Loạt bài “Để từ chức trở thành văn hóa” của nhóm tác giả Minh Anh - Hoàng Yến - Tường Vy - Thanh Tùng (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng đã đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Đại diện nhóm tác giả của loạt bài "Để từ chức trở thành văn hóa" |
Từ chức là một chủ đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng rất phổ biến, được luật hóa và trở thành một trong những nét văn hóa cơ bản gắn liền với trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi công chức tại các quốc gia phát triển. Văn hóa từ chức là biểu hiện theo chuẩn mực, đạo lý xã hội, nhân cách của người đang đảm nhận chức vụ tự nguyện rời bỏ vị trí lãnh đạo, nhằm bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Tạo dựng và phổ biến văn hoá từ chức là góp phần hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ, đảng viên, tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng Đảng về đạo đức, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ và Nhà nước ta. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm bài 3 kỳ “Để từ chức trở thành văn hóa” của nhóm tác giả Minh Anh - Hoàng Yến - Tường Vy - Thanh Tùng (Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương).
Bài 1: NÉT ĐẸP VĂN HÓA TỪ CHỨC - NHÌN TỪ QUÁ KHỨ ĐẾN HIỆN TẠI
Văn hóa từ chức là phạm trù văn hóa chính trị gắn liền với việc thực thi và kiểm soát quyền lực. Trong điều kiện Đảng ta đặt ra yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa từ chức có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Để đưa ra các giải pháp phù hợp trong việc xây dựng văn hóa từ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam cần có cái nhìn toàn cảnh - cái nhìn lịch sử biện chứng về văn hóa từ chức trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, phát triển và hội nhập của dân tộc ta.
Văn hóa từ chức nhìn từ lịch sử chính trị phong kiến Việt Nam
Trong những năm gần đây, khái niệm “từ chức” và các hình thái thể hiện được đề cập khá nhiều trên nghị trường của nhiều phiên họp Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mới được bổ sung, đề cập trong một số văn bản của Đảng và Nhà nước. Từ chức là vấn đề tuy được nhắc đến nhiều nhưng mới chỉ là hiện tượng, chưa được coi là phổ biến, bình thường ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn lại lịch sử chính trị Việt Nam thời kỳ phong kiến Việt Nam và cả những năm gần đây, văn hóa từ chức trong đời sống chính trị Việt Nam đã manh nha hình thành nhưng chưa trở thành một hiện tượng bình thường, được xã hội tiếp nhận như một vấn đề cần phải có của bất kỳ chế độ xã hội văn minh nào. Việt Nam đã trải qua 10 triều đại phong kiến với nhiều bậc nho học nổi tiếng “lều chõng” đi thi để ra làm quan, phụng sự giúp nước, giúp dân, thế nhưng không ít người buộc phải xin từ quan về làm dân thường, sống cuộc sống vui thú điền viên, không màng sự đời, danh lợi như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp…
Triều đại nhà Trần, thời vua Trần Dụ Tông (1336-1369), các bậc trung thần bị đè nén, bọn nịnh thần lên ngôi, người dân đói khổ nhưng vua chỉ mải miết vui thú cờ bạc, tửu sắc, nghe lời nịnh thần. Văn Trinh Công, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An đã dâng “thất trảm sớ” khuyên can vua phải chém đầu 7 loạn thần để củng cố kỷ cương, giữ gìn phép nước nhưng không được vua chấp thuận, ông đã dứt áo từ quan về ở ẩn, vừa dạy học và chữa bệnh, sống cuộc đời thanh bạch với trăng, gió, thơ để giữ tiết hạnh của một bậc thánh hiền. Chu Văn An là một trong những vị quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam dám từ bỏ chốn quan trường mà muôn người thèm muốn để về ở ẩn, làm những điều mình thích. Việc từ quan của Chu Văn An xuất phát từ bản tính cương trực, liêm chính, luôn giữ được phẩm hạnh của người thánh hiền, thi thố tài năng, ra làm quan để hộ quốc an dân chứ không phải ra làm quan để có cuộc sống đủ đầy. Hành động treo mũ từ quan của Chu Văn An là một hành động chỉ có thể được thực hiện bởi những bậc trung quân không màng danh lợi, luôn nghĩ cho nước, cho dân. Hành động đó đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ nhà nho tiếp nối, nhiều bậc nho học hậu bối sau này đã học tập hành động từ quan của ông.
Thời vua Trần Nghệ Tông (1321-1395) cũng có một vị quan triều đình vì can gián vua không được nên đành treo áo từ quan, đó là tướng quân Đỗ Lễ (Đỗ Tử Bình). Sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành hồi nửa cuối thế kỷ 14. Khi đánh quân Chiêm Thành, tướng quân Đỗ Lễ thấy quân giặc sai người trá hàng, ông bèn 3 lần can gián nhà vua không đánh nhưng vua không nghe, ông đành treo mũ bỏ đi. Hành động đó của ông được Sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao, coi đó là tấm gương sáng cho con cháu đời sau. Việc treo mũ bỏ đi của tướng quân Đỗ Lễ cũng phù hợp với tư tưởng của các bậc quan thanh liêm cuối triều Trần, cũng giống Chu Văn An trước đó, biết rõ những việc nguy hại cho triều đình nên ra sức can ngăn nhà vua, khuyên vua làm điều phải đạo, hợp lẽ nhưng vì vua không còn sáng suốt, thích nghe lời xàm tấu, nịnh thần nên đành từ quan chứ nhất định không chịu sống kiếp luồn cúi. Những con người như thế xứng đáng là bậc đại trí, đại đức, là tấm gương sáng cho hạ thế noi theo.
Triều đại Hậu Lê, trong số những khai quốc công thần đã cùng sinh tử với Lê Thái Tổ (Lê Lợi) có Nguyễn Trãi, một trong những nho sĩ nổi tiếng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Sinh thời, Nguyễn Trãi nổi tiếng là người liêm khiết, cương trực, sống thanh tao, không màng vật chất, tiền bạc, chỉ mong sống đúng với lời dạy của bậc thánh hiền. Do đó, sau khi Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mất, Lê Thánh Tông lên ngôi, ông liền cáo quan về ở ẩn tại núi Côn Sơn (nay thuộc TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Quyết định treo mũ từ quan của Nguyễn Trãi được nhiều sử gia cho rằng ông xin từ quan là do tuổi đã cao, sức đã yếu, lại tự nhận thấy mình không còn phù hợp với sự nghiệp làm quan.
Thời nhà Mạc, đời vua Mạc Hiến Tông (?-1546) trị vì, nhà Mạc bắt đầu suy, trạng nguyên Nguyễn Bình Khiêm đã dâng sớ trị tội 18 kẻ nịnh thần nhưng vua không chấp nhận, Nguyễn Bình Khiêm đã xin từ quan về quê. Hành động xin từ quan về quê của Nguyễn Bình Khiêm giống với tiền bối Chu Văn An, cả hai đều là bậc trung quân ái quốc, khi thấy triều đình rơi vào thoái trào, bọn nịnh thần lộng hành, nhân dân đói khổ, với bản tính cương trực, họ đã chủ động đề nghị vua phải chấn chỉnh kỷ cương nhưng đều bị khước từ nên đành treo mũ từ quan. Hành động từ quan đó đều là hành động của những bậc thánh hiền, của những vị quan cương trực, thanh liêm. Những bậc thánh hiền đã thấm được đạo thì dù có nghèo khổ, hoạn nạn cũng không sợ hãi, chỉ sợ không có người hiểu mình, sợ không tìm được minh chủ chứ không bao giờ chịu sống luồn cúi để hưởng lợi lộc riêng. Họ luôn nghĩ đến xã tắc đúng theo câu nói “Dân vi bản, xã tắc thứ chi”.
Thời nhà Hậu Lê, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm quan được 13 năm, đến năm Mậu Tý (1768) thì xin từ quan về ở ẩn. Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng quyết định từ quan của Nguyễn Thiếp xuất phát từ việc ông cảm thấy bất lực trước tình cảnh nhiễu nhương của đất nước, tình trạng mua quan bán chức diễn ra khắp nơi, đời sống nhân dân khổ cực, vua Lê được lập chỉ là “bù nhìn”, thực quyền thuộc về chúa Trịnh. Chính trong tình trạng nhiễu nhương của xã hội, bậc nho sĩ như ông luôn muốn tìm được minh quân để nỗ lực cống hiến, dốc toàn tâm, mong cho quốc thái dân an nhưng sức mọn của ông không thể xoay chuyển càn khôn nên đành từ quan về ở ẩn.
Nhìn lại nước Việt ta xưa, các nhà nho, những người có tri thức, phẩm giá treo ấn từ quan khá nhiều. Tất nhiên việc từ chức ấy phần nhiều là do không đồng ý với quan điểm của vua. Nhưng dù lý do nào thì rõ ràng Việt Nam đã có lịch sử về văn hóa từ chức. Nhìn từ góc độ lịch sử phong kiến Việt Nam, từ chức là câu chuyện văn hóa hơn là pháp lý. Từ chức trước hết là hành vi của cá nhân, nó vừa biểu hiện văn hóa chính trị của cá nhân nhưng đồng thời cũng là sự phản ảnh các giá trị của văn hóa cộng đồng. Văn hóa cá nhân gắn với nhân cách cá nhân, thể hiện qua trình độ nhận thức, qua ý thức, thái độ và cụ thể hơn là qua hành vi cũng như sự tham gia của các cá nhân vào đời sống chính trị. Về cơ bản, văn hóa từ chức phụ thuộc vào các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, kể cả khi các điều kiện này đầy đủ cũng chưa chắc chắn rằng nhất định sẽ có văn hóa từ chức. Ngược lại, vẫn có thể có hành vi từ chức trong điều kiện các yếu tố trên chưa đầy đủ. Từ chức là một thành tố văn hóa được biểu hiện ra không chỉ ở hành vi mà cả trong ý thức, tư tưởng và suy nghĩ của cá nhân người có quyền chức. Thực tế cho thấy hành vi từ chức của các cá nhân còn có cơ sở đạo đức của nó là liêm chính, tự trọng, trọng danh dự, liêm sỉ của chính các cá nhân đó và các chuẩn mực đạo đức khác. Nếu không có những chuẩn mực đạo đức này rất khó để các cá nhân từ chức hoặc nếu không hành vi từ chức cũng không trở nên tự giác, khó trở thành văn hóa.
Văn hóa từ chức nhìn từ lịch sử hiện đại
Từ khi Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, nhất là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng luôn coi trọng công tác cán bộ bởi cán bộ có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong từng giai đoạn cách mạng, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương cán bộ có đạo đức, mẫn cán, kiên trực, dấn thân, nỗ lực không ngừng vì sự nghiệp cách mạng, thậm chí có một số đồng chí vì sự nghiệp chung đã quyết định từ bỏ chức vụ mình đang nắm giữ với mong muốn sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi. Trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước đều xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý dám từ bỏ chức vụ vì sự nghiệp chung.
Đồng chí Trường Chinh (1907-1988) là một nhà cách mạng của Việt Nam, đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tuy không trực tiếp và là người chịu trách nhiệm duy nhất về những sai lầm của cấp dưới, nhưng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Cải cách ruộng đất, tháng 9-1956, trong Hội nghị Trung ương về vấn đề sửa sai Cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh đã xin từ chức Tổng Bí thư. Sau đó, ông đứng đầu chỉ đạo công tác sửa sai cho đến năm 1958. Giữa năm 1986, tại Hội nghị BCH Trung ương, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi đồng chí Lê Duẩn từ trần. Tháng 12-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Trường Chinh đã chủ động xin nghỉ, không tái cử. Hành động của đồng chí Trường Chinh về cơ bản có thể coi là văn hóa từ chức, bởi hành động của ông xuất phát từ tinh thần tự giác, trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, qua đó bảo vệ hình ảnh thiêng liêng, uy tín của Đảng trước Nhân dân.
Trong xã hội hiện đại, từ chức là hiện tượng được xã hội coi trọng và ủng hộ, được nhìn nhận theo hướng tích cực như một tất yếu trong quá trình nâng cao chất lượng nhân sự cấp cao và hoạt động hiệu quả của tổ chức. Điều này cũng thể hiện yêu cầu, đòi hỏi cao hơn của xã hội về năng lực, trách nhiệm, đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật của những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Khi có những sự việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đã tự kiểm điểm trách nhiệm bản thân và đưa ra quyết định nghiêm khắc nhất đối với mình là xin từ chức hoặc thấy bản thân giữ cương vị đã lâu ở một chức vụ nên xin từ chức để các đồng chí khác có cơ hội, có điều kiện cống hiến cho Đảng, cho sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí Lê Huy Ngọ khi đang làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau vụ án Lã Thị Kim Oanh đã có đơn xin từ chức. Lã Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng đồng phạm cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô hơn 70 tỉ đồng và hơn 92.000 USD, gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng và 3.000 USD. Trong vụ án này, hai nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng hai nguyên vụ trưởng của Bộ này là Phan Văn Quán và Huỳnh Xuân Hoàng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án Lã Thị Kim Oanh xảy ra trong bối cảnh đồng chí Lê Huy Ngọ mới được bổ nhiệm Bộ trưởng, chưa nắm được tình hình nhưng thấy rõ trách nhiệm của mình trong vụ án này nên đã xin từ chức. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ xin từ chức là một việc làm đúng đắn, hợp đạo lý, là một văn hóa rất đáng quý của người lãnh đạo.
Chẳng hạn như đồng chí Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam, dù còn mấy tháng nữa mới hết nhiệm kỳ đồng chí được bầu làm Bí thư Thành ủy (2010-2015) và còn hơn hai năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, đồng chí đã quyết định nghỉ hưu sớm để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển. Những tấm gương giàu lòng tự trọng, không ham quyền lực, tận tụy phụng sự nhân dân đang thể hiện một nét mới về văn hóa chính trị qua văn hóa từ chức, có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hứa hẹn sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, phong cách, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên hiện nay.
Tuy nhiên, hành động từ chức trong khu vực công của Việt Nam xảy ra không nhiều, nhưng qua những trường hợp từ chức trong nền chính trị Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định Việt Nam thời kỳ này đã có một số biểu hiện cụ thể của văn hóa từ chức. Việc từ chức ấy thể hiện trách nhiệm chính trị cao của các cá nhân trước Đảng, trước tổ chức, trước Nhân dân. Nó cho thấy sự nghiêm túc và thẳng thắn trong việc nhìn thẳng sự thật, nhận thức rõ sai lầm và quyết tâm sửa chữa, khắc phục hậu quả. Rõ ràng là sự từ chức thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của các cá nhân, cán bộ, đảng viên với Đảng, với tổ chức, với Nhân dân. Như vậy, muốn có từ chức, đặc biệt là hình thành văn hóa từ chức cần phải có một môi trường thuận lợi với đầy đủ các cơ sở về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và pháp lý để khích lệ và tạo ra những tiền đề cho hành động từ chức trở thành việc làm bình thường trong đời sống chính trị ở nước ta.
Rõ ràng, để có văn hóa từ chức, phải xác lập được đúng giá trị xã hội của cán bộ, công chức, xác định được đúng giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội của việc từ chức. Chừng nào trong xã hội, nhất là trong hệ thống công quyền còn coi cán bộ, công chức nằm ở nấc thang cao nhất của giá trị xã hội, là nơi bảo đảm con đường tiến thân với lợi ích cao và bền vững, không gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm con người, thì chừng đó văn hóa từ chức vẫn khó “có đất” hình thành và phát triển lành mạnh.
Bài 2: VĂN HÓA TỪ CHỨC - NÉT ĐẸP VĂN HÓA CHÍNH TRỊ
Từ chức là một nét văn hóa công vụ được biểu hiện không chỉ ở hành vi mà cả trong ý thức, tư tưởng và suy nghĩ của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hành vi từ chức còn có cơ sở đạo đức là liêm chính, tự trọng, trọng danh dự, liêm sỉ của chính cá nhân và các chuẩn mực đạo đức khác. Chính những điều này đã hình thành nên văn hóa từ chức, khiến nó trở thành nét đẹp chính trị, là lương tri, trách nhiệm cá nhân, công dân, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý.
Tại các quốc gia phát triển, từ chức là hiện tượng phổ biến, được luật hóa và trở thành một trong những nét văn hóa cơ bản gắn liền với trách nhiệm thực thi công vụ của công chức. Hiện nay, văn hóa từ chức có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung và tiến trình xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói riêng.
Từ chức được hiểu là việc xin thôi không đảm đương chức vụ mà một người đang giữ. Nó chỉ có thể xảy ra ở những người giữ chức vụ, quyền hạn và khi người đó không còn khả năng, uy tín để đảm nhiệm chức vụ (ví dụ có tình huống bất thường về thực hiện chức trách, nhiệm vụ hoặc lý do cá nhân). Từ chức là hành vi tự nguyện, tự giác của người có chức vụ khi nhận thấy mình không đủ uy tín, năng lực, sức khỏe, điều kiện để đảm nhận chức vụ, thể hiện thái độ trung thực, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Đối với xã hội, từ chức là hiện tượng được coi trọng và ủng hộ, được nhìn nhận theo hướng tích cực như một tất yếu trong quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Từ chức thể hiện yêu cầu, đòi hỏi cao hơn của xã hội về năng lực, trách nhiệm, đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật của những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
Văn hóa từ chức trong chính trị là một bộ phận của văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng. Hành động từ chức cần được thể hiện phù hợp với sự phát triển của môi trường chính trị và đời sống văn hóa nước ta. Tức là từ chức có văn hóa, thậm chí đòi hỏi cần phải thể hiện văn hóa ở trình độ cao. Bởi đây là hành động không dễ dàng thực hiện đối với bất cứ ai được trao, đảm nhận chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị.
Văn hóa từ chức được thể hiện thông qua ba tiêu chí cụ thể. Đó là: 1) Sự tự nguyện, tự giác của người có chức vụ. 2) Từ chức là hành vi có văn hóa khi người có chức vụ tự nhận thức rằng mình không thể đảm đương chức vụ mà tổ chức đã giao, không phải là việc sử dụng hành vi từ chức để chạy tội, hoặc “đánh bóng” tên tuổi. 3) Tự nguyện từ chức là biểu hiện tự trọng cao của cán bộ lãnh đạo, quản lý về phương diện chính trị và tính liêm sỉ trong đạo đức. Văn hóa từ chức thể hiện thông qua việc cán bộ tự nguyện từ chức đặt lợi ích của tổ chức và xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, dũng cảm vượt qua tính ích kỷ, tham vọng quyền lực và danh vọng. Văn hóa từ chức cũng thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi từ chức.
Văn hóa từ chức bảo đảm sự vận hành thông suốt và trong sạch của bộ máy chính trị. Văn hóa từ chức được hình thành sẽ tự động thanh lọc đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Những người không đủ năng lực, phẩm chất, không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ tự giác từ chức để người khác có khả năng phù hợp tiếp tục thực hiện công việc. Hoặc khi những người giữ chức vụ có sai phạm, dù vô tình hay cố ý nhưng khi nhận thức được sai lầm và không còn nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm thì họ sẽ tự nguyện rời vị trí lãnh đạo, quản lý. Những người có năng lực, uy tín hơn sẽ được tuyển lựa để thay thế vào vị trí đó. Như vậy, việc từ chức một cách có văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị, nền chính trị sẽ luôn có những người có đủ đức, đủ tài đảm nhiệm công việc chung, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, loại đi mọi yếu tố có thể làm suy yếu hệ thống chính trị, ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển chung của sự nghiệp cách mạng. Hình thành văn hóa từ chức là một cách thức thay thế những người lãnh đạo yếu kém, tăng tính hiệu quả của bộ máy lãnh đạo, tạo cơ chế để những người có khả năng, năng lực có cơ hội công bằng thể hiện và đóng góp tài trí cho sự phát triển của đất nước.
Văn hóa từ chức phát huy vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền trong lãnh đạo phát triển xã hội. Khi hệ thống chính trị có đội ngũ lãnh đạo có khả năng về mọi mặt điều hành đất nước thì tất yếu sẽ đưa đất nước phát triển, nâng cao uy tín của đảng cầm quyền, của bộ máy nhà nước đối với nhân dân, được nhân dân ủng hộ và phục tùng, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách nhằm đạt được hiệu quả cao nhất các mục tiêu đã định. Ngược lại, khi những người không còn đủ khả năng nhưng cố giữ vị trí lãnh đạo, quản lý thì hậu quả tất yếu là kéo lùi sự phát triển, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với đảng cầm quyền, đối với bộ máy nhà nước, làm cho hệ thống chính trị hoạt động không hiệu quả, từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng chống đối, rối loạn và khủng hoảng đời sống chính trị, kinh tế, làm cho xã hội bất ổn, trì trệ.
Văn hóa từ chức thể hiện ý thức và góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với sự phát triển đất nước. Khi họ nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình đối với vận mệnh đất nước, họ sẽ có trách nhiệm cao đối với công việc, sẽ ứng xử một cách có văn hóa với chức trách được giao, nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp chung. Nhưng một khi vị trí ấy không còn phù hợp với mình nữa, họ sẽ tự nguyện rút lui, điều đó thể hiện lòng tự trọng, ý thức vì tập thể, vì cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung, không để quyền lợi của bản thân ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển của đất nước.
Văn hóa từ chức góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển văn hóa chính trị. Sự phát triển của văn hóa chính trị thể hiện ở một nền chính trị hoàn thiện, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy vai trò lãnh đạo của chính trị đối với kinh tế và đời sống xã hội. Từ chức là cần thiết trong đời sống chính trị và văn hóa từ chức là một tiêu chuẩn để phản ánh văn minh chính trị. Văn hóa từ chức sẽ “gạn lọc” những người lãnh đạo không đủ uy tín, năng lực, sức khỏe; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Ở Việt Nam, cán bộ giữ chức vụ trong hệ thống chính trị thực hiện việc từ chức chưa nhiều, chưa phổ biến. Vì thế, từ chức chưa được xã hội và người dân coi đó là một nét văn hóa chính trị bình thường như ở các nước phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với những chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, những đòi hỏi khách quan từ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hội nhập quốc tế đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ, đặt ra những yêu cầu mới về từ chức. Từ chức phải trở thành hành động bình thường của người có chức vụ khi không còn năng lực, uy tín bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ chức khi trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội sẽ biểu hiện được giá trị chuẩn mực, được xã hội chấp nhận và đánh giá như một nét văn hóa, do vậy cần được quy định rõ ràng và luật hóa.
Vấn đề từ chức được Đảng ta quan tâm, đặc biệt từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc Đổi mới. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của BCH Trung ương khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” đã nhấn mạnh: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì công việc, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của BCH Trung ương khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” xác định: “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chỉ rõ: “Chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”. Đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp là “thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao…”.
Ngày 19-5-2018, BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đánh giá: “Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe”. Nghị quyết đã nêu giải pháp: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”. Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương tại Điều 2, khoản 8 chỉ rõ: “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Đặc biệt, ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã có nội dung điều chỉnh hai hình thức là “miễn nhiệm” và “từ chức”; áp dụng đối với cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Việc “miễn nhiệm” theo quy định của Hiến pháp và việc “cho thôi giữ chức vụ” do sắp xếp, phân công, điều động cán bộ của cấp có thẩm quyền được coi là việc làm thường xuyên, bình thường trong công tác cán bộ, nên không thuộc nội dung điều chỉnh của Quy định này. Với các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Quy định số 41 là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng thành quy định cụ thể. Nội dung Quy định số 41 cô đọng, rõ ý, dễ hiểu, dễ triển khai, vận dụng, là cơ sở cho ứng xử văn minh trong miễn nhiệm, từ chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp với kỳ vọng của Nhân dân.
Trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa vấn đề từ chức trong các bộ luật và các quy định. Điều 7, Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13-11-2008 nêu rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Điều 30 Luật này quy định: “Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây: Không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ; vì lý do khác”. Điều 10, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Điều 84, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Người được HĐND bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Điều 10, Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức”…
Văn hóa từ chức là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa chính trị. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ, là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực của những cán bộ lãnh đạo, quản lý có liêm sỉ, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp của Đảng và đất nước.
Để từ chức trở thành một nét văn hóa, thể hiện sự văn minh, lương tâm, trách nhiệm của một người cán bộ, đảng viên, cần thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề này, xem đó là một hoạt động thực thi công vụ bình thường. Đây là những bước khởi đầu cho một cách làm mới không chỉ khiến từ chức trở thành “lẽ thường” trong hoạt động của hệ thống chính trị, mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển nhanh và bền vững.
|
Đại diện các nhóm tác giả nhận Giải B - Giải Búa liềm vàng 2022 |
Bài 3: VĂN HÓA TỪ CHỨC: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH PHỔ BIẾN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp về văn hóa từ chức: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(1). Văn hóa từ chức thể hiện trách nhiệm chính trị cao của những người giữ chức vụ, nhưng làm thế nào để văn hóa từ chức trở thành phổ biến trong hệ thống chính trị? Phải chăng văn hóa từ chức cần có môi trường thuận lợi với đầy đủ các cơ sở về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và pháp lý?
Rào cản và những vấn đề đặt ra
Văn hóa từ chức vừa mang tính cá nhân đồng thời phản ánh chuẩn mực những hành vi của cộng đồng, xã hội. Việc hình thành văn hóa từ chức của cán bộ trong hệ thống chính trị chịu ảnh hưởng lớn từ những thói quen, hành vi, tâm lý, nhận thức và những điều kiện kinh tế - xã hội, được coi là những trở ngại, thách thức, rào cản rất phức tạp.
Hiện nay, nhận thức và dư luận xã hội đang quá coi trọng chức quyền với quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, thậm chí nhận thức sai lệch rằng cán bộ là một nghề có giá trị xã hội cao nhất; tạo con đường thăng tiến lâu dài, gắn với những lợi ích mà không phải là cán bộ thì khó có được. Xã hội Việt Nam vẫn coi việc từ chức là vấn đề nặng nề, chưa coi hành vi từ chức của cán bộ là bình thường, là hành động mang tính pháp lý và nhân văn. Do đó, không những không ủng hộ, khuyến khích mà lại có xu hướng kì thị, dị nghị khi cán bộ tự nhận thấy mình không đủ năng lực, uy tín và dũng cảm, chủ động từ chức. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên về việc từ chức còn hạn chế. Không ít cán bộ có quan điểm tiêu cực, tâm lý lo lắng, nặng nề về việc từ chức hoặc do sức ép từ dư luận, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp dẫn đến không dám từ chức. Một số trường hợp thiếu nhận thức về phần lỗi của mình hoặc cho rằng lỗi đó, vi phạm đó do tập thể, do cơ chế; cá biệt có cán bộ còn có biểu hiện tham quyền cố vị, lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân nên không từ chức. Vượt qua những rào cản tâm lý, áp lực để dũng cảm nhận trách nhiệm, sẵn sàng từ chức không phải là chuyện dễ dàng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Cơ chế kiểm soát quyền lực, chính sách sử dụng, quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước vẫn chưa thực sự tạo được bước đột phá. Việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp, chưa chú trọng năng lực thực sự và hiệu quả công việc của cán bộ, chưa có cơ chế từ chức cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và phổ biến văn hóa từ chức. Tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá cán bộ chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng nể nang, cảm tính, dẫn đến thiếu cơ sở rõ ràng để giải quyết việc từ chức của cán bộ. Chưa kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách động viên cán bộ tự nguyện từ chức, chưa có quy định về bố trí công tác cho cán bộ sau từ chức như trường hợp nào đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, trường hợp nào không giữ chức vụ. Việc giải quyết các trường hợp từ chức còn nể nang, ngại va chạm; thường nương nhẹ để cán bộ giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ, sau đó không bổ nhiệm lại hoặc không giới thiệu ứng cử; thậm chí còn điều động, bổ nhiệm sang giữ chức vụ khác tương đương hoặc thấp hơn. Công tác kiểm tra, giám sát việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ thực hiện chưa thường xuyên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, khó khăn liên quan.
Các quy định về từ chức đã được đề cập trong chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số văn bản của Đảng và Nhà nước về việc từ chức của cán bộ chậm được cụ thể hóa, chưa đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị khi thực hiện. Một số trường hợp cán bộ tự nguyện từ chức nhưng chậm được giải quyết, quy trình thủ tục rườm rà, thiếu cụ thể, thiếu chặt chẽ. Tự giác kiểm điểm bản thân và tự nguyện từ chức của cán bộ vì lợi ích chung còn thấp, gây khó khăn cho quá trình vận động, thuyết phục từ phía địa phương, cơ quan, đơn vị công tác, từ tập thể lãnh đạo, người đứng đầu. Người đứng đầu thường có tâm lý né tránh, chưa quyết tâm vận động, thuyết phục cán bộ thôi giữ chức vụ hoặc từ chức vì lợi ích chung, nhất là những trường hợp do năng lực hạn chế, không đủ uy tín để lãnh đạo, quản lý hoặc có sai phạm, khuyết điểm.
Những rào cản trên dẫn đến tình trạng nhiều người muốn từ chức một cách tự nguyện nhưng thà “cố làm còn hơn từ chức”. Trên thực tế, rất ít cán bộ, đảng viên tự nguyện từ bỏ vị trí mà mình đã bỏ nhiều công sức, thời gian phấn đấu, rèn luyện mới có được. Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, trong 10 năm (2009-2019), cả nước có 2.268 cán bộ từ chức. Trong đó, cấp tỉnh có 1.786 trường hợp, chiếm 78,8%; ở các đảng ủy trực thuộc Trung ương có 1, chiếm 0,04%; ở các ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương có 481 trường hợp, chiếm 21,2%; không có cán bộ xin từ chức ở các cơ quan có tổ chức đảng đoàn trực thuộc Trung ương. Lý do từ chức là để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý có 696 trường hợp, chiếm 30,7%; do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe 755, chiếm 33,3%; do không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao 124, chiếm 5,47%; vì lý do cá nhân 693, chiếm 30,6%. Như vậy, trong 10 năm, tỷ lệ từ chức do không còn đủ uy tín chỉ chiếm hơn 5%, phần lớn cán bộ xin từ chức bởi lý do khách quan như chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý, lý do cá nhân. Hiếm hoi có các trường hợp xin từ chức gần đây như: Tháng 1-2021, thiếu tá Trịnh Văn Khoa, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tháng 7-2022, 2 phó giám đốc sở ở tỉnh Đồng Nai cùng viết đơn xin nghỉ việc là ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và bà Trần Thị Ái Liên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ (ông Lộc và bà Liên là vợ chồng). Tháng 8-2022, ông Mai Nhữ Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có đơn xin chuyển công tác sau hơn 2 tháng được bổ nhiệm...
Một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển thì việc cán bộ từ chức khi tài, đức không xứng với vị trí, chức vụ, hạn chế về năng lực, không đủ uy tín để hoàn thành chức trách được giao là một xu hướng tất yếu nhằm sàng lọc cán bộ, tạo điều kiện để sử dụng được người tài, bố trí đúng người, đúng việc. Để văn hóa từ chức của cán bộ phổ biến trong hệ thống chính trị ở Việt Nam cần sự quyết tâm và biện pháp đồng bộ với quan điểm nhất quán: Văn hóa từ chức phải gắn chặt với trách nhiệm, đạo đức của cán bộ; bảo đảm tuân thủ các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thể hiện sự coi trọng, đặt lợi ích của tổ chức, của Nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết.
Kiên trì, quyết tâm xây dựng văn hóa từ chức
Văn hóa từ chức đã xuất hiện từ sớm trong lịch sử Việt Nam, gắn với việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất, tư cách của mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều quan niệm về miễn nhiệm, từ chức đã không còn phù hợp hoặc không có điều kiện để thực hiện. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu phát triển lý luận về văn hóa miễn nhiệm, từ chức, bổ sung, phát triển lý luận về văn hóa công vụ, về đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới. Xây dựng văn hóa Đảng, trong đó lấy đạo đức cán bộ, đảng viên, đạo đức công dân làm gốc. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử cán bộ. Đề cao ý thức trách nhiệm của cá nhân; coi việc thực hiện công tác cán bộ khách quan, công tâm là lương tâm, nhân phẩm, lòng tự trọng của người có thẩm quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; khuyến khích cán bộ tự nguyện từ chức; đánh giá cao những người có dũng khí, lòng tự trọng, liêm sỉ, tự nguyện từ chức. Đồng thời, định hướng dư luận không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức, làm cho từ chức trở thành tự nhiên, bình thường trong xã hội.
Ngoài việc nêu cao tinh thần gương mẫu, tự nguyện từ chức của cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có những quy định mang tính pháp lý để bắt buộc những người không tự giác phải từ chức. Mới đây, ngày 8-9-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo đó, Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Chủ trương mang tính đột phá này cần sớm được cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để thống nhất thực hiện, bảo đảm phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong bố trí, sử dụng cán bộ.
Cần sớm ban hành quy định, luật hóa việc từ chức, không để cán bộ không đủ năng lực, đạo đức yếu kém, cơ hội, vụ lợi, luồn lách, chạy chức, chạy quyền. Xây dựng hành lang pháp lý, hướng dẫn chi tiết, cụ thể và đầy đủ cho việc từ chức, để người từ chức không bị mặc cảm nặng nề, việc từ chức không còn là rào cản về tâm lý, mà trở thành ý thức, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Trong đó, có chính sách phù hợp để khuyến khích cán bộ từ chức khi không đáp ứng được nhiệm vụ, không phù hợp với vị trí công tác hoặc có khuyết điểm để có chỗ cho người có năng lực, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người từ chức. Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong công tác cán bộ nói chung, văn hóa từ chức của cán bộ trong hệ thống chính trị nói riêng. Đề cao vai trò quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; nhất là trong việc từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị.
Tập trung xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ, khách quan, toàn diện, lựa chọn đúng cán bộ cho từng vị trí, chức danh, nhất là các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương…, khắc phục tình trạng “đúng quy trình, nhưng không đúng người”. Tiêu chí, nội dung đánh giá phải chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng. Áp dụng cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý có sự cạnh tranh, công khai, minh bạch; mở rộng thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo định kỳ và trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và có sự so sánh với các chức danh tương đương. Gắn việc đánh giá tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức - cán bộ, khắc phục việc nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Khắc phục tình trạng quy định trách nhiệm chung chung, hình thức, khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Có quy định cụ thể nhằm tạo động lực, khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, được đâu hay đó hoặc lợi dụng quyền lực một cách tinh vi, thỏa hiệp vì lợi ích nhóm, thu vén cá nhân. Cá nhân phụ trách phải trên cơ sở thống nhất với ý chí, hành động của tập thể. Tập thể phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá nhân phụ trách, điều hành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy hành vi từ chức của cán bộ.
Cần ban hành các chế độ, chính sách cán bộ phù hợp, vừa tạo động lực làm việc cho cán bộ, vừa làm cho họ yên tâm, toàn tâm, toàn ý với cương vị được giao, giúp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng như chính sách tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chính sách ưu đãi, cải cách nền công vụ, chính sách hỗ trợ người tự nguyện từ chức. Nâng cao mức sống cho cán bộ, công chức, giảm biên chế để tinh lọc bộ máy, có chế độ kiểm tra, kiểm soát, giao việc để nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Văn hóa từ chức là hành vi chủ động, tự nguyện, tự giác của cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở hiểu đúng, sâu sắc về năng lực, phẩm chất và tôn trọng giá trị của chính mình. Trong hệ thống chính trị nước ta, văn hóa từ chức mới manh nha nhưng thực sự cần thiết để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức. Hình thành và phổ biến văn hóa từ chức cần sự chủ động, thận trọng và kiên trì, kết hợp công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát và các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền.
-----
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 4, tr.187.
Minh Anh, Hoàng Yến, Tường Vy, Thanh Tùng
Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương