Loạt bài 5 kỳ “Sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân và câu chuyện phát triển Đảng” của nhóm tác giả Hiếu Công – Hoài Thu, nhóm trực quan, Báo điện tử Zing.vn đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Doanh nghiệp tư nhân và “lực kéo” cho nền kinh tế trong thập kỷ tới
Thủ tướng dùng từ "kỳ tích" để biểu dương nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân với cuộc chạy đua hơn 600 ngày tại dự án 4,2 tỷ USD. Nhiều nơi khác, kinh tế tư nhân cũng ghi dấu ấn.
Là một người làm thống kê hơn 30 năm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã quá quen thuộc với những con số về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu… Tuy vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, đến năm 2018, Việt Nam vẫn chưa có một thống kê đầy đủ về bức tranh doanh nghiệp.
Bởi vậy mà khi lần đầu Việt Nam công bố Sách Trắng vào tháng 7/2019, ông Lâm mang trong mình cảm giác bồi hồi, khó tả. Ông cho biết chưa bao giờ Việt Nam có một cuộc thống kê đầy đủ về bức tranh doanh nghiệp như thế. Thống kê được tổng hợp và gọi tắt là Sách Trắng Việt Nam.
Sách Trắng Việt Nam lần đầu được công bố cũng cho thấy một bức tranh doanh nghiệp với đầy đủ các gam màu. Trong đó, ông Lâm đặc biệt ấn tượng với gam màu sáng từ khối kinh tế tư nhân.
Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dùng từ “ngoài sức tưởng tượng” khi nhận định sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp tư nhân tính từ khi bắt đầu đổi mới đến nay.
Bà nhấn mạnh từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và tạo ra ngày càng nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người.
Bà Phương nhận định kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện đang được xây dựng để trình Đại hội XIII sẽ xác định động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới.
Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Quảng Ninh những năm 2000, ông Nguyễn Duy Hưng, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, nhớ lại khi xây được cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn, người dân vùng này coi như một “kỳ tích”. Khi có cầu, chẳng ai nghĩ Vân Đồn sẽ còn có cả sân bay quốc tế.
Lãnh đạo Quảng Ninh khi ấy cũng nghĩ rằng nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách, không biết đến bao giờ Vân Đồn mới có thể thay đổi bộ mặt, mới có đủ hàng nghìn tỷ để xây dựng một sân bay quốc tế.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt khi Vân Đồn là nơi đầu tiên có sân bay do tư nhân xây dựng. Cảng hàng không này đã đón vị khách đầu tiên vào cuối năm 2018, trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam.
Ông Hưng đánh giá đó là bước tiến lớn khi tận dụng được kinh tế tư nhân tham gia một lĩnh vực khó mà xưa nay ai cũng nghĩ chỉ Nhà nước mới làm được.
Không chỉ riêng Quảng Ninh, trên cả nước, rất nhiều dự án lớn và khó, mang dấu ấn các doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành nhiều năm qua. Có thể kể đến một số dự án hạ tầng như hầm đường bộ Đèo Cả (26.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.200 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng)…
Có xuất phát điểm tương đồng như Vân Đồn, vùng đất Cát Hải của Hải Phòng, vốn là vùng nước lợ ven biển, người dân sống chủ yếu với nghề nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, Cát Hải đã thay đổi hoàn toàn khi trở thành một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước sau chưa đầy 2 năm.
Cát Hải là nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô thương hiệu Việt đầu tiên - VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Đến dự cả lễ khởi công và khánh thành nhà máy trong vòng 650 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng từ "kỳ tích" để biểu dương cho nỗ lực của doanh nghiệp cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự khởi công và khánh thành nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà & VGP.
Không chỉ các dự án hạ tầng và ôtô, một ngành "khó xơi" khác là hàng không cũng mang đậm dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân. Kể từ khi bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã giúp định vị lại ngành này và vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á. Vietjet cũng nổi tiếng trên thị trường thế giới với hàng loạt hợp đồng mua máy bay trị giá lên đến cả chục tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm. Một số doanh nghiệp khác thì vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát...
9 doanh nghiệp tư nhân này đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán. Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)...
Theo Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là cứ 100 lao động, thì 85 người làm việc trong khối tư nhân.
Vốn đầu tư của khối tư nhân đã tăng nhanh trong nền kinh tế. Nếu năm 2010, vốn tư nhân chỉ chiếm 36,1% thì đến năm 2018 đã tăng lên 43,27%. Như vậy, chỉ tính riêng năm 2018, vốn đầu tư của khối tư nhân là 803.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”.
Tại diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế”.
Nhiều chuyên gia nhận định khối kinh tế tư nhân đã có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò quan trọng để tạo ra việc làm, thu ngân sách, củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ông Nguyễn Đức Tùng vốn là giảng viên Đại học Quốc tế Mahidol (Bangkok, Thái Lan), tư vấn viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bước ngoặt công việc đến với ông vào năm 2017 khi Chính phủ thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Lần đầu tiên, Thủ tướng đồng ý đã thành lập một ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, mà thành viên đa phần là các doanh nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Ban này có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu một số thể chế, chính sách để phát triển khối kinh tế tư nhân. Ông Tùng từ bỏ vị trí tại ADB về làm việc cho Ban IV và hiện là Giám đốc Văn phòng thường trực Ban IV. Đồng thời, ông cũng là Giám đốc Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF).
Ông Tùng đánh giá để có sự lớn mạnh của khối tư nhân hiện nay, phải nhắc đến nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã thay đổi hoàn toàn tư duy và nhận thức về kinh tế tư nhân. Điều đó thể hiện ở một loạt hành động cụ thể mang đậm dấu ấn cá nhân người lãnh đạo.
Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức vào năm 2016, Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với doanh nhân tư nhân cả nước tại Dinh Thống nhất (TP.HCM). Nhiều người ví đây là cuộc họp “Diên hồng” mà Chính phủ tổ chức để lắng nghe ý kiến doanh nhân tư nhân cho con đường phát triển.
Một năm sau đó, hội nghị “Diên hồng” được tổ chức lần hai và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân. Thủ tướng đã ngồi nghe kiến nghị của doanh nhân và ngay buổi chiều là cuộc họp kín với các bộ ngành để tháo gỡ các vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp.
Song song với đó, Ban IV được thành lập năm 2017 để giúp Chính phủ nghiên cứu những thể chế, chính sách khơi thông khối tư nhân phát triển. Ban này là đầu mối chính giúp Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã tới dự và trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp tư nhân.
Theo bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Đảng và Nhà nước đã thay đổi tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân rất rõ sau vài thập kỷ đổi mới.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 12 tại Hội nghị Trung ương 5 cũng xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
“Đảng và Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đây là một thay đổi rất lớn trong nhận thức”, bà Mai Phương đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Tùng ví sự thay đổi nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân giống như việc “phát quang một con đường mòn”. Ông nhấn mạnh khi khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm, sức bật sẽ ngày càng lớn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, xã hội.
“Nếu không thay đổi tư duy thì khối tư nhân mãi giống như một con đường mòn khó đi. Nhưng khi được quan tâm và cởi trói, con đường mòn như được phát quang bụi rậm 2 bên, từ đó có thể di chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều”, ông ví von.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng nếu ví cả nền kinh tế như một cỗ máy, thì kinh tế tư nhân đóng vai trò “động cơ” chủ lực để kéo cả cỗ máy tiến lên phía trước. Nói như vậy để thấy vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân, đặc biệt trong chiến lược phát triển 10 năm tới của Việt Nam.
Ông Lâm phân tích Đảng đã xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nghĩa là Nhà nước chỉ nắm giữ những ngành then chốt, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, những ngành mà tư nhân không thể làm được, không muốn làm. Bằng chứng là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đốc thúc đẩy nhanh. Nhà nước sẽ thoái vốn ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề.
Trong khi đó, Việt Nam cũng không thể mãi phụ thuộc vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như vậy, kinh tế tư nhân trong nước chính là chìa khóa cho động lực phát triển, giúp nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Giữa những thuận lợi đó, ông Lâm nhấn mạnh khối tư nhân trong nước phải vươn lên nắm lấy cơ hội. Tuy nhiên, bà Phan Ngọc Mai Phương cho rằng khối tư nhân phải khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế của mình để có thể lớn mạnh hơn nữa, vươn tầm thế giới, có thể tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Phương cho biết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng suất lao động còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu liên doanh liên kết, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh… Đó là những thách thức không dễ gì khắc phục ngày một ngày hai.
“Vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tư tưởng lách luật, tận dụng kẽ hở của luật pháp để làm giàu. Họ không nghĩ cần kinh doanh, làm giàu hợp pháp. Nếu vậy, sự phát triển sẽ không bền vững, không thể trở thành những doanh nghiệp lớn mạnh vươn tầm thế giới”, bà nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết số vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập khá thấp, chứng tỏ quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Ông cũng cho biết phần lớn doanh nghiệp đăng ký là liên quan đến ngành dịch vụ, buôn bán. Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất chưa nhiều.
“Nền kinh tế cần nhiều doanh nghiệp sản xuất, tạo ra giá trị vật chất hơn. Như vậy mới căn cơ và bền vững”, ông Lâm nhận định.
Khi phát biểu trước đông đảo doanh nhân tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn kinh tế tư nhân trong nước phải có khát vọng để vươn tầm quốc tế. Song song với đó, ông cũng yêu cầu các cơ quan Chính phủ tháo gỡ hơn nữa về thể chế tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển.
Thủ tướng cũng nhắn nhủ các nhà doanh nghiệp không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.
“Doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Cùng với đó là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Với vai trò là Giám đốc Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đức Tùng đặc biệt ấn tượng với 10 “từ khóa” mà người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ với cộng đồng doanh nhân tư nhân trong phiên đối thoại. Những từ khóa là: Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội.
“Cơ hội đã thực sự được trao đến tay khối tư nhân”, ông Tùng nói.
Bài 2: Infographic: Sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam
Tư nhân đóng góp trên 42% GDP và 53% cơ cấu vốn của nền kinh tế Việt Nam. Sự lớn mạnh còn thể hiện rõ qua việc giải quyết công ăn việc làm cho xã hội.
Bài 3: Nước ngoài làm được thì doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Zing.vn trao đổi với chủ tịch, CEO của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu như Vingroup, Sungroup, FLC, THTrueMilk... về khát vọng Việt.
Theo thống kê, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp 42% GDP, 53% cơ cấu vốn và 85% việc làm cho nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định những năm vừa qua, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới nhận định những năm qua, kinh tế tư nhân đang nổi lên là một động lực quan trọng cho tốc độ phát triển các năm tiếp theo.
Nói với Zing.vn, các doanh nhân đồng tình cho rằng chỉ cần Đảng và Nhà nước quan tâm, động viên, khối kinh tế tư nhân sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đánh giá khối kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của tư duy đổi mới của Đảng và Chính phủ, chắc chắn khu vực này sẽ có sự phát triển mạnh mẽ.
“Tiềm năng còn lại rất lớn, quan điểm của chúng tôi là những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì người Việt chúng ta cũng sẽ làm được”, CEO Vingroup chia sẻ.
Phó chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân Việt cũng có thể tạo ra những đột phá lớn nếu biết áp dụng khoa học, công nghệ vào vận hành. Nhất là khi Việt Nam cùng với thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Trong cuộc cách mạng 4.0 lần này, các công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, năng suất lao động còn rất thấp, nếu chúng ta ứng dụng khoa học, công nghệ vào vận hành thì có thể tạo ra các đột phá lớn”, ông Quang chia sẻ.
Vingroup thành lập năm 1993, là tập đoàn đa ngành, được coi là doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Giá trị vốn hóa tính đến ngày 11/10 là khoảng 390.000 tỷ đồng (khoảng 17 tỷ USD).
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho rằng đóng góp của khối kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, không chỉ dừng lại ở mức 42% GDP và 30% thu ngân sách.
Ngoài vai trò là động lực tăng trưởng, theo ông Trường, khối kinh tế tư nhân đã khẳng định được vị thế khi ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp chế tạo cho đến du lịch, dịch vụ.
“Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động mà còn góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, tạo những chuỗi giá trị sản xuất mới”, ông nói.
Dẫn ví dụ ở lĩnh vực hạ tầng hàng không, ông Trường chỉ rõ trước kia, xây hạ tầng hàng không đều do Nhà nước đảm nhận, thậm chí được xem như “độc quyền”. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xây dựng sân bay, điển hình là sân bay Vân Đồn do tập đoàn này đầu tư.
“Tư nhân giúp giải bài toán nhu cầu vốn rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp”, ông Trường nói.
Theo ông, nguồn lực dồi dào, tinh thần khởi nghiệp, lòng yêu nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ là những nền tảng để hình thành nên các tập đoàn kinh tế mang thương hiệu quốc gia nhưng đạt tới tầm vóc quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đánh giá cao những cam kết và hành động của Đảng và Chính phủ thời gian qua trong việc nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, năng lực quản trị Nhà nước, cải cách môi trường kinh doanh.
“Đó là những giải pháp mạnh mẽ chạm đúng những điểm nghẽn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của khối doanh nghiệp tư nhân”, ông này nói.
Ông Trường mong muốn sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa về các vấn đề như chính sách huy động vốn, tín dụng, đất đai, hay chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Đây là những nội dung sát sườn trong mọi hoạt động đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, ông mong muốn những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ đề ra sẽ được triển khai thông suốt, đồng bộ, tích cực từ trên xuống dưới, tránh việc xuống đến địa phương, cơ sở lại bị ách tắc, cản trở.
“Trong một môi trường đầu tư thuận lợi, những doanh nghiệp yêu nước như chúng tôi không có lý do gì lại không dốc sức, dốc lòng để cống hiến cho đất nước”, ông Đặng Minh Trường chia sẻ.
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà sáng lập Tập đoàn TH, cho rằng khối doanh nhân như những chiến sĩ thời bình trên mặt trận phát triển kinh tế.
Để tạo động lực cho khối tư nhân phát triển, bà Hương nhấn mạnh 2 yếu tố là thể chế chính sách và tinh thần doanh nhân.
Theo đó, để nuôi dưỡng khối kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, Chính phủ cần có một thể chế chính sách tốt, thu hút doanh nghiệp làm ăn kinh doanh. Thể chế này cũng giúp khích lệ doanh nghiệp tận dụng những thế mạnh của đất nước để phát triển kinh tế.
Song song với đó, bà Thái Hương cho rằng Chính phủ cũng cần cổ vũ tinh thần dám nghĩ dàm làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước. Bà nhấn mạnh chính sách tốt phải luôn đi liền với cổ vũ tinh thần doanh nhân thì mới đạt được hiệu quả.
“Động lực là phải nói đến 2 mặt: Thể chế chính sách và tinh thần doanh nhân. Thể chế chính sách mà làm theo sự vô cảm thì khó trở thành động lực”, bà chia sẻ.
Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á đánh giá những năm vừa qua, Chính phủ đã ngày càng quan tâm hơn đến khối kinh tế tư nhân ở cả thể chế chính sách và cổ vũ tinh thần. Bà cũng mong muốn các thể chế chính sách phải ngày càng thiết thực và thông thoáng hơn. Song song với đó là các chính sách hỗ trợ những ngành đặc thù như nông nghiệp.
Nhiều năm gắn bó với mảng nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương nhận định thể chế chính sách lĩnh vực này còn chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư. Đến nay, số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn, rất cần đội ngũ doanh nhân tư nhân trong nước khai phá.
Để tận dụng được tiềm năng đó, bà Thái Hương đề xuất Chính phủ hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy tư nhân đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Bà cũng mong muốn Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, làm thương hiệu, công cụ lao động, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực… giúp doanh nghiệp dễ dàng cạnh tranh với những nền nông nghiệp phát triển lâu đời ở nước ngoài.
Mô hình hợp tác xã công nghệ cao với 2 chủ thể là doanh nghiệp và người nông dân cũng cần được hoàn thiện các thể chế cần thiết. Khi đó doanh nghiệp lo giống, khoa học kỹ thuật, thị trường… còn người nông dân cùng nhau tích tụ ruộng đất thông qua hợp tác xã.
“Như vậy cần có từng chính sách cho từng khung bậc khác nhau. Chính sách với hợp tác xã, chính sách với doanh nghiệp, chính sách với người nông dân…”, bà Hương nói.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, nhắc đến lĩnh vực khó là hàng không để nói về dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân.
“Ngành hàng không có sự tham gia năng động của những thương hiệu tư nhân đang trở thành nhân tố thúc đẩy đổi mới cho ngành này về nhiều mặt. Từ đó mang lại cơ hội trải nghiệm dịch vụ hàng không chất lượng cho hàng triệu người”, CEO Tập đoàn FLC nói.
Rộng hơn, bà Dung cho rằng bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân đang thể hiện đậm nét và có tác động lan tỏa ngày càng sâu rộng đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
“Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 10, khối doanh nghiệp tư nhân được bảo vệ hơn cũng như có sân chơi tốt hơn khi tham gia các lĩnh vực kinh tế”, bà Dung nhận định.
Tuy nhiên, CEO FLC cho rằng nếu nhìn từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân hoạt động đa ngành, vẫn còn một số vướng mắc cần sự hỗ trợ của Chính phủ để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.
Trước hết, bà Dung nhìn nhận quy trình nội bộ của các cơ quan Nhà nước, có thể hiểu là sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan Nhà nước, các cơ quan chuyên môn của địa phương hay giữa các cơ quan trong cùng một bộ, ngành, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ.
“Việc doanh nghiệp chờ vài tháng, hay thậm chí cả năm, để xin ý kiến trả lời từ các bộ, ngành là điều không hiếm. Điều đáng nói ở đây là không có bất cứ chế tài nào với các cơ quan nhà nước khi chậm trả lời doanh nghiệp”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật cũng còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, chứa đựng mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật với những văn bản dưới luật. Từ đó, cả cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án.
Bà Dung nhấn mạnh thực trạng này đang làm suy giảm tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và cản trở cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, CEO FLC cho rằng Chính phủ cũng chưa có những giải pháp cụ thể để tạo hành lang phát triển cho những doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn, có thể đóng góp tối đa vào sự đi lên bền vững của nền kinh tế.
Theo bà Dung, các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành và phát triển sau một giai đoạn tích lũy, dựa vào vốn tự có và gần như chưa được Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách. Đặc biệt là các chính sách trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin...
“Sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI đôi khi vẫn còn hiện diện”, vị này nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, CEO FLC mong muốn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có những thay đổi mang tính chiến lược. Đó là việc tiếp tục bãi bỏ độc quyền, đặc quyền ở các lĩnh vực không còn cần thiết phải giữ thế độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước.
“Cần đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực để doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước có thể cùng nhau phát triển”, bà Dung bày tỏ mong muốn.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne (hay còn được gọi là Shark Liên khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam), cho rằng tiềm năng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn, đó là dư địa quan trọng để khối doanh nghiệp tư nhân tận dụng và vươn lên trong thập kỷ tới.
“Thị trường Việt Nam với 100 triệu dân, dân số trẻ và thu nhập không ngừng tăng lên. Các doanh nghiệp khổng lồ thế giới đang nhìn vào Việt Nam với ánh mắt long lanh rất thèm khát”, bà Liên nói.
Bà Liên nhấn mạnh kinh tế tư nhân là nòng cốt, động lực của nền kinh tế. Việc Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến khối kinh tế tư nhân là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn còn những vấn đề đặt ra cần thay đổi. Điển hình là việc ổn định thể chế, chính sách cho doanh nghiệp. Bà nêu thực trạng một số chính sách thay đổi khiến doanh nghiệp “không kịp trở tay”, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững.
“Chúng tôi có thể huy động được nguồn vốn nhưng phải có cơ chế để an tâm xây dựng một cách bền vững trong lĩnh vực. Như vậy chúng tôi mới có thể vừa đưa sản phẩm tốt nhất đến người dân, vừa có lợi nhuận để tồn tại”, bà Liên chia sẻ.
Bà đề xuất những người làm chính sách cần có thực tiễn, xuống tận cơ sở để lắng nghe người dân và doanh nghiệp. Như vậy các chính sách mới đi vào cuộc sống và lâu dài.
Bài 4: Vừa chú trọng doanh nghiệp nhỏ, vừa xây dựng những tập đoàn tư nhân lớn
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự phát triển khối kinh tế tư nhân. Ông cho rằng cần gỡ bỏ các rào cản hơn nữa khối này ngày càng lớn mạnh hơn.
Kinh tế tư nhân được Đảng xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Đến nay, cả nước đã có 542.000 doanh nghiệp tư nhân, đóp góp quan trọng cho tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm, thu ngân sách Nhà nước.
Làm thế nào để khuyến khích hơn nữa tiềm năng của khối tư nhân, cũng như giúp nuôi dưỡng những doanh nghiệp tư nhân vươn tầm quốc tế là nội dung mà Đảng và Chính phủ ngày càng quan tâm.
Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cơ quan tham mưu giúp Đảng triển khai nghị quyết về kinh tế tư nhân vào cuộc sống, để có thêm góc nhìn về vấn đề này.
- Xin ông cho biết những kết quả quan trọng nhất sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết 10) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Ông đánh giá thế nào về tầm vóc của khối kinh tế tư nhân trong nền kinh tế hiện nay?
- Nghị quyết 10 đang đi vào cuộc sống và từng bước phát huy tác dụng tích cực, phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Trong giai đoạn 2017-2019, Nhà nước tập trung thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 10.
Đó là việc triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (đạt trên 50%). Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, giảm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển.
Gần đây, chúng ta chứng kiến phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ chưa từng có, mỗi năm ước có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, chưa kể khoảng 30.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 1,3-1,5 triệu tỷ đồng và tạo khoảng 1,1 triệu việc làm mới.
Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp.
Đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế từng bước được nâng cao. Đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp 42% GDP, chiếm hơn 40% tổng đầu tư toàn xã hội, hơn 83% lực lượng lao động đang làm việc.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 10 còn nhiều thách thức và nhiều vấn đề cần giải quyết.
- Việc thay đổi nhận thức về khối kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào cho sự phát triển của khối này?
- Tư duy, nhận thức của Đảng ta về vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự đổi mới, phát triển căn bản, phù hợp với thực tiễn khách quan, từ chỗ xem nhẹ đến xác định “là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đến nay, Đảng coi “là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, đồng thời khẳng định “xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân” và “kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.
Đảng thống nhất quan điểm và kiên định đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn để nuôi dưỡng, phát triển kinh tế tư nhân.
Ban Kinh tế Trung ương đã và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết 10 thông qua tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông và các sự kiện, diễn đàn quốc gia.
Từ đó góp phần thống nhất nhận thức và thúc đẩy hành động có trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tạo khí thế phấn khởi, tinh thần lạc quan cho phong trào khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và lấy doanh nghiệp, doanh nhân làm trung tâm, Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, VCCI, VTV triển khai Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đến 31/12.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để ngày càng có nhiều doanh nghiệp vươn tầm khu vực, thế giới?
Nghị quyết 10 đã khẳng định khuyến khích và tạo tiền đề hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô lớn, tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Để phát triển được các doanh nghiệp vươn tầm khu vực và thế giới, cần triển khai một số vấn đề.
Thứ nhất, doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển nhanh, bền vững với tầm nhìn đột phá và khát vọng liên tục vươn lên vị trí hàng đầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân. Phải hình thành đội ngũ doanh nhân có đức, có tài, trí tuệ và bản lĩnh, đặc biệt là có ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội, điều kiện hiện thực hóa khát vọng.
- Trong thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương có rất nhiều nỗ lực để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt là dấu ấn tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân. Tại diễn đàn, Ban nhận được những kiến nghị gì từ cộng đồng doanh nghiệp về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh? Những vấn đề nào mà doanh nghiệp có nhiều ý kiến nhất?
- Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân hồi tháng 5/2019 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền và nhìn lại sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10. Diễn đàn cũng tạo cơ hội cho đối thoại công - tư một cách thẳng thắn, thực chất.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề, tập trung chủ yếu vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về các quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản thị trường.
Doanh nghiệp cũng mong muốn tạo điều kiện tham gia thị trường và có nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa, tiếp cận tài chính, vốn, đất đai và phát triển hạ tầng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, giảm chi phí kinh doanh, phát triển du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
- Trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 sẽ tiếp tục với những nhiệm vụ trọng tâm gì để kinh tế tư nhân đóng góp lớn hơn nữa cho nền kinh tế?
- Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân như đã nêu tại Nghị quyết 10, theo tôi chúng ta cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường thống nhất nhận thức, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và xã hội về phát triển kinh tế tư nhân. Tạo niềm tin vững chắc của doanh nghiệp đối với các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, tập trung thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được tham gia và giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.
Thứ ba, cần tạo bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.
Chúng ta cần mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thuận lợi hóa thương mại và giảm chi phí trung gian (chính thức, phi chính thức).
Thứ tư, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thiết thực, hiệu quả theo cơ chế thị trường, vừa trú trọng các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vừa tập trung xây dựng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân.
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trọng tâm là tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bài 5: Xây dựng Đảng trong khối kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh
Khối kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Do đó, việc phát triển Đảng trong khối này đang là vấn đề thực tiễn quan trọng đặt ra.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI), còn nhớ như in “ngày đặc biệt” vào mùa thu năm 2006. Đó là buổi lễ kết nạp đảng viên mới với cờ hoa trang trọng, lại vừa ấm cúng, nơi sếp của ông Cường, Chủ tịch HĐQT COLAVI, là “trung tâm” của mọi sự chú ý.
Buổi lễ có mặt rất đông đồng nghiệp với ảnh mắt vừa tò mò, vừa lạ lẫm, bởi ở một doanh nghiệp tư nhân như COLAVI, buỗi lễ tương tự chưa từng diễn ra. Chủ tịch HĐQT COLAVI Đinh Hoàng Liên là trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trên địa bàn toàn huyện Đông Triều (Quảng Ninh) được kết nạp Đảng.
Không chỉ tại huyện Đông Triều, trên cả nước, việc một chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp Đảng viên mới vẫn còn là chuyện chưa phổ biến. “Thờ ơ”, “không mặn mà”, “thiếu thiết tha” là những từ mà nhiều người miêu tả về việc phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay.
Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp. Trong tương lai, khối kinh tế tư nhân hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân là thực tiễn đặt ra với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Zing.vn đã khảo sát, tìm hiểu thực tế tại nhiều doanh nghiệp tư nhân, tổ chức Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để thấy được những khó khăn, thách thức khi phát triển tổ chức Đảng và đảng viên mới.
Trong buổi công bố Sách Trắng Việt Nam 2019 vào cuối tháng 7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”.
Ông nhấn mạnh chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại nhiều như thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng và quy mô doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Năm 2018, Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp đã tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp. Điều này có nghĩa số doanh nghiệp tư nhân đang chiếm 96,8% tổng lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Một thống kê khác cho thấy khoảng 85% lao động đang làm việc cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghĩa là cứ 100 người lao động trên cả nước thì có 85 người đang làm việc cho khối này. Số này đang trực tiếp lao động trong nhiều ngành nghề mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Theo một số chuyên gia, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 đưa con số lên 1,5 triệu. Đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp. Do đó, việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối kinh tế tư nhân là thực tiễn đặt ra ngày càng quan trọng. Đây cũng là thách thức không nhỏ khi số lượng tổ chức Đảng và đảng viên trong khối tư nhân đang còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo thống kê của Ban Bí thư, đến nay, đã có 12.088 tổ chức Đảng, 182.995 Đảng viên trong khối doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, với 85% lực lượng lao động đang làm việc cho khối kinh tế tư nhân (khoảng 47 triệu người), tỷ lệ người lao động là đảng viên chưa đầy 0,4%.
Một ví dụ điển hình tại Hà Nội, tỷ lệ người lao động trong khối kinh tế tư nhân là đảng viên đang rất nhỏ. Hiện, Hà Nội có trên 267.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97,2%, đóng góp hơn 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động trên địa bàn.
Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có 2.764 hội viên, nhưng giai đoạn 2017-2018, mới chỉ giới thiệu được 15 cán bộ và công nhân ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng. Sau đó, chỉ 6 đảng viên mới được kết nạp và duy nhất 1 đảng viên là chủ doanh nghiệp.
Trong 5 năm, Hiệp hội này mới chỉ giới thiệu được 25 cán bộ và công nhân ưu tú học lớp cảm tình Đảng và kết nạp được 7 đảng viên. Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, từng buồn bã thừa nhận việc phát triển đảng viên mới chưa tương xứng với mong đợi.
Là một sĩ quan quân đội về hưu, ông Mai Đức Quyết, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Hòa Hợp (Cẩm Phả, Quảng Ninh), cho rằng phát triển Đảng ở doanh nghiệp tư nhân mang nhiều nét đặc thù bởi đối tượng kết nạp là những lao động thuần túy, không có động cơ phấn đấu về chính trị. Ông nhấn mạnh lao động rất ngại bị ràng buộc vào tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người Đảng viên là cái khó trong phát triển Đảng.
“Ngại” cũng là điều mà ông Mạc Quốc Anh chia sẻ về thực trạng phát triển Đảng viên trong khối tư nhân ở Hà Nội. Cái "ngại" chính của lao động là mất thời gian.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), cũng chia sẻ việc vận động, thuyết phục một số chủ doanh nghiệp vào Đảng còn khó khăn vì họ sợ gò bó.
Ông cho biết trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ, số lượng công nhân ít nên vận động họ thành lập tổ chức Đảng không dễ dàng gì. Đặc biệt khi thành lập, chi bộ Đảng tại doanh nghiệp đó lại không được hỗ trợ bất cứ khoản kinh phí nào để hoạt động.
Ông Phan Văn Tỉnh, Phó ban Tổ chức Quận ủy Hồng Bàng (Hải Phòng), nêu những câu chuyện từ thực tế trên địa bàn. Dù Quận ủy rất quan tâm đến phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chỉ lo làm kinh tế, thậm chí nhiều người từ chối vì “bận làm kinh tế”.
Đến động viên “mòn cả cổng” mà chủ doanh nghiệp vẫn không vào Đảng là thực tế mà bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thái Gia (Cẩm Phả, Quảng Ninh), kể khi tâm sự về những khó khăn trong việc vận động chủ doanh nghiệp vào Đảng cũng như xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
“Có những khi đến động viên mòn cả cổng công ty nhưng chủ doanh nghiệp vẫn không muốn vào Đảng, doanh nghiệp cũng không chịu thành lập được tổ chức Đảng”, bà Hương kể.
Lo ngại vào Đảng "không được lợi gì", lại mất nhiều thời gian họp hành, báo cáo, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh là điều mà bà Hương thường nhận được từ những doanh nghiệp tư nhân mình đến vận động.
Trong khi đó, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Đình Cảnh nêu khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi thuyết phục các chủ doanh nghiệp lớn.
"Kết nap chủ doanh nghiệp rất vất vả, thậm chí vất vả gấp 10 lần so với một quần chúng ưu tú bình thường. Khi đó chúng tôi phải xuống tận doanh nghiệp vận động, thậm chí phải khai hộ lý lịch, hoàn thiện hồ sơ vì họ ngại và công việc rất bận", ông nói.
Ông Cảnh nhắc đến thực trạng quy trình kết nạp phải thẩm tra xác minh rất kỹ qua nhiều bước. Doanh nghiệp phải cung cấp nhiều tài liệu như báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo thuế, thu nhập cho người lao động, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh…
“Đó là lý do nhiều người rất sợ, rất ngại”, ông nói.
Nói về việc phát triển Đảng trong khối kinh tế tư nhân, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nhấn mạnh đến 2 yếu tố là tư duy và cách làm.
Về tư duy, ông Thưởng nhắc đến và đánh giá cao chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Ông nhận định đây là sự đổi mới trong tư duy của Đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân. Đặc biệt khi kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế đã được Đảng nhìn nhận và rất coi trọng tại những kỳ đại hội gần đây.
“Nếu chủ doanh nghiệp là người tốt, đủ tiêu chuẩn thì đưa họ vào Đảng là việc tốt chứ. Bởi họ là người có vốn trong tay, có tầm nhìn và năng lực quản lý, lại thêm tinh thần yêu nước, chắc chắn sẽ có đóng góp tốt hơn so với một người bình thường không có gì trong tay”, ông Thưởng nêu quan điểm.
Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng Đảng đã coi trọng và khuyến khích kinh tế tư nhân từ rất lâu nên việc đưa chủ những doanh nghiệp này vào Đảng là hoàn toàn đúng đắn, cần được đẩy mạnh.
Về hành động, ông Thưởng nhắc đến Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30/1/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Ông cho rằng hướng dẫn chính là việc Đảng cụ thể hóa những quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn… để kết nạp đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân. Bằng chứng là sau khi ban hành Hướng dẫn, đến nay, việc phát triển đảng viên trong khối tư nhân đã đạt được những thành công nhất định.
Để tăng cường phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này, ngày 18/3/2019, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký chỉ thị về việc tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Chỉ thị đã nêu 10 nội dung trọng tâm yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung về phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân.
Từ thực tiễn, ông Nguyễn Kiên Cường cho rằng việc thành công hay không chủ yếu là do con người. Ông nhấn mạnh quan điểm, các bước thực hiện đã được Đảng hoàn thiện, vấn đề là việc vận dụng tại cơ sở và sự quyết tâm của người đứng đầu.
Ông Cường nêu ví dụ tại COLAVI, xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên được doanh nghiệp coi trọng, do đó đạt được những thành công nổi bật. Từ đó, công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng thuận lợi theo. Doanh thu năm 2018 của công ty đạt 736 tỷ đồng, thu nhập trung bình của người lao động tại đây cũng đạt trên 11 triệu đồng/người/tháng.
Ông biệt, ông Cường nhấn mạnh đến tâm lý người lao động trong doanh nghiệp tư nhân muốn phấn đấu vào Đảng vì niềm tự hào của gia đình, quê hương và trách nhiệm với xã hội.
Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm chuyến đi “về nguồn” thăm Chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), ông Đào Văn Ái, Bí thư chi bộ Công ty phát triển KCN Nomura - Hải Phòng, lại nhớ đến một thành viên đặc biệt, đó là vị tổng giám đốc người Nhật Bản đi cùng đoàn. Chuyến đi được tổ chức cho 19 thành viên trong chi bộ để tìm hiểu về lịch sử của Đảng trong những năm kháng chiến.
Khi đó, vị tổng giám đốc người Nhật đã xung phong đi cùng. Sau chuyến đi, vị này đánh giá các hoạt động của chi bộ Đảng thiết thực, hữu ích và rất phù hợp, giúp ông hiểu thêm được con người, đất nước và lịch sử Việt Nam. Ông cũng cho biết sẽ mang hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam về Nhật để quảng bá, để 2 đất nước giao lưu.
Công ty phát triển khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng có 70% vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đơn vị này lại là một “ngôi sao” trong việc phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Đến nay, toàn chi bộ đã có 19 đảng viên, trở thành một trong những chi bộ Đảng trong doanh nghiệp tư nhân thành công nhất tại Hải Phòng.
Chuyến đi về nguồn đã chứng tỏ việc xây dựng Đảng tại đây nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo doanh nghiệp người nước ngoài. Đó cũng là một trong những mô hình, cách làm hay giúp cho việc phát triển Đảng trong khối tư nhân ngày càng đạt nhiều kết quả.
“Phải tranh thủ được sự quan tâm của lãnh đạo là người nước ngoài, để họ thấy tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có ý nghĩa, giúp cho hoạt động kinh doanh tốt hơn, phục vụ cho lợi nhuận kinh doanh nhiều hơn khi các Đảng viên luôn nỗ lực, cống hiến”, Phó tổng giám đốc Trịnh Tuấn Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cũng có những kết quả khá ấn tượng trong công tác kết nạp, xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Trong vòng khoảng 7 năm đã phát triển thêm được 200 đảng viên trên địa bàn, hầu hết chủ doanh nghiệp tư nhân đã vào Đảng.
Là một lãnh đạo gắn bó với công tác xây dựng Đảng, ông Hoàng Văn Thắng, Phó bí thư thường trực Thị ủy Đông Triều có góc nhìn rất lạc quan.
Theo ông, kể từ Đại hội XII của Đảng, việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng và xây dựng Đảng trong doanh nghiệp đã cởi mở hơn. Từ chủ trương đó, Thị ủy Đông Triều tích cực thay đổi, vận động được nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.
“Mới đây nhất, địa phương đã có 4-5 chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp. Bản thân họ rất khao khát vào Đảng, thấy việc Đảng quan tâm đến xây dựng hệ thống chính trị trong doanh nghiệp tư nhân họ rất mừng, thấy Đảng gần gũi nên rất muốn gắn bó”, ông Thắng chia sẻ.
So sánh với giai đoạn khi chưa thực hiện kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, Phó bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết trước đây không quản lý được những đảng viên ở doanh nghiệp không có tổ chức Đảng, vì họ thường sinh hoạt ở nơi cư trú nhưng lại rất bất cập khi thời gian chủ yếu dành cho đi làm ở đơn vị, không có thời gian sinh hoạt. Nguy hiểm hơn là khi đó không phát triển Đảng được nếu trong doanh nghiệp không có tổ chức Đảng.
Nhưng nay, khi hầu hết chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và đều có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì việc quản lý rất nghiêm túc, tổ chức Đảng phát triển rất mạnh. Theo Phó bí thư Đông Triều, khi chủ doanh nghiệp vào Đảng thì họ tham gia vào các hoạt động rất tốt và đặc biệt, rất vì chính quyền.
Ví dụ khi Đông Triều phát động chương trình “Bể bơi cho em” để chống đuối nước từ 4 năm trước, các doanh nghiệp đã cùng đồng hành xây 21 bể bơi với trị giá 700 triệu đồng/cái trên địa bàn 21 phường, xã để phổ cập cho học sinh tiểu học, THCS biết bơi.
Hay nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như xây dựng đường, làm cỏ nhân tạo hay các nhà vệ sinh trong trường học, tổ chức các hoạt động như trung thu cho các em nhỏ, từ thiện trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn… đều có sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp.
heo ông Thắng, mảng xây dựng Đảng trong doanh nghiệp của Đông Triều đang được thực hiện rất tốt. Nhờ có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, các đảng viên luôn gương mẫu và có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn hẳn, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của Đông Triều.
“Mấy năm qua Đông Triều liên tục tăng trưởng hơn 14% trở lên. Năm 2018, bình quân thu nhập đầu người ở Đông Triều là hơn 4.100 USD, chỉ đứng sau 4 thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, ông Thắng phấn khởi chia sẻ.
Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Đình Cảnh cũng chia sẻ những cách làm hiệu quả đang được thành phố tiến hành. Theo đó, để giảm thủ tục, phiền hà khi làm hồ sơ kết nạp đảng viên, cơ quan chức năng đã cử cán bộ xuống hỗ trợ, giải quyết. Mỗi lễ kết nạp đều có lãnh đạo xuống dự và động viên. Thậm chí, Thành ủy Hà Nội còn hỗ trợ kinh phí sinh hoạt Đảng cho những tổ chức cơ sở của tư nhân. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục vẫn đang được đẩy mạnh, để chủ doanh nghiệp thấy được các lợi ích khi vào Đảng.
“Họ thấy được giá trị, doanh nghiệp làm ăn chuẩn chỉ hơn, đó là thành công lớn”, ông Cảnh chia sẻ.
Doanh nghiệp làm ăn "chuẩn chỉ hơn" cũng là điều mà ông Nguyễn Kiên Cường thấm thía và tâm đắc sau quá trình dài phát triển Đảng. Ông nhấn mạnh nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên và là bí thư chi bộ thì sẽ hướng doanh nghiệp hoạt động “chuẩn chỉ”, đúng pháp luật. Bởi một khi đã là đảng viên thì ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của họ cũng cao hơn rất nhiều.
“Khi chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và doanh nghiệp có tổ chức Đảng cũng sẽ tạo được vị thế, uy tín tốt với các đối tác trên thị trường, từ đó, doanh nghiệp sẽ làm ăn tốt và ngày càng có uy tín”, ông Cường đúc rút.
Hiếu Công - Hoài Thu