Loạt bài “Vụ Việt Á và "phép thử" cán bộ” của nhóm tác giả: Quang Phong - Cấn Cường - Phương Thảo - Nguyễn Dương - Như Quỳnh - Nguyễn Trường, Báo Dân trí đã đoạt giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Quá nhiều cán bộ đã “dương tính” với “virus tham lam”
Chỉ cần có điều kiện, nhiều cán bộ nuôi trong mình "con virus tham lam" đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 bùng phát "bắt tay" với Công ty Việt Á thổi giá kit test, bòn rút ngân sách nhà nước, bất chấp tính mạng người dân.
Khẳng định không “bắt tay” với Việt Á nhưng vẫn nhận cái kết bị bắt
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện cho biết, cử tri nhiều địa phương rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit test Covid-19; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh thành nhằm thu lợi nhuận bất chính. "Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch", ông Bình nói.
Trở lại sự việc, cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá thành công đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19, xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan. Đến nay, lực lượng công an đã khởi tố 26 bị can liên quan đến vụ Việt Á về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong các bị can này có quan chức cấp Vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh, thậm chí cả lãnh đạo Học viện Quân y cũng phải chịu trách nhiệm.
Bằng mánh khóe chi thật đậm hoa hồng, trong thời gian ngắn, Công ty Việt Á đã nhận được hợp đồng cung ứng kit test cho CDC và cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành, với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra, đến nay, lực lượng công an đã kê biên, thu hồi thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan lên đến 1.600 tỷ đồng. Lãnh đạo ngành y bị bắt đầu tiên trong vụ việc là Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương… Chỉ cần thông qua 5 hợp đồng, với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Tuyến được Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á chi khoản hoa hồng lên đến 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giai đoạn đầu của vụ án, lãnh đạo ngành y tế nhiều tỉnh thành khẳng định mình không "ăn chia" với Công ty Việt Á, nhưng cuối cùng vẫn nhận cái kết là bị bắt. Cụ thể, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang - Lâm Văn Tuấn nói mình không nhận đồng nào, còn quá trình đấu thầu thì được thực hiện theo quy định. Thế nhưng, cơ quan điều tra đã làm rõ, chỉ với hợp đồng giá trị 148 tỷ đồng mua kit test của Việt Á, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn và một đối tượng khác được chia hoa hồng lên tới 44 tỷ đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An nói rằng bản thân minh bạch, làm đúng quy trình trong các gói thầu cung cấp vật tự kit test với Công ty Việt Á. Sau lời khẳng định này, ông Định bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam…
|
Liên quan đến vụ Việt Á, mới đây, cơ quan điều tra đã bắt hai quân nhân thuộc Học viện Quân y để điều tra về những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Hai bị can bị bắt là Đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư (Học viện Quân y) và Thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự (Học viện Quân y). Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn chỉ ra một loạt cán bộ khác của Học viện Quân y phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao như Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện. Vụ Việt Á đã như một "phép thử" với hàng loạt cán bộ ở nhiều tỉnh và cả ở cấp trung ương.
Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các đối tượng liên quan đến vụ Việt Á rất nhiều nên lực lượng công an tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án. Còn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đang tích cực xác minh tại các bộ, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm và việc mua bán sản phẩm.
Lỗi cơ chế hay tư lợi để tham ô?
Dường như việc hàng loạt cán bộ ngành y bị xử lý trước khi xảy ra vụ Việt Á vẫn chưa đủ sức nặng để "cảnh tỉnh, răn đe" những đối tượng muốn làm giàu bất chính. Sai phạm đầu tiên trong phòng chống Covid-19 được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) làm rõ đó là cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng bọn "bắt tay nhau" nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại của nhà nước 5,4 tỷ đồng. Với vai trò chủ mưu trong vụ việc, tháng 12/2020, Nguyễn Nhật Cảm bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù.
Sang năm 2021, khi dịch bệnh vào giai đoạn căng thẳng nhất, hàng vạn cán bộ ngành y phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chăm sóc người bệnh. Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt dù đã kiệt sức nhưng quyết chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân xuất hiện ở khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có không ít cán bộ, công chức ngành y thông thầu trong các gói mua sắm thiết bị y tế bị lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng những vi phạm kể trên là do "lỗi cơ chế, hệ thống", nhưng trước Quốc hội, ngày 10/11/2021, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không phải do "lỗi cơ chế, hệ thống", mà là lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật có những vi phạm hình sự rất đáng để xử lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong việc mua sắm thiết bị y tế, các đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm… "Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng mới bị xử lý", Đại tướng Tô Lâm nói và dẫn lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là: Phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, từ đó xử lý triệt để vi phạm, cảnh tỉnh, răn đe.
Tại buổi tiếp xúc cử tri vào cuối tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "Đang dịch bệnh thế này mà xử lý cán bộ y tế thì có nên không? Nhưng việc nào đi việc ấy!".
“Họ đã nuôi trong mình con virus tham lam”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, những vi phạm của các cán bộ nêu trên là do bản lĩnh chính trị đã bị suy thoái, biến chất. Do vậy, khi có cơ hội là những cán bộ này sẽ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực. "Nói họ rèn luyện chưa đủ thì không phải. Nói họ tham nhũng, tiêu cực chỉ là bộc phát cũng không phải. Tôi nghĩ, họ đã nuôi trong mình "con virus tham lam", tức là đề cao chủ nghĩa cá nhân dưới dạng này hay dạng khác, khi có đủ điều kiện như vị trí, tiền bạc… thì bộc lộ có tổ chức, tính toán, tinh vi, nham hiểm", đại biểu Vũ Trọng Kim nói.
Ngoài ra, theo ông Vũ Trọng Kim nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn do việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Từ đó vô hình chung nuôi tham vọng cho những kẻ muốn tham nhũng vì chỉ "hy sinh" một quãng thời gian mấy năm. "Tôi nghĩ, những kẻ tham nhũng, tiêu cực đều tính toán 50 - 50. Một, nếu che đậy được sẽ giàu có. Hai, nếu bị phát hiện sẽ bị xử ở mức nào, có thể dùng tiền "bôi trơn", "nhờ cậy" để bảo vệ họ", ông Vũ Trọng Kim nhận định.
Cho mình là người khách quan, không chủ quan áp đặt cho ai bao giờ, nhưng qua vụ Việt Á, ông Vũ Trọng Kim băn khoăn về việc giá kit test Covid-19 của nước ngoài rẻ hơn trong nước sản xuất thì tại sao lại phải cấp phép lưu hành với sản phẩm chưa được WHO công nhận? Từ đó, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, một mình Công ty Việt Á không thể "làm loạn" được. "Tôi nghĩ đằng sau vụ này, có một thế lực ngầm đang ủng hộ, chia chác, không phải "sân sau, sân trước" mà tham gia trực tiếp - tức là cùng sân để làm ăn, tiêu cực", vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, không chỉ ông mà rất nhiều cử tri bày tỏ sự bất bình, bức xúc trước vụ "thổi giá" của Công ty Việt Á. Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, qua vụ việc này cho thấy, những đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test Covid-19 để trục lợi, thu lợi nhuận khủng, rồi móc nối, chia % hoa hồng cho lãnh đạo CDC, đơn vị y tế.
"Đặc biệt, khi các nhân viên y tế gồng mình chống dịch vất vả, thu nhập rất thấp thì một số lãnh đạo lại nhận những khoản tiền đến cả vài chục tỷ đồng. Hành vi phi pháp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Hòa nhận định, nếu không có thế lực "chống lưng", Công ty Việt Á không thể "hoành hành", "thổi giá" kit test Covid-19. "Cơ sở nào, căn cứ vào đâu mà Bộ Y tế ban hành công văn cho một kit test có giá 470.000 đồng? Tại sao không nhập kit test nước ngoài với giá thành thấp hơn nhiều mà lại cho công ty này, trong khi WHO chưa công nhận kit test Việt Á?", đại biểu Hòa băn khoăn.
18/03/2022
Bài 2: Một phi vụ được chia 30 tỷ đồng, cán bộ có cưỡng lại được tiền của Việt Á?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, chỉ cần thực hiện một phi vụ, Giám đốc CDC Hải Dương đã được chia hoa hồng lên đến 30 tỷ đồng, nếu những cán bộ không tu dưỡng, rèn luyện tốt liệu có cưỡng lại được tiền của Việt Á?
Được “lại quả” cả chục tỷ, cán bộ bán mình tiếp tay cho tội phạm
Những ngày vừa qua, khi tiếp nhận thông tin hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến các tỉnh thành bị khởi tố do "ăn chia" với Công ty Việt Á, trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát cướp đi tính mạng hàng vạn người dân, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
- Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều cán bộ ngành y đã phải gác lại mọi riêng tư ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó vẫn có những cán bộ từ cấp Bộ đến Giám đốc CDC các tỉnh thành móc ngoặc với Công ty Việt Á tìm cách bòn rút tiền của nhà nước. Thực sự rất đáng buồn và phẫn nộ!
Qua hàng loạt vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á bị lực lượng công an phanh phui như vậy cho thấy sai phạm ở đây có tính hệ thống. Các đối tượng đã móc nối với nhau làm những việc có thể nói là thất đức, bất chấp sự mất mát, đau thương của người dân. Theo tôi, xã hội cần phải lên án những đối tượng này, còn lực lượng công an cần phải mở rộng điều tra để không bỏ lọt tội phạm.
Ông có bất ngờ không khi chỉ cần thông qua 5 hợp đồng mua bán kit test Covid-19, có tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương đã được Công ty Việt Á chi số tiền hoa hồng lên đến 30 tỷ đồng?
- Tôi không bất ngờ lắm đâu! Bởi để kit test Covid-19 của Công ty Việt Á với giá cao như vậy được cung ứng ở các tỉnh thành thì các đối tượng phải móc nối với nhau. Do vậy, chỉ cần thực hiện một phi vụ thôi, ông Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận được số tiền lên đến 30 tỷ đồng. Số tiền "lại quả" lên tới hàng chục tỷ đồng như vậy khiến nhiều người không cưỡng lại được, sẽ tiếp tay cho tội phạm và đã trở thành tội phạm.
Nếu anh có sức đề kháng tốt thì sẽ chiến thắng được con “virus tham lam”
Trước khi vụ Việt Á được phanh phui, hàng loạt cán bộ của ngành y tế đã bị khởi tố do "bắt tay" với công ty tư nhân bòn rút tiền của Nhà nước và "trấn lột" tiền của bệnh nhân. Những cán bộ này liệu có phải "ăn" quen rồi nên bất chấp những bài học mang tính cảnh tỉnh, răn đe nhãn tiền?
- Những lình xình của ngành y đã diễn ra trong nhiều năm qua. Trước vụ Việt Á, nhiều cán bộ của ngành y đã bị khởi tố như ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội… Họ đều là những y bác sĩ đầu ngành nhưng đã bị đồng tiền làm cho tha hóa, dù đã có những bài học nhãn tiền, dù biết vi phạm lời thề Hippocrates, dù biết vi phạm pháp luật. Do vậy, con người luôn phải cảnh giác với chính bản thân mình, nếu không rất dễ dẫn đến sai phạm.
Nhiều người cho rằng, những cán bộ bị bắt trong vụ Việt Á vừa qua đã mang trong cơ thể con "virus tham lam" và chỉ đợi điều kiện là "bắt tay" với tội phạm?
- Người nào cũng thế, đều có mặt tốt, mặt xấu. Có nghĩa bản thân mỗi người đều có sẵn con "virus tham lam" rồi, chứ không phải người này có, nhưng người kia không có đâu. Tuy nhiên, nếu anh có sức đề kháng tốt thì chiến thắng được con "virus tham lam", vượt qua được những cám dỗ của đồng tiền.
Ngay cả những người bị bắt liên quan đến vụ Việt Á vừa qua họ cũng phải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, cống hiến mới được tổ chức đề bạt, bổ nhiệm. Tuy nhiên, khi đã lên cao, được quyền quyết định rồi thì họ bị thoái hóa, biến chất cùng doanh nghiệp tư nhân nâng giá kit test hưởng lợi. Do vậy, đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào cũng phải luôn rèn luyện, phấn đấu mới chiến thắng được con "virus tham lam".
Không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền khi có quyền lực
Khi nêu vấn đề trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, đội ngũ y bác sĩ chỉ nên tập trung vào công tác chuyên môn, bởi họ không giỏi quản lý hành chính, nên khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện hay Giám đốc CDC các tỉnh thành mới dẫn tới những sai phạm như vừa qua, thưa ông?
- Chúng ta không nên đổ thừa cho cơ chế, chính sách như thế. Bởi trước khi một bác sĩ được đề bạt vào vị trí giám đốc bệnh viện thì tổ chức nơi họ công tác đã phải tính toán rất kỹ họ có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời có giỏi quản lý hay không. Nếu anh giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn quản lý thì chắc chắn làm tốt công việc được giao. Thực tế, cũng có nhiều trường hợp khi được đề bạt, bổ nhiệm nhưng họ không làm tốt công tác quản lý nên đã xin quay lại làm công tác chuyên môn.
Thời gian vừa qua cũng có ý kiến cho rằng giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ hay không. Theo tôi nếu một người chỉ giỏi quản lý hành chính thôi thì không làm giám đốc bệnh viện được. Bởi vì bệnh viện không phải làm một cơ quan, tổ chức quản lý hành chính đơn thuần mà phải gắn với chuyên môn nghiệp vụ.
Như ông vừa nói trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu giám đốc bệnh viện, giám đốc CDC tỉnh thành, những cán bộ này đã trải qua quá trình "sàng lọc" rất kỹ càng của tổ chức. Vậy tại sao khi họ bị bắt chúng ta mới thấy đã để "lọt lưới" cho những người thoái hóa, biến chất leo cao?
- Trong công tác cán bộ, có thể có chỗ này, chỗ kia có vấn đề, nhưng về cơ bản là được làm rất tốt. Bởi trước khi được đề bạt, bổ nhiệm, những cán bộ đó đã phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu và được cơ quan, tổ chức theo dõi rất kỹ càng. Quá trình đó được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ.
Như vậy, có thể nói trước khi đề bạt, trước khi được bổ nhiệm về cơ bản họ là những cán bộ tốt. Thế nhưng, khi có vị trí, có quyền lực trong tay, họ không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được chính mình, không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, dẫn đến tham ô, tham nhũng.
Khi nói về vấn đề này, nhiều người chia sẻ với tôi rằng, phải chăng là do thu nhập của người lao động chưa phù hợp mới dẫn đến tình trạng đó hay không? Thực tế như ông Giám đốc CDC Hải Dương chỉ cần thực hiện một phi vụ là đã được chia 30 tỷ đồng thì thử hỏi lương của họ bao nhiêu cho đủ. Hay thu nhập của giám đốc một bệnh viện hiện nay có thể lên đến hàng cả trăm triệu đồng/tháng nhưng thử hỏi họ có vượt qua được sự hấp dẫn của số tiền lớn đến như vậy hay không.
Vấn đề ở đây là anh đã tu dưỡng, rèn luyện đủ tốt để vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền hay chưa. Ngay như khi vụ Việt Á mới được phanh phui, Giám đốc CDC Bắc Giang, Nghệ An còn khẳng định mình không "ăn chia", quá trình đấu thầu kit test được thực hiện công khai, minh bạch, nhưng cuối cùng vẫn nhận cái kết là bị bắt.
Xin cảm ơn ông!
28/03/2022
Bài 3: Cán bộ cần “bao nhiêu” bản lĩnh để Việt Á không thể “đi đêm’?
Việt Á chi hàng chục tỷ đồng hoa hồng khiến nhiều cán bộ không cưỡng lại được lòng tham. Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn "đi đêm" như vậy, nhưng điều quan trọng là quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối hay không!
Liên quan đến vụ Việt Á, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Trung tướng Trần Văn Độ đều chung quan điểm, nhiều cán bộ CDC các tỉnh, Học viện Quân y yếu kém về đạo đức, thiếu bản lĩnh nên đã sa ngã…
Cán bộ thiếu bản lĩnh, trả giá lâu dài…
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, vụ Việt Á có biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. "Bằng các thủ đoạn, Công ty Việt Á đã câu kết, thao túng được cả khu vực nhà nước, dẫn đến hiện tượng rất lo ngại đó là cán bộ thoái hóa, bị vật chất và đồng tiền mua chuộc", ông Hoàng Chí Bảo nói.
Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, phải thực hiện cho được những điều Đảng đã đặt ra là kiên quyết ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi theo ông, quan chức phải nêu gương, phải liêm chính mới dẹp được những hành vi tiêu cực.
"Đó là sức mạnh tự bảo vệ từ bên trong mỗi cán bộ đảng viên để vượt qua những cám dỗ của tiền bạc, vật chất trước mắt, nhất thời", nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Nhìn vào những cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt giam vừa qua, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhận thấy họ đã mất tất cả, mất cả danh giá và quyền lợi vật chất. Ông cho rằng, cần phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ về điều này để họ tự bảo vệ lấy họ và tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong vụ Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương được chia "hoa hồng" 30 tỷ đồng, Giám đốc CDC Bắc Giang và một số đồng phạm cũng được chia 44 tỷ đồng. "Tất cả là do cán bộ đó yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh. Đạo đức trong sáng thì không vật chất, tiền bạc nào chi phối nổi. Anh thiếu bản lĩnh thì sẽ bị mua chuộc, thành tù binh, nô lệ bởi vật chất trước mắt đó nhưng anh phải trả giá lâu dài là mất hết mọi thứ", ông Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm.
Để không bị mất cán bộ do các hành vi tham nhũng, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, phải có sự cảnh báo, phải có sự thức tỉnh để mỗi người luôn chú trọng danh dự, phẩm giá và lương tâm.
"Qua các vụ việc về kit test Covid-19, càng phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai", Giáo sư Hoàng Chí Báo nhấn mạnh.
“Tôi rất ngạc nhiên khi kit test Việt Á thành công nhanh đến vậy”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông rất ngạc nhiên về việc Công ty Việt Á cho "ra lò" thần tốc đến như vậy bộ kit test Covid-19. Về mặt khoa học, ông Nguyễn Lân Dũng cảm thấy rất vô lý. Bởi theo ông, từ nghiên cứu đến sản xuất bộ kit test Covid-19 rất khó, không thể nhanh được.
Sau khi hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị kỷ luật, khởi tố liên quan đến kit test Việt Á, ông Nguyễn Lân Dũng mới vỡ lẽ: "Thành công của Việt Á nhanh đến vậy do có sự móc ngoặc với một số cơ quan, có sự buông lỏng trong quản lý. Qua sự việc tôi thấy rất buồn vì đụng đến hai Bộ trưởng, rồi cả các vị cấp tướng, tá trong Học viện Quân y".
Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, qua việc hàng chục cán bộ các đơn vị từ Trung ương đến địa phương liên quan đến vụ Việt Á bị khởi tố, ông nhận thấy, nhiều cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua danh dự và bị tiền bạc, bị vật chất mua chuộc, đánh mất lòng tự trọng.
"Vụ Việt Á là bài học rất lớn trong công tác cán bộ. Qua đó cũng cho thấy cán bộ ở bất kỳ vị trí nào, cấp nào từ Trung ương đến địa phương mà không giữ được mình thì rất dễ bị tiền bạc, bị vật chất mua chuộc", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói và cho rằng, nếu mỗi người đều giữ danh dự, lòng tự trọng thì không ai phải "vào lò".
"Lò có to đến mấy, đốt nhiều củi đến mấy mà mỗi cán bộ, đảng viên không tự giác thì vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện những người hám lợi, sa ngã. Mà đã sa ngã thì sẽ không còn gì, tương lai mất, của cải cũng không còn. Vì vậy, theo tôi, biện pháp gì cũng chịu thua nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tự giác", ông Nguyễn Lân Dũng nói.
Bẻ cành sâu, cành mọt chỉ là giải pháp cuối cùng
Qua vụ Việt Á, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng có sự cấu kết giữa doanh nghiệp tư nhân với cán bộ công chức nhà nước.
Theo ông Độ, nếu không có sự hỗ trợ, quảng bá, thậm chí là gợi ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thì kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á không thể lọt vào trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế các tỉnh thành trên cả nước nhanh đến như vậy.
Khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan, Công ty Việt Á đã kịp cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Riêng tiền Việt Á "đi đêm" với quan chức, cán bộ các tỉnh thành lên tới 800 tỷ đồng.
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, việc Việt Á chi hàng chục tỷ đồng tiền hoa hồng khiến nhiều cán bộ, công chức không thể cưỡng lại được lòng tham. "Trong thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp chi hoa hồng là điều tất yếu, nhưng điều quan trọng là quan chức có đủ bản lĩnh để từ chối hay không", ông Độ nói.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, để cán bộ không dám, không muốn và không thể "đi đêm" với doanh nghiệp, bòn rút tiền của nhà nước như vụ Việt Á, thì việc truy tố, xét xử chỉ là biện pháp cuối cùng.
"Cành sâu, cành mọt mà bẻ đi là giải pháp cuối cùng thôi. Vấn đề là làm sao để cành không bị sâu, không bị mọt thì cái gốc phải thật tốt. Cái gốc ở đây là công tác cán bộ, là công tác quản lý và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên", Trung tướng Trần Văn Độ tâm tư.
19/04/2022
Bài 4: Để cán bộ không “đổ ngã” như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh
Cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, để những cá nhân đứng đầu lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm.
Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vụ Việt Á.
Kit test Việt Á test.. sự liêm chính
Đến thời điểm này, gần 70 cán bộ đã bị khởi tố liên quan đến vụ Việt Á, trong đó có cả hai cựu Bộ trưởng. Ông đánh giá như thế nào về sự mất mát cán bộ qua vụ việc này?
- Đó là sự mất mát rất lớn, đặc biệt là với những cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược thuộc diện trung ương quản lý. Tuy nhiên, đây không chỉ là chuyện mất mát cán bộ, mà hệ lụy, tác động xã hội của việc xử lý người đứng đầu cấp Bộ là rất lớn. Với riêng ngành y tế, tôi cho là hệ lụy tâm lý và lòng tin của xã hội có thể kéo dài từ 5-7 năm tới.
Nhiều người cho rằng, kit test Việt Á đã test ra nhiều cán bộ thiếu bản lĩnh, sa ngã bởi các lợi ích vật chất. Ông nói gì về điều này?
- Vụ kit test Việt Á đã phát lộ ra hàng loạt cán bộ ngành y có liên lụy, bị xử lý, và số lượng hiện tại chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể nói, kit test không chỉ giúp phát hiện virus cúm mà đã trở thành liều thuốc thử, ngẫu nhiên kiểm tra ý thức trách nhiệm, sự liêm chính của cán bộ công quyền, cụ thể ở đây là cán bộ quản lý ngành y. Và quả thật, nó đã phát hiện ra rất nhiều cá nhân chưa đảm bảo đạo đức, sự liêm chính và trách nhiệm công quyền, cũng như ý thức phục vụ cộng đồng.
Xét ở khía cạnh nào đó, kit test Việt Á cũng là "phép thử" với cấp Bộ trưởng, thưa ông?
- Đúng vậy! Chúng ta vẫn ví bộ trưởng là những tư lệnh ngành. Vì thế, hoạt động của cả một ngành sẽ phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, và các quyết định quản lý của Bộ trưởng. Nói rộng ra, các Bộ trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi chính sách trong một lĩnh vực nào đó. Kit test Việt Á chính là một phép thử phẩm chất và năng lực của một số Bộ trưởng trong tình huống bất thường. Sự vi phạm của họ gợi ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Trong vụ việc này, ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị Bộ Chính trị đánh giá là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước… Ông có ý kiến gì với trường hợp Bộ trưởng là người sai phạm trước và sai phạm của Bộ trưởng đã khơi nguồn cho sai phạm về sau của cán bộ cấp dưới?
- Đúng là ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đều vi phạm trong thời gian còn là Bộ trưởng, là người đứng đầu một ngành, có nhiều thẩm quyền trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách. Khi người đứng đầu vi phạm thì hệ quả của nó là rất lớn.
Trước hết, hàng loạt cán bộ cấp dưới vi phạm rất có thể do họ đã chấp hành quyết định của người đứng đầu ngành, dẫn đến những vi phạm mang tính dây chuyền, liên quan đến cán bộ ở nhiều địa phương và nhiều cấp độ quản lý.
Thứ hai, khi lãnh đạo cao nhất của một ngành bị xử lý bởi những vi phạm nghiêm trọng thì hệ lụy tâm lý, xã hội đối với cán bộ trong ngành là tất yếu. Lòng tin của xã hội đối với ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa đủ cơ sở để cho rằng vụ việc này chỉ bắt nguồn từ những sai phạm của các Bộ trưởng vừa bị kỷ luật. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng, sự can dự và vai trò của các cá nhân đứng đầu nêu trên trong những sai phạm liên quan đến Việt Á là khá rõ ràng.
Không để nhóm cán bộ sa ngã phình to
Lý giải về vi phạm của cán bộ cấp cao trong vụ Việt Á, nhiều người nhìn nhận lỗi chính là ở con người, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng căn nguyên là từ vấn đề cơ chế. Quan điểm của ông như thế nào?
- Câu hỏi đặt ra ở đây, những cán bộ cấp cao vi phạm đều là những người được đào tạo bài bản, có quá trình phấn đấu lâu dài thì tại sao lại hành động như vậy? Để lý giải cái sai đó của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành, chúng ta phải xét cả cấp độ cá nhân và cấp độ hệ thống (cơ chế, chính sách).
Ở cấp độ cá nhân, rõ ràng họ đã không tự kiểm soát được mình. Ở cấp độ hệ thống, cơ chế, chính sách hẳn còn những kẽ hở để lợi dụng. Chẳng hạn như: các nguyên tắc chỉ định thầu trong tình huống bất thường. Điều gì khiến một công ty như Việt Á lại dễ dàng thắng thầu nhiều như thế? Tại sao không thấy những cảnh báo để có thể ngăn chặn sự tùy tiện ưu ái vì lợi ích cá nhân, nhóm?
Chúng ta có thể nghĩ về sự lỏng lẻo trong cơ chế, chính sách, quy trình quản lý đã góp phần dẫn đến những sai phạm của hai cựu Bộ trưởng. Đó là những vi phạm tưởng như "rất đơn giản", rất dễ nhận ra, chẳng hạn như phê duyệt đề tài, nghiệm thu đề tài, chuyển giao kết quả nghiên cứu....
Cách đây chưa lâu, chúng ta đã xét xử rất nghiêm một Bộ trưởng, một cựu Bộ trưởng trong vụ AVG. Vậy tại sao, những vụ như Việt Á vẫn xảy ra, thưa ông?
- Chúng ta từng chứng kiến những cựu Bộ trưởng bị xử lý rất nghiêm khắc trong vụ án AVG (ông Nguyễn Bắc Son đã bị tuyên án chung thân- pv). Cựu Giám đốc CDC Hà Nội cũng bị 10 năm tù giam do "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng vừa qua, lại thêm một giám đốc CDC Hà Nội bị bắt liên quan đến chuyện hoa hồng của Việt Á. Qua hàng loạt vụ việc như vậy, rõ ràng người sau đã nhìn thấy hậu quả nhãn tiền của người đi trước.
Để lý giải được vì sao vẫn có những vụ như Việt Á dù có hàng loạt bài học nhãn tiền, theo tôi có cả những yếu tố thuộc về cá nhân, bối cảnh và trình độ phát triển xã hội, và cả những yếu tố thuộc về thể chế quản lý nhà nước, quy trình chính sách.
Nhưng cụ thể và trực tiếp nhất thì tôi cho rằng các phản ứng giám sát, kiểm soát hành vi công quyền chưa đủ mạnh để khiến cá nhân nắm quyền phải "chùn tay" trước các cơ hội vụ lợi. Lòng tham của con người rất khó kiểm soát, chúng ta cũng không thể bảo đảm rằng cơ hội vụ lợi không xuất hiện. Vì thế, nếu các phản ứng giám sát, kiểm soát công quyền mà yếu, kém hiệu quả thì các hành động vị kỷ, vụ lợi cho cá nhân, nhóm, tất yếu sẽ xảy ra.
Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải cắt bỏ một vài cành sâu mọt để cứu cái cây. Vậy trong vụ Việt Á, việc xử lý cán bộ sai phạm, kể cả các bộ trưởng, chúng ta tiếp tục ủng hộ quan điểm không có vùng cấm, thưa ông?
- Từ năm 2013 đến nay, có hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý. Đó là mất mát rất lớn cho bộ máy quản trị quốc gia. Nhưng đây là việc buộc phải làm, nếu không nhóm này sẽ phình to và có thể nuốt chửng cả chế độ, cả bộ máy chứ không phải là chúng ta xử lý họ nữa. Nếu không mạnh tay xử lý vi phạm, kể cả với cán bộ cấp cao, thì tiến trình phát triển của đất nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì vậy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh việc xử lý quyết liệt như vậy, theo tôi, chúng ta cần nhanh chóng hiện đại hóa thể chế quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, quy trình chính sách để có thể giảm thiểu những kẽ hở chính sách, gia tăng khả năng kiểm soát hành vi của cán bộ công quyền. Khi bộ máy quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động ổn định như ở các nước phát triển thì chuyện những cán bộ lệch chuẩn chỉ là thiểu số và hậu quả cũng không lớn do sớm bị phát hiện.
Kiểm soát hành vi của lãnh đạo
Hoa hồng, lại quả trong vụ Việt Á đã đánh gục nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo CDC các tỉnh. Vậy theo ông, cách nào để cán bộ vượt qua được những cám dỗ lớn như vậy?
- Trong vụ Việt Á chúng ta chưa thấy cán bộ nào từ chối tiền lại quả, hoa hồng, tức là khi Việt Á đưa tiền, cán bộ sẽ nhận. Để lý giải điều này thì có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên đó là lòng tham khiến nhiều cán bộ không kiểm soát được mình trước số tiền mà Việt Á lại quả. Vấn đề thứ hai có thể là người ta coi việc nhận tiền lại quả như là "thông lệ" bất thành văn khi giao dịch trong khu vực công. Để giảm thiểu vấn nạn này, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể cả về phương diện cá nhân và giải pháp mang tính cấu trúc hệ thống.
Về phương diện cá nhân, đó là khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, và bổ nhiệm cán bộ. Chúng ta phải chọn được những người thực sự có năng lực, đam mê công việc, coi sự phụng sự đất nước là lẽ sống của họ thì mới giảm thiểu được những tính toán ích kỷ, vụ lợi. Về phương diện cấu trúc, chúng ta phải thiết kế ra các cơ chế và phương thức kiểm soát hành vi của các cá nhân nắm giữ công quyền, tức là đặt họ trong tình trạng luôn bị kiểm soát, giám sát. Bất kỳ hành vi lệch chuẩn nào đều có thể sớm bị phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc.
Gắn với hệ thống của chúng ta hiện nay, tôi cho rằng, một mặt chúng ta tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát theo trục dọc trong bộ máy. Mặt khác, cần tính đến cơ chế kiểm soát theo chiều ngang. Tức là thiết kế cơ chế phản ứng giám sát đến từ bên ngoài mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động một cách thường xuyên. Giám sát theo chiều ngang sẽ giúp giảm nguy cơ thao túng của người đứng đầu nếu họ can dự vào các vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập việc "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế". Chúng ta phải làm cách nào để không xảy ra việc lạm quyền như với trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, thưa ông?
- Những năm qua, trung ương Đảng luôn nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Việc này có hai cấp độ, đó là kiểm tra, giám sát trong Đảng và kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó, kiểm soát quyền lực nhà nước liên quan đến những cá nhân nắm giữ công quyền, có thể ban hành những quyết định vị kỷ, vụ lợi. Vụ Việt Á cho thấy, cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, để những cá nhân đứng đầu lợi dụng, làm những điều sai trái mà không bị phát hiện và bị ngăn chặn từ sớm.
Do vậy, về nguyên tắc, để giảm thiểu nguy cơ lạm dụng công quyền thì cần phải bảo đảm tính khách quan cho các cơ chế và phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực. Cũng có nghĩa, các phản ứng kiểm tra, giám sát trong Đảng hay kiểm soát quyền lực nhà nước cần vận hành theo cơ chế tự động, khách quan, không quá phụ thuộc vào ý chí của con người.
Khi thống nhất nhận thức về nguyên tắc này thì chúng ta sẽ thiết kế được cơ chế và phương thức phù hợp.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - nghiên cứu sinh tại Đại học Portland State, Hoa Kỳ; Thạc sĩ Khoa học xã hội, Đại học Queensland, Australia; Hiện công tác tại Viện Xã hội học và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bài 5: Đừng để người đứng đầu “dính cước” rồi kéo theo cả một dây…
Sáng 13/7, Báo Dân trí tổ chức buổi tọa đàm "Vụ Việt Á và "phép thử" cán bộ" với sự tham gia của GS. TSKH. Phan Xuân Sơn - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
Báo Dân trí xin lược trích những giải pháp mà các khách mời đã nêu lên để ngăn chặn những vụ việc như vụ Việt Á vừa qua.
Kháng thể lớn mới có thể chống lại “virus hoa hồng”
Thưa ông Phan Xuân Sơn, số tiền Việt Á lại quả cho lãnh đạo CDC các tỉnh rõ ràng là quá lớn, thậm chí có trường hợp lên đến gần 30 tỷ đồng. Vậy làm sao để cán bộ có thể vượt qua được cám dỗ lớn như vậy, thưa ông?
- Vượt qua cám dỗ như vậy rất khó. Nhưng có mấy vấn đề thế này: Thứ nhất, cần chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ một năng lực phòng chống tham nhũng, ngoài năng lực quản lý đất nước theo từng ngành, từng lĩnh vực. Năng lực này gồm tri thức về phòng chống tham nhũng, nhận biết được cái gì là hành vi có khả năng tham nhũng hoặc bị kết tội là tham nhũng. Hiện nay, vấn đề tham nhũng đã có một số người phát biểu dân sự hóa vụ án tham nhũng mang tính hình sự. Tuy nhiên, trên thế giới lại đang kêu gọi hình sự hóa chứ không phải dân sự hóa vì hệ lụy rất lớn.
Trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, đất đai, ta đều biết cái gì là hành vi tham nhũng rồi, nhưng trong phòng, chống dịch của CDC thì lại chưa xuất hiện, chưa có virus chống loại kit test này. Vậy nên anh phải có loại thuốc phòng dịch gì để cán bộ biết dấu hiệu này sẽ có tham nhũng để cẩn thận.
Thứ 2, áp dụng kinh nghiệm quốc tế để quy định về thể chế cho chặt chẽ. Ví dụ, đưa 30 tỷ đồng cho cán bộ thì đưa vì cái gì, có giải trình được không? Có giải trình được thì phải công khai minh bạch "tại sao anh lại đi cửa sau?"; "nhận tiền vì cái gì?". Nhận 3 triệu đô la mà lại đưa ra ban công, rồi nhận một bọc tiền 30 tỷ đồng… giá trị quá lớn mà tại sao lại không biết?
Thứ 3 là giáo dục về đạo đức đối với cả hệ thống, để người thực thi công vụ không phải vì cái khốn khó, thiếu thốn hay vì thu nhập thấp mà vơ vét, bòn rút. Đồng thời, phải có sự công bằng trong lực lượng thi hành công vụ.
Có anh cán bộ làm mấy năm mà nhà cửa trị giá 30-40 tỷ đồng trong khi lương chỉ có 13, 14 triệu đồng. Trong khi đó, có người làm cả đời không mua nổi một căn hộ. Điều này thuộc về đạo đức xã hội, đạo đức công vụ.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hà, cán bộ, đảng viên phải có "sức đề kháng" như thế nào để có thể chống lại được "virus hoa hồng" của Việt Á?
- Không có giải pháp đơn lẻ nào để có thể chống lại được "virus hoa hồng" của Việt Á mà phải tổng hợp rất nhiều giải pháp. Trong đó, cần có giải pháp nhận thức để thành đạo đức xã hội, để tất cả mọi người ai cũng hiểu rằng, việc nhận "hoa hồng" là xấu xa, không đúng và xã hội sẽ lên án.
Khi có được đạo đức xã hội rồi thì cán bộ, công chức cần có đạo đức công vụ. Và tất cả những điều này không thể có trong một sớm một chiều, cần phải tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục…
Trước lợi ích thế này phải có kháng thể lớn mới có thể vượt qua, chống lại "virus hoa hồng".
Hai là về cơ chế chính sách pháp luật mà vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trên nhiều lĩnh vực chúng ta còn thiếu thể chế, cần hoàn thiện lại để không ai luồn lách, len lỏi vào chỗ hở của cơ chế, chính sách. Rồi công tác giám sát thường xuyên thế nào. Trên kiểm tra xuống, cán bộ đảng viên kiểm tra lẫn nhau, dư luận, báo chí kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn và thực tiễn vừa qua, chúng đã làm như vậy.
Giám sát quyền lực của người đứng đầu
Chúng ta cũng có thể đặt vấn đề, làm sao để cán bộ CDC các tỉnh thành không phải đối diện với việc nhận lại quả, hoa hồng như trong vụ Việt Á? Cán bộ không cần phải đấu tranh tư tưởng "nhận hay không nhận?". Có cách nào không thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng?
- Thực chất, cách để chống tham nhũng, công thức hay được nói nhiều là làm sao để cán bộ "không dám tham nhũng", "không thể tham nhũng", "không muốn tham nhũng" và "không cần tham nhũng". Như vậy thì cần phải thiết kế cả 4 thiết chế đó.
"Không dám tham nhũng" tức là biện pháp trừng trị nghiêm minh. Thời gian qua, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng với hạt nhân là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, rồi giờ mở rộng đến các tỉnh thành đã mang lại hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, việc vẫn tiếp tục phát hiện những vụ án, vụ sau lớn hơn vụ trước cho thấy cơ chế trừng trị vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh nữa. Nhân rộng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tới 63 tỉnh thành đang phát huy tác dụng, mong là hiệu năng cũng nâng cao hơn.
"Không thể tham nhũng" chính là việc xây dựng cơ chế, như Tổng Bí thư nói là phải kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong lồng. Vậy thì cần có thiết chế nào để giám sát việc đó. Đây là việc cần phải tính, nhất là với giám sát quyền lực của người đứng đầu.
Ngoài ra, việc kiểm soát tài sản, nguồn lực, nếu công cụ quản lý tốt hơn, như hạn chế sử dụng tiền mặt thì làm sao rút được những khoản tiền lớn như vậy mà giải trình được nguồn gốc, mục đích chi dùng.
Nếu gửi qua tài khoản thì sẽ "mắc" ngay, rõ ràng không thể thoát được. Đó chính là một công cụ, giải pháp kỹ thuật hiệu quả đã được chứng minh ở nhiều nước. Chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh chuyển đối số cũng là với mục đích tăng cường hiệu quả quản lý tài sản, nguồn lực như vậy.
Đăng ký tài sản cũng đang là vấn đề nổi lên. Làm sao tin được những chuyện một người trẻ, con quan chức, mới 18-20 đã tạo dựng được khối tài sản lớn, biệt thự ở nơi này nơi kia, chỗ nghỉ dưỡng, xe sang…
Để "không cần tham nhũng" thì phải tính đến vấn đề lương. Lương cho đội ngũ cán bộ công chức, ngay cả Bộ trưởng giờ mới khoảng 15 triệu đồng/tháng. So với Bộ trưởng của Singapore có thể nhận lương hàng trăm nghìn USD/tháng thì Bộ trưởng mình mới được khoảng 1.000 USD/tháng cho tất cả các loại lương, thưởng, phụ cấp…
Vậy thì phải cải cách tiền lương, phải làm sao đừng cào bằng, đừng để như hiện nay. Thực tế thì cuộc sống, ai cũng cần tiền cả. Đừng nói lý tưởng, đạo lý chỗ này, đó là nhu cầu, mưu cầu của mỗi con người, mỗi gia đình.
"Không muốn tham nhũng" nghĩa là phải đào tạo, giáo dục về liêm chính. Làm sao để một người mà được mang phong bì đến thì cảm thấy bị xúc phạm. Đó phải là một quá trình đào tạo từ khi con người còn nhỏ, ngồi trên ghế nhà trường.
Cần làm gì để cán bộ không thể, không dám và không cần tham nhũng, thưa ông Phan Xuân Sơn?
- Nghiên cứu kinh nghiệm phòng chống tham nhũng trên thế giới thì họ cũng chỉ làm thế nào để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng. Còn mình thêm thắt, cụ thể hóa thế này, thế kia nhưng chỉ gọn lại ba ý đó.
Không thể tham nhũng, chúng ta cũng phải nói rằng, giải pháp hiện nay khác với giải pháp trước đây khi bắt đầu phòng chống tham nhũng (cách đây mấy chục năm). Khi chúng ta có Luật Phòng chống tham nhũng 2005 thì nó khác rất nhiều. Công cụ phòng chống tham nhũng của chúng ta có tương đối đầy đủ, sửa chữa mới nhất là 2018, chiến lực cũng đã có, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, tiêu cực chúng ta cũng đã có và thể hiện rất hiệu quả trong 10 năm qua.
Các công cụ cũng đã có, bây giờ phải hoàn thiện các thể chế để người ta không thể tham nhũng. Thể chế chúng ta đặt mới vấn đề chung, còn lĩnh vực cụ thể thì chưa vươn tới được. Từ khi chúng ta xử lý tham nhũng thì rộ lên ngân hàng thương mại cổ phần, rồi PVN, đất đai, chứng khoán, vừa rồi là ngành y tế.
Mỗi thứ chúng ta thấy biểu hiện rất khác. Thể chế để không thể tham nhũng chúng ta thấy mới ở cái chung thôi, cần phải cụ thể hóa thêm. Đặc biệt là phải dự báo được một số lĩnh vực cần phải hoàn thiện thêm khi kinh tế - xã hội phát triển.
Về vấn đề không dám tham nhũng, vừa qua chúng ta đã làm rất tốt, đặc biệt là trong 10 năm qua. Nhưng lực lượng tham nhũng tôi thấy họ "chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ", thậm chí họ cũng "không sợ". Do vậy, việc này vẫn phải kiên trì, như Tổng Bí thư nói trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Còn không cần tham nhũng, thì cần phải làm thế nào để người ta không phải "lăn tăn" khi làm công vụ. Nhiều người thấy rằng, có những người cũng làm công vụ như mình, nhưng chỉ thực hiện vài vụ thôi thì đã có biệt thự rồi, sống sung sướng, con cái đi học nước ngoài. Đây là vấn đề cần phải tính. Tài sản thu được từ tham nhũng, lãng phí có thể đủ cho chúng ta cải cách tiền lương.
Công bằng trong xã hội, giáo dục đạo đức để văn hóa minh bạch, không tham nhũng ngự trị trong mỗi con người. Chúng ta cần phát huy văn hóa "đói cho sạch, rách cho thơm" như truyền thống đã có.
Các giải pháp trên, theo tôi đến nay chúng ta đã có rồi, cần phải hoàn thiện và sử dụng thế nào cho hiệu quả hơn thôi.
Để cán bộ dám nói ra tiêu cực của cấp trên…
Trở lại với cấp Bộ trưởng, xin được hỏi ông Nguyễn Đức Hà, các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long từng có quá trình phấn đấu được ghi nhận, nhưng qua vụ việc có thể thấy, những cán bộ này "đỏ mà chưa chín", như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
- Xung quanh câu chuyện tham nhũng, nếu nói "tham" thì nhiều người tham (tôi không dám nói là tất cả) nhưng để có thể "nhũng" được thì không phải ai cũng làm. Bởi vì người ta tham nhũng được sẽ phải gắn với quyền lực, còn người không có quyền lực thì muốn "tham" cũng rất khó. Vì vậy, để nói không thèm, không muốn tham nhũng thì phải cán bộ phải rèn luyện từ lúc trẻ.
Trong thực thế, người "dính" tham nhũng không phải là người thiếu thốn, khó khăn về kinh tế. Quay lại câu chuyện các Bộ trưởng dính vụ việc này đều là những người đã có quá trình công tác từ thấp lên cao, được luân chuyển đi lại, được rèn luyện thử thách, kinh qua nhiều vị trí mới lên đến chức Bộ trưởng.
Dù đã có rèn luyện thử thách nhưng rõ ràng, vấn đề rèn luyện thử thách thực tiễn thì phải đi vào những nơi khó khăn, phức tạp mới tạo ra, rèn giũa cán bộ được.
Có thể nói virus này có sức công phá rất lớn nhưng không thể lớn bằng "phép thử" giữa cái sống, cái chết của người cộng sản trước đây. Rõ ràng "phép thử" sống và chết khác hẳn phép thử "hoa hồng" hiện tại. Vì vậy, ý của tôi là càng khó khăn thử thách bao nhiêu thì càng đào tạo ra cán bộ bản lĩnh bấy nhiêu.
Các cán bộ "dính" vụ Việt Á có thể đã qua rèn luyện rồi nhưng chưa gian nan lắm. Vậy nên quan điểm của Đảng là đào tạo cán bộ phải đưa vào nơi càng khó khăn, nhiều thử thách để rèn luyện. Và khi đưa vào thử thách thì phải giao nhiệm vụ để cán bộ bộc lộ hết phẩm chất, năng lực. Từ những đại án và vụ việc của Việt Á càng cho chúng ta bài học về công tác cán bộ.
Thưa ông Nguyễn Đức Hà, vậy tiêu chuẩn cũng như quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp Bộ trưởng phải được đặt ra như thế nào?
- Về thực tiễn, chúng ta phải rút ra kinh nghiệm về tiêu chuẩn cũng như quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp cao. Trước đây có quy trình 3 bước, giờ đã chuyển sang quy trình 5 bước và điều này xuất phát từ thực tiễn.
Quy trình 3 bước, gồm 2 lần đưa ra Ban Thường vụ (hoặc Ban Cán sự Đảng) và một lần đưa ra Ban Chấp hành và trong đó Ban Thường vụ là cơ quan quyết định cuối cùng.
Đối với quy trình 5 bước, có 2 khác biệt với quy trình 3 bước. Đó là 2 lần đưa ra Ban Thường vụ, 2 lần đưa ra Ban Chấp hành và một lần bổ sung lấy ý kiến cán bộ chủ chốt; thêm một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt. Quyết định cuối cùng không phải là quyết định của số ít mà là quyết định của số nhiều ở Ban chấp hành.
Từ thực tiễn, lúc đầu Ban Thường vụ quyết định (số ít) và nhiều khi ý kiến trong Ban này là ý kiến người đứng đầu và phải lấy ý kiến cả cán bộ chủ chốt. Như vậy sẽ dân chủ hơn, khách quan hơn và cấp quyết định cuối cùng phải là cấp lớn, cấp cao hơn. Nếu nói về quy trình thì đang từng bước bổ sung, hoàn thiện để chọn cho đúng người.
Tuy nhiên quy trình gì đi nữa thì người thực hiện vẫn là cực kỳ quan trọng. Từ thực tiễn nhiều năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, trước đây làm gì có nhiều quy trình nhưng chọn ai cũng đúng. Rõ ràng, như Tổng Bí thư nói phải có con mắt tinh đời mà muốn có như vậy thì phải xuất phát từ cái chung, không vì cái riêng, không có vì lợi ích nhóm thì mới chọn được người đúng, chọn được cái đúng. Rõ ràng công tác cán bộ sẽ liên quan nhiều đến thể chế.
Chúng ta cũng chưa có cơ chế để kiểm soát được hành vi của người đứng đầu ngành nên mới xảy ra việc ông Nguyễn Thanh Long đã can thiệp, tác động, thao túng sâu như vậy, thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng?
- Quả thực là cơ chế có thể có nhưng chúng ta chưa vận hành triệt để. Theo tôi, với người đứng đầu cấp Bộ trưởng như vậy, cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp là trước Thủ tướng. Thủ tướng có quyền lực rất lớn, có công cụ kiểm soát mạnh là Thanh tra. Rồi còn các cấp quản lý về Đảng.
Thực tế, khi vụ Việt Á chưa nổ ra tôi đã nghe rất nhiều thông tin, từ dư luận, từ trên mạng, nêu nghi ngờ về giá kit test rồi. Đáng ra với những vấn đề nổi lên như vậy thì những phiên điều trần, giải trình có thể ngay lập tức được triệu tập. Kinh nghiệm nhiều nước đã phát huy những thiết chế giám sát như vậy rất tốt.
Anh Sơn có nói đến cấp chiến lược, cấp điều hành, cấp thực thi. Tôi thì thấy các nước chia ra cấp chính trị, rồi cấp công vụ để thi hành các công việc phía dưới. Việc test phải sử dụng như nào, rộng hay hẹp là việc của Bộ trưởng, còn việc mua sắm kit như nào thì là việc của cấp dưới, của địa phương. Như vậy, tính độc lập của cấp dưới rất lớn. Sự phân định như thế chúng ta cũng có thể xem xét, nghiên cứu, tham khảo xem có thể tạo ra hiệu quả kiểm soát cao hơn không.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Vậy chúng ta cần kiểm soát, giám sát như thế nào để những người đứng đầu ngành như ông Nguyễn Thanh Long không thể "thao túng" và gây nên những hậu quả lớn như trong vụ Việt Á, thưa ông Nguyễn Đức Hà?
- Xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư nhiều lần nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế. Cơ chế là quy định, quy chế, quy trình… và bắt buộc phải thực hiện theo.
Ví dụ kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì phải có quy định và tất cả phải thực hiện. Ai liên quan công tác cán bộ thì phải thực hiện và tập thể quyết định công tác cán bộ thì phải làm gì, không được làm gì? Quy định cá nhân có thẩm quyền và đối với cả người đứng đầu thì phải làm gì, không được làm gì khi bàn về công tác cán bộ. Đây là một trong biểu hiện kiểm soát quyền lực.
Đối với người đứng đầu lại vừa là cán bộ cấp chiến lược nên vai trò rất quan trọng. Người đứng đầu truyền niềm tin, định hướng, lan tỏa trách nhiệm ý thức với cấp dưới nên vai trò quan trọng.
Thực tế, chỗ nào ở cấp Bộ, Cục, địa phương, cơ quan, đơn vị nếu có người đứng đầu vi phạm pháp luật, "dính cước" thì hầu như sẽ kéo theo "cả một dây", có thể là kéo theo cấp phó, cơ quan tham mưu, người giúp việc… Điều này thể hiện vai trò người đứng đầu.
Trong thực tiễn, có thể nói chính cấp dưới, người xung quanh là người gần với lãnh đạo nhất sát nhất nhưng lại không dám nói vì sợ bị trù dập. Họ biết cả nhưng làm thế nào để họ mới dám nói. Bởi vì nói ra thì có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến cơm ăn áo mặc của người ta. Vậy cần có giải pháp đề cao trách nhiệm để người ta dám nói ra tiêu cực. Thực tiễn có việc người cán bộ trong cơ quan biết hết nhưng không dám nói trực diện nên mới phải mạo danh, giấu tên để lên tiếng.
Vậy nên ta có chủ trương đối với đơn thư mạo danh, nặc danh mà nói chi tiết, cụ thể, đầy đủ, logic về vi phạm, sai phạm thì trong trường hợp này, cấp ủy có thẩm quyền vẫn phải xem xét đơn thư đến nơi đến chốn, không được vứt vào sọt rác.
Chúng ta có nên thành lập một cơ quan liên bộ để giám sát được hành vi của cấp Bộ trưởng, thưa ông Phan Xuân Sơn? Theo ông, có cách nào kiểm soát quyền lực của các Bộ trưởng để không xảy ra những vụ như vụ Việt Á, AVG?
- Các Bộ trưởng hiện nay đang chịu sự kiểm soát của rất nhiều cơ chế. Bộ trưởng đều là đảng viên nên chịu sự giám sát của Ủy ban Kiểm tra. Bộ Chính trị quản lý, giám sát rất kỹ các Bộ trưởng. Quốc hội cũng thường xuyên "nhìn tới" các Bộ trưởng. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng có thể thanh tra khi có vấn đề gì đó. Các tổ chức chính trị cũng có thể giám sát hoạt động của các Bộ trưởng.
Theo tôi, độ nhạy của các cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay là rất nhạy. Do vậy, điều tốt nhất là phát huy hơn nữa hiệu quả, sắc bén, độ nhạy của các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay chứ không cần thêm một cơ quan nào nữa, dễ dẫn đến chồng chéo trong nhiệm vụ.
Xin cảm ơn GS.TS Phan Xuân Sơn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng và ông Nguyễn Đức Hà đã tham gia buổi tọa đàm của chúng tôi!