Tác phẩm đoạt giải

Bàn về “dụng nhân” trong Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Do đó, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp sẽ tạo nên những hiệu quả quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu loạt bài 3 kỳ của tác giả Đỗ Anh bàn về vấn đề này.

Tác giả loạt bài "Bàn về dụng nhân trong Đảng"
Tác giả loạt bài "Bàn về dụng nhân trong Đảng"

Kỳ 1: Đâu cần “đốt đuốc” đi tìm cán bộ

Thời gian qua, nhiều cán bộ của Đảng trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao rơi vào vòng lao lý, bị xử lý kỷ luật đến mức khai trừ ra khỏi Đảng. Thậm chí, có một số cán bộ vừa được bổ nhiệm, trải qua quy trình nhân sự được đánh giá chặt chẽ nhưng bị xử lý kỷ luật chỉ ngay sau đó ít lâu. Điều này khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoài nghi đặt câu hỏi liệu có phải Đảng ta đang thật sự thiếu cán bộ hội tụ đầy đủ tài và đức?

Phương châm “Không lo thiếu cán bộ”

Thân Nhân Trung, nhân sỹ thời Hậu Lê đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Do đó, việc trọng dụng người có đức, có tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay. Thời nào biết trọng dụng hiền tài thì đất nước thịnh và ngược lại không trọng dụng nhân tài thì đất nước sẽ suy, nhân dân cơ cực, lầm than. Đảng ta xác định, công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Thực tế chứng minh, đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững cần có đường lối phát triển đúng đắn và có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối đó.

Trong “Bình Ngô đại cáo”, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khẳng định: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Để không bao giờ thiếu cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh phương pháp: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, trong đó có cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhưng khi sắp xếp họ vào vị trí lãnh đạo, quản lý, không ít cán bộ vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chưa bao giờ chúng ta xử lý kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao như thời gian qua. Trong các Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh: Cán bộ bị xử lý kỷ luật chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Việc xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm là cần thiết, đúng đắn để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Quan điểm không sợ thiếu cán bộ luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Mới đây nhất tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa củng cố luận điểm “nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người”.

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương đánh giá: “Nhìn nhận một cách thẳng thắn, công tác cán bộ của chúng ta hiện nay đang có vấn đề ở chính khâu cân nhắc, lựa chọn, tính toán, bố trí nhân sự cho đúng chứ chúng ta không gặp phải tình trạng “đốt đuốc đi tìm cán bộ”. Thực trạng cho thấy chúng ta chưa chọn đúng người, chưa bố trí đúng việc, chưa đánh giá hết phẩm chất, năng lực của cán bộ để bố trí đúng vị trí, giúp cán bộ phát huy hết sở trường, năng lực của họ”.

10 năm qua (2010-2020), công tác xây dựng đội ngũ đảng viên ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Tính đến 31-12-2021, toàn Đảng có hơn 5,3 triệu đảng viên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, số lượng đảng viên tăng mạnh qua các nhiệm kỳ. Ngoài sự gia tăng liên tục về số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đảng viên tương đối phù hợp về số lượng đảng viên nữ, trẻ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng. Chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng cao hơn so với giai đoạn trước (đảng viên có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 55%; trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên chiếm hơn 60%).

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021, tổng số công chức của các cơ quan Trung ương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và địa phương là 233.219 người, trong đó có gần 60.000 cán bộ, công chức nhà nước là thạc sỹ, tiến sỹ, người chưa qua đào tạo chỉ chiếm 1,11%. Những con số trên khẳng định chúng ta hiện nay không thiếu cán bộ có đủ năng lực, trình độ, thậm chí không thiếu người tài cho Đảng nhưng điều mấu chốt là sợ thiếu người biết cách dùng người tài, dùng cán bộ. Điều chúng ta cần tập trung làm hiện nay là đổi mới phương châm dùng người từ khâu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, lựa chọn đến đánh giá, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để “lắp” họ vào đúng chỗ, đúng việc.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng từng chia sẻ: “Người tài trong 100 triệu dân đất Việt rất nhiều. Chỉ có điều người tài về hoạt động chính trị khác với người tài về quản trị điều hành và khác với người tài về nghiệp vụ chuyên môn; người tài trong sáng tạo nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ… lại còn khác nữa. Người tài về hoạt động chính trị phải tìm trong Đảng; người tài về quản trị điều hành, về nghiệp vụ chuyên môn phải tìm trong phạm vi rộng hơn; người tài về sáng tạo nghệ thuật lại phải tìm trong phạm vi rộng hơn nữa. Ngoài ra, phương pháp tìm kiếm người tài cũng khác nhau. Quy trình, thủ tục cất nhắc, đề bạt mà chúng ta đang áp dụng rất phù hợp cho việc lựa chọn các chính khách, cán bộ chính trị, nhưng chưa chắc đã phù hợp cho việc lựa chọn các cán bộ hành chính - công vụ”. Trong thời gian trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới công tác cán bộ. Việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. Thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà.

Nguyên tắc “Dụng nhân như dụng mộc”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu lý tưởng để chúng ta học tập và noi theo về nghệ thuật đánh giá, bố trí và trọng dụng nhân tài. Theo Bác Hồ, “người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Bởi không có cán bộ nào việc gì cũng có thể làm được, cũng không có cán bộ nào không thể làm được bất cứ việc gì. Việc bố trí cán bộ, vừa đảm bảo đúng chuyên môn, vừa tạo điều kiện phát huy hết khả năng của cán bộ.

Trong những thời điểm lịch sử cam go nhất của đất nước như Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta chỉ với khoảng hơn 5.000 đảng viên nhưng đã giành thắng lợi vẻ vang. Ngay từ những năm 1926 - 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên ưu tú của Việt Nam về chủ nghĩa cộng sản, về phương pháp cách mạng mới, sau đó đưa về nước và trở thành những “hạt giống đỏ” của cách mạng nước ta. Tháng 11-1946, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Người viết bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411 như “chiếu cầu hiền tài”. Tư tưởng trọng dụng người tài ở Bác là sự chân thành, thực sự trọng dụng người tài, không hình thức. Người đánh giá cụ thể từng cán bộ và yêu cầu chính quyền các cấp cũng phải làm như thế, ai có tài phải được sử dụng xứng đáng. 

Những người được Bác Hồ đào tạo, sau này đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác không ngần ngại mời những người từng phục vụ cho chế độ cũ tham gia Quốc hội, Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nhân sỹ trí thức yêu nước ngoài Đảng đã hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Bùi Bằng Đoàn… Bác nói: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn không phản lại quyền, lợi ích dân chúng… có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”. Bác Hồ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, người nổi tiếng tài năng, đức độ và có lòng yêu nước, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp ra làm Bộ trưởng Nội vụ và giao Quyền Chủ tịch nước cho cụ khi Người sang Pháp năm 1946. GS. Nguyễn Văn Huyên, trí thức thời thuộc Pháp được Người giao trọng trách đứng đầu Ngành Giáo dục 29 năm; cụ Bùi Bằng Ðoàn, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn cũng được mời làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau này làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Cụ Nguyễn Lương Bằng, một mẫu mực về liêm khiết, chí công vô tư được mời làm công tác kiểm tra Đảng… Năm 1940, khi gặp hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh, Trung Quốc, Bác đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng đi học chính trị, cử đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học quân sự… Để chúng ta có một đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 32 năm; có một bậc thầy về quân sự được cả thế giới công nhận là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khâu bố trí, sử dụng cán bộ giữ vai trò, vị trí rất quan trọng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt...”. Tức là, nếu bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bố trí, sử dụng cán bộ không đúng, không chính xác có thể làm giảm sút động lực phấn đấu của cán bộ, gây ra sự trì trệ, ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể.

Chia sẻ về tư tưởng dùng người của Bác, đồng chí Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhắc lại, vào thời điểm đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công nhưng chúng ta lại có đội ngũ cán bộ là những con người có trí tuệ bậc nhất trong khi 95% nhân dân mù chữ. Bác Hồ thấy “mỗi người dân là một người yêu nước, mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước”. Vì thế, Bác nhìn nhận đất nước có nhiều người tài, cần biết đánh giá và sử dụng đúng. Chẳng hạn, ông Phan Anh (Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim), sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công đã được Bác Hồ lựa chọn làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về chọn cán bộ, tư duy tìm người tài phải là trong toàn dân tộc chứ không chỉ trong cán bộ, đảng viên cần được quán triệt trong các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Chúng ta chỉ là cái men. Nên được rượu là nhờ cơm nếp. Phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng. Nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo về mình”. Khẳng định kiến thiết cần phải có nhân tài, nhân tài trong nhân dân, Bác Hồ kêu gọi chính quyền các địa phương ngay lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Bởi vậy, điều quan trọng nhất vẫn là tư duy nhìn nhận người tài của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thực tế Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều người thông minh, tài giỏi, nổi danh khắp năm châu. Hằng năm, chúng ta đoạt nhiều giải thưởng Ô-lim-pic các bộ môn khoa học quốc tế. Chúng ta cũng tổ chức tuyên dương hàng trăm thủ khoa các trường đại học, cao đẳng mỗi năm. Nhưng hiện nay các cơ quan nhà nước chưa thực sự hấp dẫn đối với nhiều người tài để thu hút họ vào làm việc. Điều này khiến chúng ta phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp đúng.

Đại diện nhóm các tác giả đoạt Giải B - Giải Búa liềm vàng 2022
Đại diện nhóm các tác giả đoạt Giải B - Giải Búa liềm vàng 2022

Kỳ 2: “Bắt bệnh” tìm nguyên nhân

Nhiệm kỳ Đại hội XIII mới đi được một phần ba chặng đường nhưng không ít cán bộ cấp cao “nhúng chàm” bị xử lý kỷ luật. 6 tháng đầu năm 2022 đã có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vướng vòng lao lý. Điều này khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên đánh giá công tác cán bộ của chúng ta đang thật sự có vấn đề và đó là hệ quả tất yếu của việc lựa chọn, sử dụng cán bộ không đúng người, đúng việc. Nguyên do của thực trạng này bắt nguồn từ đâu?

Có hiện tượng “Dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”

Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã làm rất đúng quy trình, quy định nhưng lại chọn không đúng người, đúng việc, khiến nhiều cán bộ “ngồi nhầm chỗ”. Chẳng hạn, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh xuất thân là cử nhân chuyên ngành cờ vua lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, chỉ sau 15 ngày đồng chí này đã được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh. Theo PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương, thời gian qua công tác cán bộ cũng gây nhiều băn khoăn. Xây dựng khung tiêu chuẩn chức danh chung đối với cán bộ là đúng nhưng khi lựa chọn con người cụ thể thì nhiều tiêu chuẩn chức danh chưa thật sự phù hợp.

Hiện nay, có biểu hiện không ít cán bộ có suy nghĩ quyết chí phấn đấu theo “con đường thăng quan tiến chức” bằng mọi giá. Bởi khi trở thành quan chức sẽ có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Điều này tất yếu trong nhiều trường hợp đã phát sinh hệ quả là sản sinh ra những nhà quản lý, nhà lãnh đạo kém, đồng thời đánh mất những chuyên gia, nhà khoa học giỏi. Chẳng hạn, trường hợp bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chuyên gia đầu ngành, “bàn tay vàng” trong lĩnh vực phẫu thuật tim của nước nhà. Những cống hiến của ông Tuấn trong việc chữa bệnh, cứu người, đặc biệt trong việc phát triển nền Y học Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phẫu thuật tim không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng chỉ vì phấn đấu theo “con đường quan chức” mà ông Tuấn được cất nhắc, đưa vào vị trí Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, rồi Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Thế rồi những sai phạm của ông Tuấn không bắt nguồn từ yếu tố chuyên môn mà liên quan đến lĩnh vực điều hành, quản lý với những vi phạm về các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

Có tội thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân nhưng nhiều người cảm thấy tiếc cho “đôi bàn tay vàng” của bác sỹ Tuấn. Giá như không đi theo con đường quan chức, đôi bàn tay ấy còn cứu được biết bao người. Để đào tạo một bác sỹ giỏi chuyên môn bậc cao như bác sỹ Tuấn không đơn giản, có thể mất hàng chục năm. Điều này khiến những người làm công tác tổ chức - cán bộ phải suy ngẫm về tư duy chọn cán bộ, về tiêu chuẩn mà chúng ta đang đặt ra khi bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở những lĩnh vực đặc thù. Bởi, điểm mấu chốt vẫn là chưa chọn đúng người và bố trí đúng việc. Bởi vậy, Bác Hồ từng nói “dùng người cũng như dùng gỗ”. Nếu con người ấy đưa vào vị trí đúng thì họ sẽ phát huy hết tài năng, sở trường, sở đoản. Nhưng cũng những con người ấy khi đưa vào vị trí không đúng, nhiều khi làm thui chột tài năng của người ta, cái tài của họ sẽ không được phát huy để cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc, thậm chí còn dẫn họ đến sai lầm, phạm tội.

 Bác Hồ nhắc nhở: Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người thì hai người đều thành công.

Đánh giá cán bộ nặng về định tính

Việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ chưa đúng người, đúng việc bắt nguồn từ việc chưa đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá cán bộ hiện nay vẫn còn cảm tính, nể nang, dễ dãi và có phần định kiến. Đó sẽ là một “mối nguy” lớn bởi khi không đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ thì không thể bố trí đúng người vào đúng vị trí. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự “xộc xệch” trong việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ thời gian qua bắt nguồn từ việc các tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ mà chúng ta đề ra chủ yếu mang tính chất định tính. Mà đã định tính thì việc đo đếm rất khó khăn. Ví dụ, làm thế nào để có thể đo đếm sự trung thành của cán bộ, đảng viên với Đảng và Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, pháp luật? Chúng ta đề ra các tiêu chuẩn định tính thì dễ, nhưng xây dựng được bộ công cụ để đo đếm các tiêu chuẩn đó một cách khách quan, chính xác khó hơn nhiều. Đo đếm sai, không thể lựa chọn đúng.

Những tiêu chuẩn cán bộ hiện nay dù đúng nhưng chưa sát, chưa nhận diện, phác hoạ được chân dung của cán bộ theo chức danh. Đôi khi những tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ cấp cao áp dụng cho một cán bộ, công chức bình thường vẫn hoàn toàn phù hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, BCH Trung ương là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng. Nhưng một câu hỏi được các cán bộ, đảng viên đang đặt ra liệu rằng các đồng chí Ủy viên Trung ương hiện nay đã thật sự là “linh hồn”, nòng cốt nhất trong số hơn 5 triệu đảng viên hay chưa? Quá trình sàng lọc, lựa chọn, bầu cử đã khách quan, công tâm để các đồng chí này thật sự trở thành những người tinh hoa nhất? Bởi chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp hàng loạt cán bộ cấp cao bị xem xét, thi hành kỷ luật, cá biệt có những đồng chí bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị xử lý hình sự. Điều này khiến ta nhớ đến câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, lãnh đạo cấp cao đầu tiên bị xử lý kỷ luật sau Đại hội XIII, dù trước đó ông này đã “lọt” qua quy trình giới thiệu ứng cử nghiêm ngặt của Đảng để “ngồi” vào ghế Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy.

Theo đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những sự việc đau lòng về cán bộ cho thấy chúng ta đã có những thiếu sót rất lớn trong khâu lựa chọn cán bộ. Đây là vấn đề mà những người làm tổ chức phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp. “Ngày xưa khi lựa chọn cán bộ cấp Trung ương quản lý, chúng tôi phải bàn thảo rất kỹ, đánh giá nhiều chiều, nâng lên đặt xuống. Ban Tổ chức Trung ương đề xuất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương… cho ý kiến rồi Văn phòng Trung ương Đảng sẽ cho ý kiến tiếp và tiếp thu, tập hợp các ý kiến, sau đó mới báo cáo trình Ban Bí thư. Nếu các ý kiến có sự khác nhau thì Thường trực Ban Bí thư sẽ triệu tập các cơ quan trên lại, phân tích rõ các vấn đề. Tôi từng nhiều lần được anh Phan Diễn, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư mời lên để trao đổi về các ý kiến phản biện” - Đồng chí Vũ Quốc Hùng cho biết.

Hiện nay, một số cán bộ trong thời gian ngắn luân chuyển quá nhiều vị trí công tác khiến nhiều người đánh giá luân chuyển chỉ là hình thức “tráng men”. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng ta chưa vội đánh giá việc này là tốt hay không tốt nhưng bố trí, sắp xếp cán bộ như vậy là chưa ổn, bởi tại mỗi nơi cán bộ luân chuyển đến cần phải có thời gian để họ rèn luyện, thử thách. “Những người mà mỗi năm lại lên một vị trí sẽ khiến dư luận bàn tán rất nhiều. Họ sẽ đặt câu hỏi sao anh này đa tài như vậy hay chúng ta thiếu cán bộ đến mức độ nào mà chỉ có anh đó mới làm được…”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, “điểm nghẽn” lớn nhất trong bố trí, sử dụng cán bộ hiện nay là chưa có sự phân công rõ ràng giữa Đảng và Nhà nước trong việc quản trị nhân lực công. Điều này sẽ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác cán bộ, làm cho quy trình nhân sự rất phức tạp, tốn thời gian, công sức. Cách thức lựa chọn nhân sự với các tiêu chuẩn chính trị đang được áp một cách đại trà cho cả nền công vụ làm cho việc lựa chọn người tài trở nên khó khăn và thiếu chính xác.

Chủ nghĩa cá nhân nảy nở

 Đa số các cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật chủ yếu đều xuất phát từ nguyên nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2016 đến năm 2020, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực và có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật). Điều này cho thấy tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ... đã làm sai lệch các tiêu chí, khung tiêu chuẩn về bố trí và sử dụng cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm… là hệ quả tất yếu của việc lựa chọn, sử dụng cán bộ không đúng.

Theo đồng chí Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hoá - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời xưa làm gì có ai hiểu thế nào là chạy chức, chạy quyền. Đảng giao cái gì phải cố gắng làm cho đến nơi đến chốn, mà không làm được thì xin Đảng cho rút. Chứ bây giờ không những chạy chức, chạy quyền mà còn chạy bằng cấp, chạy luân chuyển. Vì sao? Vì họ cho rằng, đảng viên, cán bộ chủ chốt thì lợi ích sẽ đi đôi với trách nhiệm và quyền hạn.

Việc cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự có xu hướng ngày càng tăng một phần do không ít cán bộ làm công tác tham mưu cho Đảng trong công tác cán bộ đã bị ảnh hưởng, bị tác động bởi nhiều nguyên nhân nên đã không công tâm, khách quan. Hiện nay công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN đã đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề rất khác so với thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ. Lúc này, vấn đề lợi ích đã có sự khác nhau. Bác Hồ đã dạy cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt phải là “người khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”; “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thì trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã không làm tròn điều này.

Khi chuẩn bị Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó trên cương vị Cố vấn BCH Trung ương có đề cập đến việc “không đổi mới thì chết, không phát triển kinh tế nhiều thành phần thì chết nhưng phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường nhưng không nhấn mạnh đến định hướng XHCN cũng chết”. Có thể thấy, thời gian qua chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường nhưng chưa tập trung đến nơi đến chốn vấn đề định hướng XHCN nên hệ quả tất yếu đã xảy ra khi một bộ phận doanh nhân thiếu tinh thần yêu nước, lấy lợi nhuận làm mục tiêu đã “móc ngoặc”, câu kết với các cán bộ có chức, có quyền nhưng thoái hóa, biến chất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng với đất nước, với nhân dân. Những bài học thông qua các vụ án FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, hay rõ ràng nhất là đại án Việt Á và những chuyến bay giải cứu đã khiến chúng ta thấm thía điều này. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược của Đảng đã bị mờ mắt bởi lợi ích vật chất.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân của việc dùng không đúng người là khâu bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ ở một số nơi còn theo tư duy “6 ệ” (tiền tệ, quan hệ, đồ đệ, hậu duệ, ngoại lệ, trí tuệ), không vì việc chọn người, không vì lợi ích địa phương, cơ quan, đơn vị, quốc gia, dân tộc.

Bỏ sót nhân tài?

Quan điểm nhất quán từ trước đến nay của Đảng ta là trọng dụng nhân tài, lựa chọn cán bộ hội tụ cả tài và đức. Tuy nhiên, thời gian qua hình như chúng ta đang bỏ phí một nguồn nhân lực lớn là nhân tài ngoài Đảng. Trong hệ thống chính trị nước ta, ngay từ cấp trưởng phòng, thậm chí ở đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, nhiều nơi quy định “cứng” tiêu chuẩn bổ nhiệm phải là đảng viên, thành ra phạm vi lựa chọn cán bộ, tìm nhân tài chỉ bó hẹp trong Đảng. Trong khi một lực lượng lớn trí thức ngoài Đảng hay lực lượng học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài trở về nước với ước mong được cống hiến cho đất nước lại chưa được khai thác và trọng dụng tối đa.

Thời gian gần đây, ở nước ta xuất hiện dòng dịch chuyển nhân lực trái quy luật bình thường khi một lực lượng lớn lao động có xu hướng chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Một hiện tượng đáng lo ngại là nhiều bác sỹ, điều dưỡng, y tá viết đơn xin nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, gần 6.200 công chức, viên chức xin nghỉ việc trong vòng hai năm rưỡi qua. Cá biệt tại Đồng Nai, hai vợ chồng đang giữ chức danh phó giám đốc sở cùng lúc xin nghỉ việc. Nguyên do có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như thu nhập, áp lực công việc, sở thích, đam mê, môi trường công tác hoặc không được trọng dụng, phát huy sở trường, khả năng… Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì nhưng nếu những người làm công tác tổ chức - cán bộ còn chưa tìm ra được giải pháp đích đáng để hóa giải vấn đề này thì đó vẫn còn là mối nguy cơ, tạo nên những phản ứng dây chuyền. Điều này sẽ khiến đất nước thất thoát và lãng phí một nguồn lực chất xám lớn.

  

Kỳ 3: Chọn và lọc cán bộ

Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Tuy nhiên, nhiều sự việc liên quan đến công tác cán bộ thời gian qua cho thấy cách chọn, dùng cán bộ của ta vẫn chưa chuẩn. Cần có những giải pháp mang tính đột phá trong cách tìm người, dùng người, bố trí họ vào những vị trí phù hợp trong bộ máy công quyền.

Tìm ở đâu?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít, người ngoài Đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu, đoàn kết với nhau mới đưa cách mạng đến thắng lợi. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta “ngầm hiểu” rằng, những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước ngay từ cấp trưởng phòng phải là đảng viên. Thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ hầu hết đều là những đảng viên này khi họ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Cán bộ, thậm chí cán bộ lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật đến mức phải xử lý hình sự cũng là những đảng viên trước đó được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều trí thức từng làm việc trong bộ máy của Chính phủ cũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng mời về làm việc. Họ không phải là đảng viên, cái duy nhất họ có là tinh thần yêu nước và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cán bộ hội tụ cả đức và tài, tức đã là cán bộ thì phải có năng lực, đồng thời có đạo đức, biết yêu nước, thương dân. Tư tưởng của Bác Hồ là tìm, chọn người tài trong toàn dân.

Câu chuyện “danh phận ở ngoài Đảng” của cố GS, TS. Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (tên gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 1946-1975) trong gần 29 năm là bài học về cách dùng cán bộ thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1960, sau gần 25 năm giữ cương vị Bộ trưởng, Đảng ủy Bộ Quốc gia Giáo dục muốn giới thiệu GS, TS. Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp ý: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Đây là một lời khuyên đúng đắn vì trong thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai miền, rất cần người trong Đảng, ngoài Đảng, các đảng phái khác cùng tham gia chính quyền để tạo thành một mặt trận thống nhất, đoàn kết cả nước. Đã có lần GS, TS. Nguyễn Văn Huyên viết đơn xin từ chức với lý do mình là người ngoài Đảng nhưng chính Bác Hồ là người đã khuyên ông: “Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước, thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là làm việc vì dân, vì nước”. Bác Hồ nhấn mạnh: Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc tốt hay kém, hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng. Đến nay, trong các kỷ vật của cố GS, TS. Nguyễn Văn Huyên được gia đình lưu giữ cẩn thận, vẫn còn lá đơn xin vào Đảng cùng bản lý lịch tự thuật nhuốm màu thời gian.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc: Tìm người tài trong toàn dân tộc

“Cần mở rộng tư duy về việc tìm người tài. Phải tìm người tài trong toàn dân tộc. Phải quán triệt tư duy “chọn người” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp. Công tác cán bộ là của Đảng nhưng nếu Đảng chỉ chọn cán bộ trong Đảng, thay vì tìm người ưu tú trong dân thì tư tưởng sẽ bị bó hẹp và lập tức cảm thấy “bí”. Công tác cán bộ là công tác của cả hệ thống chính trị chứ không phải là công tác của một vài đồng chí ở ban tổ chức...”. 

Ông Hoàng Xuân Hãn - người được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn, chỉ trong 4 tháng (từ ngày 20-4-1945 đến 20-8-1945) trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật của Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được rất nhiều việc lớn, nổi bật là việc “Xây dựng và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ cho các trường trung học, áp dụng việc học và thi tú tài lần đầu tiên bằng tiếng Việt”. Nhiều lần ông Hoàng Xuân Hãn được Bác Hồ mời tới nói chuyện, luận bàn về chính quyền, về trí thức, về sự hợp tác giữa các đảng phái, cá nhân…

“Sàng” bằng gì?

Hiện nay, cán bộ trong hệ thống chính trị có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa người có phẩm chất, năng lực hạn chế nhưng lại thiếu người có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh và có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có những cuộc khảo sát chỉ ra số lượng cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chỉ khoảng 50%, 20% làm việc theo kiểu cầm chừng, 30% còn lại không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bởi vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời phải thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Song song với chủ trương sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, chúng ta cũng phải sàng lọc, đưa những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, muốn “lọc” được cán bộ phải có một hệ thống các quy chuẩn để thực hiện khâu đánh giá cán bộ một cách chính xác. Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ của Đảng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức, tạo nhiều chuyển biến so với trước. Đã có quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Dẫu vậy, sự đánh giá vẫn mang nhiều định tính, định lượng còn thấp. Khả năng tạo ra những “mắt sàng” bằng các tiêu chí cụ thể được định lượng rõ ràng vẫn chưa phát huy tính hiệu quả. Các tiêu chí đề ra vẫn thiên về định tính với những yêu cầu chung chung về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn. Các tiêu chí về những thành tích, đóng góp trong quá khứ của cán bộ ít được lượng hóa nên việc nhận xét, đánh giá vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đánh giá thay vì được quyết định bởi năng lực của cán bộ, thể hiện qua kết quả công việc. Nói cách khác, cơ chế đánh giá và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị nước ta hiện nay chưa thực sự dựa vào sự đóng góp cụ thể của cán bộ với những kết quả tạo ra sự thay đổi tích cực cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi khi có cán bộ mới được bổ nhiệm, những người liên quan có thể biết quá trình phấn đấu của họ nhưng rất khó biết họ đã làm được gì, đóng góp như thế nào cho sự phát triển của nơi họ đã công tác.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sĩ Dũng: Cần cải cách để giảm bớt gánh nặng điều hành cho bộ trưởng

“Lựa chọn bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế có thể là một tín hiệu đáng mừng, khi chúng ta bắt đầu có sự phân định tốt hơn giữa các loại hình lao động trong lĩnh vực công bao gồm chính khách, công chức, viên chức, thẩm phán, đồng nghĩa với việc coi bộ trưởng là chính khách. Tuy nhiên, nếu bộ trưởng là chính khách thì sẽ có vai trò là người lãnh đạo bộ, người đứng đầu về chính trị của bộ chứ không nên hiểu là người duy nhất điều hành công việc của bộ. Ở một số quốc gia, người điều hành công việc của bộ phải là quốc vụ khanh. Phải chăng chúng ta cũng cần cải cách để giảm bớt gánh nặng điều hành cho các bộ trưởng? Công việc của một chính khách rất nhiều, nếu bộ trưởng chịu trách nhiệm điều hành nữa thì quá tải là điều không tránh khỏi”. 

Một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên, lâu nay sự đóng góp của người tài vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước còn rất hạn chế bởi nhiều rào cản, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cũng như môi trường làm việc, cống hiến. Chúng ta đã có nhiều chính sách tuyển dụng nhân tài nhưng cơ chế “giữ chân” người tài vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải.

Bác Hồ từng khẳng định: “Sử dụng cán bộ trước hết phải vì công việc, vì việc mà bố trí người, không vì người mà giao việc. Lựa chọn được cán bộ phù hợp với công việc mới chỉ là bước đầu của việc dùng người. Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ cũng là một thất bại”. Do vậy, người biết dùng người tài, biết dùng cán bộ đặc biệt quan trọng. Đó là chức trách, nhiệm vụ của những người đứng đầu và những người làm công tác tổ chức - cán bộ. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng đội ngũ những người làm công tác tổ chức - cán bộ tâm huyết, chí công vô tư để phát hiện cho Đảng những cá nhân toàn tâm toàn ý xây dựng Đảng, phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân. Những sự việc đau lòng trong công tác cán bộ thời gian qua một phần xuất phát từ việc người làm công tác tổ chức - cán bộ chưa tham mưu đúng người cho Đảng. Muốn thực hiện tốt công tác cán bộ, trước hết cần phải củng cố cơ quan ban tổ chức cấp ủy các cấp, cơ quan tham mưu trực tiếp cho Đảng về công tác cán bộ, trong đó có nhiệm vụ trực tiếp xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ.

Dựa vào ai?

Những sự việc đáng tiếc liên quan một số cán bộ thời gian qua đã đem lại nhiều bài học sâu sắc về công tác cán bộ. Đã có cán bộ “thiếu tài, kém đức” lọt vào quy hoạch, lợi dụng những kẽ hở trong quy trình đề bạt, bổ nhiệm để “leo cao, luồn sâu” trong bộ máy. Số cán bộ bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã minh chứng việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát, lựa chọn cán bộ chưa được thực hiện tốt.

Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi bị bắt, khám xét nhà riêng của họ đều là những căn biệt thự hạng sang giữa lòng Thủ đô. Cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà, một cán bộ lãnh đạo cấp huyện bị khởi tố, khi khám xét nhà riêng mới lộ ra khối tài sản kếch xù là căn biệt thự sát biển có giá thị trường khoảng 150 tỷ đồng cùng với 4 xe ô tô hạng sang. Người cán bộ có thể không kê khai, công khai, tổ chức không biết, đồng nghiệp không hay nhưng chắc chắn người dân nơi cán bộ đó sinh sống đều biết. Bởi thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng cuối cùng cũng biểu hiện ra bên ngoài qua của cải vật chất như nhà cửa, xe cộ... Bác Hồ từng chỉ rõ: “Khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Dân biết cả đấy”. Điều này khẳng định quan điểm “dựa dân” để “lựa người” trong sàng lọc, lựa chọn cán bộ là hoàn toàn chính xác.

Thời gian tới, khi làm công tác nhân sự, đặc biệt là việc lựa chọn cán bộ cấp chiến lược, Đảng ta cần tiếp tục thực hiện theo hướng công khai, minh bạch hơn nữa. Việc lựa chọn cán bộ không chỉ cần đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ do các cơ quan của Đảng, Nhà nước thực hiện mà cần chú ý lắng nghe tiếng nói từ chính người dân nơi cán bộ, đảng viên công tác, cư trú, từ các tổ chức chính trị - xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò của người dân được biết, được giám sát, được đóng góp ý kiến trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu của Đảng, tức là tận trung với nước, tận hiếu với dân trong bối cảnh đất nước ta phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN thì phải có sự giám sát của dân.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng: Không cần phải đốt đuốc, quan trọng là hỏi dân

“Tuyển chọn cán bộ hiện nay theo kiểu hành chính, họp bàn rồi bỏ phiếu. Nghe thì có vẻ rất “oách” nhưng cuối cùng lại hỏng. Cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không được áp dụng sâu rộng. Chúng ta không cần phải “đốt đuốc đi tìm cán bộ”, cứ hỏi dân là ra. Nhưng hỏi thế nào thì phải có cách riêng, khéo léo để không bị “lộ bài”. Người làm tổ chức phải “đóng vai”, xuống địa bàn dân cư, đến cơ quan, đơn vị cán bộ công tác để thẩm tra, nắm tình hình về các mối quan hệ, gia đình… của cán bộ”. 

Làm thế nào?

Bác Hồ nhấn mạnh: Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Lần đầu tiên nước ta có một “tư lệnh” Ngành Y tế chưa được đào tạo chuyên môn về y khoa. Sau hơn 3 tháng giữ quyền điều hành một bộ quan trọng, trực tiếp chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân cả nước, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với đồng chí Đào Hồng Lan. Cần thêm thời gian để Bộ trưởng Bộ Y tế chứng tỏ năng lực của mình khi điều hành một bộ đang gặp quá nhiều khó khăn, thử thách nhưng phương án lựa chọn Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan vào vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế được đánh giá là một sự đổi mới trong tư duy “chọn người” của Đảng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương Vũ Văn Phúc: Thể chế hóa đột phá trọng dụng nhân tài

“Đại hội XIII của Đảng chủ trương phát hiện, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài cả trong Đảng lẫn ngoài Đảng. Chủ trương này rất đúng nhưng hai năm qua vẫn chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện. Thực tế, nhân tài trong Đảng và ngoài Đảng của ta rất nhiều, nhưng chưa có chính sách cụ thể, thống nhất nên người tài muốn cống hiến cũng không biết cống hiến thế nào; không được sử dụng đúng chỗ, giỏi lĩnh vực này đi làm lĩnh vực khác. Thực tế, nhiều cử nhân giỏi, xuất sắc nhưng lại đi làm công việc phục vụ. Chúng ta đang lãng phí điều này”. 

Bộ Chính trị chắc chắn đã xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng các yếu tố trong việc lựa chọn nhân sự cho chiếc ghế “Bộ trưởng Bộ Y tế”. Với những khủng hoảng nghiêm trọng cần có biện pháp giải quyết ngay tức thì như những gì Ngành Y đang đối mặt, chúng ta cần một người Bộ trưởng giỏi quản lý lãnh đạo và hoạch định chính sách hơn là một người chỉ giỏi về chuyên môn. Với kinh nghiệm là một nhà quản lý kinh qua nhiều vị trí từ Trung ương đến địa phương, hay việc lãnh đạo thành công công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, có thể chứng minh đồng chí Đào Hồng Lan là một người có năng lực lãnh đạo nổi trội và đó có thể là một phần nguyên nhân của quyết định điều động “trái thông lệ” trên.

Việc coi bộ trưởng là chính khách là điều không mới ở các quốc gia tiên tiến. Họ quan niệm bộ trưởng là những chính trị gia hơn là những nhà khoa học hoặc người làm chuyên môn. Ví dụ, bộ trưởng quốc phòng của nhiều nước không phải là tướng lĩnh quân đội. Người làm bộ trưởng cần có tầm nhìn, kỹ năng hoạch định và thúc đẩy chính sách. Đây là những kỹ năng chính trị, không phải là kỹ năng điều hành, càng không phải là kỹ năng chuyên môn.

Trong lịch sử, trường hợp phân công bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý như đồng chí Đào Hồng Lan không hiếm. Bác sỹ Trần Duy Hưng được Bác Hồ đến tận tư gia giao nhiệm vụ làm Chủ tịch TP. Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Dẫu vậy, trong 24 năm trên cương vị này, ông đã để lại cho Thủ đô rất nhiều công trình ấn tượng thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Hay khi đất nước ta vừa giải phóng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành chủ yếu trưởng thành từ quân đội, không phải ai cũng có chuyên môn đặc thù.

Thực tiễn cũng cho chúng ta thấy, việc mất đi những chuyên gia, nhà khoa học giỏi khi ta bổ nhiệm họ vào vị trí lãnh đạo, quản lý là bài học đắt giá về công tác cán bộ. Điều đó chứng tỏ chúng ta cần phải xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, sử dụng những chuyên gia cao cấp, những nhà khoa học giỏi một cách hợp lý. Có thể có chính sách, chế độ tiền lương đặc thù, phù hợp với tài năng, sự đóng góp của họ để không lãng phí nguồn trí tuệ quý cho đất nước, đồng thời giúp họ tập trung phát triển bằng chuyên môn, thay vì tiến thân chỉ theo con đường chính trị.

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất