Tác phẩm “Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội” của tác giả Vân Tâm, Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng đoạt Giải A - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho tác giả và nhóm tác giả đoạt giải
Kỳ 1: Đảng viên phải thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm!
Thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng của mạng internet, nhiều đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội ta, bởi cùng với những người khác, các đảng viên có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, kể cả của Đảng.
Tuy nhiên, trong số này, có một số đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, kể cả có người đang công tác ở các cơ quan của Đảng, của chính quyền. Chẳng hạn, có đảng viên liên tục đưa các thông tin không được kiểm chứng trôi nổi trên internet về một số vị lãnh đạo của Đảng và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có ý kiến, phải giải thích rõ ràng. Trên thực tế, thông tin trên internet gần như thượng vàng hạ cám gì cũng có, với rất nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc Đảng, Nhà nước, các vị lãnh tụ và các vị lãnh đạo của nước ta, trừ những trường hợp thật cần thiết, còn lại không ai rỗi hơi đi giải thích, phản bác từng vụ việc. Bản thân đảng viên nói riêng và người đọc nói chung có thể dùng hiểu biết, nhận thức của mình để tự xác định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc. Nếu không rõ đúng sai, hay dở mà đã dẫn lại, phát tán, yêu cầu giải thích… thì đó là thái độ không đúng mực, thậm chí sai trái, của đảng viên.
Có đảng viên nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã cắt xén ý kiến, bài viết của người khác, nhất là của các vị lãnh đạo, rồi công kích, phản bác, thậm chí có “thách” vị lãnh đạo đó có ý kiến phản hồi. Thoạt nhìn, điều này tưởng như là một thái độ dũng cảm, tích cực của đảng viên đó, thể hiện sự thẳng thắn và hiểu biết khi mạnh dạn phản biện ý kiến của lãnh đạo, nhưng thực chất trong nhiều trường hợp, các ý kiến này chỉ là những phản đối lụn vụn, thiếu cả kiến thức lẫn tư duy chiều sâu. Do đó, những đảng viên này hoặc là “thích chơi nổi”, làm những việc cho những người thiếu hiểu biết thấy là mình giỏi giang, dũng cảm, để rồi được tung hô, hoặc là kiểu người “điếc không sợ súng”, nói quấy nói càn, bất kể đúng sai…
Có đảng viên vì thiếu thông tin, hoặc cố tình cắt xén thông tin, đã chộp được một số thông tin, ý kiến nào đó rồi suy diễn một cách phi lý hoặc có dụng ý xấu, từ đó thực hiện việc công kích đến tổ chức, cá nhân một cách vô tội vạ. Có trường hợp, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những công việc nào đó theo yêu cầu, một đảng viên đọc được, không hiểu mô tê thế nào, cứ cho là đang nhắm đến mình (kiểu vĩ cuồng rằng bản thân là một thực thể rất quan trọng nên được nhiều người để ý đến lắm, cả hướng tích cực lẫn tiêu cực!) rồi lên trên trang của mình chửi đổng, làm bạn bè trong friedlist nháo nhào lên, rồi bình loạn đủ thứ…
Có đảng viên thể hiện sự vô trách nhiệm rất đáng trách khi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng rồi để người khác vào bình luận những ý kiến sai trái, mang thái độ hằn học, xuyên tạc, suy diễn sai lầm. Thậm chí, có trường hợp, đảng viên cố tình đăng ý kiến úp mở để “dẫn dụ” người xem bình luận những lời mà có lẽ chính người đăng muốn nói, để nhắm vào những cá nhân nào đó. Đây là kiểu “mượn gió bẻ măng” của không ít người, khi bản thân không tiện nói điều mà ai cũng thấy là không có căn cứ, nhưng lại “khéo khêu gợi” người khác nói thay, để nếu có ai thắc mắc thì “phủi tay” là do “người khác nói chứ không phải tôi!”.
Những biểu hiện đó rất đáng phê phán.
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 “Quy định về những điều đảng viên không được làm” với 19 điều cụ thể, rõ ràng. Ngày 15-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW nêu chi tiết về những điều đảng viên không được làm. Đảng viên ở các trường hợp có biểu hiện như trên, có thể thấy đã vi phạm rất nhiều điểm trong các quy định này. Ở đây chỉ xin phân tích vài điểm:
Mục c) khoản 1 Điều 1 về “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép” đã nêu: Đảng viên không được “làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”. Điều này rất rõ ràng, khi đăng tải, dẫn lại, chia sẻ các thông tin mập mờ, có thể không vi phạm rõ ràng vào một điều khoản nào của các luật, nhưng từ đó làm người đọc có cái nhận sai lệch về bản chất của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, nếu đảng viên nào đó chỉ đăng các vụ tiêu cực trong xã hội từ báo chí, dù không có lời bình luận nào, thì người đọc cũng hiểu rằng người đăng đã có một dụng ý nhất định, nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong khi trên thực tế, các việc tốt và chưa tốt đan xen nhau chứ không phải chỉ có việc xấu. Hay đảng viên chỉ dẫn lại các ý kiến được cho là không phù hợp của các vị lãnh đạo, dù không bình phẩm gì thêm thì cũng khiến người đọc nhận xét về trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, trong những trường hợp đó là cá biệt…
Mục a) của khoản 1 quy định đảng viên không được “cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được phép công bố ra ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép” của Điều 2 đã nêu một trong những loại thông tin đó là “bí mật của Đảng, Nhà nước bao gồm: thông tin, tài liệu được quy định là thông tin, tài liệu mật, có đóng dấu "MẬT", "TỐI MẬT", "TUYỆT MẬT" hoặc quy định chỉ lưu hành nội bộ (kể cả bản sao chép, sao chụp hoặc trích các loại thông tin, tài liệu đó). Danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành”. Trong phần lớn các trường hợp, các loại tài liệu mật ít khi được công bố do việc bảo quản khá nghiêm túc thì nhiều tài liệu nội bộ lại được tung ra với những dụng ý sai trái, tiêu cực. Có tài liệu thuộc về sinh hoạt trong tổ chức đảng, có tài liệu liên quan đến lý lịch cán bộ, đảng viên, có tài liệu trao đổi công tác trong nội bộ tổ chức… nhưng vẫn được đưa ra công khai cho nhiều người biết. Đó là một biểu hiện vi phạm kỷ luật thông tin rất cần xử lý nghiêm khắc.
Hay một trong nhiều nội dung của khoản 1 Điều 3 đã quy định đảng viên không được “Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như xảy ra trong thực tế”. “Không đúng như xảy ra trong thực tế” tức là bịa đặt hoặc dẫn lại từ thông tin không có thật hoặc nêu các thông tin không được kiểm chứng, hoặc thông tin đã bị cắt cúp làm cho sai lệch bản chất vốn có. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc đưa các thông tin này cũng không nên, kể cả có dụng ý tốt, bởi nó sẽ làm người đọc hiểu sai vấn đề, nhận thức lệch lạc so với thực tế, từ đó có thể có hành động không phù hợp. Nếu có dụng ý sai trái, thì các thông tin không đúng đó sẽ dẫn dắt người khác đi đến hành động sai lầm, gây ra hậu quả tai hại…
Tùy theo mức độ, tính chất của từng trường hợp đưa thông tin lên internet, mạng xã hội của đảng viên để có thể đánh giá về hành vi này. Nếu vì ngộ nhận, vì thiếu thông tin, vì cả tin… mà thỉnh thoảng đưa các thông tin sai trái như trên thì đó có thể là sự nhầm lẫn, vô ý, nhưng cần phải được giáo dục, uốn nắn kịp thời, cần được tổ chức đảng giám sát chặt chẽ để tránh tiếp tục lặp lại. Nhưng nếu đưa thông tin, bài viết thường xuyên, có hệ thống và có dụng ý rõ ràng thì đây là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, cần được giáo dục nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp cần phải dùng kỷ luật của Đảng để xử lý, thậm chí nếu có căn cứ phù hợp, có thể chế tài bằng các quy định của pháp luật.
Là đảng viên, mỗi người cần có trách nhiệm xây dựng tổ chức của mình ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò, chức trách được giao, đồng thời luôn chú ý gìn giữ uy tín, thanh danh cho tổ chức. Những cá nhân đảng viên có động cơ không lành mạnh, làm ngược lại điều đó thì cần thiết cho ra khỏi tổ chức!
Kỳ 2: “Con dao hai lưỡi” của mạng xã hội
Thời gian gần đây, sự phát triển nhanh chóng của internet đã tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, bên cạnh dòng chính là những thúc đẩy tích cực cực thì cùng với nó, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội cũng có không ít hạn chế, thách thức. Một trong những thách thức đó là việc sử dụng chưa lành mạnh, tích cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Khái quát về mạng xã hội
Hiểu một cách chung nhất, dịch vụ mạng xã hội hay thường được gọi tắt là mạng xã hội, là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có những tính năng như chat (trò chuyện), gửi e-mail (thư điện tử), phim ảnh, voice chat (trò chuyện bằng âm thanh hoặc hình ảnh), chia sẻ tài liệu, hình ảnh, video, lập các blog (trang web cá nhân)… Các dịch vụ này có nhiều cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo nhóm (có cùng điểm chung về trường học, địa phương…), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail, số điện thoại…), dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm...
Theo vi.wikipedia, mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học, tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích… Nhưng phải đến năm 2006, sự ra đời của Faceboook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình “Facebook Platform” cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng.
Hiện nay thế giới có nhiều mạng xã hội khác nhau, trong đó, những mạng xã hội có nhiều người sử dụng có thể kể: Facebook (khoảng 2,2 tỉ người dùng), YouTube (1,9 tỉ), WhatsApp (1,5 tỉ), Facebook Messenger (1,3 tỉ), WeChat (1,04 tỉ), Instagram (1 tỉ)…
Tại Việt Nam, đến giữa năm 2018 đã có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép và đang hoạt động. Với khoảng 60 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 63% dân số và chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, Zalo… Facebook vẫn là mạng xã hội được nhiều người Việt dùng nhất hiện nay, với khoảng 58 triệu người, đưa Việt Nam đứng top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông đảo nhất trên thế giới. Trong đó, TP.HCM có 14 triệu tài khoản, đứng top 6 thành phố có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới.
Một số ích lợi của mạng xã hội
Không kể các lợi ích về mặt kết nối bạn bè, kinh doanh hay giải trí…, ở góc độ nâng cao nhận thức và năng lực cá nhân, đặc biệt là vấn đề tư tưởng, của người dùng, mạng xã hội có những tác dụng tích cực đáng kể. Đó là:
Thứ nhất, mở rộng một số quyền tự do cá nhân.
Đây là một lợi ích có thể nói là rất quan trọng và cơ bản mà sự phát triển của mạng xã hội đã giúp người sử dụng thể hiện ngày càng rõ nét. Người sử dụng có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về các vấn đề trong xã hội, cả khen ngợi, phê bình lẫn phản biện, góp ý, đề xuất. Như vậy mạng xã hội đã tác động đến việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, gián tiếp thúc đẩy quyền tự do báo chí, cũng như một số quyền tự do dân chủ khác. Mạng xã hội còn giúp người dùng phát huy một số năng lực cá nhân, thông qua việc giới thiệu một số hoạt động, kỹ năng, sở trường… của mình, nhờ đó có thể xây dựng được hình ảnh tích cực với người khác hơn.
Thứ hai, cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế.
Một số mạng xã hội có tính năng like (thích) trang, người đọc sẽ nhận được ngay những thông tin cập nhật của trang mạng mình yêu thích hoặc quan tâm về các lĩnh vực, nhờ đó có thể nhanh chóng cập nhật xu thế mới nhất của lĩnh vực hoặc vấn đề mình yêu thích. Đồng thời, qua việc thực hiện chức năng chia sẻ (share) thông tin, hình ảnh của những người trong danh sách bạn bè (friendlist) của mình, người đọc có thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức bổ ích mà có khi bản thân không tự tìm kiếm được.
Thứ ba, cải thiện và nâng cao một số kỹ năng sống.
Hiện mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang dạy các kỹ năng như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể dục thể thao… để người sử dụng có thể xem tham khảo, tự học và có thể học bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần đến lớp hay phải tốn học phí. Hoặc khi cần, nhiều người có thể nhờ bạn bè hỗ trợ thông tin, kỹ năng, cách xử lý các tình huống cụ thể. Chính nhờ tham gia mạng xã hội, chúng ta có thể học được nhiều kỹ năng cơ bản và cần thiết trong cuộc sống.
Thứ tư, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ cảm xúc và nắm bắt tâm trạng của nhiều người khác.
Bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, ý kiến… trong một số chừng mực nào đó là có lợi cho bản thân, bởi ít nhiều góp phần giải tỏa được ức chế đồng thời có thể qua đó thông báo cho bạn bè của mình biết tình trạng của mình để được nhận sự chia sẻ, giúp đỡ… Đồng thời, khi biết được cảm xúc của người khác, mỗi người có thể bày tỏ thái độ của mình, qua đó tạo sự đồng cảm, gắn kết với nhau nhiều hơn. Không chỉ vậy, với nhà quản lý, việc nắm bắt được tâm trạng, suy nghĩ, quan điểm của người khác, nhất là người trong phạm vi quản lý của mình, có thể phần nào hiểu được họ đang biểu lộ như thế nào, từ đó bản thân có thể có điều chỉnh trong việc ban hành các quyết định quản lý.
Thứ năm, có khả năng tạo ra các trào lưu.
Trong một số trường hợp đặc biệt nào đó, một cá nhân có thể tạo ra được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi đưa một thông tin, hình ảnh nào đó trên trang mạng xã hội của mình và tạo ra một dòng chủ lưu thông tin (xu thế) trong một thời điểm nhất định (trend). Điều này có thể thúc đẩy công chúng (cả cộng đồng mạng lẫn người không tham gia mạng xã hội) cùng tham gia xử lý một vụ việc, một vấn đề nào đó (theo hướng tốt lẫn không tốt), đồng thời đưa người tạo ra trend đó trở nên nổi tiếng (cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực) mà một số người có thể tận dụng tham gia nhiều hoạt động khác.
Những lợi ích đó đối với cán bộ, đảng viên là rất tích cực không chỉ cho cá nhân từng người mà còn cho cơ quan, tổ chức.
Những tác hại của mạng xã hội
Bên cạnh việc kết nối những người không tốt, bị mất thì giờ với nó, bị “nghiện”, bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc một số phiền toái khác, mạng xã hội dĩ nhiên cũng có những tác hại không nhỏ. Có thể kể:
Thứ nhất, tiếp cận những thông tin sai sự thật.
Ở mạng xã hội, có thể nói là có đủ thông tin “thượng vàng hạ cám”. Bên cạnh nhiều thông tin hay, bổ ích, đúng sự thật thì nạn tin giả (fake news) cũng rất nhiều. Vì nhiều lý do, thông tin giả được tạo ra một cách có chủ đích hoặc vô ý, được đưa đến những người đọc cả tin và chính họ góp phần phát tán thông tin đó lan rộng mạnh hơn, xa hơn, có thể gây ra những nguy hại cho nhiều người. Trong một số trường hợp, người tiếp nhận loại thông tin này nếu không thẩm định rõ ràng, không thận trọng, có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hoang mang, dao động về nhận thức, tư tưởng.
Thứ hai, bị dẫn dắt, bị lôi kéo.
Khi vướng vào một trend nào đó không tích cực, người dùng có thể bị dẫn dắt để có suy nghĩ và hành động sai trái, lệch chuẩn. Hoặc khi bị cảm xúc chi phối từ những luận điệu, thông tin không đúng, người ta cũng có thể có thái độ sai lệch về một vấn đề nào đó. Một số người hay “cả tin” nên đinh ninh rằng “không có lửa thì sao có khói” nên tin những điều mình tiếp cận được và hành động theo sự tin tưởng đó. Ở mạng xã hội, tâm lý đám đông lắm khi thúc đẩy người bị “lạc vào” và không thoát ra được, dẫn đến có suy nghĩ và hành động theo đám đông kia mà không phải trường hợp cũng đúng đắn, tích cực.
Thứ ba, bị lừa đảo, bị lợi dụng.
Người dùng mạng xã hội có thể bị chiếm tài khoản hoặc bị mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo ngay với chính mình hay người thân, bạn bè của mình. Hoặc việc đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, gia đình lên mạng xã hội một cách thường xuyên cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện các ý đồ nào đó sai trái, kể cả về chính trị (như tự dưng có tên ở các diễn đạt xấu, các “kiến nghị”, “thư ngỏ” sai trái…).
Thứ tư, dễ dẫn đến việc say sưa các giá trị ảo.
Một số người dễ sa vào xu hướng “câu view”, “câu like” (luôn muốn có nhiều người xem, nhiều người bày tỏ thái độ yêu thích…) và bất chấp mọi phương cách để tạo ra các thông tin, hình ảnh càng được nhiều view, nhiều like càng tốt, kể cả chấp nhận những hành động sai trái. Đôi khi, chỉ vì “những lời nói có cánh” trên mạng xã hội mà có người dường như ra rời đời sống thực, bỏ qua các giá trị thực tế (kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ thân tình, các giá trị mang tính chuẩn mực…).
Thứ năm, thúc đẩy xu hướng bạo lực, chỉ trích.
Không ít người dùng mạng xã hội hiện nay thích công kích người khác hoặc cổ vũ sự công kích của người khác đối với cá nhân, tổ chức, thậm chí cả với Đảng và Nhà nước. Dường như có một “não trạng” là khi viết trên mạng xã hội phải nói khác với chủ trương, đường lối chung thì mới được coi là “tiến bộ”, “tích cực”. Bên cạnh đó, một số người luôn có xu hướng thiếu trung thực trong đánh giá, nhận xét, lại hay làm người phán xét, luôn tự nhận mình là đúng đắn, còn ý kiến của người khác là sai trái…, dẫn đến trạng thái công kích nhau.
Không phải chỉ có giới trẻ mới rơi vào các tác hại này mà ngay cả cán bộ, đảng viên nếu không tỉnh táo vẫn có thể bị tác động và trên thực tế đã có không ít người sử dụng mạng xã hội không tích cực, thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các ý đồ sai trái. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và chịu sự tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Và trong trường hợp này, không loại trừ cán bộ, đảng viên lớn tuổi nhưng ít có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội có thể trở thành những người bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất, bên cạnh những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại có hạn chế về kiến thức, nhận thức!
Kỳ 3: Những điều lưu ý khi sử dụng mạng xã hội
Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.
Chớ cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội
Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình, từ đó có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích. Chẳng hạn, có thể rất tình cờ, chúng ta nhìn thấy các clip trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Pháp, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự uyên bác, về phong thái đĩnh đạc, về sức thuyết phục của Bác và Đại tướng, từ đó thêm lòng yêu kính các vị ấy hơn, để chúng ta càng vững niềm tin về tương lai của cách mạng Việt Nam, để chúng ta có thêm quyết tâm đi trên con đường mà các vị cách mạng tiền bối đã chọn…
Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin hết. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó, mà ta đinh ninh là sự thật. Cách đây vài năm, mạng xã hội hay đưa ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy gắn với phát biểu gây sốc về tình hình biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Từ thông tin này, nhiều người đã “cả tin” rồi có những bình luận ác ý nhắm vào đồng chí này cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc. Chính vì vậy, ngày 17-7-2017, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã đăng tải thông báo chính thức về vụ việc này; theo đó, “tỉnh Quảng Ninh khẳng định hình ảnh của bà Thủy bị gán với thông tin nhạy cảm là một sự bịa đặt hoàn toàn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo tỉnh và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”[1].
Còn rất nhiều thông tin khác liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, về tình hình biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc… cũng thường có những thông tin sai lệch hoặc những gán ghép có ý đồ xấu, nếu người đọc không tỉnh táo, không thận trọng mà tin theo thì có khi rất tai hại, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác.
Không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác
Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục (như khỏa thân, lộ các bộ phận nhạy cảm của cơ thể…) hay có tính chất bạo lực (cảnh đánh nhau, có đổ máu…). Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc vốn là thông tin có dụng ý xấu của ai đó.
Trong việc này, nên quan tâm mấy điều sau:
Thứ nhất, nên xem nguồn gốc của thông tin. Một cá nhân hoặc một fanpage, nhóm nào đó đưa một thông tin thì chúng ta nên xem nguồn thông tin đó từ đâu. Nếu người đưa thông tin không dẫn nguồn, ta có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” trong nội dung đó, bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn gốc, có thể tiếp tục áp dụng các lưu ý tiếp theo.
Thứ hai, tìm hiểu người đưa thông tin này. Lưu ý thực tế chỉ áp dụng được cho một số người sử dụng mạng xã hội đã thể hiện được quan điểm, chính kiến cụ thể (chẳng hạn, là người hay đưa các thông tin trái chiều hoặc là người vốn có thành kiến với chế độ…). Bởi có không ít trường hợp, người đưa thông tin đó vốn chỉ vì cả tin hoặc không đủ điều kiện để thẩm định thông tin chứ bản thân không có dụng ý xấu.
Thứ ba, tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này. Nếu có cơ sở người đưa thông tin mang dụng ý xấu (thông qua lịch sử đăng tải hoặc có thêm các bình luận mang tính dẫn dắt) thì chúng ta nên tránh dẫn lại. Nếu không có căn cứ xác định được mục đích của họ thì bản thân ta cũng nên tự làm rõ, vậy mục đích của ta là gì khi đăng lại thông tin đó?
Thứ tư, thông tin đó có lợi cho ai. Có nhiều bài viết thể hiện tính vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những đăng tải mang một dụng ý cụ thể nào đó, sẽ thúc đẩy sự nhìn nhận có lợi cho ai đó (như bênh vực hoặc đánh bóng tên tuổi ai đó, thế lực nào đó…). Vì vậy, phải xem xét thận trọng những loại thông tin như vậy.
Thứ năm, thái độ của người đăng tải. Bên cạnh những trường hợp tỏ rõ sự ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì cũng có những người ghi rõ “để đây và không nói gì” nhưng không vì thế mà ta không nhìn nhận được thái độ của họ, không chỉ từ nội dung được đăng tải mà còn các bình luận dưới đó hoặc thái độ đối với các bình luận đó. Nếu có thái độ tích cực thì hẳn nội dung được dẫn lại sẽ tích cực và thường có ý kiến “nói lại” hay có các biểu tượng (icon) với các bình luận mang một quan điểm, thái độ cụ thể. Ngoài ra, cũng nên xem lời lẽ của người đăng, như có nghiêm túc không, có thể hiện sự châm biếm, mỉa mai, giễu nhại hay phê phán không…
Nên nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào
Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hoặc đơn giản là vô hại. Khi nhiều người phản ứng về cách học tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục, trên mạng xã hội xuất hiện các clip chế giễu về các hình tròn, vuông, tam giác, thậm chí có một số bài hát mang tính châm biếm và một số người thấy vui nên chia sẻ về trang của mình. Điều này tưởng chừng không ảnh hưởng gì đến ai, nhưng kỳ thực nó phản ánh thái độ của người chia sẻ, có thể hiểu là không đồng tình hoặc phản đối cách dạy tiếng Việt đó. Nhưng trên thực tế, sự nhìn nhận của nhiều người là sai lầm, khi các hình tròn, vuông, tam giác không phải là sự biểu thị các từ của tiếng Việt mà đơn giản chỉ là các đơn vị để thể hiện ra từng tiếng khi phát âm. Thí dụ, từ “ba mẹ” được biểu thị bằng 2 hình (bất kỳ) thì có nghĩa là được phát âm ra 2 tiếng, mỗi tiếng tương ứng với một hình. Một trẻ học lớp 1 sẽ đếm các hình đó để biết rằng phát âm của từ “ba mẹ” có mấy tiếng. Vậy nên, khi một người chia sẻ các thông tin, các clip về vấn đề này thì vô tình hay cố ý truyền đi một thông điệp đến các bạn bè trong danh sách (friendlist) của mình rằng “đang có một sự việc như thế” và rằng “tôi có thái độ như thế”, giám tiếp thúc đẩy người khác có cùng quan điểm với mình. Trong trường hợp thông điệp đó là tích cực thì sẽ có tác động tích cực, nhưng nếu tiêu cực thì ảnh hưởng cũng sẽ tiêu cực.
Đôi lúc, có người chọn phương án là “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa đường dẫn (link) của ai đó cho rằng một lãnh đạo Việt Nam bị đầu độc, về một người Việt Nam vi phạm trong nước trốn ra nước ngoài và bị bắt cóc đưa về nước xét xử…, hàm ý rằng “người ta nói vậy, chứ tôi không nói”. Thế nhưng, nếu người đưa thông tin đó là cán bộ, đảng viên thì thực sự bản thân muốn nói điều gì, muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua việc chia sẻ này, chứ không thể nói đó là “đưa chơi chứ không có ý gì”. Bởi với những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác định được đúng sai, mà dẫu có xác định được đúng sai, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ, việc đưa thông tin như vậy là không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai thì đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.
Cần bày tỏ thái độ, quan điểm khi cần thiết
Các mạng xã hội đều cho phép bày tỏ thái độ đối với một status của người trong friendlist. Chẳng hạn, Facebook cho phép người xem có thể “thích”, “thả tim”, “ngạc nhiên”, “buồn”, “phẫn nộ”, cùng các chức năng bình luận, chia sẻ (tùy theo mức độ công khai của người đăng); Zalo thì cho phép “thả tim” cùng với chức năng bình luận (dù người xem chỉ thấy được bình luận của bạn chung)…
Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Nếu các cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp lẳng lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn là:
- Trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp. Thí dụ: một người đưa thông tin chưa được kiểm chứng về một nghi án, thì nên đưa thông tin có ý kiến khác, hoặc giải thích rằng sự việc chưa được xác minh thì không nên quy trách nhiệm cho cá nhân nào đó…
- Thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài. Tất nhiên, các ý kiến nêu ra cần có sự xác thực và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý. Với các những bài cần động viên, khích lệ, thì có thể dùng các biểu tượng “cảm ơn”, “tuyệt vời”… có sẵn nếu chúng ta không có điều kiện viết lời bình luận.
- Chia sẻ link (nếu có thể chia sẻ) hoặc dẫn lại thông tin từ trang của người đó và phản bác hoặc khen ngợi trên trang của chính mình. Tức lại, khi đó, chúng ta muốn biểu đạt: “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề này ở link dưới đây, theo tôi là chưa đúng, với các căn cứ sau…”; hoặc “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề ở link này, tôi thấy rất tuyệt vời nên chia sẻ lại ở đây”…
- Chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình. Bằng cách nào đó nên để người mà ta muốn “nói lại” đọc được ý kiến của mình, như gắn tên người đó vào, hoặc thông qua một người khác mà người đó có kết bạn…
- Riêng với các link bài trên một trang facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên (tag) người đó trong một bình luận. Chẳng hạn, trang facebook của anh A. có thông tin chưa phù hợp về vấn đề X., khi đọc trang faecbook của anh B. có nội dung “nói lại” phù hợp thì ta có thể bình luận ở trang B. và tag tên anh A. vào đó để A. có thể đọc được thông tin này và tự khắc biết rằng có người muốn mình hiểu vấn đề theo cách khác.
- Ngoài ra, có thể dùng các icon, sticker để biểu lộ thái độ. Chẳng hạn, đọc một link chia sẻ về một gương học tập và làm theo Bác Hồ xúc động, chúng ta có thể “thả tim”; đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…
Kỳ 4: Những cảnh báo cho cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội
Thời gian qua, đã có một số đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Đây thực sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.
Đầu tháng 8-2019, một đảng viên là chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì “đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng” liên quan trực tiếp đến việc sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đưa những thông tin không phù hợp. Thông qua trang Facebook cá nhân, đảng viên này cố ý viết bài và đăng các thông tin, bài viết tổng hợp từ internet và mạng xã hội có nội dung không đúng bản chất vụ việc, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Người này cũng cố ý đưa lên mạng xã hội các bài viết dưới hình thức báo cáo, kiến nghị nhưng mang nội dung tố cáo, gửi nhiều cấp, trong đó có facebook, không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết, để nhiều đối tượng bình luận, nói xấu, xuyên tạc, làm hiểu sai lệch bản chất vụ việc, tạo cách nhìn và thái độ tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cá nhân liên quan. Trước đó, đảng viên này cũng đã bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng vì “vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín” của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao “đất vàng”, gắn với trách nhiệm của một số cá nhân khi chưa kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồi tháng 5-2019, một đảng viên là nguyên phó bí thư chi bộ, trưởng một khoa của Trường Chính trị Trần Phú (tỉnh Hà Tĩnh) đã bị kỷ luật cách chức vì có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ bài viết này, trang cá nhân của đảng viên trên có những bình luận xuyên tạc sự thật với những từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân, uy tín của tổ chức Đảng và nhà trường, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội.
Vào tháng 3-2019, một đảng viên là phó viện trưởng một viện thuộc UBND thành phố Đà Nẵng đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội (facebook) và bị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Trước đó 1 năm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đảng viên này cùng với nội dung như trên.
Hay tại An Giang, hồi năm 2015, sau sự việc 3 cán bộ trong tỉnh được cho là “lên Facebook nói xấu lãnh đạo tỉnh”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý triệt để. Sau đó, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng (nay là Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp An Giang) đã ban hành một số văn bản về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng sử dụng Facebook xúc phạm lãnh đạo tỉnh; yêu cầu các tổ chức đảng cơ sở nhắc nhở cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, UBND thành phố Châu Đốc… cũng ban hành văn bản về việc chấn chỉnh cán bộ, công nhân viên sử dụng Facebook…
Cần nhắc lại, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu cụ thể một số hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến mạng xã hội. Đó là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (điểm g) mục 3 Điều 7); “Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử” (điểm e), mục 2 Điều 10). Hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Đảng.
Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân rất cao, bởi gần như hoàn toàn do cá nhân đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chỉ chủ quan của mình, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập mạng xã hội đặt ra. Đó là, bản thân người dùng gần như có thể đăng (post) bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì… Lợi dụng điểm này, một số người, kể cả cán bộ, đảng viên, đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung công kích, xúc phạm người khác, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước.
Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tức là về cơ bản không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân là thành viên của một tổ chức nào đó, thì điều này có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật. Nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức nào đó, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân nào không, tổ chức nào không, có lợi cho ai không, có hại cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không… Không chỉ vậy, bản thân còn phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp không, thực sự có lợi chung hay không. Điều đó không phải chỉ là đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị” mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang trong hệ thống đó.
Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức… thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra các sinh hoạt tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn… để uốn nắn. Trường hợp cần thiết thì dùng tập thể để tác động, phê bình, vạch ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không phục thiện thì phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng.
Như vậy, sẽ có người đặt câu hỏi: “Tôi đăng tải trên trang cá nhân của tôi những điều pháp luật không cấm, sao lại nói tôi vi phạm?”. Có thể trong nhiều trường hợp chưa có dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức đảng, không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội rõ ràng là vi phạm nội quy cơ quan, hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không thể nói là không có vi phạm về tư cách đảng viên…
Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội sao cho tích cực không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Tức là, bên cạnh sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính đảng. Đây phải là điều thường trực trong nhận thức!
Những người là cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng cần tuân thủ nguyên tắc là mỗi người phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu. “Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, với một số trường hợp là tiếp tay, phụ họa nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí khơi mào quan điểm sai trái. Việc kiên quyết khi xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Ðảng chính là góp phần để Ðảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Ðây cũng là bài học thiết thân với mọi đảng viên, nhắc nhở rằng dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị xã hội nào, thì mỗi đảng viên vẫn phải tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Khi tham gia mạng xã hội, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét... không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình”[2].
Những cảnh báo này tuy không mới cũng cần được nhắc lại để mỗi cán bộ, đảng viên không được phép quên!
Kỳ 5: Cần những quy tắc khi sử dụng mạng xã hội
Dù với một số người sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trên thực tế để cuộc chơi đó đúng pháp luật và các quy định khác, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện được tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng, rất cần những quy tắc nhất định.
Cần quy tắc để tạo ra một môi trường lành mạnh
Có một số người khi nói đến việc lập các quy tắc trong việc sử dụng mạng xã hội đã phản ứng khá tiêu cực. Họ cho rằng quy tắc suy cho cùng là để ràng buộc, là sự hạn chế quyền tự do. Nhưng trên thực tế, sự hạn chế tự do đó là để mọi người cùng được tự do, không để tự do (quá trớn) của người này làm ảnh hưởng đến tự do (đúng mực) của người khác. Bởi khi quá say sưa với quyền tự do của mình, một số người nào đó có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.
Ngày 24-12-2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương và 7 điều, trong đó Điều 1 nêu mục đích của quy tắc: “1. Quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. 2. Quy tắc quy định những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm khi sử dụng mạng xã hội”. Ở phần quy định cụ thể, Quy tắc nêu Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 3), Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 4). Rõ ràng các quy định này có tác dụng định hướng, nhắc nhở người làm báo Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội phải có lưu ý để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan báo chí mà mình đang công tác. Đặc biệt, với những người làm báo ít nhiều có những tác động đến xã hội khi đăng tải các bài viết, sự tuân thủ các quy tắc lại cần thiết hơn nhiều đối tượng khác.
Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn. Theo đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí Tôn trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân. Tiêu chí Trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu chí Lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục - tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật. Không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Tiêu chí An toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác…
Xét cho cùng, những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội mà cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý nêu gương.
Bản thân tự lập các quy tắc
Trong khi mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia, bản thân các cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân đồng thời là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan mà mình là thành viên. Một số lưu ý trong việc xây dựng các quy tắc của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội gồm:
Một là, điều mình nêu có lợi hay có hại cho ai. Bất kỳ điều gì mình đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội phải luôn hướng tới có lợi hay có hại cho ai không, bằng một tinh thần, thái độ hết sức trung thực và khách quan. Điều lý tưởng sẽ là có lợi cho bản thân và cho nhiều người khác, điều ít nhất cũng phải bảo đảm là không có ai cho ai, kể cả những điều mà mình cho là vô thưởng vô phạt. Nếu có chi tiết hay yếu tố nào có thể gây hại cho ai đó thì cân nhắc có đăng tải hay không. Do đó, các thông tin có thể gây bất lợi cho cơ quan, tổ chức (kể cả điều đó đã được thông tin công khai) thì cũng nên thận trọng khi đăng tải lại[3].
Hai là, điều mình nêu có đúng không. Bất kỳ thông tin nào muốn đăng tải sau khi xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để bảo đảm rằng đó là thông tin chính xác. Do đó, không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa phối kiểm hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Cần lưu ý rằng, với các kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin, hình ảnh hoặc tạo ra các nguồn giống như thật là khá dễ dàng, nên không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được.
Ba là, bảo đảm tính bảo mật. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên khi đăng tải các thông tin, hình ảnh có thể làm lộ, lọt các thông tin, tài liệu của cơ quan. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo mật (như không đưa công khai các tài liệu có dấu “mật” các loại, các tài liệu lưu hành nội bộ), bản thân cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến các thông tin tài liệu liên quan đến công việc cụ thể, đến cơ quan…, nhất là các thông tin đó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Bốn là, thúc đẩy những điều tích cực. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải là luôn thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường không gian mạng ngày càng lành mạnh hơn, tích cực hơn. Trong điều kiện cụ thể của mình, “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”[4]. Nếu chưa tác động đủ để người đọc, người xem có hành động tích cực thì cũng nên tạo cho họ có nhận thức, tình cảm tốt đẹp.
Quy tắc của các tổ chức, đoàn thể
Đặt ra yêu cầu này hẳn có người thắc mắc: đã có các quy tắc chung, thậm chí cả quy tắc cá nhân, thì liệu có cần các quy tắc của tổ chức, đoàn thể nữa không? Trên thực tế, mỗi người luôn đồng thời đóng nhiều vai trò khác nhau nên ở từng vai trò đó sẽ phải thực hiện các quy tắc ứng với từng vai trò của mình. Chẳng hạn, một nhà báo đang lái xe sẽ thực hiện đồng thời trách nhiệm của một công dân (phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động giao thông), của một người lái xe (thực hiện đạo đức của người lái xe), của một người làm báo (thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nếu trong quá trình lái xe phát sinh những vấn đề có thể thực hiện vai trò của nhà báo, như ghi nhận một sự việc, thực hiện đồng thời việc tác nghiệp…). Do đó, các tổ chức, đoàn thể rất cần thiết có quy tắc về sử dụng mạng xã hội dành riêng cho các thành viên của mình. Quy tắc này nên hướng đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của đoàn thể, tổ chức. Thí dụ, là đảng viên thì không được nói, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng; nếu cần đề đạt các ý kiến, hiến kế thì phải theo các hình thức và phương pháp phù hợp; không nêu những điều bất lợi cho Đảng; phải luôn thể hiện tính đảng, mà “Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[5]. Hay một công chức không thể sử dụng thời gian làm việc để sử dụng mạng xã hội hoặc đăng tải các thông tin không phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của mình…
Thứ hai, đề cao tính tiên phong, gương mẫu. Cán bộ, đảng viên, đoàn thể, hội viên… là những người cần thể hiện tính gương mẫu trong thực hiện các chức trách nhiệm, nhiệm vụ, đồng thời trong vai trò là công dân. Một người dân bình thường có thể đăng một bài viết mang tính vô thưởng vô phạt, thậm chí có ý phê phán, châm chọc tổ chức, cơ quan nào đó miễn chưa đến mức truy cứu trách nhiệm, nhưng người đảng viên thì không thể làm điều tương tự. Mỗi status của cán bộ, đảng viên nên và phải mang một nội dung, thông điệp gì đó tích cực, có tác động tốt đến người đọc.
Thứ ba, thể hiện đầy đủ tính kỷ luật nghiêm minh. Quy tắc bên cạnh nêu yêu cầu, trách nhiệm, những điều nên làm và những điều không nên (không được) làm đối với cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên… thì phải nêu rõ các biện pháp xử lý kỷ luật (hình thức chế tài) đối với các vi phạm. Việc nêu nội dung kỷ luật cũng là một hình thức nhắc nhở, cảnh báo đối với hoạt động sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, đoàn viên…
Khi ứng xử với mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên nên nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó và khi tham gia mạng xã hội cần quan tâm phát huy mặt tích cực và hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực. Gần đây, đã có nhiều người nêu lên cụm từ “sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội thông minh”, đây thực sự nên là một phương châm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý làm “tay sai” cho các thế lực xấu bằng sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về không gian mạng. Bên cạnh đó, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải sử dụng mạng xã hội để làm lan tỏa những điều tích cực, không vô tình hay cố ý phát tán các thông tin xấu độc, đồng thời phải mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc… “Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động...”[6]. Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
[1] Đức Hiếu, Điều tra người đưa hình phó chủ tịch Quảng Ninh gắn phát ngôn sốc, Báo Tuổi trẻ online, ngày 17-7-2017.
[2] Quang Hà, Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, Báo Nhân dân, ngày 31-5-2019.
[3] Chính Facebook đã có tiêu chuẩn cộng đồng ở mục An toàn, với nội dung: “Chúng tôi cam kết xóa nội dung khuyến khích hành vi gây tổn hại trong thế giới thực, bao gồm (nhưng không giới hạn ở) tổn hại về thể chất, tài chính và tổn thương cảm xúc”.
[4] Võ Văn Thưởng, Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, Báo Tuổi trẻ online, ngày 17-6-2019.
[5] Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947; Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2011, tập 5, tr.307.
[6] Huỳnh Thanh Hiếu, Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2018, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2018/52964/Mang-xa-hoi-va-trach-nhiem-cua-can-bo-dang-vien-khi.aspx.
Vân Tâm