Hình ảnh những anh bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ trở nên quá đỗi quen thuộc, thân thương mỗi khi đất nước lâm nguy hay gặp thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, dù là vùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao so với các địa phương khác nhưng Thủ đô Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Kết quả đó không thể không kể đến vai trò xung kích, đi đầu, chịu hy sinh, gian khổ để bảo vệ Thủ đô thân yêu của các cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Bộ Tư lệnh Thủ đô - BTLTĐ). Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh BTLTĐ khẳng định: Cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “vì nhân dân chiến đấu”. Trong cuộc chiến chống COVID-19, cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ thể hiện rõ và phát huy mạnh mẽ lời dạy ấy với tinh thần “nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội”.
Bảo vệ “trái tim” của đất nước
Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở: Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, trở thành đại dịch toàn cầu, ở nước ta, giai đoạn đầu nguồn bệnh chủ yếu từ những người nhập cảnh, đặc biệt là qua đường hàng không, trong đó sân bay quốc tế Nội Bài có số lượng người nhập cảnh lớn nhất. Tối ngày 6-3, xuất hiện bệnh nhân thứ 17 trên chuyến bay từ nước Anh về, khu phố Trúc Bạch - nơi sinh sống của gia đình bệnh nhân số 17 trở thành ổ dịch đầu tiên ở nước ta, sau đó cùng một số ổ dịch khác đã phát sinh quá trình lây nhiễm nhanh, phức tạp như Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh...), Thủ đô Hà Nội bị “đốt nóng”! Là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và giao lưu quốc tế, mật độ dân cư đông, nhiều khách vãng lai, số người nhiễm COVID-19 nhiều, Thủ đô Hà Nội là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, giữ gìn và bảo vệ Hà Nội trước dịch bệnh nguy hiểm không chỉ là vấn đề bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân mà còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng. Ngăn chặn được dịch trên địa bàn Thủ đô sẽ ổn định tâm lý người dân cả nước, là kinh nghiệm quý để cả nước dập dịch thành công, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Cả nước hướng về Thủ đô! Chính phủ khẳng định, để thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh phải “bao đê cho chặt”, nghĩa là phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, tổ chức cách ly những người trở về từ vùng dịch, những người tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh. Quân đội sẽ là lực lượng “bao đê” giữ vững những chốt chặn quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. BTLTĐ được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TP. Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, quản lý, vận hành các khu cách ly tập trung công dân từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch, nhập cảnh qua sân bay Nội Bài và tham gia phong tỏa, xử lý các điểm dịch trên địa bàn. Dù đã quen với tác phong “cơ động, sẵn sàng”, “ nơi nào khó khăn nhất có quân đội ở đó”; nhưng nhiệm vụ lần này là “cuộc khủng hoảng về con người” chưa từng có tiền lệ nên cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ không tránh khỏi lo lắng. Trước nhiệm vụ quan trọng đặc biệt, Đảng ủy BTLTĐ luôn nhận thức sâu sắc về việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ để xứng đáng với niềm tin mà nhân dân cả nước dành cho Thủ đô - “trái tim” của đất nước. Quyết tâm chính trị cao cùng những quyết sách kịp thời, đúng đắn, cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ đã nêu cao tinh thần phải làm tốt ngay từ đầu “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” nơi tuyến đầu chống dịch.
Những con số biết nói
Ngay khi được giao nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ đã sẵn sàng “ra trận”, đi đầu, không ngại gian khổ, hy sinh. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý người cách ly; huy động trên 25 ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ tham gia chốt kiểm soát, tổ tuần tra, truyên truyền lưu động, rà soát, phát hiện, cách ly tập trung các đối tượng F1, giám sát F2, F3. Thường xuyên duy trì 29 tổ phòng dịch cơ động, trên 100 xe ô tô các loại ứng trực làm nhiệm vụ. Tổ chức cách ly tại 6 điểm với gần 8 ngàn lượt công dân (chiếm hơn 50% số lượng công dân cách ly khi thời gian dịch bắt đầu bùng phát). Tổ chức vận chuyển trên 16 ngàn lượt công dân (trong đó có trên 200 người nước ngoài) từ sân bay Nội Bài về khu cách ly tâp trung của BTLTĐ và một số đơn vị quân đội khu vực miền Bắc, có ngày cao điểm gần 1.700 người. BTLTĐ phối hợp với các lực lượng chức năng của Thành phố và Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức phong tỏa, khoanh vùng, phun tiêu độc, khử khuẩn, vệ sinh môi trường các ổ dịch trên địa bàn như: Phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh). BTLTĐ còn phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đưa công dân hết thời hạn cách ly về 27 tỉnh, thành phố (địa phương xa nhất là tỉnh Điện Biên). Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đón đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân nặng điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai với trên một ngàn lượt người...
Khó có thể nói hết những vất vả, gian khổ mà cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ phải đối diện khi những ngày dịch bắt đầu bùng phát. Công tác chuẩn bị các khu cách ly tập trung, đón đồng bào từ nước ngoài về được chuẩn bị khẩn trương nhưng không kém phần chu đáo trong điều kiện có thể. Làm thế nào để công dân Việt Nam trở về quê hương như được trở về với ngôi nhà của mình, người nước ngoài thì có được cảm giác thoải mái, an toàn? Câu trả lời chính là từ nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ, chiến sỹ. Cuối tháng 2, BTLTĐ tiếp nhận hàng ngàn công dân Việt Nam từ nước ngoài về, đưa vào khu cách ly. Sân bay những ngày đó đông nghẹt, dồn ứ công dân chờ tiếp nhận làm thủ tục nhập cảnh, cách ly. Áp lực công việc càng ngày càng tăng. Có ngày, BTLTĐ đã phải tiếp nhận cách ly hơn 1.000 người. Những chuyến xe chở công dân từ sân bay về điểm cách ly như con thoi không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm, mưa nắng.
Là điểm cách ly tập trung có số người đông nhất, chỉ trong 2 đợt tiếp nhận, Trường Quân sự BTLTĐ đã tiếp nhận hơn 1.500 công dân Việt Nam và người nước ngoài. Đơn vị đã bố trí hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia công tác phục vụ công dân trong suốt 14 ngày mỗi đợt với khối lượng công việc gấp nhiều lần trước đây: Vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa phục vụ sinh hoạt hằng ngày, chăm sóc y tế, tiếp nhận hàng hóa, vệ sinh khử khuẩn... Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận cách ly công dân nên những ngày đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, nhiều khó khăn mà cán bộ, chiến sỹ của Trường khó có thể lường trước: Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao; đối tượng công dân tập trung cách ly đa dạng về quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, sức khỏe, giới tính, chưa quen với môi trường sống tập trung, bị hạn chế về điều kiện sinh hoạt nên dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Tâm lý người bị cách ly tập trung căng thẳng, một số bất đồng ngôn ngữ; múi giờ ở các nước cũng khác nhau dẫn đến thói quen sinh hoạt (ăn, uống, ngủ, nghỉ) của công dân cũng khác nhau... Đặc biệt, trong đợt 2, Trường đã tiếp nhận cách ly gần 800 công dân, phần lớn từ các nước châu Âu trở về, nguy cơ lây nhiễm cao, về Việt Nam chủ yếu vào ban đêm. Cán bộ, chiến sỹ đứng trước áp lực rất lớn về cả thể chất và tinh thần, ban ngày lo sắp xếp hậu cần, phòng nghỉ, giường, chiếu, đồ dụng thiết yếu, đêm đến lại thức xuyên đêm để vận chuyển, tiếp nhận công dân. Học và làm theo Bác Hồ ở tinh thần phục vụ nhân dân, 100% cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ đoàn kết hỗ trợ nhau từ lúc “vươn thở đến tiếng thơ” (từ sáng sớm tập thể dục đến đêm khuya nghe chuyên mục “Tiếng thơ” trên đài phát thanh) nhưng họ luôn quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ, không hoang mang mà tận tụy, tích cực, chủ động làm tốt nhiệm vụ. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các cán bộ, chiến sỹ chưa bao giờ vơi, niềm tin và sự ủng hộ của người dân vào chủ trương của Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch cũng được tăng lên bởi “nhìn thấy bộ đội thực hiện phòng, chống dịch là thấy yên tâm rồi”.
Cách ly nhưng không cách lòng
“Những tưởng 14 ngày cách ly sẽ là những ngày đáng sợ, nhưng đó lại là những ngày khó quên bởi chúng tôi được sống trong tình cảm của cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ”, đó là chia sẻ của nhiều công dân khi được hỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách bình dị, gần gũi, thân ái với đồng bào, đồng chí. Học tập Bác, trong những ngày cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch toàn cầu, cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ đã thể hiện tinh thần dân tộc, vì nhân dân phục vụ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bình dị mà cao quý. Từ con tim đến khối óc, quân với dân đoàn kết, gắn bó, “mỗi người dân cách ly đều là người thân ruột thịt”, “mỗi điểm cách ly là một gia đình hòa thuận”. Người dân làm sao có thể quên được hình ảnh cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ bất kể ngày hay đêm luôn giữ thái độ gần gũi, chân thành, tận tình, chu đáo, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, thăm hỏi, động viên từng người; quan tâm, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu dù là nhỏ nhất trong điều kiện có thể, bất kể đó là công dân Việt Nam hay người nước ngoài. Đó là những cán bộ, chiến sỹ không ngại hy sinh, chấp nhận mình có thể bị lây nhiễm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ là những đồng chí lái xe cả tháng trời trong những bộ đồ bảo hộ cồng kềnh giữa thời tiết nắng nóng, những bữa cơm vội vã tại sân bay, luôn trong tâm thế sẵn sàng có lệnh là lên đường. Đó là chiến sỹ với chiếc máy khử trùng 20kg nặng trịch luôn đeo sau lưng, không kể giờ giấc, hễ có người hay xe mới vào đơn vị là lập tức khử khuẩn. Đó là những chiến sỹ “anh nuôi” mỗi sáng tinh mơ đã chuẩn bị hàng nghìn suất ăn đủ dinh dưỡng cho đồng bào, đồng chí. Đó là những chiến sỹ chưa từng làm bố nhưng sẵn sàng đảm nhận việc chăm sóc các bé tại khu cách ly... Những nghĩa cử cao đẹp đó không phải là hành động bột phát, nhất thời, mà là phẩm chất thường trực trong mỗi quân nhân cách mạng được thể hiện rõ nhất, sinh động nhất trong những hoàn cảnh khó khăn, đã tạo ra “lá chắn thép vững chắc” trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, ác liệt.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Đình Bản, Trợ lý Phòng Chính trị, Trường Quân sự BTLTĐ Hà Nội, người đã tình nguyện gác lại công việc gia đình, chấp nhận gian khổ, hiểm nguy, tình nguyện tham gia phục vụ công dân cách ly suốt cả 2 đợt cho biết: Tôi luôn xác định đã là người quân nhân thì gian khổ phải đi đầu, vì nhân dân tôi luôn sẵn sàng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đợt 1 với cương vị phó trưởng tiểu ban tiếp nhận, quản lý phục vụ công dân, tôi tình nguyện tham gia phục vụ đợt 2 cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ khác vào ở khu cách ly. Đặc biệt ở đợt 2, đối tượng cách ly phức tạp hơn và nguy cơ lây nhiễm cao hơn vì chủ yếu là công dân từ châu Âu về, lại về chủ yếu vào ban đêm, đòi hỏi cường độ làm việc càng căng thẳng, áp lực tâm lý. Tôi nghĩ nếu mình không làm sẽ có những chiến sỹ khác sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhưng mình đã có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ ở đợt 1, nếu đồng đội khác làm sẽ mất thời gian làm quen, học hỏi phương pháp chỉ huy.
Điều để lại nhiều cảm xúc với Thượng tá Nguyễn Đình Bản là thái độ, trách nhiệm của đồng đội trước nhiệm vụ mới. Trước những hiểm nguy của đất nước, của Thủ đô, các cán bộ, chiến sỹ đã phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, thực hiện tốt nhiệm vụ một cách vô điều kiện, không nề hà bất cứ việc gì, thời gian nào, nguy hiểm đến đâu, miễn là phục vụ nhân dân được tốt nhất. Hiệu suất làm việc tăng lên mấy trăm phần trăm, liên tục không nghỉ nhưng không một lời kêu ca, phàn nàn, tinh thần phục vụ nhân dân luôn được đẩy đến mức cao nhất. Hai đợt tiếp nhận công dân cách ly, phục vụ cho hàng ngàn con người trong điều kiện đặc thù là điều không hề dễ dàng. Có ngày cao điểm, anh em cán bộ, chiến sỹ phải vận chuyển khoảng 2 tấn hàng tiếp tế cho công dân trong khu cách ly. Vất vả là thế nhưng cũng có lúc có công dân tỏ thái độ, buông lời lẽ không hay; một số công dân lúc đầu nhận thức chưa đúng, đòi hỏi phòng ở riêng; có công dân người nhà gửi nhiều đồ ăn vào nên bỏ thừa cơm; có công dân do điều kiện bản thân mà xin đề nghị ra trước thời gian cách ly… Bất luận trong tình huống nào, anh em cán bộ, chiến sỹ đều bình tĩnh, kiên nhẫn, gặp gỡ, trao đổi, động viên để công dân vui vẻ thực hiện cách ly theo đúng quy định. Không chỉ đồng chí Bản, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của BTLTĐ đều chia sẻ: Tuy có vất vả, gian khổ nhưng ai cũng đều cảm thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Hạnh phúc nhất chính là tình cảm của người dân dành cho cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Tình cảm đó chính là nguồn động viên lớn nhất, mọi mệt mỏi tan biến, động lực vì nhân dân phục vụ tăng thêm. Những tâm thư, những dòng lưu bút, nhật ký, những câu chuyện được ghi bằng thơ, bằng hình ảnh và những dòng cảm xúc tốt đẹp nhất của bà con trong các khu cách ly hoặc trở về nhà khi hết thời hạn là minh chứng chân thực và sinh động nhất về những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ trong phòng, chống dịch COVID-19.
Khi được hỏi, tham gia nhiệm vụ trong khu cách ly, trước tình hình số lượng công dân trong các khu cách ly tập trung dương tính với COVID-19 tăng, anh có nghĩ đến khả năng mình bị lây nhiễm mà e ngại? Anh Bản cười hiền: Không chỉ mình tôi, mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch khi đã nhận nhiệm vụ là xác định tư tưởng, bản lĩnh, ý chí sẵn sàng chiến đấu, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, đơn vị và nhân dân tin tưởng giao phó. Bất luận trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nào, Quân đội cũng là lực lượng đi dầu. Vì vậy, không có lý do gì để chúng tôi chùn bước.
Chia tay những cán bộ, chiến sỹ kiên cường, dũng cảm của BTLTĐ, chúng tôi thực sự xúc động. Trên mặt trận không tiếng súng, các anh chị một lần nữa đã khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, góp phần làm tỏa sáng phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đó cũng là cách người lính thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không chỉ dừng lại ở chỗ hiện hữu, phát huy cao độ, mà nó còn nảy nở, lan tỏa, khơi dậy tinh thần dân tộc, những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Một tấm gương sống còn hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền. Mỗi cán bộ, chiến sỹ BTLTĐ luôn chọn việc gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 đã thực sự là những tấm gương lan tỏa, có ý nghĩa nhất...
|