sau chiến thắng, họ đã không trở về...

 - Tôi hiểu, tôi hiểu anh rồi, nhà thơ à!

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm động nói. Chế Lan Viên rưng rưng:

- Sự hy sinh của hai chiến sĩ nhẹ tựa như lông hồng, còn tôi lòng nặng trĩu niềm biết ơn và cảm phục. Tôi muốn được thế vào chỗ một đồng chí đã hy sinh!

2 Năm 1955, 19 tuổi, là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, tôi (tác giả) cùng mấy bạn được phân công lên công tác tại Lào Cai. Thời đó, các đoàn viên thanh niên coi việc cống hiến cho lý tưởng cộng sản là lẽ sống của đời mình. Gia nhập Đảng là nguyện vọng tha thiết của bất cứ ai, nhất là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, được mệnh danh là đội hậu bị của Đảng. Lào Cai ngày đó mới hòa bình lập lại. Cơ quan Tỉnh đoàn chưa có. Mấy anh em đoàn viên chúng tôi từ các nơi đến Lào Cai lập nghiệp tự động họp lại thành chi đoàn, rồi mầy mò liên hệ với Khu đoàn Việt Bắc đóng ở Thái Nguyên để xin được công nhận. Tiếp đó dò dẫm mất nửa năm trời, chi đoàn chúng tôi mới tìm gặp được chi bộ để xin được đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng. Được chi bộ biết đến rồi phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng là cả một quá trình thử thách, gian nan với mỗi đoàn viên thanh niên. Riêng tôi, sau 2 năm ra sức phấn đấu công tác và rèn luyện, tôi đã được công nhận là “cảm tình Đảng”. Và phải thật sự rất cố gắng, đến tháng 11-1959 tôi mới được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Vào Đảng để thăng quan tiến chức ư? Thời đó không mảy may có quan niệm này. Tất cả, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến đảng viên thường, chỉ cùng một chức danh: cán bộ. Cán bộ ở vị trí cao, có trách nhiệm quan trọng được Đảng giao thì vất vả, khó nhọc, hy sinh nhiều hơn chứ không phải để hưởng thụ nhiều hơn. Vào Đảng là chấp nhận khó nhọc, hy sinh hơn và niềm hạnh phúc lớn lao được hưởng nếu có hơn người cũng là ở đó. Không có khái niệm quyền lực cá nhân và được giao cho vị trí trách nhiệm cao là làm quan. Quyền lợi đi liền với trách nhiệm.

3 Thời đó, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự nhưng không dễ dàng. Tiêu chuẩn đảng viên rõ ràng và việc xem xét kết nạp Đảng theo quy trình từ chi bộ rất nghiêm. Không có chuyện nể nang, cảm tình cá nhân hoặc chạy chọt, nhờ nói đỡ, nói giúp.

Tôi có một số bạn bè, động cơ trong sáng, công tác tích cực, đạo đức tốt, tha thiết được gia nhập Đảng mà cả chục năm trời vẫn không đạt nguyện vọng, để lại nỗi tiếc nuối, thậm chí xót xa suốt đời. Tiêu biểu là hai trường hợp sau.

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Biểu lúc ấy tuổi ngoài 40, tinh thông Hán học, có bằng Tiểu học Pháp - Việt, xung phong xa gia đình lên miền núi dạy học, tận tụy với nghề, khi bị thổ phỉ bắt đã nêu cao ý chí, không chịu khuất phục, sau này thầy làm đơn gia nhập Đảng hàng chục lần đều không được duyệt. Lý do: Sinh hoạt theo nền nếp Nho gia phong kiến. Trong buồng nhà mỗi năm treo một đại tự. Năm chữ Tâm, năm chữ Nhẫn trong nhà là có ý gì? Dạy học trò thì toàn nhấn mạnh đạo đức theo khái niệm cổ xưa sặc mùi phong kiến: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Sinh hoạt không hòa đồng với quần chúng. Hằng tuần đun nước nóng tắm, không ra suối tắm cùng mọi người. Ở tập thể mà nấu ăn riêng… Buồn đau, 60 tuổi, ông xin gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để giãi bày. Đồng chí Bí thư cảm động, nhưng an ủi thầy: Thôi, cụ về hưu khỏe mạnh, Đảng vẫn coi cụ là con người có tấm lòng sáng như nhật nguyệt. Năm 63 tuổi, ông cụ mất với nỗi buồn thiên thu!

Trường hợp thứ hai là thầy giáo K.T. Thầy người Hà Nội. Giác ngộ lý tưởng từ lúc thanh niên. Học xong trung cấp sư phạm, thầy xung phong lên miền núi dạy học. Mọi mặt công tác đều đạt xuất sắc. Tư cách đạo đức đứng đắn. Thầy hát hay, đàn giỏi. Thầy dạy Văn học trò mê tít. Xin vào Đảng vì muốn cống hiến cho lý tưởng và khao khát được đo mình bằng thước đo thời đại. Chi bộ Trường Bổ túc Công nông tỉnh, hiệu trưởng, bí thư hồi đó đều là những người nhuộm răng đen, đi guốc mộc, mặc áo quần nhuộm vỏ đa, mang nặng thành kiến với người xuất thân học sinh tiểu tư sản thành thị. Các ông chê thầy là xa cách công nông, nếp sống lãng mạn, ăn mặc chải chuốt, nói năng hoa mỹ, hay đàn, hát, thơ ca, đã thế lại tự học tiếng Anh với mục đích gì khi cả nước đánh Mỹ(!?). Nay thầy K.T. đã vào tuổi 80. Nhớ lại chuyện xưa, thầy lại rơm rớm nước mắt...

4 Còn chuyện vào Đảng bây giờ? Kể từ ngày nhà thơ Chế Lan Viên vào Đảng năm 1949 đến nay đã hơn 70 năm. Hoàn cảnh xã hội đã khác trước rất nhiều. Số người vào Đảng mỗi năm không ít. Nhưng hỏi con gái tôi, một đảng viên lâu năm, giáo viên, tổ trưởng một tổ chuyên môn một trường THPT ở Hà Nội thì được biết, năm nào chi bộ nhà trường cũng không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên. Nguyên nhân hầu hết là một số giáo viên tốt, đủ tiêu chuẩn, khi chi bộ gợi ý làm đơn xin vào Đảng đã từ chối khéo, xin được tiếp tục phấn đấu. Như vậy, phải chăng tình trạng “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” là có thật? Riêng tôi thì nghĩ, hiện tượng trên có thể chỉ là cá biệt, tạm thời. Vì sao? Vì con người ta lúc nào cũng vậy, bên cuộc sống áo cơm thường ngày, còn tồn tại một đời sống tinh thần, lý tưởng, ước vọng. Lịch sử oai hùng của dân tộc đã chứng tỏ: Khát vọng sống cống hiến, khát vọng vươn tới cái đẹp tinh thần cao cả, thiêng liêng là của bất cứ ai! Lý tưởng Đảng, lẽ sống của người cộng sản trước sau luôn luôn có sức hấp dẫn sâu xa với tâm hồn, con tim của mỗi con người, nhất là với tầng lớp thanh niên.

Hai trường hợp không được vào Đảng tôi kể trên là những ví dụ thực tế của những năm xưa. Đây cũng là biểu hiện hạn chế về nhận thức của chúng ta, có phần giáo điều, tả khuynh của một số cán bộ thời đó. Nhưng qua đây cũng thấy sức hấp dẫn của Đảng ta là rất lớn, mong ước được đứng trong hàng ngũ của Đảng là ước mơ cao đẹp của nhiều người. Hôm nay, cuộc sống đã khác, đời sống chính trị, đời sống tinh thần của mỗi con người, nhất là của người cán bộ, đảng viên cũng không khác xa với Nhân dân, những đồng chí, đồng bào, đồng đội quanh họ. Nhưng những câu chuyện xưa cũng nhắc nhở chúng ta hôm nay không lặp lại những sai lầm của ngày hôm qua để Đảng luôn mở rộng vòng tay đón nhận những người có động cơ đúng đắn, có hoài bão góp sức, trí tuệ cống hiến cho xã hội, vì sự nghiệp chung. Vì Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là một Đảng vì Dân, đồng hành cùng dân tộc.

 

Kỳ 2: Đồng chí - những người chung khát vọng

Trong bài thơ “Đồng chí” sáng tác năm 1948, nhà thơ Chính Hữu viết:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!”.

Chính Hữu đã chỉ ra nội hàm của hai từ “đồng chí” trong hình ảnh những người lính cách mạng cùng chung cảnh ngộ, cùng chung chí hướng và lí tưởng chiến đấu.

Đồng chí là danh từ phổ biến, chỉ những người cùng chí hướng chính trị, cùng chung một lẽ sống, một khát vọng. Đồng chí là sự liên kết, gắn bó máu thịt của những con người cùng chung mục đích chiến đấu giải phóng giai cấp, dân tộc ra khỏi ách áp bức, thống trị của đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Đồng chí là sự nhường cơm sẻ áo cho nhau, chia nhau từng cơn nóng lạnh, gian khổ, hiểm nguy, là sống chết có nhau. Là có thể hiến dâng cả sinh mệnh cho nhau. Câu chuyện chia sẻ cho nhau này đã từng là giai thoại có thật, vô cùng cảm động trong hiện thực cuộc sống mà các đảng viên trong lao tù đế quốc, trước họng súng quân thù, trong khói bom, đạn lửa ngoài mặt trận đã trải qua.

TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: Ba tôi thường kể đi kể lại câu chuyện về người bạn tù cùng buồng giam với ông trong nhà tù Côn Đảo. Trước khi chết, người bạn tù ấy đã đưa cho ông manh áo duy nhất của mình và nói: “Tao muốn cống hiến một cái gì đó cho Đảng quá mà không còn cơ hội. Mày hãy mặc cái áo này của tao”. Ba tôi không nhận chiếc áo đó, vì không đành lòng để bạn mình chết mà không có mảnh vải che thân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, chiến sĩ trên các Đoàn tàu không số vượt biển chi viện cho miền Nam đã từng không ít lần tự nguyện đón nhận hiểm nguy, trở thành mục tiêu thu hút hỏa lực của địch, sẵn sàng nhận cái chết về mình, dành sự an toàn cho đồng chí, đồng đội.

Tiếng Việt không có đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, nên có nhà ngôn ngữ học đề xuất dùng từ đồng chí thay cho ngôi thứ hai trong tiếng Việt. Hiện nay, trong ngôn hành hằng ngày cũng như trong các văn bản hành chính, hai từ đồng chí cao quý đã được chúng ta sử dụng một cách trân trọng.

“Đồng chí - đó là những người cùng nắm một sợi giây thừng, cùng nỗ lực trèo lên đỉnh núi và qua đó họ thấy gần gũi nhau”. Đó là định nghĩa của nhà văn Pháp Xanh Ê-xuy-pê-ri (A.Saint Éxupérie), tác giả cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử bé” nổi tiếng. Đồng chí, hai từ thiêng liêng! Một hình ảnh giản dị và cao đẹp!

2 Như vậy, quan hệ đồng chí là một quan hệ có nguyên tắc. Một quan hệ được giới định chặt chẽ. Sự chặt chẽ thể hiện ở chỗ phải có những điều kiện nào đó mới được coi là đồng chí. Đồng chí phải là những người gắn bó với nhau bằng lí tưởng cao đẹp vì cộng đồng, dân tộc, đất nước! 

Hai từ đó không phải và tuyệt đối không đồng nghĩa với những từ như phe nhóm, băng đảng, cánh hẩu, hoặc các nhóm lợi ích đang tồn tại. Những từ trên chỉ dùng để nói về liên minh của những mưu đồ xấu xa, bỉ tiện, là kết bè kết cánh của những tên tội phạm hoạt động bằng mọi thủ đoạn đê hèn, bẩn thỉu, độc ác nhất để kiếm chác tiền bạc, lợi lộc trên đau thương, xương máu của những người lương thiện.

Tôi vào Đảng năm 1959, đến nay trên 60 năm tuổi Đảng. Tôi đã lần lượt tham gia sinh hoạt ở nhiều chi bộ thuộc nhiều đảng bộ cơ sở. Là đồng chí của hàng trăm đồng chí đảng viên chân chính cùng chi bộ, đảng bộ và tôi luôn lấy làm tự hào vì điều này! Nhưng tôi cũng hết sức đau buồn trước thực tế xót xa là một số đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cao cấp đã phản bội lại chính mình, phản bội đồng chí, không còn được coi là đồng chí với nhau trên hàm nghĩa cao đẹp và thiêng liêng của hai từ này!

3 Đồng chí, một thành tố của một tập thể đông đảo những con người cùng chung một khát vọng thẩm mỹ nhân văn cao quý. Là một thành viên của một tập thể, nhưng hai từ đồng chí không có hàm ý che khuất cá tính riêng lẻ, xóa nhòa đặc điểm riêng biệt của mỗi con người. Ở đây, cái chung thể hiện trong cái riêng. Và cái riêng, trong phép biện chứng, đến lượt nó, ngược lại, làm phong phú thêm cái chung. Con người không hề bị sơ đồ hóa, bị công thức hóa, mô hình hóa, trở nên xơ cứng, thành những cỗ máy lạnh lùng, đồng điệu, mất bản sắc riêng.

Câu chuyện TS. Lê Kiên Thành kể trên là một bằng chứng về ý chí gang thép và tình thương yêu sâu sắc đồng chí của người cộng sản. Chuyện đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm xưa với chủ trương linh hoạt, sáng tạo khoán hộ là một ví dụ nữa về sự phát huy tính sáng tạo của người đảng viên. Đồng chí Kim Ngọc sinh ngày 10-10-1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Đồng chí chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của đồng chí vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939, đến năm 1954, đồng chí đã là Phó Chính uỷ Quân khu Việt Bắc.

Năm 1958, đồng chí Kim Ngọc được phân công về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Gần 20 năm làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và Vĩnh Phú (sau khi sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), đồng chí đều gắn bó với đồng ruộng, hạt lúa cùng người nông dân. Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký nhiều năm của đồng chí Kim Ngọc kể lại: Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà nhiều cán bộ mắc bệnh giáo điều, coi “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa, thì phát biểu trong Đảng bộ tỉnh, đồng chí đã khẳng định, nhiệm vụ của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: Ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành, chữa bệnh không mất tiền”. Đồng chí nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH.

Sống, làm việc với lý tưởng lo cho dân ấm no, hạnh phúc, đồng chí Kim Ngọc không ngần ngại bày tỏ quan điểm, tranh luận lại với đồng chí Trường Chinh, người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước lúc đó. Chính nhờ chủ trương khoán hộ mà đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Sau này, về thăm Vĩnh Phúc, đồng chí Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng) đã nhận ra và có thơ ca tụng: “Phù Lập làm phân thật khác thường/ Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/ Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/ Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung”. Hiện nay, Kim Ngọc là tên đặt cho con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên. “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối/ Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Đó là mấy câu thơ trong lá phướn của các cháu tổ bán báo “Xa mẹ” ở Hà Nội dâng tặng đồng chí.

Đồng chí, hai từ thiêng liêng cao quý chúng ta đang dùng là quan hệ của những con người cùng chung một khát vọng cháy bỏng hòa quyện với một xúc cảm dân tộc lớn lao: Thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao cả Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, mạnh mẽ, dũng cảm, mau chóng vượt qua cơn đại dịch COVID-19, xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ngày càng hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

 

Kỳ 3: Ngã ngựa sự phai nhạt lý tưởng chính trị

1 Ngã ngựa! Phải nói ngay rằng, ở đây hai từ này chỉ dùng theo ý hình tượng hóa, ám chỉ hiện tượng quan chức đang thăng tiến vù vù trên con đường hoạn lộ, đột ngột gặp “tai nạn”, làm tiêu ma cả công danh lẫy lừng tích lũy cả một đời người.

Như cú ngã ngựa của Nguyễn Đức Kiên, tức Bầu Kiên, người đàn ông quyền lực nổi danh trong giới tài chính ngân hàng và bóng đá Việt Nam, rốt cuộc lại có ngày vướng vòng lao lý cách đây gần mười năm. Sau quá trình xét xử sơ thẩm ngày 9-6-2014 và phúc thẩm ngày 15-12-2014, ông đã bị tòa tuyên án 30 năm tù giam.

Mới đây, tháng 9-2020, ở vụ án khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm thất thoát 1.927 tỷ đồng tiền công quỹ, phải lĩnh án 9 năm tù giam. Cùng một tội danh làm trái quy định, thiếu trách nhiệm và tham nhũng là các vụ án có liên quan đến các đối tượng như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…

“Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Cố hồi đầu thị bách niên thân”.

(Tạm dịch: Lỡ một bước thành thiên cổ hận

Muốn quay đầu lại đã trăm năm).

Cú rơi thẳng đứng thình lình từ đỉnh cao chót vót quyền lực xuống vực sâu thê thảm, khiến thân bại danh liệt, hỏi sao không đau, không chua xót, bẽ bàng? Thành ra trước tòa, không thể kìm nén được cảm xúc của mình, có lúc nghẹn ngào rồi bật khóc, Nguyễn Thành Tài nói: “Trong suốt quá trình công tác, tôi chưa bao giờ bị kỷ luật, nhưng đến cuối đời tôi lại vướng vào vòng lao lý. Đây là cú sốc tâm lý hết sức nặng nề, là trải nghiệm vô cùng cay đắng, nghiệt ngã”. Nói lời sau cùng, Đinh La Thăng cũng từng chua chát giãi bày: “Sau 35 năm công tác… bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước phiên tòa để nói lời sau cùng như thế này. Đây thật sự là sự đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình”. Cuối năm 2019, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng cũng không kém ê chề, cay đắng: “Sau nhiều năm công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại phải có ngày đón nhận cái kết cay đắng như hôm nay…”. Còn xót xa và ân hận đến cùng cực có lẽ là lời cuối cùng trước tòa của đại gia đầu bạc Bầu Kiên: “Kiếp sau xin làm trâu, làm ngựa bù đắp lỗi lầm”.

2 Dõi theo những lời nói sau cùng của các bị cáo tại tòa, mọi người phần nào hiểu được những tâm tư sâu kín của họ. Tuy nhiên, điều không thể hiểu nổi là khi nghe Viện Kiểm sát nhân dân luận tội, nhiều cán bộ tay đã nhúng chàm mà vẫn “ngây thơ” không biết rằng mình đã làm sai, đã vi phạm pháp luật thế nào. Nghĩa là khi cầm bút ký một quyết định có lợi cho đối tác, sau đó được “lại quả” một khoản tiền lớn từ đối tác, người ta không hề nghĩ đó là tiền hối lộ. Hay khi nâng giá một thiết bị y tế nhập khẩu lên năm bảy lần, thậm chí cả chục lần, người ta vẫn cứ cho rằng đó là lẽ thường? Chẳng lẽ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu một địa phương, một ngành, một lĩnh vực lại không nắm được, không có những hiểu biết sơ đẳng về pháp luật? Chẳng lẽ trình độ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, có vị còn ở ngôi cao ngất ngưởng lại có nhận thức và tư cách đạo đức thấp kém đến mức ấy? Chẳng lẽ người ta cho rằng hành vi “lại quả” ấy đơn thuần chỉ là thao tác “thường ngày” của cấp dưới theo thói quen dạ, thưa, tuân thủ, làm theo chỉ đạo?

3 Ngã ngựa! Vì gặp phải con ngựa bất kham hay vì đường trường lắm khúc khuỷu, gập ghềnh mà kỵ sĩ lại không vững tay cương? Tâm lý tội phạm học hiện đại đã chỉ ra 3 nguyên nhân gây tội lỗi sau đây:

Thứ nhất: Bản năng là thứ hình thành trong mỗi con người ngay từ khi sinh ra, nó là biểu trưng cho sự vô thức. Bản năng trỗi dậy khi không có sự kiềm chế thì chủ thể không còn kiểm soát được hành vi. “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Đạo Phật cho rằng tham, sân, si là những cái hố lửa làm con người u mê, đưa con người vào vòng mê chấp, tăm tối. Trước lợi lộc kếch xù bất chính, luật pháp không có mặt ngay. Lúc này, nước xa không cứu nổi lửa gần, chỉ có đạo đức mới cản được tội lỗi. Chỉ có sự xấu hổ, tinh thần tự giác, bản tính thiện lương (nhân chi sơ tính bản thiện) bẩm sinh của con người và nhất là ý thức tổ chức, danh dự, phẩm chất người cộng sản với lý tưởng cao đẹp lúc này biến thành một bản năng mới có thể kiêu hãnh giúp con người chống trả được bản tính xấu xa. Đạo đức là thứ áo giáp mà không một hòn tên, mũi đạn nào xuyên thủng được!

Thứ hai: Lấy một ví dụ đơn giản như việc các cổ động viên cổ vũ các vận động viên đua xe đạp khiến họ hăng hái vượt lên khi chạy nước rút, tâm lý học tội phạm cho rằng, môi trường bên ngoài có tác động đến hành vi, thúc đẩy hành vi của chủ thể. Ở đây có thể hiểu nôm na là sự đồng lõa, bao che, dựa dẫm vào nhau của đồng sự, bè lũ mà nhóm lợi ích là một biểu hiện rõ rệt nhất. Điều đó cho thấy, tội phạm tham nhũng thường xuất hiện cả một bầy đàn ô hợp, chia nhau lợi lộc và kéo bè kết cánh, cùng chống trả khi bị phát hiện, xử lý. Môi trường, hiểu rộng ra còn là bầu không khí xã hội, một khi đã bị nhiễm độc thì sẽ kéo theo tình trạng xuống cấp của đạo đức với những biểu hiện như cái xấu nhơn nhơn diễu võ dương oai, không ai dám lên tiếng tố cáo, ngăn cản khi cái đúng bị thờ ơ, cô lập. Đạo đức xã hội xuống cấp, hư hỏng không chỉ do cái xấu, cái ác hoành hành mà còn do sự im lặng của con người trước cái xấu, cái ác.

Thứ ba: Tâm lý học tội phạm cho rằng cơ sở tạo nên tập quán xã hội là từ sự bắt chước lẫn nhau của con người. Hành vi của người này chính là sự bắt chước hành vi của người khác. Như vậy, hành vi phạm tội của con người tội phạm còn có nguyên nhân đến từ sự bắt chước hành vi phạm tội của người khác! “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là vì thế. Cái xấu, cái ác đẻ ra cái xấu, cái ác! Mây tầng nào, gió tầng đó. Tốc độ lan truyền cái xấu xa, độc ác nhanh hơn gấp nhiều lần so với cái tốt, cái đẹp.

Tuy nhiên, cả ba lý do trên đây chỉ có chung một nguyên nhân: Sự phai nhạt lý tưởng, xa rời chính trị, xa rời các phong trào xã hội, hay chính là sự “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Phai nhạt, xa rời những gì là nền tảng, là kim chỉ nam giúp con người tự làm đẹp, tự hoàn thiện bản thân dù chỉ trong một vài phút giây thì con người sẽ dễ dàng bị chủ nghĩa cá nhân ích kỷ chi phối, dễ dàng bị đám đông kích động và a dua theo cái xấu, cái ác. Một khi cái gốc chính trị, lý tưởng đã vững vàng thì con người ta như có tấm áo giáp dày dặn, không thể có một thứ xấu xa, ô uế nào xuyên thấu được. Gắn mình với lý tưởng chính trị, với các chủ trương, đường lối, toàn tâm toàn ý với công việc được giao sẽ là cội nguồn sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên vững vàng vượt qua mọi cám dỗ đời thường, giữ mình thanh sạch, để không bị ngã ngựa rồi lại cay đắng, ngậm ngùi nghĩ giá như... ./.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất