Giảng dạy lý luận chính trị với phát triển con người toàn diện
Một buổi tọa đàm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Lý luận chính trị của Trường Cao đẳng Kinh tế -Kế hoạch Đà Nẵng.

 Định hướng này tiếp tục được Đại hội XII nhấn mạnh, xác định mô hình và mục tiêu là: Phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”.

Nhiệm vụ được đặt ra là phải chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước xác định mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khoẻ về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đến yêu cầu đổi mới giảng dạy lý luận chính trị 

Xây dựng con người toàn diện là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành giáo dục mà đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo lại đóng vai trò trực tiếp và quyết định trong quá trình xây dựng và “tạo ra” con người toàn diện. Việc giảng dạy thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ giúp làm giảm nhẹ và đẩy nhanh hơn quá trình nắm bắt các tri thức, thao tác tư duy biện chứng, giúp người ta hình thành tư duy này một cách tự giác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng(*). Giảng dạy các môn lý luận chính trị, trong đó vấn đề cốt lõi là trang bị thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho sinh viên - đội ngũ trí thức trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước nhằm trang bị cho họ không chỉ những hiểu biết sâu sắc về quy luật phát triển của đời sống  xã hội, mà còn có những phẩm chất cách mạng, lòng yêu nước, lối sống, đạo đức trong sáng để thực hiện sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. 

Giảng dạy lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn phải đổi mới không ngừng đáp ứng yêu cầu giáo dục con người toàn diện. Để thực hiện tốt điều này, theo chúng tôi công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, nhà trường cần nhận thức và đánh giá đúng vai trò của các môn lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn trong việc phát triển con người toàn diện - con người vừa hồng vừa chuyên, qua đó, có chế độ phù hợp với việc giảng dạy các môn học này trong nhà trường. Quan tâm tới xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn, giảng viên lý luận chính trị phải được đào tạo cơ bản, ngoài chuyên môn tốt, phải thật sự là tấm gương mẫu mực về nhân cách, có trách nhiệm chính trị cao, niềm tin vững vàng vào chủ nghĩa Mác-Lênin vào lý tưởng và con đường mà đảng ta đã lựa chọn.

Hai là, xây dựng nội dung giảng dạy các môn giảng dạy lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn gắn với định hướng xây dựng con người toàn diện. Nội dung của chương trình các môn học phải hướng đến việc hình thành và phát triển tư duy biện chứng cho người học; những phẩm chất đạo đức, văn hóa nhân văn của dân tộc và nhân loại; hình thành những kỹ năng mềm và năng lực xử lý tình huống.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Bốn là, thường xuyên, định kỳ việc trao đổi nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy. Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên lý luận chính trị của các trường đại học, cao đẳng đi thực tế để nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. 

--------------------------------
(*) Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152

ThS. Nguyễn Thị Minh ChâuTrường Cao đẳng Thương mại - Du lịch Hà Nội

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Mới nhất

Xem nhiều nhất